Kinh nghiệm sống khi đi học xa nhà

Gửi các bạn trẻ đang đứng trước những ngưỡng cửa cuộc đời.

Chắc bạn đã từng nghe người ta nói hoài là thời sinh viên vui lắm, mà “vui” là thế nào í nhỉ?

Không phải vui đâu, vì vui là chưa đủ, nói đúng hơn, với tôi thì đi học xa nhà trong quãng đời sinh viên thật sự là một hành trình, một chặng đường với nhiều niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng, trải nghiệm, để mỗi chúng ta từ đó, dù có va vấp, mỉm cười hay rơi nước mắt thì đều chín chắn, trưởng thành và lớn lên… 

Đi học xa nhà, là lúc miếng ăn, giấc ngủ, chuyện vui buồn tự mình lắng lo…

Không như lúc ở nhà là công chúa của ba, hoàng tử của mẹ, đi học xa nhà, bạn sẽ phải tự lo liệu mọi việc cho chính bản thân mình. Không ai nấu cho bạn những bữa ăn ngon, dặn đi chơi về sớm hay ngủ đúng giờ… Cuộc sống xa nhà luôn gắn liền với 2 chữ “tự lập”.

Tuy vậy, đây cũng là khoảng thời gian bạn được tự do, bắt đầu học để tự làm lấy mọi việc, bắt đầu thấu hiểu, cảm thông để biết bố mẹ đã yêu bạn nhiều đến thế nào!

Đi học xa nhà, là thật sự được sống với chính bản thân mình

Văn hoá ở các gia đình Việt Nam thì người lớn nhiều kinh nghiệm, hiểu biết và bạn luôn là một đứa con bé bỏng luôn cần được dạy dỗ, yêu chiều. Đi học xa nhà thì khác, bạn sẽ sống cùng những người bạn đồng trang lứa, có thể là trong kí túc xá, phòng trọ, những người có cùng độ tuổi, cùng quyền lợi, trách nhiệm, nhưng lại rất khác nhau về tính cách, văn hoá, quan điểm sống, vùng miền. Tranh cãi, sự tức giận có thể xảy ra, nước mắt cũng có thể rơi xuống. Không ai yêu bạn như bố mẹ nữa rồi!

Nhưng có hề gì, đó mới là lúc bạn thể hiện tính cách thực sự của chính bản thân mình, không dưới sự áp đặt hay quan điểm sống thường nhật ở gia đình, bạn có những quan điểm riêng, thấu hiểu về trách nhiệm và biết bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi sống cùng tập thể. Bạn tự học cách tranh cãi khi cần thiết, và cũng biết nhúng nhường hơn để giữ gìn cho những mối quan hệ, những tình cảm tốt đẹp.

Tin tôi đi, tình bạn khi học chung, làm chung có thể xa, nhưng nếu sống cùng nhau mà vẫn yêu quý và làm bạn thân thiết thì đó chắc chắn sẽ là những người bạn chí cốt để băng qua tháng rộng, năm dài.

Môi trường học cởi mở

Vì sao tôi gọi đó là “cởi mở”, đơn giản là bởi bạn sẽ phải tự ý thức, tự quản lý lấy việc học của chính mình. Có người bảo học Đại Học, Cao Đẳng chán lắm, không ai quản lý, tha hồ đi trễ, bùng tiết, thi có rớt thì thi lại, học lại thôi.

Nhưng có người lại xem Đại Học là một hành trình thú vị. Không như chương trình học ở thời cấp 3, các môn học ở giai đoạn này đòi hỏi bạn đầu tư nhiều thời gian hơn để làm việc nhóm, trao đổi và phát triển khả năng tự học của chính mình. Đây cũng là cơ hội để rèn luyện khả năng tư duy, quan sát, suy nghĩ đa chiều hướng, khả năng làm việc nhóm, trao đổi, kết hợp với mọi người.

Bậc học Cao Đẳng - Đại Học cũng gắn liền với nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, ngoài Đoàn Hội sinh viên ở trường thì còn có các tổ chức cộng đồng, thiện nguyện… giúp bạn nâng cao kỹ năng mềm, có thêm mối quan hệ, kinh nghiệm, trải nghiệm và dĩ nhiên là những người bạn mới…

Những va vấp, trải nghiệm

Tôi còn nhớ cái thời mình mắt tròn, mắt dẹt trước những buổi hội thảo đa cấp hào nhoáng về thành công, những cạm bẫy luôn rình rập với những bạn sinh viên năm nhất, nói đúng ra thì bởi các bạn còn nhỏ tuổi, “ngáo ngơ” và ngây thơ trước mọi lời hoa mỹ của cuộc đời mà! Chỉ mong là bạn đủ sáng suốt để tìm tòi, nghiên cứu, để nghe lời khuyên nhủ của thầy cô, đàn chị, đàn anh, những người đáng tin cậy và hiểu biết hơn để tránh xa cạm bẫy, biết đâu là giá trị của sức lao động và sự chân chính trong tâm thế của mỗi con người.

Đi học xa nhà còn là một hành trình của những công việc làm thêm. Hãy sắp xếp thời gian khoa học để có thể vừa học, vừa làm. Bước chân vào môi trường công việc sẽ giúp bạn mở rộng tầm mắt, học hỏi, phát triển nhanh nhạy hơn rất nhiều và cơ hội việc làm cũng đến nhiều hơn hẳn những bạn trẻ chỉ biết học và học.

Và là một hành trình để tìm thấy đam mê…

Không có gì lạ khi nhiều bạn trẻ tìm ra thứ mình thật sự yêu thích lại khác với chuyên ngành đang học ở trường. Đơn giản vì thời cấp 3, nếu không được định hướng rõ ràng thì ngành nghề bạn chọn chỉ dựa trên cảm tính cá nhân, sự tư vấn từ gia đình hay xu hướng của bè bạn, môi trường sống tự lập ở giai đoạn này đẩy bạn vào những hoàn cảnh khác nhau, trải nghiệm nhiều và đến một lúc nào đó, bạn phát hiện có một công việc, một lĩnh vực mà bạn thực sự bị hấp dẫn và có thể làm nó với trọn vẹn cả trái tim mình.

Thế đấy, thời sinh viên mà phải đi học xa nhà, nhiều buồn, nhiều vui và nhiều điều đáng nhớ.

Vậy nên hãy cứ trở thành sinh viên đi, học xa nhà, để thấy mình lớn lên, trưởng thành qua từng năm tháng, yêu mẹ, yêu cha và tự dùng đôi tay xây đắp nên cuộc đời!

Đây là thời gian các bạn tân sinh viên đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ để dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bạn đang nghĩ đến một cuộc sống mới, cuộc sống của những tân sinh viên phải học xa nhà, vậy bạn cần chuẩn bị cho mình những hành trang gì để những năm tháng sinh viên thực sự có ý nghĩa.
Cuộc sống xa nhà cũng chính là dịp để bạn trải nghiệm với những điều mới mẻ, tuy nhiên đó cũng là lúc bạn cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hành động của mình và phải xử lý tất cả các vấn đề của riêng mình mà không có sự giúp đỡ của bố mẹ. Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp bạn chuẩn bị tâm lý trước khi khăn gói ra khỏi nhà lên đường đi học.

1. Chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ tùy thân đầy đủ

Đối với các bạn đi học xa nhà thì việc chuẩn bị hồ sơ giấy tờ phải thật đầy đủ, tốt nhất bạn nên chuẩn bị các giấy tờ theo hướng dẫn của giấy nhập học, ngoài ra bạn cần photo thêm 2-3 bản một số giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy tạm trú tạm vắng, ảnh... vì nó cần thiết để dùng khi thuê phòng trọ, đăng ký ở ký túc xá, làm thẻ sinh viên hay xin việc làm thêm...Việc chuẩn bị đầy đủ như vậy mới giúp bạn chủ động trong mọi hoàn cảnh, đừng để mình bị động khi đến nơi mới biết mình thiếu cái nọ, không có cái kia, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý cũng như cuộc sống trong thời gian đầu tự lập của mình nhé.

* Lưu ý: Bạn cần giữ các giấy tờ này cẩn thận để tránh kẻ gian lợi dụng và tốn thời gian, chi phí làm lại nếu mất.

2. Đồ dùng cá nhân

Bạn nên chuẩn bị sẵn đồ dùng cá nhân cần thiết để sử dụng trong thời gian đầu, cũng như mang theo 2-3 bộ quần áo mới để thay đổi trong những ngày đầu nhập học. Đến khi cần bạn có thể mua sắm thêm cho phù hợp với môi trường và khí hậu nơi ở mới. Có như vậy bạn sẽ chủ động hơn trong việc hòa nhập với môi trường sống mới.

3. Cân nhắc chỗ ở và phương tiện đi lại

Vấn đề nhà ở luôn là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các bạn sinh viên mà nhất là những sinh viên mới. Đối với những bạn có người quen thì sẽ dễ dàng hơn chút, còn những bạn chỉ có một mình thì việc chọn ở ký túc xá trong trường là lựa chọn tốt nhất vì giá rẻ, điều kiện sống tốt, an toàn và đặc biệt tiện đi lại cho việc học trong trường. Nếu bạn không đăng ký được phòng ở ký túc xá thì chắc chắn bạn phải tìm nhà trọ, lúc này bạn cần cẩn thận với các trung tâm, người mô giới vì rất dễ xảy ra trường hợp tiền mất tật mang.
Bạn có thể nhờ các anh chị khóa trên giúp đỡ để tìm các phòng trọ gần trường học để thuận tiện đi lại hoặc liên hệ với một số người bạn học cùng thành phố để tìm nhà ở chung. Lúc đầu chưa quen bạn nên có một tấm bản đồ trong người để tránh bị lạc và phương tiện công cộng là xe bus với chi phí khá rẻ và hợp lý nên bạn nên làm quen và tìm hiểu để thuận tiện cho việc đến trường học tập.

4. Tìm một người bạn "tâm đầu ý hợp"

Không gì giúp xoa dịu nỗi buồn hay sự cô đơn nơi đất khách là có một người bạn để cùng học tập, cùng xem phim hoặc chỉ đơn giản là ngồi chia sẻ, tâm sự cùng nhau. Đừng chần chừ, bạn nên tận dụng mạng xã hội để làm quen với những người bạn nơi bạn sắp đến. Ngoài ra, đó cũng có thể sẽ là người sẽ sống cùng phòng để chia sẻ bớt chi phí cho bạn và cùng bạn vượt qua rào cản văn hóa.

5. Học nấu những món ăn cơ bản

Đi học xa nhà đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải sống tự lập không còn được sự bao bọc của bố mẹ nữa, đi học về bạn phải tự tay chuẩn bị bữa ăn cho chính mình, vì vậy bạn nên học nấu một số món ăn cơ bản để tập làm quen và thích nghi dần với cuộc sống. Không chỉ thế việc tự nấu ăn còn giúp bạn tiết kiệm tiền cũng như có một bữa ăn ngon, sạch đảm bảo dinh dưỡng thay vì đi ăn cơm bụi để đảm bảo vệ sinh cũng như sức khỏe của chính bản thân mình.

6. Lập kế hoạch tài chính cho mình

Bạn phải thống kê được chi tiêu bao nhiêu cho mỗi tháng. Thường sẽ chia thành hai loại chi phí: chi phí cố định và chi phí không cố định. Chi phí cố định là những khoản bạn phải chi ra đều đặn hàng tháng như tiền nhà, hoá đơn điện nước, tiền học, ăn uống. Chi phí không cố định thường thay đổi mỗi tháng như tiền dành cho các khoản học thêm, mua sắm, điện thoại, đi lại, giải trí... Bạn nên theo dõi khoản chi phí không cố định này trong vòng ba tháng và đưa ra một con số ước tính bình quân. Hãy thiết lập rõ ràng các mục đích chi tiêu và mục đích tiết kiệm cho từng khoản tiền để bản thân không bị nhầm lẫn.

7. Tìm hiểu về môi trường sống mới

Hiện nay internet rất phát triển vì thế trước khi đến một môi trường mới hoàn toàn để bắt đầu quãng thời gian sinh viên bạn nên tìm hiểu về thời tiết, khí hậu, con người, phong cách sống nơi đó và đặc biệt là bạn phải tìm hiểu qua về môi trường học cũng như phương pháp học qua các group, fanpage, trang website của trường để hiểu những thứ cơ bản nhất giúp bạn dễ hòa nhập nhanh để có hiệu quả nhất nhé.

8. Tinh thần tự lập, cầu tiến

Con đường đại học dường như là bước tiến mới trong cuộc sống của bạn, vì thế bạn cần chuẩn bị một tinh thần cho cuộc sống xa nhà, độc lập về mọi thứ, bạn sẽ phải tự lo và tự giải quyết cũng như tự chăm sóc cho chính mình, từ việc ăn, ngủ, nghỉ, đến việc học, mọi thứ bạn cần chủ động vì sẽ không còn bố mẹ ở cạnh để nhắc nhở bạn như khi còn ở nhà nữa, vì thế bạn cần phát huy tinh thần tự lập của bản thân mình nhé.Ngoài tinh thần tự lập bạn cần có một tinh thần cầu tiến. Bạn cần tin vào năng lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám mơ ước có như vậy với giúp bạn mạnh mẽ và vững vàng hơn để đạt được nhiều thành tích quan trọng và bước tới thành công một cách dễ dàng nhất. Để làm được điều đấy bạn cần có tư tưởng chăm chỉ học ngay từ đầu, từ những môn học đầu tiên. Để có thành tích tốt, đó sẽ là ấn tượng tốt cho các nhà tuyển dụng thay vì một bảng điểm không đẹp và nhiều môn thi lại.

Nhớ bạn nhé, điều này rất quan trọng đấy.

9. Tránh xa mọi cạm bẫy

Cuộc sống tự do đồng nghĩa với việc bạn sẽ được làm quen tiếp xúc với nhiều người, điều này vô hình chung sẽ dẫn đến các mối quan hệ ngoài luồng, tốt có, xấu có. Chính vì vậy bạn nên có cho mình một tư tưởng nhiệm vụ chính của bạn là học tập chứ không phải là tận hưởng cuộc sống tự do và thoải mái. Đã có rất nhiều bạn sinh viên đã phải từ bỏ giảng đường chỉ vì những thú vui không lành mạnh hay tình yêu mù quáng...để rồi lỡ dở hối hận cả đời.

10. Học tiếng anh

Ngoại ngữ giờ đang là một yếu tố quan trọng giúp bạn khi ra trường có được một công việc tốt, thu nhập cao chính vì vậy ngay từ khi là những sinh viên năm đầu bạn nên củng cố kiến thức cho mình. Với việc học ngoại ngữ không chỉ là ngày một ngày hai mà nó là cả một quá trình vì thế bạn cần có một tinh thần nghiêm túc thay vì chống đối học ngoại ngữ chỉ để lấy chứng chỉ để đi xin việc.

Trên đây là một số những hành trang để giúp bạn chuẩn bị ngay từ bây giờ để bạn có thể rút kinh nghiệm cũng như có những chuẩn bị thật tốt giúp mình dễ dàng hòa nhập vào một môi trường mới. Cuộc sống của bạn, tương lai, sự nghiệp sẽ do chính bạn nắm bắt. Hãy tìm hiểu để hòa nhập với mọi thứ ngay từ bây giờ để giúp bạn hoàn thiện hơn, tự tin để bước vào cuộc sống mới, thế giới mới của một sinh viên xa nhà bạn nhé.

Bởi dia-diem.net

Video liên quan

Chủ Đề