Nguyên nhân phôi thai không phát triển

Không có phôi thai hay còn gọi là trứng rỗng là hiện tượng trứng đã trải qua quá trình thụ tinh không thể phát triển thành phôi. Bài viết này đề cập đến những nguyên nhân gây ra hiện tượng không có phôi thai.

1. Không có phôi thai là gì

Không có phôi thai (trứng rỗng) là tình trạng xảy ra ở tuần thứ 8 đến 13 của thai kỳ, khi đó trứng đã được thụ tinh nhưng lại không thể phát triển thành phôi. Không có phôi thai được xem như là một hình thức sảy thai.

2. Những dấu hiệu của tình trạng không có phôi thai (trứng rỗng)

Khi gặp hiện tượng không có phôi thai người mẹ vẫn có thể có những dấu hiệu mang thai thường gặp như: Trễ kinh nguyệt, buồn nôn, chóng mặt, đau tức ngực,... Khi đến khoảng tuần thứ 8-13 của thai kỳ trứng rỗng sẽ gây ra hiện tượng sảy thai, một số dấu hiệu gặp phải trong giai đoạn này là:

  • Chảy máu âm đạo
  • Đau ở vùng bụng dưới
  • Không còn cảm giác căng tức bầu ngực.

Để biết rõ nhất, phải thông qua siêu âm, khi đó hình ảnh siêu âm sẽ phản ánh chính xác nhất tình trạng tử cung trống hoặc túi thai rỗng.

Nguyên nhân phôi thai không phát triển
Chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu của trứng rỗng

3. Nguyên nhân không có phôi thai

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến là:

  • Sự bất thường của cấu trúc gen hay nhiễm sắc thể, một số nghiên cứu đã chỉ ra những bất thường ở nhiễm sắc thể số 9 có ảnh hưởng đến tình trạng không có phôi thai
  • Trứng hoặc tinh trùng kém chất lượng
  • Những bất thường trong quá trình phân chia tế bào.
Nguyên nhân phôi thai không phát triển
Trứng hoặc tinh trùng kém chất lượng là nguyên nhân gây trứng rỗng

4. Nên làm gì khi gặp hiện tượng không có phôi thai

Không có phôi thai (trứng rỗng) là tình trạng xảy ra tự nhiên và hầu như không có biện pháp ngăn ngừa. Thông thường không có phôi thai chỉ xảy ra một lần, tuy nhiên nếu gặp phải vấn đề này nhiều lần, cả bố và mẹ nên cân nhắc thực hiện một số thăm khám như:

  • Tiến hành xét nghiệm để sàng lọc di truyền tiền sản
  • Xác định chất lượng tinh trùng bằng tinh dịch đồ
  • Xét nghiệm các loại hormone như FSH (kích thích nang trứng), hoặc AMH ( để cải thiện chất lượng trứng) giảm tỉ lệ không có phôi thai.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, môi trường sống có ảnh hưởng đến tình trạng sảy thai do trứng rỗng. Nếu đang sống trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất cũng như chất độc hại, người mẹ nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có phương án khắc phục phù hợp.

Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho người mẹ là nên tránh mang thai từ 4-6 tháng sau khi gặp tình trạng không có phôi thai (trứng rỗng) để cơ thể có thời gian phục hồi. Trong thời gian đó, bạn nên:

  • Có chế độ ăn uống hợp lý để bổ sung hợp lý và cân bằng dinh dưỡng
  • Giữ tâm trạng thoải mái, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng
  • Thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao thể trạng
  • Nên bổ sung thêm axit folic giúp tránh các dị tật thai nhi không mong muốn.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ  Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến  TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

  • Sảy thai bao lâu thì có thai lại được ?
  • Sau sảy thai bao lâu thì có kinh nguyệt trở lại?
  • Thế nào là sảy thai không hoàn toàn?