Nghị định hướng dẫn về bồi thường thiệt hại

Thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017; Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và 11 huyện, thành phố triển khai kịp thời và có hiệu quả công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, kết quả cho thấy:

Thứ nhất, về công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch công tác bồi thường nhà nước: Trong những năm qua, tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương để ban hành các kế hoạch hằng năm về việc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình tổ chức quán triệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn như: Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017; Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Thông tư 04/2018/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác Bồi thường nhà nước; Thông tư 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; Thông tư 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp về quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:

Căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, hằng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm túc tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tham mưu thực hiện nhiệm vụ về công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác bồi thường nhà nước tại cơ quan, đơn vị.

Thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng như: Sở Tư pháp đã phát hành 35.000 tờ gấp pháp luật tìm hiểu một số quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cấp phát sách tới các sở, ngành, UBND các huyện và nhân dân trên địa bàn; biên soạn và phát hành 3.500 cuốn sách hỏi đáp pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước và tổ chức cấp phát miễn phí cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở để cấp phát cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ nghiên cứu, thực hiện, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Đồng thời, Sở Tư pháp đã sao chép video tuyên truyền quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với tiêu đề Làm gì để được nhà nước bồi thường khi bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra với 03 phiên bản (gồm 01 phiên bản tiếng phổ thông, 01 phiên bản tiếng phổ thông có kèm phụ đề chữ và 01 phiên bản tiếng dân tộc Tày) tổ chức cấp phát cho các huyện, thành phố để thực hiên tuyên truyền rộng rãi nội dung của video đến đối tượng người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đăng tải trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh để người dân nhận thức rõ và có ý thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; ban hành văn bản hướng dẫn trường hợp công dân yêu cầu xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước.

Thứ ba, công tác quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước và phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước:

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, ban hành Quyết định công bố danh mục, danh mục sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính chuẩn hóa trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, công khai, niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính lĩnh vực bồi thường nhà nước theo quy định; chỉ đạo Sở Tư pháp lập danh sách đầu mối công chức thực hiện công tác Bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với 22 công chức làm đầu mối thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại các sở, ngành, cơ quan thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, thanh tra công tác bồi thường nhà nước tại các huyện, cấp các xã được Sở Tư pháp thực hiện lồng ghép hằng năm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra công tác tư pháp.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về bồi thường Nhà nước được các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, quán triệt các văn bản trong lĩnh vực mình quản lý, khắc phục những thiếu sót trong quá trình áp dụng pháp luật, không để xảy ra sai phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trong thi hành nhiệm vụ phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

Thứ tư, về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường:

Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không phát sinh vụ việc liên quan đến yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính tại Ủy ban nhân dân các cấp, trong hoạt động tố tụng và thi hành án dân sự; không có vụ việc phải xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại do thực hiện trách nhiệm bồi thường. Trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự, đã thực hiện xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với 01 trường hợp phát sinh từ năm 2017.

Kết quả cho thấy, công tác tuyên truyền, triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và các văn bản liên quan được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú đã góp phần đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống, gần hơn với người dân, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi có thiệt hại xảy ra trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước. Việc triển khai, thi hành công tác bồi thường của nhà nước nói chung, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, các cấp ngành địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao và tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, đạt được những kết quả nhất định trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thực chấp hành trong đội ngũ cán bộ, công chức và người dân. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm công vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hạn chế việc sai sót, vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

Vi Tâm