Mối quan hệ giữa nhà nước với cơ sở kinh tế như thế nào

Mối quan hệ giữa nhà nước với cơ sở kinh tế như thế nào
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nhận diện mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và phát triển đô thị

Vai trò và giới hạn của Nhà nước trong quản lý và phát triển đô thị

Nhà nước là chủ thể quản lý và phát triển đô thị (PTĐT) thông qua thiết lập định hướng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kiến tạo thể chế, môi trường, tổ chức không gian trong quản lý và PTĐT. Những yếu tố này là điều kiện quan trọng quyết định cho sự PTĐT. Nhà nước đưa ra những dự báo, thông tin đa dạng, toàn diện về các lĩnh vực liên quan đến PTĐT, định hướng cho sự phát triển của thị trường, doanh nghiệp (DN) và xã hội liên quan đến đô thị.

Tuy nhiên, Nhà nước cũng có những giới hạn trong quản lý và PTĐT. Đời sống và nhu cầu PTĐT rất đa dạng trong khi các chính sách, pháp luật của Nhà nước không thể bao phủ hết, có những khoảng hở, khoảng mờ mà chính sách, pháp luật chưa bao quát được. Điều này đòi hỏi cần có thị trường, DN, cộng đồng xã hội tham gia.

Nhà nước thiết lập chiến lược, quy hoạch PTĐT, kiến tạo ra diện mạo của đô thị trong hiện tại và tương lai. Quy hoạch phù hợp là điều kiện cần cho sự phát triển bền vững của đô thị và ngược lại, quy hoạch không phù hợp sẽ tạo ra điểm nghẽn, rào cản cho phát triển, phá vỡ triển vọng phát triển của đô thị. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa quy hoạch đô thị, mục tiêu, tầm nhìn PTĐT không thể chỉ có vai trò, bàn tay của Nhà nước. Trong khi Nhà nước không có đủ nguồn lực để đầu tư cho phát triển và cũng không bảo đảm thực hiện có hiệu quả nếu thiếu vắng sự tham gia của thị trường và xã hội. Giới hạn vai trò của Nhà nước trước hết là sự khan hiếm về nguồn lực, khi Nhà nước cần thực hiện nhiều ưu tiên đầu tư phát triển, không chỉ là đầu tư cho PTĐT. Quá trình hoạch định và thực thi chính sách, thể chế luôn có những độ trễ nhất định dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý bị ảnh hưởng.

Vai trò và khuyết tật của thị trường, doanh nghiệp trong quản lý và phát triển đô thị

Thị trường, DN tham gia vào quá trình quản lý và PTĐT với vai trò là đối tượng quản lý, chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách PTĐT. Thị trường, DN với nguồn lực về tài chính, khoa học – công nghệ có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu PTĐT, biến các mục tiêu chính sách thành kết quả PTĐT. Trên thực tế, khu vực thị trường, DN hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống của đô thị, từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội, từ kinh tế đến văn hóa – xã hội. Sự hiện diện của DN và thị trường là động lực quan trọng cho sự PTĐT. Các đô thị có DN mạnh, thị trường mạnh cũng chính là những đô thị phát triển.

Tuy nhiên, các DN có xu hướng đi theo mục tiêu lợi nhuận, đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều lợi nhuận. Vì vậy, có một số lĩnh vực cần cho PTĐT nhưng không thu hút được sự quan tâm của các DN, do không có lợi nhuận lớn hoặc thời gian thu được lợi nhuận kéo dài. Bên cạnh đó, đầu tư PTĐT thường có quy mô vốn đầu tư lớn nên các DN cần có sự liên kết, hợp tác trong khi các DN cùng ngành thường có sự cạnh tranh với nhau hoặc ở một xu hướng khác là cố kết, tạo sức mạnh để duy trì độc quyền mua, độc quyền bán, phá vỡ cân bằng thị trường nếu thiếu sự quản lý và kiểm soát hiệu quả của Nhà nước.

Vai trò và hạn chế của xã hội (tổ chức xã hội, doanh nghiệp xã hội, tổ chức tự quản cộng đồng, gia đình, người dân) trong quản lý và phát triển đô thị

Quá trình quản lý và PTĐT không thể tách rời vai trò của Nhà nước, thị trường và xã hội. Nếu như Nhà nước thiết lập mục tiêu, kiến tạo môi trường, là chủ thể quản lý, thị trường phân phối nguồn lực, đầu tư phát triển thì xã hội tham gia vào quá trình quản lý và PTĐT với vai trò là một trong các chủ thể cung cấp nguồn lực cho PTĐT, chủ thể tham gia vào quá trình quản lý và PTĐT, đối tượng thụ hưởng, chịu tác động của chính sách PTĐT. Bản thân Nhà nước, thị trường có những giới hạn của mình trong quản lý và PTĐT. Nhà nước cần phải giải quyết bài toán mục tiêu lợi ích cho đại bộ phận, lợi ích chung, thị trường giải quyết bài toán phát triển theo mục tiêu lợi nhuận, vì vậy, có những khía cạnh, những lĩnh vực của PTĐT có những khoảng trống, những điểm thấp, những thiếu hụt cần có vai trò xã hội. Xã hội bù đắp những thiếu hụt này để tạo ra sự hài hòa trong PTĐT.

Tuy nhiên, do tính đa dạng của mình, sự tham gia của xã hội vào quản lý và PTĐT gặp những giới hạn. Các giai tầng, cộng đồng, nhóm xã hội rất đa dạng, tính thuần nhất không cao, dễ tạo ra tình trạng phân tán, nếu thiếu cơ chế huy động, tập hợp xã hội thống nhất. Các tổ chức xã hội có lúc, có nơi quan tâm chủ yếu đến lợi ích của thành viên mà chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích chung của toàn xã hội, hình thành nên các nhóm lợi ích đa dạng nhiều khi xung đột nhau. Hoạt động phi lợi nhuận cũng là khu vực mà DN dễ lợi dụng tìm cách trốn thuế, chuyển giá; còn nếu dựa vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì tiềm ẩn nguy cơ bị hành chính hóa, làm hạn chế tính tự chủ, tính đại diện bảo vệ cho quyền lợi hội viên.

Những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và phát triển đô thị

Một là, việc phân chia địa giới, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) ở đô thị vẫn được tiếp cận theo hướng quản lý hành chính nhà nước tương tự quản lý khu vực nông thôn. Nếu như ở nông thôn, sự phân định địa giới các đơn vị hành chính có những dấu hiệu tự nhiên để nhận diện thì đô thị luôn là một thể thống nhất. Sự phân định địa giới hành chính trong đô thị chỉ có ý nghĩa tương đối khi dòng chảy dịch vụ công, các yếu tố hạ tầng đô thị luôn thống nhất, liền mạch và không thể phân chia. Việc phân chia địa giới hành chính chủ yếu để quản lý dân cư nhưng tạo ra những khó khăn trong quản lý, dẫn đến khó xác định được trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với các vấn đề phát sinh, thậm chí buông lỏng quản lý ở địa bàn giáp ranh giữa hai đơn vị hành chính của đô thị.

Mặc dù bước đầu có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên, về cơ bản bộ máy chính quyền ở đô thị chưa có nhiều khác biệt so với chính quyền ở nông thôn khi vẫn tồn tại ba cấp hành chính, trong khi đó đặc điểm của đời sống đô thị, dân cư đô thị có nhiều khác biệt. Sự đa dạng của dân cư đô thị, nhu cầu về dịch vụ công, sự đa dạng về các hoạt động kinh tế đòi hỏi bộ máy QLNN về đô thị cần phù hợp hơn. Khung thể chế cho quản lý đô thị cũng còn những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình quản lý và PTĐT.

Hai là, thể chế quản lý đô thị mới chú ý đến việc quản lý đời sống đô thị, nhìn thị trường và xã hội là đối tượng quản lý mà chưa có những quy định thực sự đầy đủ để phát huy vai trò là người tham gia của thị trường và xã hội vào quá trình quản lý và PTĐT. Chính vì vậy, việc định danh vai trò, trách nhiệm của thị trường và xã hội trong quản lý và PTĐT thường mang tính định hướng, khái quát mà chưa được cụ thể. Sự tham gia của thị trường và xã hội vào quá trình quản lý và PTĐT như thế nào, bằng cách nào, vào những nội dung nào vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện.

Việc thiếu khung thể chế về thị trường và xã hội trong quản lý và PTĐT cũng dẫn đến sự tham gia của thị trường và xã hội vào quá trình PTĐT mang tính tự phát, trong một số trường hợp khi có vấn đề phát sinh, các cơ quan QLNN thiếu các quy định cần thiết để xử lý.

Ba là, ở khu vực thị trường, DN, ngoài trách nhiệm xã hội luôn quan tâm đến vấn đề lợi nhuận. Các DN có xu hướng dành vốn đầu tư cho các ngành, lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn cao mà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến các lĩnh vực có rủi ro cao, cần nhiều thời gian để thu được lợi nhuận. Đầu tư vào thị trường bất động sản, thị trường nhà ở, kinh doanh thương mại luôn có sức hấp dẫn đối với thị trường, DN ở các đô thị, trong khi các lĩnh vực đầu tư về hạ tầng xã hội, các lĩnh vực đầu tư liên quan đến các nhóm đối tượng yếu thế trong đời sống đô thị, khu vực thị trường, DN tham gia tương đối ít, nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, với xu hướng tối đa hóa lợi nhuận, thị trường có thiên hướng không quan tâm đầy đủ, thậm chí hy sinh lợi ích công cộng. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị. Đồng thời, do nhiều nguyên nhân, thị trường không ít trường hợp có tính tự phát, chạy theo lợi nhuận nên gây ra những khủng hoảng khác nhau, ảnh hưởng đến đời sống của đô thị.

Bốn là, sự tham gia của xã hội vào quá trình quản lý và PTĐT còn một số hạn chế trên các phương diện. Tính chủ động trong tham gia vào quá trình quản lý đô thị của cộng đồng xã hội vẫn còn hạn chế nhất định. Sự phản hồi về chính sách PTĐT chưa được cộng đồng xã hội chú ý. Mặt khác, do tính đa dạng của cộng đồng xã hội nên cũng đa dạng về lợi ích. Xu hướng phân tán về mục tiêu, định hướng dẫn đến việc thỏa mãn, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của xã hội trong quản lý và PTĐT gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp nhu cầu của xã hội, nhu cầu của DN và mục tiêu phát triển của Nhà nước còn có mâu thuẫn, khác biệt cần có phương án giải quyết để hài hòa lợi ích.

Cơ chế, chính sách đối với xã hội trong quản lý và PTĐT còn những khiếm khuyết. Cơ chế về sự tham gia của xã hội vào quản lý và PTĐT vẫn tương đối phân tán, rải rác trong các quy định khác nhau và khó nắm bắt. Nhận diện yếu tố xã hội trong quản lý và PTĐT vẫn thiếu thống nhất trong quá trình quản lý dẫn đến việc huy động sự tham gia không đầy đủ. Xã hội trong quản lý và PTĐT cần được hiểu là hệ thống xã hội với các thành phần, cấu trúc, các mối quan hệ xã hội phức tạp là một yếu tố quyền lực đạo đức, văn hóa, xã hội bên cạnh quyền lực chính trị (Nhà nước) và quyền lực kinh tế (thị trường).

Định hướng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và phát triển đô thị

Thứ nhất, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội nhằm phát huy mọi nguồn lực để quản lý và PTĐT bền vững. PTĐT bền vững tất yếu cần có sự kết hợp hài hòa vai trò của Nhà nước, thị trường và xã hội. Nhà nước thiết lập mục tiêu PTĐT bền vững, xác định các yếu tố, các tiêu chí phát triển bền vững đô thị và lãnh đạo, điều phối quản lý và PTĐT theo những mục tiêu này. Nhà nước là kiến trúc sư trưởng trong sự PTĐT, nếu buông lỏng vai trò này thì sự phát triển của đô thị nhất định gặp khó khăn, mất cân đối, có nhiều điểm nghẽn. Với vai trò kiến tạo chính sách PTĐT, Nhà nước có thể tạo ra những cú huých, thay đổi dòng vốn, dòng đầu tư PTĐT. Bên cạnh đó, với vai trò là chủ thể, là khách hàng lớn đối với thị trường, sự đầu tư ban đầu, dẫn dắt của Nhà nước có thể tạo ra những thay đổi trong xu hướng đầu tư của thị trường và xã hội cho PTĐT.

Quá trình PTĐT bền vững liên quan đến các thành tố của đô thị, vì vậy, bản thân Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để thực hiện. Những giới hạn về nguồn lực, giải quyết vấn đề ưu tiên đầu tư, lợi ích chung tất yếu có những nội dung bản thân Nhà nước không thể giải quyết triệt để một số vấn đề trong ngắn hạn, vì vậy, PTĐT không thể tách rời vai trò, sự tham gia của xã hội và thị trường. Thị trường là yếu tố tạo ra sự sinh động trong đời sống đô thị, tạo ra dòng chảy của các loại hàng hóa trong quá trình PTĐT. Các tổ chức xã hội thực hiện vai trò phản biện chính sách, góp phần khắc phục những khiếm khuyết trong chính sách và thực hiện vai trò giám sát đối với sự vận hành của các cơ quan nhà nước và thị trường. Vai trò của xã hội nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần lành mạnh hóa các hoạt động của các cơ quan nhà nước và thị trường, bảo đảm mục tiêu sự phát triển bền vững của đô thị.

Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với các đặc điểm, yêu cầu quản lý và PTĐT.

Sự phát triển của đô thị có những đặc trưng riêng về nguồn lực, quy luật vận động, điều căn bản và trước hết là Nhà nước cần tạo ra cơ chế cho thị trường và xã hội vận hành. Nhà nước thực hiện đúng và hiệu quả vai trò chủ thể quản lý, tạo ra thể chế cho PTĐT, tổ chức thực hiện, giám sát quá trình này. Sự tham gia trực tiếp của Nhà nước vào quá trình PTĐT chỉ nên gắn với các lĩnh vực mà khu vực thị trường, xã hội không thể làm, không muốn làm, không được làm, những lĩnh vực liên quan đến an ninh, an toàn của đô thị, lĩnh vực quốc phòng. Nhà nước thiết lập tầm nhìn cho sự phát triển của đô thị, tạo ra xu hướng vận động của thị trường và xã hội theo mục tiêu PTĐT.

Tuy nhiên, việc thiết lập tầm nhìn, mục tiêu cho sự phát triển của đô thị không phải là việc là riêng của Nhà nước mà luôn cần có sự tham gia của xã hội và thị trường. Thị trường là nơi phân bổ hiệu quả các nguồn lực của xã hội, vì vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu PTĐT cần có sự tham gia và phát huy vai trò của yếu tố thị trường và xã hội. Lắng nghe tiếng nói từ thị trường, từ xã hội là một kênh thông tin quan trọng để thiết lập tầm nhìn đô thị và PTĐT.

Thứ ba, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trên cơ sở phát huy các chức năng và tiềm năng, lợi thế, đồng thời hạn chế những khuyết tật vốn có của từng khu vực trong quản lý và PTĐT.

Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội nhằm phát huy vai trò của mỗi chủ thể; đồng thời, góp phần hạn chế những khuyết tật vốn có của mỗi chủ thể trong quản lý và PTĐT. Nhà nước có vai trò chủ thể quản lý, kiến tạo PTĐT, đầu tư nguồn lực, hạ tầng PTĐT, đầu tư cho những lĩnh vực mà thị trường, xã hội không mong muốntham gia đầu tư, làm những việc mà chỉ Nhà nước có thể thực hiện và thực hiện hiệu quả cho sự PTĐT. Với những lĩnh vực PTĐT thiếu sức hấp dẫn đối với thị trường và xã hội thì Nhà nước là chủ thể thiết lập chính sách khuyến khích, trực tiếp hỗ trợ đầu tư để thu hút sự quan tâm của thị trường và xã hội.

Thị trường vận hành và phát triển theo các quy luật khách quan. Tuy nhiên, bản thân thị trường không phải lực lượng vạn năng. Trên thực tế, nền kinh tế thị trường không phải là nền kinh tế hoàn hảo, tối ưu mà ngay trong bản thân nó cũng vốn có những thất bại không mong muốn. Thất bại của thị trường thể hiện rõ nhất là không thể phân bổ hiệu quả các nguồn lực của xã hội, khi nó bị quy luật lợi nhuận chi phối. Chính những thất bại của thị trường đòi hỏi cần có sự can thiệp của Nhà nước. Để khắc phục những thất bại này, không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Nhà nước can thiệp vào thị trường để tạo cơ hội, môi trường cho sự vận hành bình thường của thị trường đáp ứng yêu cầu xã hội. Nói cách khác, không thể có thị trường tự do thuần túy, để một thị trường vận hành hiệu quả cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước can thiệp, cộng sinh với thị trường để hiệu chỉnh, khắc phục thất bại của các thị trường, chứ không phải để thay thế thị trường.

Xã hội tham gia vào quá trình quản lý và phát triển với đầy đủ những ưu thế và giới hạn của mình. Xã hội thông qua hoạt động có tổ chức khơi dậy ý thức công cộng của dân chúng, qua đó, tác động đến quyết sách Chính phủ; đồng thời, có thể hình thành sự giám sát và chế ước bên ngoài của xã hội đối với quyền lực nhà nước và hành vi thị trường, từ đó tránh được tình trạng quyền lực đi đôi với lạm quyền, lợi ích nhóm, còn thị trường đi đôi với tham lam và giả dối. Ngoài ra, các nhóm xã hội này còn có thể thay thế Nhà nước và thị trường cung cấp những sản phẩm công mà Nhà nước và thị trường không đủ nguồn lực hoặc không muốn cung cấp.

Các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư tham gia xây dựng và thực hiện chính sách công; tham gia quản trị khu vực công, nhất là các vấn đề về tăng trưởng, cạnh tranh, việc làm; kết nối các mạng lưới xã hội, xây dựng, tạo niềm tin với nhau, tạo nguồn vốn xã hội to lớn, tham gia hoạt động tự quản địa phương, hỗ trợ các nghiệp đoàn, bảo vệ các nhóm yếu thế, tham gia bảo vệ môi trường; tham gia giám sát và phản biện xã hội;… Thông qua các tổ chức xã hội, người dân thực hiện vai trò là người giám sát, phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách quản lý và PTĐT; tham gia cung ứng các dịch vụ xã hội phi lợi nhuận, xây dựng các DN xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị. Đặc biệt, các DN xã hội được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong quá trình cung ứng dịch vụ công. Hiện nay, nhiều quốc gia đã chính thức công nhận DN xã hội và tạo lập khung khổ pháp lý, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN này để hỗ trợ Nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn các mục tiêu xã hội.

Tuy nhiên, các tổ chức xã hội này cũng có những hạn chế nhất định như thường chỉ quan tâm đến mục tiêu, lợi ích của tổ chức, các thành viên của tổ chức mà ít chú ý đến lợi ích của cộng đồng và xã hội, ý thức trách nhiệm của các tổ chức này đôi khi cũng có giới hạn. Sự phân tán về lợi ích của các tổ chức; sự thiếu phối hợp của các tổ chức cũng ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào quá trình quản lý và PTĐT.

Thứ tư, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội gắn liền với hoàn thiện đồng bộ các thể chế tổ chức nhà nước, thể chế kinh tế, thể chế xã hội.

Đô thị nói chung có một số đặc điểm khác biệt với nông thôn nên cần có sự phân biệt trong mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị và nông thôn. Chính quyền đô thị phải bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và liên thông quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đời sống dân cư trên địa bàn đô thị, do vậy tổ chức bộ máy, cơ chế, phương thức quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền đô thị phải có những đặc thù nhất định so với chính quyền ở nông thôn. Với mỗi loại đô thị cần có mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, bảo đảm yêu cầu phát triển của đô thị. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể là tập trung hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc: “Nhà nước mạnh – thị trường hiệu quả – xã hội năng động, sáng tạo”. Tháo gỡ những “nút thắt”, bất cập về thể chế để phát huy cao nội lực và tiềm năng, sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cả xã hội; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế để có thể đón nhận, tận dụng hiệu quả những cơ hội mới, những mô hình mới, xu hướng phát triển mới trong kinh tế và khoa học – công nghệ.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc các biến đổi về mặt xã hội dưới tác động (tích cực và tiêu cực) của các xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển xã hội; quản lý phát triển xã hội, hạn chế phân tầng xã hội bất hợp thức, phân hóa cùng cực giàu – nghèo, sự phát triển mất cân đối giữa các vùng, miền; tập trung vào những nội dung cấp thiết về hình thành và phát triển giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội; đáp ứng yêu cầu, làm động lực nội sinh chủ đạo trong phát triển nhanh, bền vững đô thị. Thực hành dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, DN; củng cố niềm tin, sự tín nhiệm, hài lòng và sự ủy thác của người dân đối với Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
2. Nguyễn Minh Phương. Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài cấp Bộ: “Mối quan hệ giữa Nhà nước và các hội trong điều kiện hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay” . Bộ Nội vụ, năm 2017.
3. Đoàn Minh Huấn. Phát huy vai trò của xã hội góp phần bổ sung giới hạn của Nhà nước và hạn chế khuyết tật của thị trường. Tạp chí Cộng sản, số 11, 2019
4. Nguyễn Chí Hiếu. Định dạng cơ cấu và nhận thức rõ hơn chức năng, mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường và các tổ chức xã hội ở nước ta hiện nay. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số tháng 8, 2020.
5. Nhận diện mối quan hệ ba bên giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam hiện nay. http://tapchicongsan.org.vn, ngày 05/12/2020.
TS Đoàn Văn Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia