Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 xác định nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là

Trình bày nội dung xác định nhiệm vụ cách mạng ở Cương lĩnh chính trị tháng 2/1930 và Luận cương chính trị tháng 10/1930. Chỉ ra sự khác nhau trong việc xác định nhiệm vụ cách mạng ở hai văn kiện này?

Trả lời:

Hai văn kiện này đều có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ lịch sử, giúp cho cách mạng Việt Nam có bước đi đúng đắn trên con đường giải phóng dân tộc giải phóng con người.

- Hai văn kiện Cương lĩnh tháng 2/1930 và Luận cương tháng 10/1930 có những điểm giống nhau như đều xác định tính chất của cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đều có mục tiêu là độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, đều xác định lực lượng cách mạng chủ đạo là tầng lớp công nhân và nông dân. Tuy nhiên xét về nội dung nhiệm vụ cách mạng ở hai văn kiện có sự khác nhau.

+ Trong Cương lĩnh tháng 2/1930 xác định kẻ thù và nhiệm vụ cách mạng trước hết là đánh đổ đế quốc sau đó mới là tiêu diệt phong kiến và tay sai phản cách mạng. Nhiệm vụ dân tộc được đặt lên hàng đầu rồi theo sau là nhiệm vụ dân chủ. Do đó mục tiêu của Cương lĩnh tháng 2 là làm sao cho nhân dân được độc lập, tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, dân chủ, bình đẳng, tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian và tài sản của Pháp chia cho dân cày nghèo, thành lập chính phủ công - nông - binh và tổ chức quân đội công nông thi hành các chính sách dân chủ bình đẳng.

+ Còn trong Luận cương chính trị tháng 10/1930 xác định nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh giai cấp, đánh đuổi bọn phong kiến và đế quốc để nhân dân hoàn toàn tự do và chia ruộng đất cho dân cày. Luận cương xác định đặt mâu thuẫn giai cấp lên trên mâu thuẫn dân tộc, tiến hành cải cách ruộng đất triệt để và đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai nhiệm vụ dân chủ và dân tộc được tiến hành cùng một lúc và có quan hệ khăng khít với nhau vì có đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa mới phá được giai cấp địa chủ và có đánh tan chế độ phong kiến mới lật đổ được đế quốc chủ nghĩa. Trong hai vấn đề này Luận cương xác định: vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng dân quyền là cơ sở để Đảng giành quyền lãnh đạo dân cày.

+ Việc xác định nhiệm vụ như vậy của Luận cương đã đáp ứng những yêu cầu khách quan đồng thời giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản lúc bấy giờ là mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên Luận cương chưa xác định được kẻ thù, nhiệm vụ hang đầu ở một nước thuộc địa nửa phong kiến là đấu tranh dân tộc chứ không phải đấu tranh giai cấp, mục tiêu là đem lại quyền lợi cho toàn bộ giai cấp trong xã hội chứ không chỉ đem lại quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự khác biệt đó xuất phát từ cái nhìn, tầm nhận thức của hai tác giả [Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú] về đặc điểm tình hình xã hội Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ. Cụ thể:

Trần Phú [người biên soạn Luận cương chính trị tháng 10] do một thời gian dài sống và học tập ở Liên Xô nên chịu ảnh hưởng nhiều bởi khuynh hướng tả của giai cấp vô sản đồng thời không hiểu rõ về đặc điểm xã hội Việt Nam nên không nhận thức được mâu thuẫn gay gắt nhất là mâu thuẫn dân tộc chứ không phải mâu thuẫn giai cấp. Vì vậy Trần Phú đã áp dụng một cách dập khuân, máy móc, giáo điều chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam dẫn đến trong luận cương tháng 10/1930 đặt lợi ích giai cấp lên trên lợi ích dân tộc nên không đề ra một chiến lược đoàn kết dân tộc rộng rãi, không thu hút được đông đảo tầng lớp giai cấp khác cùng chống chủ nghĩa đế quốc.

Ngược lại, Nguyễn Ái Quốc hơn ai hết hiểu rất rõ về tình hình, đặc điểm cách mạng Việt Nam, nhận thức rõ mâu thuẫn gay gắt nhất lúc này là mâu thuẫn dân tộc. Do vậy tại Cương lĩnh tháng 2/1930 Nguyễn Ái Quốc đã đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích giai cấp và xác định nhiệm vụ cách mạng hàng đầu Việt Nam là chống đế quốc giành độc lập dân tộc. Từ đó đề ra chiến lược đại đoàn kết dân tộc rộng rãi để có thể đoàn kết tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ chống đế quốc.

Tóm lại, cả hai văn kiện đều có ý nghĩa hết sức to lớn cùng với sự ra đời của Đảng đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Luận cương cũng đã tiếp thu được quan điểm chủ yếu của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, xác định nhiệm vụ nòng cốt của cách mạng. Tuy nhiên luận cương còn nhiều hạn chế như chưa nắm vững đặc điểm của xã hội thuộc địa nửa phong kiến, áp dụng máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện hoàn cảnh nước ta. Trái lại, Cương lĩnh thể hiện sự nắm bắt rất rõ về tình hình lịch sử, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tế cách mạng Việt Nam, kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế cộng sản, tạo ra sự đoàn kết lực lượng cách mạng đem lại thắng lợi cho phong trào đấu tranh, đáp ứng nhu cầu khách quan của lịch sử và xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Video liên quan

Chủ Đề