Nên mua xe máy ở đại lý hay cửa hàng

Sau đây tôi xin hướng dẫn các bạn các bước tiến hành để mua được chiếc xe ưng ý:

Bước 1: Xác định chủng loại xe bạn định mua

Trước tiên bạn phải tìm hiểu thông tin về chiếc xe bạn định mua xem điểm mạnh, điểm yếu của xe, có hay hỏng hóc hay bị lỗi gì không? các tính năng và tiện ích của nó có phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình hay không? Linh kiện thay thế có đắt hay không? Độ bền ra sao?  Mức tiêu hao nhiên liệu thưc tế…Ví dụ mình định mua xe hon da pcx 125 thì mình vào google gõ từ khóa “ kinh nghiệm sử dụng xe honda pcx 125”, “ xe Honda pcx 125 có gì hay”, “những lỗi thường gặp khi sử dụng Honda pcx 125”… để có được những thông tin thực tế của những người đã từng sử dụng con xe này chứ bạn đừng nên tin ngay lời quảng cáo của các nhà sản xuất hay báo chí…

Nếu bạn hay đi sửa xe, chịu khó hỏi han các thợ sửa xe về các lỗi hay gặp phải của chiếc xe bạn định mua. Họ sẽ tư vấn nhiệt tình cho bạn, nào là xe này hay hỏng vặt, loại này hay bị rò dầu, loại này hay bị lỗi phanh, loại này mùa đông khó nổ máy…Đó là những kinh nghiệm quý báu để bạn cân nhắc xem có nên mua loại xe đó hay không? Đặc biệt là các dòng xe của Piaggio có thể do không hợp thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam nên rất hay bị lỗi so với các dòng xe của Honda.

Bước 2: Xác định màu xe

Màu xe có quan trọng hay không tùy thuộc vào quan điểm mỗi người, do đó không nên tranh luận làm gì cho mất công. Vì vậy tôi chỉ đưa ra vài gợi ý, còn áp dụng hay không là do bạn. Việc lựa chọn màu xe rất quan trọng, thường thì các bạn có xu hướng chọn màu theo cá tính của mình [nhất là các bạn nữ]. Nhiều bạn chỉ hiểu sơ sơ về phong thủy hoặc vào đọc các bài viết của các trang web phong thủy rởm, về nhà cũng chém gió chọn màu xe có ngũ hành tương sinh với bản mệnh. Đây là một sự nhầm lẫn tai hại bởi ngũ hành của mỗi người phụ thuộc vào tứ trụ mệnh [giờ, ngày, tháng, năm sinh] chứ đâu chỉ căn cứ vào mỗi năm sinh. Ngoài ra tương sinh chưa chắc đã là tốt, còn tương khắc chưa chắc đã là xấu mà nó phụ thuộc vào độ vượng ngũ hành. Vấn đề phong thủy rất phức tạp, viết ra rất dài, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

//989me.vn/vi/kien-thuc-phong-thuy/doan-menh/ngu-hanh-tuong-sinh-tuong-khac-phan-sinh-phan-khac-ung-dung-ngu-hanh-vao-cuoc-song-phan-1-128.html

//989me.vn/vi/kien-thuc-phong-thuy/doan-menh/vi-du-ve-xac-dinh-dung-than-hy-than-ngu-hanh-bo-cuu-de-cai-bien-van-menh-phan-1-130.html

Bước 3: Xác định thời điểm mua xe

Điểm đặc biệt của thị trường xe máy Việt nam là mỗi thời điểm một giá khác nhau. Mình rút ra kinh nghiệm là không nên mua xe vào các tháng sau: 1, 2, 5, 6, 9,10 trừ trường hợp có nhu cầu khẩn cấp [mất xe, cần xe đi làm ngay…]. Bởi đây là thời điểm nhu cầu mua xe nhiều do đổi xe dịp tết âm, sinh viên ra trường đi làm, sinh viên nhập học nên các đại lý tăng giá bán ăn chênh lệch mặc dù giá niêm yết không đổi. Nếu bạn mua thời điểm khác, giá cả rẻ hơn mà lại còn nhận được nhiều khuyến mãi do các đại lý cần đảm bảo doanh số với hãng.

Bước 4: Xác định mua xe ở đại lý nào

Theo mình thì nên vào các head [cửa hàng ủy nhiệm] để mua xe sẽ đảm bảo hơn so với bên mình. Ví dụ bạn mua xe honda thì vào trang: //www.honda.com.vn/vn/xe-may/cua-hang-honda-uy-nhiem/

để xem danh sách các cửa hàng ủy nhiệm của Honda. Bạn lập danh sách các head nơi bạn đang sống và có khả năng đi được, sau đó bạn chịu khó gọi điện đến từng head để hỏi thông tin về chiếc xe bạn định mua. Các thông tin cần hỏi gồm: Xe có hàng sẵn không? Những màu nào còn hàng? Giá khoảng bao nhiêu [thường thì chỉ có khoảng 20% head báo giá qua điện thoại]? có khuyến mãi gì không? Nếu không có hàng thì khoảng bao giờ có đợt hàng mới?...

Sau đó bạn gạch tên những head không có xe, không đúng màu. Và bây giờ bắt đầu hành trình đi đến những head còn lại để khảo giá do giá ở mỗi head lại khác nhau. Kinh nghiệm là đừng tin lời quảng cáo của nhân viên. Ví dụ: head số 1 giá 53 triệu không khuyến mãi gì, head số 2 giá 54 triệu nhưng khuyến mãi thêm 1 năm bảo hành, head số 3 giá 53,5 triệu khuyến mãi mũ bảo hiểm & áo mưa trị giá 500 ngàn…? Bạn chọn head nào? Theo mình nên chọn head số 1 giá 53 triệu vì thực ra thêm 1 năm bảo hành không có tác dụng gì nhiều vì xe máy phải sau 3 năm mới bắt đầu hỏng hóc, mà nếu có đi bảo hành thì các head cũng toàn đổ lỗi cho người sử dụng. Còn các đồ khuyến mãi khác như mũ bảo hiểm, áo mưa thường là giá trị thực không đúng như quảng cáo và thường chúng ta có sẵn rồi.

Lưu ý: nếu đại lý nào bán xe rẻ hơn thị trường quá nhiều, bạn cần kiểm tra xe kỹ hơn để tránh mua phải xe lướt [là xe head thưởng cho nhân viên, họ đi 1 thời gian chán thì bán]: gồm công tơ mét [xe mới thì số km = 0], sổ bảo hành phải chưa ghi tên, phiếu kiểm tra xuất xưởng [mới sản xuất hay lâu rồi], xe có xước hay không…

Bước 6: Kiểm tra giấy tờ xe và thử xe

Sau khi bạn đã chốt mua xe, bạn cần yêu cầu người bán hàng cấp cho bạn đủ bộ giấy tờ sau:

  • Hóa đơn GTGT: lưu ý ghi đúng tên và địa chỉ theo CMTND [nếu bạn đăng ký bằng CMTND], hoặc theo sổ hộ khẩu [nếu đăng ký theo hộ khẩu] bởi nhiều khi địa chỉ trên CMTND và hộ khẩu không khớp nhau. Nếu bạn đăng ký dưới danh nghĩa công ty thì phải ghi đúng các thông tin: Tên công ty, địa chỉ, mã số thuế…[cái gì không rõ thì phải hỏi lại kế toán, chứ ghi nhầm là xong, hủy hóa đơn rất phức tạp và còn bị phạt].
  • Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng: lưu ý xem ngày tháng cấp giấy này để biết xe mới sản xuất hay tồn kho lâu rồi. Thường xe mới sản xuất sẽ đắt hơn.
  • Sổ bảo hành: phải yêu cầu người bán ghi đúng tên của mình trong sổ bảo hành để đảm bảo quyền lợi. Nếu sổ bảo hành có sẵn tên người khác, tốt nhất bạn không nên mua.
  • Sách hướng dẫn sử dụng
  • Các chương trình khuyến mại của hãng [nếu có]…

Sau khi làm xong giấy tờ xe, bạn yêu cầu người bán hàng căn chỉnh lại toàn bộ xe của bạn. Bạn cần kiểm tra các tính năng thông dụng có hoạt động bình thường hay không gồm: còi, phanh, khóa cổ, đèn, xi nhan, mở nắp xăng, mở yên, chế độ Idling stop [nếu có], chế độ chống trộm [nếu có]…

Lưu ý: bạn phải hỏi người bán hàng xem địa chỉ trạm xăng nào gần nhất để đi đổ xăng vì head chỉ đổ rất ít xăng vào bình [chỉ đi được khoảng 5~10km]. Kinh nghiệm là không mua phụ kiện tại các hãng vì giá thường đắt hơn ngoài khá nhiều.

Bước 7: Đi dán xe và mua phụ kiện cho xe

Sau khi đã mua xe, việc đầu tiên là bạn phải đi dán xe để đảm bảo độ bền sơn và tránh xước sau thời gian sử dụng. Bạn cần phải tham khảo các địa chỉ dán xe uy tín để được làm cẩn thận và không bị chặt chém. Mình ở Hà Nội và thường ra cửa hàng số 6 Cao Bá Quát để dán xe [chất lượng cũng được]. Các địa chỉ khác mình chưa kiểm chứng nên không dám tư vấn. Có 2 loại giấy xe: một loại dán cho các xe sơn bóng, một loại dán cho xe sơn sần [ví dụ PCX bản cao cấp] thì đắt tiền hơn. Tốt nhất là bạn nên ngồi ở đó để xem thợ làm có cẩn thận không và trông xe của mình tránh bị tráo đồ.

Trước khi mua phụ kiện cho xe bạn cần phải tham khảo trước trên mạng xem xe của mình có những phụ kiện gì có thể lắp thêm, giá cả khoảng bao nhiêu tránh bị người bán nói thách và tư vấn lắp thêm nhiều phụ kiện thừa không cần thiết. Các bạn có thể tham khảo một số địa chỉ sau:

//trangtrixemay.net/

//decalxe.vn/

Nếu bạn chỉ là người bình thường, không đam mê xe lắm thì theo mình bạn chỉ nên lắp đặt thêm một số phụ kiện tối thiểu sau: thảm để chân, baga Inox [nhớ chọn loại dày], móc treo đồ, khóa đĩa trước, khóa chữ U [trong trường hợp xe bạn để ngoài đường tốt nhất dung khóa chữ U vì khó phá hơn khóa cổ và khóa đĩa]. Nếu bạn là dân đam mê xe thì trước khi độ xe bạn nên tham khảo thông tin từ các diễn đàn về việc lắp thêm phụ kiện có ảnh hưởng đến các tính năng của xe hay không [tản nhiệt, chập cháy hệ thống điện…] để có quyết định chính xác nhất.
Trên đây là kinh nghiệm thực tế mình đi mua xe của mình, hi vọng sẽ giúp ích được cho các bạn. Trong bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót vì mỗi loại xe, mỗi hãng xe, mỗi tỉnh lại có đặc thù riêng, không giống nhau nên bạn không nên áp dụng một cách máy móc. Rất mong sự góp ý của các bạn.
Các bạn có thể xem bài viết khác của tôi bên dưới:

Tại sao lại phải mất tiền cho cò đăng ký xe? Kinh nghiệm đi đăng ký xe máy mới

Hướng dẫn cách chạy rốt đa cho xe máy mới

Video liên quan

Chủ Đề