Khởi kiện vụ an hành chính là gì

Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác, khi quyền lợi ích hợp pháp đó bị xâm phạm. Để khởi kiện vụ án hành chính, công dân phải làm đơn khởi kiện, kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tòa án chỉ chấp nhận thụ lý giải quyết vụ án khi chủ thể khởi kiện tuân thủ đúng thủ tục, trình tự khởi kiện luật định. Trình tự thủ tục khởi kiện được hiểu là các công việc và thứ tự các công việc mà người khởi kiện phải thực hiện để đơn khởi kiện của họ được Tòa án xem xét và thụ lý. Trình tự tiến hành khởi kiện bắt đầu từ việc người khởi kiện gửi đơn và tài liệu kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng cách tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp, người đại diện theo ủy quyền nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.

Phương thức gửi đơn khởi kiện qua bưu điện là phương thức mới chưa được quy định trong các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây, có thể nói là sự tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện việc khởi kiện của mình. Ngoài ra, tại Điều 14 của Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/07/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính cũng hướng dẫn rất kỹ về cách tính ngày khởi kiện. Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Toà án thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn, trường hợp gửi đơn qua bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Đặc biệt, Nghị quyết số 02/2011 cũng có sự dự liệu đối với những trường hợp vì lí do nào đó mà không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì. Trong trường hợp này sẽ tùy vào ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến mà thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì ngày khởi kiện được xác định là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến, ngược lại thời hiệu khởi kiện đã hết thì Toà án phải tiến hành xác minh ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện. Nếu xác minh được ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện, còn không xác minh được ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày ghi trong đơn khởi kiện.

Khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện cần chuẩn bị đủ hồ sơ khởi kiện, bao gồm: đơn khởi kiện (theo mẫu); các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện; bản chính quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc… hoặc chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quyết định có liên quan; bản chính quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có); giấy uỷ quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện), bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân (có chứng thực hợp pháp); bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ bản chính, bản sao). Nếu nộp trực tiếp thì cần liên hệ trước với Tòa án để biết lịch nhận đơn khởi kiện cụ thể. Nếu nộp qua bưu điện thì phải ghi rõ nội dung gửi là đơn khởi kiện về việc gì và lưu giữ biên lai gửi đơn khởi kiện.

Ví dụ: Ông A nhận được quyết định xử phạt hành chính số 03/QĐ-XPHC ngày 31/3/2012 của Công an huyện B với nội dung “phạt tiền 750.000 đồng với hành vi điều khiển xe máy chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h”. Do không đồng ý với Quyết định trên, ông A đã khiếu nại đến người ban hành quyết định theo quy định của pháp luật và ngày 26/5/2012  ông A nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền với nội dung “Giữ nguyên nội dung của Quyết định số 03/QĐ-XPHC ngày 31/3/2012”. Không đồng ý với quyết định  giải quyết khiếu nại do đó ông A đã khởi kiện ra Tòa yêu cầu hủy quyết định số 03/QĐ-XPHC vì quyết định ban hành không có căn cứ và đã làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của A”.

Trong trường hợp này, ông A cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện bao gồm những loại giấy tờ sau: đơn khởi kiện, Biên bản vi phạm hành chính, Quyết định xử phạt hành chính số 03/QĐ-XPHC ngày 31/3/2012 của Cơ quan công an huyện B, Quyết định giải quyết khiếu nại, bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

Nhìn chung quy định về trình tự, phương thức nộp đơn khởi kiện theo quy định của  Luật tố tụng hành chính 2010 có nhiều tiến bộ, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính

Từ khóa liên quan số lượng

Câu hỏi ngày hỏi

Khởi kiện vụ án hành chính là gì?

Nội dung này được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tư vấn như sau:

  • Khởi kiện vụ án hành chính là Yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Trong thời hạn luật định, nếu khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước đã ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chínhkhông được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Khởi kiện vụ án hành chính được thể hiện dưới hình thức văn bản gọi là đơn kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền.


Nguồn:

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

      Khởi kiện vụ án hành chính (VAHC) là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện các quyết định  hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc,… Tuy nhiên, khởi kiện vụ án hành chính là một chuyện, còn đối tượng bị kiện đó có được thụ lý, giải quyết hay không lại là chuyện khác. Theo quy định pháp luật, vụ việc hành chính phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật Tố tụng hành chính (TTHC) mới được thụ lý và được Tòa án giải quyết. Sau đây là tìm hiểu của em về đề bài số 02: “Hãy đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể.”

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Luật tố tụng hành chính năm 2015
  • Luật tố tụng hành chính năm 2010
  • Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của luật tố tụng hành chính
  • Nghị quyết số 03/2003/NQ-HĐTP và nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP Nghi quyết hướng dẫ thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “ Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sử đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự.
  • Giáo trình Luật tố tụng hành chính Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 2014.
  • Trần Kim Liễu, Về đối tượng khởi kiện VAHC và việc thực hiện hóa Luật TTHC 2010, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 03/2011.
  • Lê Việt Sơn, Bàn về người khởi kiện và người bị kiện trong VAHC, Tạp chí Khoa học pháp lí, số 4/2013.

Khái quát chung về khởi kiện vụ án hành chính

Vụ án hành chính

      Vụ án hành chính là vụ việc tranh chấp hành chính phát sinh do cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

      Vụ án hành chính có những đặc điểm cơ bản sau: (1)VAHC phát sinh theo yêu cầu khởi kiện VAHC của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối tượng quản lí hành chính nhà nước có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại bởi QĐHC, HVHC của chủ thể quàn lí hành chính; (2) VAHC chỉ phát sinh kho được Tòa án thụ lý, tức là việc Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức; (3) VAHC có thể phát sinh sau khiếu nại hoặc nhận được QĐGQKN hành chính mà cá nhân, tổ chức không đồng tình với QĐGQKN hoặc khiếu nại không được giải quyết.

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính

Khởi kiện vụ án hành chính

      Khởi kiện VAHC có thể hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hay công chức theo quy định của pháp luật TTHC chính thức yêu cầu Tòa án thụ lý VAHC để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người mà họ đại diện bị xâm phạm bởi các QĐHC, HVHC, , quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước hoặc việc lập danh sách cử tri.

      Khởi kiện VAHC được xem là giai đoạn tiền tố tụng đầu tiên phát sinh trách nhiệm xem xét, thụ lý, giải quyết VAHC của Tòa án có thẩm quyền. Do vậy, giai đoạn này có những đặc điểm đặc trưng: (1) nội dung cơ bản của việc khởi kiện VAHC là yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét thụ lý để giải quyết VAHC; (2) Việc khởi kiện VAHC chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định; (3) Việc khởi kiện VAHC phải được thực hiện theo những hình thức và nội dung pháp luật quy định.

Tình huống cụ thể về vụ án hành chính

Tóm tắt bản án

Nội dung sau được tóm tắt từ Bản án số 01/2020/HC-ST ngày 24/07/2020 về việc khiếu kiện yêu cầu đăng ký khai sinh

      Chị Nguyễn Thị H và anh Bùi Hải L kết hôn và có con chung là cháu Bùi Minh K (tên do 2 vợ chồng dự định đặt cho cháu). Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân (sau đây gọi tắt là UBND) xã VL nơi anh L, chị H cư trú không đồng ý khai sinh cho cháu K là con chung của chị Nguyễn Thị H và anh Bùi Hải L. Nguyên nhân là do trước đó, chị H đã kết hôn với anh Hồ Anh S, cháu K được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày chị H chấm dứt quan hệ hôn nhân với anh S theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân“. Anh H cũng không có yêu cầu gì về việc nhận con do đã chấm dứt quan hệ hôn nhân với chị H và 2 bên xác nhận không có con chung với nhau. Nhận thấy việc UBND xã VL từ chối đăng ký khai sinh là không hợp lý, chị Nguyễn Thị H làm đơn khởi kiện VAHC về hành vi không thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu Bùi Minh K, và yêu cầu UBND xã VL đăng ký khai sinh cho cháu K mang tên bố là Bùi Hải L, mẹ là Nguyễn Thị H theo quy định của pháp luật. Sau khi xem xét đơn KK của chị H tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án.

Chủ thể khởi kiện

      Chủ thể khởi kiện trong tình huống này là chị Nguyễn Thị H. Trên cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 115 LTTHC năm 2015 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó”.

      Theo đó, chủ thể khởi kiện VAHC là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính (QĐHC, HVHC). Trong tình huống này, vợ chồng anh L, chị H đã nhiều lần yêu cầu UBND xã VL làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con chị là cháu Bùi Minh K (tên dự định đặt cho con) nhưng không được giải quyết, hành vi không thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ như vậy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người làm cha, làm mẹ như anh Bùi Hải L và chị Nguyễn Thị H, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cháu K.

 Đối tượng khởi kiện

      Khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi hành chính trên đều là đối tượng khởi kiện khi có đơn khởi kiện nộp cho Tòa án. Nó chỉ trở thành đối tượng khởi kiện khi thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính là “làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

      Trong tình huống này, đối tượng khởi kiện của VAHC là hành vi không thực hiện trách nhiêm của cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là không làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu Bùi Minh K có bố là anh Bùi Hải L, mẹ là chị Nguyễn Thị H.

Thẩm quyền giải quyết

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 luật TTHC năm 2015 thì tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm “Khiếu kiện QĐHC, HVHC của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ QĐHC, HVHC của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”. Trong tình huống này, đối tượng khởi kiện là hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm được giao của UBND xã VL thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Như vậy, chủ thể có thẩm quyền giải quyết trong ở đây là Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương.

Thời hiệu khởi kiện

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật TTHC năm 2015 thì “thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết VAHC bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Trong trường hợp trên thì thời hạn khởi kiện của chị H là hợp lý, vì trường hợp này là khởi kiện hành vi hành. Tại điểm a Khoản 2 Điều 116 LTTHC năm 2015 quy định điều kiện khởi kiện đối với hành vi hành chính là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được hành vi hành chính.

      Trong tình huống này ngày 02/01/2020, vợ chồng anh Bùi Hải L, chị Nguyễn Thị H đến UBND xã VL đề nghị làm thủ tục khai sinh cho con chung, hồ sơ làm khai sinh đã được UBND xã VL tiếp nhận và có giấy hẹn trả kết quả, mà ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử là ngày 10/07/2020, nên có thể nói chị H nộp đơn khởi kiện UBND xã VL trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chị H biết được hành vi hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đánh giá các quy định của pháp luật về khởi kiện VAHC

      Từ những phân tích về tình huống nêu trên, em xin đưa ra một số đánh giá một số đánh giá về các quy định của pháp luật về điều kiện khởi kiện như sau:

Quyền khởi kiện VAHC

      Để đảm bảo triệt để lợi ích của người dân, pháp luật đã quy định về quyền khởi kiện của công dân tại điều 115 Luật TTHC 2015. Điều luật này thể hiện quyền khởi kiện của bất kì cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng thể hiện các đặc điểm đó là:

  •  Quyền khởi kiện chỉ phát sinh khi cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền và lợi ích hợp của họ bị xâm hại bởi QĐHC, HVHC trái pháp luật;
  • Cơ sở để xác định quyền khởi kiện của các chủ thể trên là nằm đảm bảo bảo quyền và lợi ích của người khởi kiện không bị xâm hại bởi QĐHC, HVHC;
  •  Quyền khởi kiện chỉ được thực hiện khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện khởi kiện. Do vậy bất kì cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đều có quyền khởi kiện nếu họ có căn cứ cho rằng QĐHC, HVHC đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

      Khác với quy định pháp luật trong các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các VAHC trước đây, Luật TTHC ra đời không xác định quyền khởi kiện VAHC phải qua thủ tục khiếu nại hành chính hay là quyền phái sinh từ quyền khiếu nại của công dân. Điều này  nghĩa là người dân có quyền lựa chọn giữa việc khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền trước khi kiện ra tòa án hoặc có thể khởi kiện thẳng đến tòa án theo quy định tại Điều luật này, trừ khởi kiện về danh sách cử tri bắt buộc giải quyết qua thủ tục khiếu nại trước. Có thể nói đây là một bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính nhằm đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, tôn trọng quyền lựa chọn của người khởi kiện. Việc sớm đưa ra Tòa còn có tác dụng thúc đẩy người bị kiện có trách nhiệm hơn trong việc tự xét lại, nhanh chóng hơn trong việc tự sửa sai.

      Bên cạnh đó, Luật TTHC 2015 còn “dành quyền” lựa chọn cho người khởi kiện được quyền vừa có đơn khởi kiện VAHC tại Tòa án, vừa có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (Điều 33 Luật TTHC). Có thể thấy rằng quy định như vậy thể hiện rõ tính dân chủ, sự tôn trọng quyền lựa chọn của người dân và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khởi kiện hiện nay. Đồng thời cũng trong điều luật này quy định rõ vấn đề về xác định thẩm quyền của Tòa trong trường hợp vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại nêu trên với từng trường hợp cụ thể: QĐHC liên quan đến một người hay nhiều người. Do vậy, Tòa sẽ có những hướng dẫn chính xác và phù hợp cho người dân trong từng trường hợp vụ việc khác nhau. Từ đó thấy được việc quy định như vậy giúp người dân phần nào trong việc tiến hành thủ tục tố tụng một cách nhanh chóng, hiệu quả và thuận lợi nhất.

Chủ thể thực hiện việc khởi kiện VAHC CHH

      Chủ thể thực hiện việc khởi kiện VAHC  CHHphải đáp ứng điều kiện nhất định. Chủ      thể khởi kiện phải có năng lực pháp luật TTHC và năng lực hành vi TTHC (Điều 54 Luật TTHC 2015). Theo đó, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật TTHC như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Còn năng lực pháp luật TTHC được hiểu là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ TTHC hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia TTHC. Theo điều luật quy định thì chủ thể thực hiện quyền khởi kiện phải là người có đầy đủ năng lực hành vi TTHC, từ 18 tuổi trở lên, không có nhược điểm về thể chất và tinh thần. Chủ thể quyền khởi kiện có thể chính là người khởi kiện hoặc có thể là đại diện theo pháp luật của người khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, và đặc biệt trong Luật TTHC 2015 đã công nhận thêm chủ thể trong nhóm này bao gồm người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (khoản 4 Điều 54 Luật TTHC 2015).

      Người khởi kiện theo quy định của Luật TTHC hiện hành là “cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với QĐHC, HVHC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri)”(khoản 8 Điều 3). Có thể thấy nếu chỉ căn cứ vào khái niệm này để xác định người khởi kiện trong TTHC thì dễ gây hiểu nhầm về mặt ngữ nghĩa của khái niệm bởi lẽ bất cứ ai cũng có thể trở thành người khởi kiện trong TTHC, chỉ cần họ thực hiện hành vi khởi kiện đối với các QĐHC, HVHC. Nhưng thực tiễn áp dụng cho thấy chỉ có những cá nhân, cơ quan tổ chức bị tác động trực tiếp bởi các QĐHC, HVHC mới có quyền khởi kiện VAHC, và họ chỉ trở thành người khởi kiện trong vụ án nếu như hành vi khởi kiện của họ được Tòa án thụ lý giải quyết. Một số quan điểm nghiên cứu trên thực tiễn cho thấy, Luật TTHC và các văn bản liên quan không quy định người khởi kiện phải là người bị tác động trực tiếp bởi các QĐHC, HVHC là một hạn chế vì không phải tất cả các chủ thể bị tác động bởi QĐHC, HVHC đều có quyền khởi kiện VAHC. Mặt khác, có quan điểm cho rằng những cá nhân, cơ quan tổ chức có tên trong QĐHC mới có quyền khởi kiện VAHC và trở thành người khởi kiện. Quan điểm này là không đúng trong mọi trường hợp vì có những cá nhân, cơ quan, tổ chức mặc dù trong các QĐHC không đề cập nhưng khi thực hiện các quyết định đó họ vẫn có thể bị ảnh hưởng trực tiếp.

      Bên cạnh đó, từ khái niệm người khởi kiện và đối chiếu một số quy định của Luật TTHC (quy định tại chương IV) thì có thể thấy phạm vi người người khởi kiện rộng. Người khởi kiện trong VAHC không chỉ là cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật TTHC 2015 bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp,….. (khoản 11 Điều 3). Tuy nhiên, một điểm hạn chế hiện nay là Luật TTHC và các văn bản pháp luật TTHC vẫn không có quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định người khởi kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức, điều này gây khó khăn trong việc xác định tư cách tố tụng của người khởi kiện đối với những vụ án phức tạp.

      Một quy định nữa trong Luật TTHC hiện nay đó là quy định không cho phép các cá nhân, cơ quan, tổ chức được ủy quyền khởi kiện VAHC. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức không thể trực tiếp thực hiện quyền khởi kiện của mình khi tham gia TTHC vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan nhưng pháp luật TTHC hiện hành lại không cho phép các chủ thể được ủy quyền cho cá nhân khác khởi kiện. Chính điều này cũng góp phần dẫn đến trường hợp hạn chế quyền khởi kiện VAHC của cá nhân, cơ quan và tổ chức vì không phải ai cũng có thể tự mình thực hiện quyền khởi kiện trong trường hợp nhất định.

      Cụ thể trong trường hợp này nếu chị H vì lý do sức khỏe, hoặc nơi chị H ở xảy ra thiên tai, địch họa,… mà không thể tự mình đi khởi kiện thì quyền và lợi ích của chị H sẽ không được đảm bảo bởi hành vi hành chính của UBND xã VL.

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

      Theo quy định của pháp luật TTHC hiện hành thì đối tượng khởi kiện VAHC là các QĐHC, HVHC xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Nếu như quy định ở các văn bản pháp luật trước kia như Pháp lệnh Thủ tục giải quyết VAHC thì đối tượng khởi kiện được xác định theo phương pháp liệt kê loại việc. Tuy nhiên có thể thấy phương pháp này đã hạn chế quyền khởi kiện VAHC của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với một số loại việc. Do đó đến luật TTHC 2010 và hiện nay là Luật TTHC 2015, kỹ năng lập pháp khi xây dựng Luật TTHC đã được nâng cao đáng kể khi quy định về loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo phương pháp loại trừ. Điều này  không chỉ đáp ứng được nhu cầu mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính mà còn thể hiện tính khoa học, hợp lý của kỹ thuật lập pháp mới tiến bộ so với cách quy định liệt kê như Pháp lệnh trước đó.

      Mặc dù Luật TTHC đã quy định tượng đối rõ ràng và cụ thể về loại việc thuộc thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân, tạo điều kiện cho người dân rộng đường khởi kiện nhưng bên cạnh đó các quy định của Luật vẫn cần được giải thích, hướng dẫn một cách chi tiết như về khái niệm quyết định hành chính (như đã nêu ở phần chủ thể khởi kiện VAHC), hành vi hành chính (khi trong quá trình quản lý hành chính nhà nước mà có nhiều công việc được giao cho cơ quan nhà nước quyết định trên nguyên tắc tập thể) hay xác định rõ hơn về việc khiếu kiện về “hành vi lập danh sách cử tri” thay vì là “danh sách cử tri” bởi bản chất của việc kiện này là kiện về lập danh sách cử tri (hành vi hành chính)

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

      Theo điều 116 Luật TTHC 2015 quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết VAHC bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Như trong các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết VAHC trước đây việc quy định thời hiệu khởi kiện quá ngắn (30-45 ngày tùy trường hợp) dẫn đến tình trạng người khởi kiện không thể chuẩn bị đủ hồ sơ và các thủ tục cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước khi khởi kiện. Bởi vậy, Luật TTHC hiện nay đã khắc phục tồn tại này, quy định thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp:

  •  1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được QĐHC, HVHC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
  • 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
  • Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày. Riêng đối với cá trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại trường hợp (1), (2), thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hiệu khởi kiện không tính trong phạm vi thời hiệu khởi kiện, điều này có nghĩa là không phải 1 năm mà tùy từng trường hợp có quy định riêng.

      Có thể thấy Luật TTHC hiện hành đã quy định một cách hợp lí hơn về thời hiệu khởi kiện VAHC đối với các QĐHC, HVHC. Việc kéo dài hơn thời hiệu khởi kiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ thời gian chuẩn bị tài liệu, chứng cứ trước khi đưa vụ án ra tòa xét xử.

      Bên cạnh các quy định của LTTHC, tại điều 12 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP có hướng dẫn chi tiết cụ thể về các trường hợp xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào là “kể từ ngày nhận được”, “kể từ ngày biết được” QĐHC, HVHC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hay quy định chi tiết về các trường hợp được coi là bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Riêng đối với trường hợp hướng dẫn về thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu ở Nghị quyết 02/2011/ NQ-HĐTP đã có sự phù hợp hơn với quy định của Luật TTHC 2015. Theo đó khoảng thời gian xảy ra các sự kiện như chưa có “người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS;…” sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện. Nhưng trong quy định về đương sự ở Luật TTHC 2010 thì không bao gồm người đại diện của người bị hạn chế NLHVDS do đó quy định của Luật TTHC 2010 với Nghị quyết 02/2011 như trên là không thống nhất. Vì vậy LTTHC 2015 ra đời đã bổ sung thêm đương sự bao gồm cả người mất năng lực hành vi dân sự mà quyền và nghĩa vụ của họ thực hiện thông qua người đại diện, qua đó ta thấy được sự thống nhất của Luật TTHC và Nghị quyết hướng dẫn thi hành, từ đó tạo điều kiện áp dụng pháp luật một cách có hiệu quả hơn của các chủ thể trong quan hệ pháp luật TTHC.

      Bên cạnh những điểm tích cực, quy định thời hiệu khởi kiện vẫn còn một số hạn chế nhất định như còn hạn chế trong các trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện ngoài những trường hợp đã được quy định trong Nghị quyết 02/2011/ NQ-HĐTP nêu trên, ví dụ như trên thực tế có thể phát sinh rất nhiều sự kiện nằm ngoài quy định của pháp luật TTHC làm cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức không thể khởi kiện trong thời hạn luật định như: ốm đau, đi công tác, học tập nơi xa,… Hay việc xác định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại về QĐHC, HVHC được xác định như thế nào, đó là QĐHC, HVHC lần đầu hay QĐHC, HVHC sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế,…. để làm căn cứ xác định thời hiệu KK, thì hiện tại vẫn còn chưa có hướng dẫn cụ thể. Hạn chế này không chỉ là sự vướng mắc trên phương diện pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền KK VAHC của cá nhân, cơ quan, tổ chức và gây khó khăn cho cả Tòa án trong việc xác định THKK.

      Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính chính thức yêu cầu tòa án thụ lý án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, công chức bị xâm hại bởi các QĐHC, HVHC,… Như vậy, cá nhân người khởi kiện cần nắm rõ các điều kiện để khiếu kiện hành chính được thụ lý, giải quyết.

    Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Hãy đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.