Năng lượng cảm xạ là gì

Lượt xem: 1.980

  1. Mỗi người đều tiềm ẩn một sức mạnh đang ngủ yên
    Nhà cảm xạ Dư Quang Châu.
    (LĐ) – Đi học ở Vương quốc Monaco về y năng lượng (YNL – Médeciene EÁnergétique), sau này tốt nghiệp Học viện Địa Trung Hải (Pháp, 1992-1996) về dược thảo, không dừng lại đó, bác sĩ Dư Quang Châu chuyển sang nghiên cứu năng lượng cảm xạ học (NLCXH). Từ đó đến nay, ông là người đặt nền tảng đầu tiên cho môn khoa học này phát triển ở VN.
    Gặp lại ông sau chuyến chu du khắp Đông Âu hơn một năm, có thể nhận thấy nét sảng khoái trong ánh mắt, tiếng cười. Ông nói: “Cộng đồng người Việt ở Đông Âu cũng bắt đầu tìm hiểu bộ môn này. Chúng tôi mở nhiều lớp học về NLCX, rung động thư dãn (RĐTD), vũ điệu vô thức (VĐVT)…
    Học để tăng cường sức khoẻ, và cũng có nghĩa khám phá khả năng từ bên trong cơ thể. Sau vài lần thí nghiệm, chúng tôi đã phát hiện ra lực hút tự nhiên ở mỗi con người: Không phải bậc võ lâm vận nội công, mà những người bình thường chỉ cần tập trung quán tưởng là có thể hút nhiều vật lên người. Càng tập nhiều, khả năng hút càng mạnh hơn. Nói như thế, nghĩa là trong mỗi người đều tiềm ẩn một sức mạnh đang ngủ yên, phải biết làm nó tỉnh thức và sử dụng nguồn năng lượng đó. Trước tiên, chúng ta phải nhận thức nó, làm chủ nó, sau đó đem sử dụng để khai thác có hiệu quả và để sống tốt hơn”.
    Xin ông giải thích rõ về bộ môn cảm xạ học vẫn còn khá mới mẻ ở VN?
    - Cảm xạ học (tiếng Pháp là radiesthésie, xuất phát từ tiếng Latin là radius – tia xạ, và aisthesis – nhạy cảm) là khả năng nhạy cảm của con người với bức xạ các vật thể. Khoa học hiện đại đã chứng minh mọi sinh vật, khoáng vật đều có bức xạ dưới dạng sóng và con người có khả năng cảm nhận, sử dụng lượng thông tin đặc biệt này, nếu có kiến thức NLCXH cùng các công cụ hỗ trợ.
    Thoạt tiên, tôi sang học YNL tại Monaco, nhưng do mê thích tìm hiểu năng lượng cảm xạ (chữa bệnh bằng năng lượng từ tính, cảm xạ học và năng lượng tâm thể, giác quan thứ 6) mà chuyển sang nghiên cứu CXH. Hiện tôi đã mở nhiều lớp ở Hà Nội và TPHCM, ngoài ra còn thành lập Hội Năng lượng Cảm xạ VN tại Châu Âu.
    Cụ thể những ứng dụng của NLCXH ở VN là gì?
    - Ở VN, trong 8 năm qua, các học viên đã thu được kết quả khả quan trong việc nâng cao sức khoẻ bản thân, khắc phục và xử lý được ô nhiễm môi trường nhà ở, kích thích tăng trưởng thảo mộc, kiểm tra chất lượng thực phẩm, thuốc men. Ngoài ra, môn NLCXH còn được vận dụng trong kiến thức xây dựng, địa chất; tìm và xác định nơi có hài cốt liệt sĩ đạt kết quả. Đó là trường hợp CX viên Ngô Văn Nam, Nguyễn Thư Hùng, Lê Thị Thọ (Năm Cẩm), Hồ Văn Dũ…
    Điều tâm đắc nhất của chúng tôi là sự mạnh dạn tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học VN, như GS Hoàng Quý, GSTS Vũ Hoan, GSTS Trần Văn Hà, GSTS Trần Bá Hoành, PGS Phạm Gia Văn…
    Ông nói rằng mỗi người là một radar sống, có thể phát triển nguồn năng lượng nội tại để lập lại sự cân bằng của hệ thống thần kinh thực vật. Như vậy, làm thế nào để có thể đánh thức được nguồn năng lượng đó đang tiềm ẩn trong mỗi người?
    - Mỗi cây cỏ có một rung động khác nhau. Mỗi cơ thể cũng vậy. Trên mỗi cơ thể lại có những vùng với những rung động khác nhau. Từ những sóng rung động ấy, ta có thể có chìa khoá để mở cửa vào tâm thức của con người.
    Thứ nhất, là đo sóng khu vực nhờ vào đũa Michel và con lắc.
    Thứ hai là lắng nghe chính mình, lắng nghe sự rung động ở mỗi khu vực trên cơ thể và tự nó biến thành bài luyện tập giúp giải phóng được một số ức chế ở các khu vực trong cơ thể.
    Tóm lại, RĐTD vô thức giúp con người trở lại trạng thái quân bình. Khi tinh thần thư thái thì con người cũng sẽ cảm thấy sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ với người khác, với cộng đồng… Cho nên, giáo dục tâm thức rất quan trọng vì đó chính là sự liên kết con người lại với nhau.
    Có thể hình dung về sự giáo dục tâm thức ấy ra sao?
    - Trong rừng có nhiều cỏ dại. Tôi không khuyên mọi người nhổ cỏ, mà khuyến khích trồng hoa. Vì nhổ cỏ thì sẽ không bao giờ nhổ hết tận gốc. Trồng hoa tới đâu, người ta nhổ cỏ đến đó. Vô tình, khi người ta nhổ cỏ trồng hoa, ý niệm nhổ cỏ không còn nữa, mà chỉ là chăm dưỡng cái đẹp. Cái xấu sẽ không có dịp phát triển, tự đẩy lùi mà không để lại thù hận. Nếu chỉ nhổ cỏ như nhổ trừ cái xấu thì sẽ gây lòng thù hận không sao dập tắt được. Khi tập luyện, con người sẽ cảm nhận môi trường chung quanh tinh tế hơn, giàu lòng yêu thương với bản thân mình và người chung quanh hơn. Khi mỗi cá nhân tự làm đẹp mình một cách tích cực, thì xã hội cũng dần tốt đẹp lên.
    Ở ông có một tư duy sắc bén khi viết sách. Sách của ông thường giải thích dễ hiểu, cặn kẽ, ngắn gọn các phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng CX, cũng như việc rèn luyện thiền động để thư dãn và chống stress. Ông cũng là người xây dựng vũ điệu vô thức VN. Ban đầu sử dụng chầu văn, loại hình âm nhạc duy nhất mà GS Trần Văn Khê cho là thuần chất VN, làm âm nhạc hỗ trợ cho thiền động, sau này là các loại nhạc khác, kể cả nhạc Trịnh Công Sơn, ông cho rằng có thể giải phóng con người khỏi áp lực của đời sống. Ông Châu còn có sáng kiến mở tour du lịch chống stress, dạy NLCXH cho người cai nghiện, cho những người còn đang trong trường phục hồi nhân phẩm để họ sống không uổng phí cuộc đời còn lại.
    Xin ông nói về vũ điệu vô thức VN mà nhóm của ông đang tiến hành thực nghiệm ở phía Bắc, ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga trong thời gian qua?
    - VĐVT là một phương pháp được kết hợp bởi môn rung động thư dãn của NLCX, với nhịp điệu của chầu văn, lời thơ của CX. Khúc nhạc chầu văn rất rộn rã, sống động, hồn nhiên, cùng với cây đàn nguyệt, một bộ phách, đôi khi một chiếc trống con, cũng đủ kích thích cử động chân tay, múa may, đi “về miền ảo tưởng”, đồng thời khiến cho năng lượng tiềm ẩn ở trong con người đi vào vận động làm tăng sức sống. Cho nên, người nghe nhạc điệu này trong lúc tập luyện cảm thấy khoan khoái và hưng phấn, có tác dụng giải toả và thăng hoa.
    Phải hiểu chầu văn không chỉ để nghe mà đưa người ta vào cuộc với sự vận động cơ thể tích cực (chủ yếu phần trên cơ thể) hướng về tâm linh. Khi múa, nếu con người thực sự để tâm hồn mình hoà vào lời ca, tiếng nhạc thì sẽ hoàn toàn đạt được cảnh giới vô thức. Lúc đó, hệ thống thần kinh tự động điều chỉnh thành những điệu múa riêng biệt cho từng người. Đấy cũng là lúc cơ thể tự điều chỉnh để đạt trạng thái cân bằng, có tác dụng trị liệu cho bản thân người múa. Như vậy, cuộc hành hương về cội nguồn của vũ điệu vô thức VN phải bắt đầu từ chầu văn để có thể thấy nhịp đập thế giới tâm linh của ông cha.
    Ông cho rằng ai cũng có thể thực hiện vũ điệu đó?
    - Đúng. Ở hiện tượng lên đồng, chỉ những người có năng lực khác thường, có “căn”, có “số” mới làm được. Họ ở trong tình trạng ám thị hoặc tự ám thị. Khi nhập đồng, họ thể hiện con người đa nhân cách; lúc là ông Hoàng Bơ, lúc thì cô Sáu, cô Bơ Thoải. Họ không còn là họ nữa, mà là cái xác để người khác nhập vào. Còn ở vũ điệu vô thức, những con người bình thường được là mình, không bắt chước ai, không ai nhập vào mình cả, biểu hiện chính thần khí của riêng mình.
    Trong cuốn sách gần đây nhất, ông sử dụng liệu pháp RĐTG để cai nghiện ma tuý và chống sâu bệnh ở cây trồng. Xin ông nói rõ hơn về phương pháp này?
    - Về cai nghiện ma tuý, đã có không ít trường hợp cả gia đình CX viên phối hợp chữa trị cho con em thành công. Chung quy lại, ma tuý là một bệnh tiêu biểu do thận thuỷ khí suy kiệt với những biến chứng can mộc khí suy và tâm hoả khí vượng.
    Ngoài trị liệu rung động thư dãn có tác dụng làm trong sạch được khí trong cơ thể, còn phải uống thuốc và kết hợp phục hồi tâm thần của bệnh nhân để hoá giải những đau khổ về thể xác, tinh thần và tình cảm. Còn về phần chống sâu bệnh, chúng tôi từng giúp CLB trang trại TP chống sâu bệnh ở Tây Ninh cùng một số nơi khác. Dùng dây đồng quấn quanh thân cây có thể kích thích cây tăng trưởng, ra trái. Dây đồng tiếp nhận bức xạ của trường năng lượng còn có tác dụng như một trạm thu phát điện tự tạo điện trường bao phủ mặt đất, nên sâu bọ khắc tự bỏ đi.
    Người Ai Cập có câu: “Hãy đặt tay lên chỗ đau và nói sự đau đớn hãy biến đi”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà cảm xạ Dư Quang Châu viết trong lời mở đầu các cuốn sách: “Người ta chữa bệnh bằng đôi tay và trái tim. Đến một ngày nào đó, chúng ta có đủ yêu thương để không cần dùng đến bàn tay nữa”. Năng lượng bàn tay có thể hàn gắn nỗi đau và tinh thần con người. Năng lượng đó cho thấy còn một cánh cửa khác, cánh cửa kiến thức, sức mạnh còn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân và khả năng khai phóng tinh thần tự thân, khả năng kết tụ của tâm thức Việt.
    Nguồn: Báo Lao Động

Chia sẻ trang này

Năng lượng cảm xạ là gì