Nền kinh tế độc lập, tự chủ là gì

XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HOÁ

Posted on 25 Tháng Năm, 2009 by Civillawinfor

PHẠM QUỐC TRỤ – Bộ Ngoại giao

Toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế lớn của kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế từ vài thập niên trở lại đây. Nó là một xu thế khách quan, có những tác động sâu sắc và toàn diện tới các nước và toàn bộ quan hệ quốc tế. Quá trình này sẽ tiếp tục phát triển và có ảnh hưởng lớn tới tương lai của nhân loại. Đại hội lần thứ IX Đảng ta đã nhận định : Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan, lôi cuốn nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh.

Toàn cầu hóa (kinh tế) là quá trình phát triển ở mức cao của các quan hệ kinh tế quốc tế, được biểu hiện chủ yếu thông qua sự gia tăng mạnh mẽ các dòng lưu chuyển của hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và nhân công giữa các nước ; và là sự hình thành, phát triển của các thiết chế, tổ chức quốc tế nhằm điều tiết, quản lý các dòng lưu chuyển quốc tế này. Do vậy, toàn cầu hóa cũng có nghĩa là quá trình xóa bỏ các rào cản đối với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và nhân công giữa các nước, làm cho các thị trường quốc gia mất dần biên giới, hình thành những thị trường khu vực chung và tiến tới hình thành một thị trường thống nhất trên toàn cầu. Nhìn ở góc độ phân công lao động thì có thể nói, toàn cầu hóa thực chất là sự phát triển cao và mở rộng quá trình phân công lao động trên phạm vi các khu vực và toàn thế giới.

Để phát triển trong bối cảnh như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế trở thành một đòi hỏi không thể né tránh đối với các nước. Đây là con đường đi phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, cho phép các nước tận dụng được các cơ hội và điều kiện thuận lợi mà quá trình toàn cầu hóa tạo ra để phát triển. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn cho tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Vì lợi ích trước hết của chính mình, hầu hết các nước đều đã và đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đứng ngoài xu thế này sẽ không những không tận dụng được các cơ hội và điều kiện thuận lợi cho phát triển, mà còn tự tước đi khả năng đối phó với những thách thức do quá trình toàn cầu hóa đặt ra cho tất cả các nước, bất kể có tham gia hay không, thông qua sự hợp tác giữa các thành viên trong những cơ chế liên kết kinh tế rất đa dạng.

Nhận thức rõ xu thế phát triển khách quan đó, Đảng ta chủ trương tích cực tiến hành đổi mới đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Về thực chất, hội nhập kinh tế quốc tế là sự kết hợp nội lực với ngoại lực, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của dân tộc, phát triển kinh tế đất nước, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà chúng ta đã tận dụng được – thông qua việc tham gia vào xu thế toàn cầu hóa, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa. Tác động có tính hai mặt của toàn cầu hóa thể hiện cả trong quá trình xây dựng và duy trì nền kinh tế độc lập tự chủ của nước ta.

1 – Về khái niệm kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa

Một nền kinh tế độc lập tự chủ theo cách hiểu thông thường và truyền thống là một nền kinh tế phát triển toàn diện, có khả năng tự thỏa mãn những nhu cầu mọi mặt của đời sống xã hội, của an ninh, quốc phòng và quá trình tái sản xuất ; không bị lệ thuộc vào bên ngoài cả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, để có thể vận hành một cách bình thường và bảo đảm được nền tảng cho việc duy trì an ninh quốc gia. Một nền kinh tế như vậy nhìn chung chỉ tồn tại trong điều kiện các quốc gia có đầy đủ mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện địa lý, khí hậu lý tưởng, quy mô thị trường quốc gia đủ lớn, trình độ phát triển cao về khoa học – công nghệ và không cần phải có quan hệ kinh tế với nhau mà vẫn có thể tự tồn tại, phát triển được.

Ngày nay, khi toàn cầu hóa đã phát triển ở mức cao, các thị trường quốc gia đã và đang tiếp tục mất đi những hàng rào ngăn cách quan trọng để từ đó tạo điều kiện hình thành thị trường thống nhất trên phạm vi các khu vực và toàn cầu, thì các luồng lưu chuyển khổng lồ về hàng hóa, dịch vụ, thông tin, vốn, công nghệ, nhân công và các mạng lưới công ty đa quốc gia rộng khắp toàn cầu đã gắn kết các quốc gia lại với nhau, làm cho chúng lệ thuộc vào nhau trong cả quá trình sản xuất lẫn quá trình tiêu thụ sản phẩm. Toàn cầu hóa càng phát triển thì sự tương tác, tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước càng tăng. Khủng hoảng kinh tế hay những chấn động kinh tế, tài chính xảy ra ở một nền kinh tế nào đó đều có tác động đến các nền kinh tế mà nó có quan hệ. Mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô của nền kinh tế đó và sức nặng của nó trong quan hệ với các nền kinh tế khác. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở một số nước Đông-Nam Á năm 1997 đã gây ra ảnh hưởng dây chuyền nghiêm trọng đối với tất cả các nước trong khu vực và cả nhiều nước khác trên thế giới. Suy thoái kinh tế ở Mỹ và một số nước khác năm 2001 cũng đã kéo theo suy thoái kinh tế ở rất nhiều nước trên thế giới và có tác động mạnh đến hầu hết các nước. Như vậy, rõ ràng một "nền kinh tế độc lập tự chủ" theo cách hiểu truyền thống không còn tồn tại trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Điều này buộc chúng ta phải có nhận thức mới phù hợp hơn với thực tiễn về khái niệm nền kinh tế độc lập tự chủ. Một nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá có thể được hiểu là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó ; trong bất cứ tình huống nào nó cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực cho các mục tiêu an ninh, quốc phòng của đất nước. Để có một nền kinh tế độc lập tự chủ, cần đáp ứng được những yêu cầu chủ yếu sau :

– Cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và đảm bảo độ an toàn cần thiết.

– Nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao.

– Cơ cấu xuất nhập khẩu cơ bản cân đối ; cơ cấu mặt hàng đa dạng, phong phú với tỷ lệ các mặt hàng công nghệ và có giá trị gia tăng lớn chiếm ưu thế ; cơ cấu thị trường quốc tế, đối tác cũng đa dạng và tránh chỉ tập trung quá nhiều vào một vài mục tiêu.

– Đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong một ngành kinh tế, nhất là những ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ lệ không thể chi phối nền kinh tế ; hạn chế hoặc không cho phép đầu tư nước ngoài vào những ngành nhạy cảm.

– Đảm bảo nền tài chính lành mạnh, đặc biệt giữ cân bằng cần thiết trong cán cân thanh toán và có nguồn dự trữ quốc gia mạnh.

2 – Những mặt thuận của toàn cầu hóa đối với việc xây dựng và duy trì nền kinh tế độc lập tự chủ

Toàn cầu hóa tạo động lực để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Quá trình này buộc chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nước và giữa các doanh nghiệp cả trong nước lẫn ngoài nước. Sự cạnh tranh như vậy là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp luôn luôn đổi mới và hoàn thiện về mọi mặt để tăng tính hiệu quả và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế và của các doanh nghiệp.

Toàn cầu hóa tạo cơ hội để chúng ta tiếp cận, huy động các nguồn vốn, FDI, các công nghệ mới, chất xám và kỹ năng cao cấp từ bên ngoài để phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần thiết cho việc duy trì kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Toàn cầu hóa tạo điều kiện để mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế và đối tác quốc tế, tránh bị lệ thuộc tập trung vào một số thị trường và đối tác nước ngoài, giữ độ an toàn cao hơn cho nền kinh tế ; tạo cơ hội để tăng cường xuất khẩu và tích lũy, nâng nguồn dự trữ quốc gia, tạo khả năng ứng phó cao hơn đối với các biến cố về tài chính có thể xảy ra, hạn chế việc phải xin viện trợ bên ngoài.

Quá trình toàn cầu hóa cũng tạo động lực thúc đẩy chúng ta phải cải cách hệ thống tài chính – ngân hàng, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, tạo điều kiện để phát triển kinh tế và từ đó hạn chế bớt nguy cơ bị lệ thuộc vào bên ngoài về tài chính.

Toàn cầu hóa tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để nắm bắt thông tin, tri thức mới một cách nhanh chóng, kịp thời và tối đa, từ đó giúp cho việc phân tích, đánh giá tình hình và hoạch định chính sách kinh tế một cách phù hợp, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa còn tạo điều kiện để đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý doanh nghiệp và tay nghề chuyên môn của đội ngũ lao động dần dần theo kịp với trình độ chung của thế giới.

Chủ động hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa sẽ giúp chúng ta tạo dựng được các mối quan hệ quốc tế đan xen ở nhiều cấp độ, tránh bị phân biệt đối xử trong quan hệ kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế và tiếng nói của nước ta trong quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế, từ đó có điều kiện thuận lợi để bảo vệ lợi ích và độc lập tự chủ của nước ta.

3 – Những tác động bất lợi của toàn cầu hóa đối với quá trình hình thành nền kinh tế độc lập tự chủ của nước ta

Toàn cầu hóa làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên nhiều phương diện, đặc biệt là về kinh tế, từ đó làm suy giảm hay hạn chế sự độc lập tự chủ về kinh tế của các nước theo quan niệm truyền thống.

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy phân công lao động quốc tế theo hướng mỗi nước tập trung vào các ngành, lĩnh vực họ có ưu thế và hiệu quả kinh tế cao, do vậy, ít chú ý hoặc bỏ rơi hẳn những ngành, lĩnh vực có hiệu quả kinh tế thấp.

Toàn cầu hóa làm gia tăng sự lưu chuyển của các nguồn vốn mà chính phủ không dễ dàng kiểm soát được. Nó cũng làm cho những dòng FDI đổ vào các nước ngày càng nhiều hơn. Ngày nay, FDI chủ yếu do các công ty xuyên quốc gia cung cấp ; chúng có thế lực hùng mạnh, cắm chân rết trên khắp thế giới. Có không ít bài học lịch sử về sự can thiệp làm khuynh đảo kinh tế và chính trị của nhiều nước bởi các công ty xuyên quốc gia.

Tóm lại, về lâu dài, quá trình toàn cầu hóa sẽ làm mờ nhạt đi biên giới giữa các không gian kinh tế quốc gia và dần dần hình thành nên những không gian kinh tế rộng lớn hơn bao gồm nhiều nước và lãnh thổ kinh tế. Thậm chí có thể sẽ đến lúc cả thế giới trở thành một nền kinh tế thống nhất với nhiều không gian kinh tế khác nhau ở những khía cạnh nhất định, nhưng cùng vận hành trên những nguyên tắc cơ bản cho toàn bộ hệ thống. Các nền kinh tế quốc gia sẽ mất dần tính độc lập tương đối như hiện nay, và trở thành những thực thể kinh tế giống như là những bộ phận của một "nền kinh tế quốc gia" rộng lớn hơn. Trong lịch sử, điều này đã diễn ra ở Đức, khi các nền kinh tế của các tiểu vương quốc thuộc đế chế Đức – Phổ trước đây thống nhất với nhau trong một liên minh kinh tế (Liên minh thuế quan Đức – Phổ) làm cơ sở hình thành Nhà nước Liên bang Đức. Hiện nay, các nền kinh tế thuộc các nước thành viên EU đang thực hiện quá trình hội nhập rất cao trong một liên minh kinh tế chung. Trong đó, từng nền kinh tế quốc gia chấp nhận chuyển nhiều thẩm quyền về kinh tế thuộc chủ quyền quốc gia cho một kiểu "Nhà nước cộng đồng", và dần dần sẽ trở thành một bộ phận của "nền kinh tế EU". Nhiều tiến trình hội nhập kinh tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới cũng đang hoặc sẽ tiến theo hướng này, mặc dù có thể còn rất lâu mới đạt được kết quả tương tự.

Với nhận thức như trên về chiều hướng phát triển và tác động lâu dài của toàn cầu hóa, chúng ta cần có sự đổi mới phù hợp hơn về tư duy kinh tế độc lập tự chủ trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế để xác định đúng đắn các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trung hạn và dài hạn cũng như các chính sách kinh tế cụ thể, đưa đất nước ta tiến nhanh, mạnh và vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SÔ 45 NĂM 2003

Share this:

  • Click to print (Opens in new window)
  • Click to email this to a friend (Opens in new window)
  • Click to share on Twitter (Opens in new window)
  • Click to share on Facebook (Opens in new window)
  • Click to share on Tumblr (Opens in new window)
  • Click to share on LinkedIn (Opens in new window)
  • Click to share on Pinterest (Opens in new window)
  • Click to share on WhatsApp (Opens in new window)
  • Click to share on Skype (Opens in new window)
  • More

  • Click to share on Reddit (Opens in new window)

Like this:

Like Loading...

Related

Filed under: 1. Lý luận chung |