Nâng điểm ở các trường đại học năm 2022

Cạnh tranh cao ở các trường “top”, ngành “hot”

Theo thống kê, hiện có tới 14 phương án tuyển sinh đại học [ĐH] trong năm 2022. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển ĐH cơ bản: xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân; xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên. Trong đó, phương thức thứ ba tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng.

Để “gỡ rối” cho phụ huynh và thí sinh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhắn nhủ thí sinh cần có suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển ĐH khá rộng mở. Bởi số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số thí sinh có nguyện vọng học.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý thí sinh lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố thành tích nổi trội sẽ có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực. Bởi con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp, do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu [các trường tốp đầu chỉ để dành một lượng chỉ tiêu 10-15% cho xét tuyển kì thi THPT - PV]. Do đó, việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển ĐH.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, quan trọng là thí sinh biết “liệu cơm gắp mắm” để đạt mục tiêu trúng tuyển. Thí sinh cần có một bản đăng ký xét tuyển vào ngành/chương trình đào tạo với danh mục và thứ tự ưu tiên được cân nhắc kỹ. Việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố như: Nếu có thành tích nổi trội, đoạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt [học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level], thí sinh có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ.

Đồng thời, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng nhận định, do có nhiều phương thức xét tuyển nên số chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ bị cắt giảm, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này khá cao. Như thế, tình trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng có thể vẫn trượt ĐH sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, thí sinh cần chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp, có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác nhau. Và nếu đã trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở bất kỳ phương thức nào cũng nên xác nhận nhập học sớm…

Cần bám sát đề án tuyển sinh của các trường

Như vậy, việc đa dạng các phương thức tuyển sinh như trên cho thấy các trường ĐH đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào trường bằng nhiều cách thức khác nhau. Điều đáng nói, dù các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường không biến động nhiều. Chỉ tiêu dành cho các phương thức sẽ được chia theo tỉ lệ khác nhau trong tổng chỉ tiêu chung. Do đó, thí sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để lượng sức xem mình phù hợp với phương thức nào nhất. Từ đó có sự lựa chọn chính xác để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, vào ngành học mình yêu thích, không bị rối khi tiếp cận cùng lúc nhiều phương thức khác nhau.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng: Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để nâng cao chất lượng đầu vào. Do đó, mỗi trường sẽ có những hình thức khác nhau để xét tuyển và được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh 2022. Thí sinh phải tham khảo đề án tuyển sinh các trường dự định xét tuyển vào trước khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký tham dự các kỳ thi riêng do các trường tổ chức như kỳ thi đánh giá năng lực [ĐGNL] của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, thông thường, thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào một ngành [trường] nào đó bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh, dù thí sinh có đăng ký nhiều phương thức thì cuối cùng cũng chỉ trúng tuyển duy nhất bằng 1 phương thức. Nếu thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học vào một trường bằng kết quả thi ĐGNL chẳng hạn thì các phương thức khác của thí sinh đó sẽ bị xóa bỏ. Do đó, việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có kết quả thi ĐGNL sẽ có lợi cho thí sinh và các trường trong các mùa tuyển sinh.

Cụ thể, theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, kết quả học tập trung học phổ thông [THPT] và kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng trong xét tuyển vào các trường ĐH nói chung. Năm 2021, các trường dành khoảng 58% chỉ tiêu cho hình thức xét kết quả thi THPT. Năm 2022, vẫn có nhiều trường sử dụng 50-60% chỉ tiêu cho hình thức này. Tuy nhiên, để tăng cơ hội xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác như thi ĐGNL, đánh giá tư duy...

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy với quy mô lớn không chỉ phục vụ tuyển sinh cho trường mà còn cho các cơ sở giáo dục ĐH khác lấy kết quả xét tuyển. Hiện đã có 135 trong số gần 300 trường ĐH, học viện trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của hai ĐH Quốc gia và đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này xét tuyển cho hơn 60% tổng chỉ tiêu của trường năm 2022, trong đó ưu tiên một số chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao theo phương thức này. Tuy nhiên, trường vẫn dành khoảng 20% tổng chỉ tiêu để xét tuyển vào một số ngành/chương trình dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các em thí sinh dù không thể tham dự kỳ thi đánh giá tư duy thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào một số ngành học nhất định theo Đề án tuyển sinh của trường.

Dự kiến thời hạn có hiệu lực của kết quả thi đánh giá tư duy là một năm. Cụ thể, kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 sẽ chỉ áp dụng để xét tuyển ĐH cho năm học 2022-2023. Từ năm 2024 trở đi, kỳ thi này sẽ được tổ chức một số lần trong năm để thí sinh chủ động hơn.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT:

Các phương án tuyển sinh phù hợp với Luật Giáo dục Đại học

Việc các cơ sở giáo dục đại học có các phương thức tuyển sinh khác nhau là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo và phù hợp với phương thức tuyển sinh chung của thế giới.

Qua tổng hợp, phân tích số liệu tuyển sinh, các cơ sở đào tạo sử dụng phương thức xét kết quả thi THPT để xét tuyển chiếm tỷ lệ 92,05%; sử dụng kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển là 77,37% và sử dụng thêm các phương thức khác để xét tuyển là 92,35%. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh, số thí sinh trúng tuyển và nhập học chỉ chủ yếu tập trung ở phương thức sử dụng kết quả thi THPT và sử dụng kết quả học tập bậc THPT [chiếm hơn 90%; các phương thức còn lại chỉ 10%]. Những năm gần đây, các chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và các phương thức khác ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng gia tăng hơn.

Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, nếu các trường lựa chọn nhiều phương thức để xét tuyển, phải quy định chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển và công khai trong đề án tuyển sinh. Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng vào các ngành, các trường... theo các phương thức xét tuyển khác nhau của các trường [nếu có]. Như vậy, đi kèm với nhiều cơ hội trúng tuyển, thí sinh phải tìm hiểu để lựa chọn phương thức phù hợp kỹ hơn, vì vậy sẽ có phần vất vả hơn.

Uyên Na

Trong phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022, Bộ GD&ĐT khuyến cáo với những ngành mức độ cạnh tranh cao [điểm chuẩn cao], các trường đại học nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc, sơ tuyển.

Bên cạnh đó, vẫn cần những hình thức xét tuyển mang tính phân loại thí sinh cao hơn, đảm bảo về chất lượng, số lượng và công bằng trong tuyển sinh.

Dựa theo hướng dẫn này, nhiều trường đại học top trên đồng loạt giảm tỷ lệ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022 về cơ bản vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như các năm 2020, 2021. Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tới là 7.500 thí sinh, trong đó, trường dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển dưa vào kết quả thi đánh giá tư duy và chỉ còn khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Bách khoa tiếp tục xét tuyển theo phương thức thi THPT với tỷ lệ hạn chế hơn. Căn cứ vào khuyến cáo của Bộ GD&ĐT, việc đánh giá và xu hướng tổ chức kỳ thi, chúng tôi sẽ không bỏ phương án này, bởi đây là phương án giúp cho thí sinh đặc biệt là thí sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được quá trình xét tuyển của Bách khoa Hà Nội và một số ngành/nghề”.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý, trong khoảng 20% chỉ tiêu dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không rải khắp 55 chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội. Đối với những ngành có tính cạnh tranh cao [điểm chuẩn rất cao] sẽ chuyển hoàn toàn sang phương thức thi đánh giá tư duy. 

Đề thi đánh giá tư duy cũng sẽ được thiết kế đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng tốt, tính phân loại thí sinh khá – giỏi chắc chắn sẽ cao hơn đề thi THPT những năm gần đây. Cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm.

Năm 2022, Đại học Kinh tế quốc dân cũng dự kiến sẽ tuyển khoảng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển dựa trên phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 80 - 85%. Đặc biệt, năm 2022 chỉ tiêu của trường dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp nhất từ trước đến nay. Những năm trước, trường thường dành khoảng 50% - 70% chỉ tiêu cho phương thức này thì, năm nay chỉ còn 10 - 15%. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức này dự kiến là 20 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên.

Đại học Kinh tế - Luật [Đại học Quốc gia TP.HCM] cũng tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM lên 40-60% tổng chỉ tiêu của trường. Ngược lại, phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 30-60% chỉ tiêu.

Theo dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2022 của Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM, dự kiến trường sẽ dành khoảng 25% chỉ tiêu cho tuyển thẳng và xét tuyển ưu tiên. Đáng chú ý, trong đó Đại học Công nghệ thông tin ưu tiên xét tuyển thẳng các thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam/ Olympic phần mềm mã nguồn mở [Procon] năm 2020, 2021.

Thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 Kỳ thi “Lập trình Châu Á - ICPC Asia [cấp quốc gia] năm 2020, 2021.

Thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba từ kỳ thi tháng trở lên trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2020, 2021.

Thí sinh đạt huy chương vàng/bạc/đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á [ASIAD], Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á [SEA Games], Cúp Đông Nam Á [thời hạn được tính để hưởng ưu tiên không quá 4 năm tính đến ngày xét tuyển vào Trường]. Điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7.0.

Với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ là 22 điểm.  Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D06, D07 [tùy theo ngành]. 

Thêm nhiều ngành học mới

Năm 2022, Đại học Công nghệ TP.HCM dự kiến sẽ mở thêm 9 ngành mới thuộc các nhóm ngành Kinh tế - Quản trị [Kinh tế quốc tế; Tài chính quốc tế; Digital Marketing; Quản trị sự kiện], Sinh học - Môi trường - Nông lâm [Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; Quản lý tài nguyên và môi trường; Chăn nuôi] và Truyền thông - Nghệ thuật [Nghệ thuật số; Công nghệ điện ảnh, truyền hình].

Hội đồng tuyển sinh Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng thông báo mở mới 6 ngành học gồm Quản trị Văn phòng, Kinh tế Quốc tế, Công nghệ Tài chính, Kiểm toán, Truyền thông Đa phương tiện, Quản trị Sự kiện. Theo nhận định của nhà trường, việc mở các ngành có yếu tố công nghệ, cập nhật xu thế như trên phần nào đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong giai đoạn tới.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa kí quyết định ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó xuất hiện nhiều ngành nghề mới.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.

Một số ngành/chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở Đại học Quốc gia Hà Nội như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình [thông minh], Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số, … Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới./.

Nguyễn Trang [VOV.VN]

Video liên quan

Chủ Đề