Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục trẻ

Ngày đăng: 29-06-2019 | Lượt xem: 9080

Đào tạo con người là nhiệm vụ lâu dài và vất vả, đòi hỏi phải có sự nhất quán và kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình là quan trọng hơn cả. Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển thì môi trường giáo dục cũng có nhiều sự thay đổi kéo theo đó là rất nhiều khó khăn mới phát sinh đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội.

Nhà trường, giáo viên và gia đình cần chủ động tạo sự gắn kết để giáo dục con cái. Ảnh: internet

Thực trạng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình

Trong mấy năm gần đây, nhiều vấn đề nổi cộm trong học đường được cả xã hội quan tâm mà chủ yếu là các vấn đề tiêu cực xảy ra với mức độ càng tăng dần. Một trong những nguyên nhân để xảy ra tiêu cực chính là sự thiếu quan tâm học sinh từ phía gia đình và nhà trường, cùng với đó là sự thiếu gắn kết và phối hợp đã gây nên không ít sự việc đau lòng đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Gia đình buông lỏng việc giáo dục con cái, giao phó cho nhà trường quản lý

Gia đình buông lỏng việc giáo dục con cái, giao phó hết cho nhà trường quản lý, lơ là việc liên hệ phối hợp với nhà trường và đùn đẩy hết trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường, dẫn đến các trường hợp các em có những suy nghĩ chưa chín chắn và hành động thiếu kiểm soát gây tổn hại cho bản thân, bạn bè, thầy cô, nhà trường và cả gia đình. Quý phụ huynh cần nhớ gia đình là cái nôi của xã hội, chỉ khi gia đình ổn định thì xã hội mới có thể phát triển, đừng vì mãi cuốn theo công việc, sự nghiệp mà bỏ quên trách nhiệm dạy dỗ con cái. Muốn các em học tập tốt, ngoan hiền, lễ phép thì trước tiên gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho các em, luôn theo sát sự phát triển của các em. Và để một đứa trẻ trưởng thành thì chỉ có sự giáo dục của gia đình thôi chưa đủ, cần thiết phải có thêm sự hỗ trợ từ phía nhà trường, nơi mà mỗi đứa trẻ đều có quyền được đến để học tập về đạo đức, kỹ năng, kiến thức,... Giáo dục luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía mà quan trọng nhất là từ phía nhà trường và gia đình, hai nhân tố này nên duy trì mối liên kết để đảm bảo sự xuyên suốt của cả quá trình trưởng thành của mỗi học sinh.

Xã hội ngày càng phát triển mang lại nhiều mặt tích cực, song vẫn luôn tồn tại nhiều tiêu cực tác động không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Từ gia đình đến nhà trường không nên lơ là mà phải dõi theo sự phát triển nhân cách của trẻ, việc phối hợp bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, năng lực phải được thực hiện trong thời gian lâu dài và liên tục, không nên nóng vội. Trong khi gia đình là nơi một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên, là cái nôi đầu tiên có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ thì nhà trường là nơi giúp trẻ tu dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, giúp trẻ học hỏi những kiến thức nền tảng, kỹ năng cuộc sống,... cho các em đầy đủ hành trang để bước vào đời. Do đó trách nhiệm giáo dục trẻ em luôn luôn phải có sự song hành của gia đình và nhà trường.

Không ít trường hợp cả nhà trường và gia đình không dành thời gian cho các em

Thực tế vẫn còn rất nhiều gia đình ít quan tâm đến việc học tập của con cái mà phần đông lý do bắt nguồn từ gánh nặng kinh tế làm cho họ không có nhiều thời gian cùng các em trao đổi, chia sẻ những khó khăn hoặc những định hướng nghề nghiệp cho tương lai, tạo cho các em cảm giác không được cha mẹ quan tâm. Đặc biệt là những em thuộc độ tuổi mới lớn và thường có suy nghĩ tiêu cực, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của các em, nặng hơn có thể dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và những hành động mất kiểm soát, đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm vì nó làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ.

Ngược lại cũng không ít trường hợp nhà trường không dành thời gian theo dõi các em, mà đại diện cho nhà trường là giáo viên chủ nhiệm ở mỗi lớp. Do tính chất công việc nên các thầy, cô chủ nhiệm không thể quan tâm sâu sát đến từng em học sinh nên không thể nắm bắt được những khó khăn mà mỗi em gặp phải, đến khi xảy ra chuyện đáng tiếc thì lúc này mọi chuyện không thể cứu vãn.

Các biện pháp giúp tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình

Cần có nhiều biện pháp để tăng cường sự gắn kết, liên hệ giữa phụ huynh và nhà trường mà cụ thể là với giáo viên chủ nhiệm. Nếu phát hiện các em có bất cứ biểu hiện nào bất thường, cả nhà trường lẫn gia đình đều phải liên hệ lẫn nhau để biết được những khó khăn gì các em đang gặp phải, không vội phán xét ,trách mắng hoặc sử dụng các biện pháp mạnh với các em, cùng làm rõ vấn đề và giúp các em có hướng giải quyết thỏa đáng nhất. Các biện pháp giúp tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình như:

1. Thăm gia đình học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh sống, lao động, học tập của các em, cùng gia đình kịp thời giải quyết vấn đề khó khăn. Trò chuyện cùng gia đình để hướng dẫn gia đình cách giáo dục các em.

2. Chủ động liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập của con em. Nếu có phát hiện vấn đề nào chưa tốt cần chấn chỉnh và dạy dỗ lại để không quá muộn.

3. Nhà trường nên sử dụng sổ liên lạc hoặc các phần mềm hiện đại để thông tin cho phụ huynh biết về điểm số hoặc những điều cần lưu ý ở mỗi em cho phụ huynh biết ngay.

4. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi họp phụ huynh học sinh để thông báo tình hình học tập của các em trực tiếp đến phụ huynh, báo về những mặt mạnh và cả những điểm yếu cần khắc phục và gợi ý những cách để bậc cha mẹ có thể giáo dục con em mình tốt hơn.

5. Thành lập hội phụ huynh học sinh rất cần thiết để tạo cầu nối giữa nhà trường và gia đình, cả hai phía đều có thể đứng ra để nói lên tiếng nói của mình giúp cho công tác giáo dục ngày càng tốt hơn...

Có tìm hiểu mới thấy được tầm quan trọng của sự liên kết giữa nhà trường và gia đình. Gia đình là nơi mỗi mầm non được đâm chồi thì nhà trường là nơi giúp những mầm non ấy phát triển cao lớn. Mỗi gia đình nên quan tâm nhiều hơn nữa đến việc học của con em mình, tạo mối liên kết chặt chẽ với nhà trường, nếu có bất cứ khó khăn nào, quý phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm của các em để có biện pháp giáo dục sao cho đúng đắn nhất. Và nhà trường cũng nên chủ động thắt chặt mối liên hệ với mỗi gia đình để cùng tạo nên những chủ nhân tương lai có ích cho đất nước.

CTV Myteacher

Video liên quan

Chủ Đề