Nguyên nhân khách quan trong kém hiệu đầu tư công

- Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” vừa kết thúc cuộc làm việc tại tỉnh Bình Dương ngày 22.7. Là thành viên tham gia ngay từ đầu của đoàn giám sát, ông đánh giá như thế nào về công tác thẩm định, quyết định,quản lý các dự án đầu tư công, nhìn từ thực tiễn tỉnh Bình Dương?

Tỉnh Bình Dương có tới 55 dự án chậm tiến độ, 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương. Đáng chú ý, có 225 lượt dự án được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, mà có tới  109 lượt dự án phát hiện có sai phạm với tổng số tiền thực hiện không phù hợp được các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý là trên 442 tỷ đồng.

ĐBQH, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu 

Trước thực trạng trên, đoàn công tác đã đề nghị tỉnh cần làm rõ các tồn tại, bất cập trong khâu lập, thẩm định, phê duyệt, giao và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016- 2020 và 2021-2025.

Đây cũng là thực trạng của nhiều địa phương mà đoàn giám sát đã khảo sát, làm việc, đó là chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Một số đơn vị chưa lập, trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành theo quy định để làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án.

Còn tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, không phù hợp với kế hoạch đầu tư hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt. Quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn.

-Ông đã nhiều lần cảnh báo về công tác đầu tư công kém hiệu quả kéo dài sẽ khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, tăng sức ép lạm phát, mất cân đối ngành, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, thâm hụt ngân sách, nợ công quốc gia, gây ra hiệu ứng lấn át đầu tư khu vực tư nhân. Trước thực trạng này, giải pháp nào nhằm tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí đầu tư công, thưa ông?

Từ thực tế trên cho thấy cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Nếu đơn vị giải ngân chậm thì năm sau không cấp vốn. Nếu do giải phóng mặt bằng thì cần tìm nguyên nhân cụ thể và báo cáo cấp, các ngành sớm có biện pháp xử lý. Nếu do nhà thầu kém năng lực thì phải phạt hợp đồng và kiên quyết có giải pháp khắc phục. Cần quy trách nhiệm cụ thể thì mới có thể giải quyết “căn bệnh” trầm kha này và lưu ý các báo cáo, giải trình, làm rõ của UBND tỉnh, HĐND tỉnh gửi tới các đoàn giám sát cũng cần phải nêu rất cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm tại ai, rút ra bài học gì chứ không thể báo cáo chung chung được.

ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại cuộc làm việc của đoàn giám sát "Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" tại tình Bình Dương.

Chính phủ nói quyết liệt, có chế tài xử lý với việc chậm trễ, lãng phí trong đầu tư công thì phải mạnh dạn xử lý những đơn vị sai phạm. Nếu không xử lý nghiêm minh, câu chuyện này sẽ trở thành bài ca muôn thuở và không bao giờ khắc phục được. Cần xử lý về mặt hành chính hoặc không cấp vốn nữa. Nếu lãng phí thì phải đưa vào điều tra xem nguyên nhân nào, liệu có tham nhũng hay không.

- Được biết sắp tới, đoàn giám sát tiếp tục khảo sát và làm việc cụ thể về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 tại TP. Hồ Chí Minh. Gần đây, các cơ quan truyền thông cũng đề cập tới nhiều dự án đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực đất đai và vốn ngân sách. Là thành viên của đoàn giám sát, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm nhằm hạn chế thấp nhất các dự án đầu tư công gây lãng phí?

Đầu tư công chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân quan trọng là không có một tổng chỉ huy toàn quyền ra lệnh nên khâu nào cũng có thể chậm trễ, và khi xảy ra sự cố thì đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều dự án đầu tư công bỏ hoang ở TP. Hồ Chí Minh mà báo chí nêu như dự án Trung tâm triển lãm Quy hoạch TP, nhà thi đấu Phan Đình Phùng … là một ví dụ điển hình.

Có những công trình đã đình trệ 8 năm qua như Cung triển lãm quy hoạch ở Thủ Thiêm, không cá nhân nào của TP đứng ra chịu trách nhiệm cả, sau đó thì thay đổi ban quản lý dự án. Theo tôi, cần thanh tra quyết liệt để tìm ra nguyên nhân chậm trễ, cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, đơn vị nào đã để xảy ra tình trạng đó, để rút kinh nghiệm cho các dự án khác.

Tình trạng lãng phí, thất thoát trong dự án đầu tư công còn phức tạp, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn hạn chế, bấp cập, thiếu tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án. Hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn thiếu sót, công tác giám sát thi công không chặt chẽ, chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư, có hiện tượng nể nang giữa chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn tới chọn nhà thầu có năng lực yếu kém nhưng chậm xử lý dẫn tới công trình chậm bàn giao.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chuyên đề được Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Đối với TP. Hồ Chí Minh là nơi trực tiếp áp dụng, tổ chức thi hành pháp luật và cũng là nơi kiểm chứng độ phù hợp của chính sách, pháp luật. Vì vậy, kết quả giám sát sẽ cung cấp thông tin xác thực nhất. Các đề xuất, kiến nghị của các thành viên đoàn giám sát và báo cáo của địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khách quan đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Chủ Đề