Nhà thờ chí hòa lòng thương xót chúa ở đâu

VRNs (25.07.2011) Sài Gòn Má ơi, hôm nay má có đi dự Lễ kính lòng thương xót Chúa ở nhà thờ Chí Hòa không ?. Tiếng chị Nguyễn Thanh Thảo vang lên từ ngoài cửa vọng vào trong sân nhà, làm bà Nhi giật mình, Đi. Đi. Má đi. Gần một năm rồi kể từ tháng 8 năm 2010, cứ đến ngày thứ năm hàng tuần, tầm lúc gần 11 giờ trưa là Thảo, cô bé người ngoại giáo, đi xe máy đến rủ bà Maria Nguyễn Thị Nhi (cả hai đều cùng giáo xứ Bình Thuận, hạt Tân Phú, Giáo phận Sài Gòn), người theo Đạo nhà chồng nhưng khá là ngoan đạo, đi dự Lễ kính lòng thương xót Chúa ở nhà thờ Chí Hòa do Cha Giuse Trần Đình Long SSS phụ trách.

Theo nguồn tin của trang Giáo xứ Giáo Họ tại địa chỉ http://www.giaoxugiaohovietnam.com/SaiGon/01-Giao-Phan-SaiGon-ChiHoa.htm thì Họ Chí Hòa khởi đầu là họ nhánh của họ Chợ Quán (1771-1890) được Đức Giám mục Phêrô Bá Đa Lộc quy tụ, sau đó là họ nhánh của họ Tân Định. Họ đạo được chính thức thành lập ngày 10 tháng 10 năm 1890 với tên Thạnh Hòa, gồm có 100 giáo dân, do linh mục Jean Génibrel (Thượng) (cha sở Tân Định) phụ trách. Thánh đường đầu tiên cũng là thánh đường hiện tại, được Đức cha Mão (Mossard) xây vào năm 1890 (khánh thành ngày 7 tháng 10 năm 1890) trên khu đất do ông Huyện sĩ Lê Phát Đạt dâng cúng, khu đất này rộng tới 600 mẫu. Cũng năm đó, một số giáo dân ở Họ Đạo bên cạnh sát nhập vào nên bổn đạo lên tới 700 người và linh mục Phêrô Nguyễn Thông Lý được đặt làm cha sở đầu tiên. Năm 1910 đổi tên thành Họ Chí Hòa với 700 giáo dân do linh mục Phaolô Nguyễn Văn Quy phụ trách. Bổn mạng giáo xứ là Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng ca đoàn là Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu.

Lễ kính lòng thương xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa Sài Gòn do Cha Long phụ trách hơn 03 năm nay. Số người đến đây càng lúc càng đông (có khoảng hơn 5.000 người). Không chỉ người dân ở Sài Gòn đến đây dâng Lễ mà khắp các tỉnh thành trong cả nước đều tụ về đây vào ngày thứ năm hàng tuần. Công giáo có, người ngoại giáo có, đủ các tầng lớp xã hội, đủ loại nghề nghiệp từ muôn nơi về, kể cả Việt Kiều, ngoại kiều đang sống và làm việc tại Việt nam. Họ đến đây với muôn ngàn tâm trạng khác nhau, song vẫn mong mỏi được Chúa Giêsu Đấng lòng lành vô cùng và Mẹ Maria Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa xót thương, cứu giúp và cùng xót thương, chia sẻ với những người anh em kém may mắn hơn mình.

Nhà thờ chí hòa lòng thương xót chúa ở đâu

Thảo vui vẻ kể: Điều ngạc nhiên đầu tiên mà mình thấy là ở đó có nhiều bạn áo xanh đứng hai bên cổng vô nhà thờ, phát cho mình Tập san Nhờ Mẹ đến với Chúa (nếu đi vào thứ năm đầu tháng) và bao thư và giấy ghi xin khấn. Ban đầu, mình cũng chưa biết là phải ghi gì trong đó. Bà Nhi nói con cứ ghi cái gì con muốn xin với Chúa, Đức Mẹ Maria sẽ chuyển cầu cho con.

Đội quân áo xanh có khoảng 200 người, đa phần là sinh viên, được Cha Long quy tụ về để cùng nhau làm công tác truyền giáo, đem tình thương đến cho mọi người, mọi nơi, cho mọi người thấy Chúa là đấng xót thương, Chúa thương xót những ai biết chạy đến cầu nguyện lòng thương xót với Chúa. Các hoạt động của đội quân áo xanh là:

Giúp phục vụ trong Thánh Lễ kính lòng thương xót Chúa: xếp dọn ghế, căng-dẹp bạt lều, phát bao thư và giấy xin khấn, phát Tập san nhờ Mẹ đến với Chúa, , chuyền giỏ, nước uống, giữ xe, giữ trật tự, thu các bao thư xin khấn, bút, tĩnh tâm sau lễ. Cha Long nói chỉ riêng khoảng bao thư xin khấn và giấy xin khấn mỗi tháng mất khoảng 25 triệu đồng.

Tại bàn phục vụ có bán sách các bài giảng trong tháng của Giáo phận Sài Gòn, băng đĩa 20 bài giảng về Lễ kính lòng thương xót Chúa của Cha Long, lịch Lòng Chúa thương xót, ảnh Chúa thương xót. Tham gia các chuyến làm bác ái vùng sâu, vùng xa. Tiếp nhận đồ làm bác ái của những người đem đến giáo xứ Chí Hòa như quần áo cũ, sách báo cũ, mì gói, thuốc tây. Tiếp sức mùa thi cho sinh viên các tỉnh thánh xa xôi: cung cấp chổ ăn ở miễn phí.

Nhà thờ chí hòa lòng thương xót chúa ở đâu

Giữa cái nóng nắng hè gây gắt, mồ hôi nhễ nhại, vậy mà mọi người lại rất trật tự, lặng lẽ tìm cho mình một chỗ ngồi nhỏ bé. Vì nhà thờ nhỏ, dù Thánh Lễ thật sự bắt đầu vào 14h nhưng chưa đến 12h trưa là đã kín không còn đường để bước vào trong. Ngoài khuôn viên nhà thờ thì đầy ghế là ghế, người là người dưới các lều, dù di động. Mọi người ai cũng muốn đi sớm, thứ nhất là để có chổ ngồi, thứ hai là cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện. Khoảng hơn 12h, mọi người cùng nhau hát và đọc 50 kinh Mân Côi, kế đến cùng đọc 50 kinh Lòng thương xót Chúa. Đến đây mới thấy tình yêu Chúa bao la và nhiệm mầu dường nào. Hơn 5.000 con người không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, chức sắc, địa vị xã hội, già trẻ, trai gái, người đi xe hơi, đi xe máy, đi xe đạp, đi xe buýt, hoặc đi bộ đều quỳ mọp trong sân. Dù nắng nóng vã mồ hôi hột, dù mưa to sấm chớp, họ vẫn vừa quỳ vừa dang hai tay xướng lên rằng: Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô và đáp: Xin Cha thương xót con và toàn thế giới. Lời hát thánh ca, lời kinh cứ vang lên, vang lên như vô hình làm thành một xâu chuỗi dài vô tận kết nối mọi người lại với nhau, kết nối hết thẩy các con tim đau khổ đang cần Chúa xót thương, chữa lành, cứu độ. Mỗi lời kinh vang lên như một nén hương trầm ngào ngạt thành tâm dâng lê Mẹ, dâng lên Chúa, trong tâm tình của một người con nói chuyện với cha mẹ của mình. Thỉnh thoảng, mọi người được ngồi, đứng lên, rồi lại quỳ xuống. Không một tiếng kêu ca nắng nóng, không một lời phàn nàn chật chội, không một câu chửi tục, không bát nháo, không ồn ào. Tiếng cầu kinh cứ nối dài, nối dài như một lời nguyện xin của cả cộng đồng: Kính lạy máu và nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu như thác nguồn thương xót chúng con, con tín thác vào Chúa.

Quả là tất cả mọi người đến đây đều tín thác vào Chúa, cậy trông vào Chúa vì Bỏ Người, con biết theo ai. Ở mỗi người có tâm trạng không ai giống ai, nhưng chung quy họ là những người có đức tin vào Chúa, tín thác nơi Chúa. Có những việc mà tiền bạc, vật chất, của cải ở thế gian này không thể mua được là bình an trong tâm hồn, sức khỏe, sự thật,... Tôi hỏi tại sao Bà Nhi, chị Thảo, cô Trần Xuân Trang (giáo xứ Gò Vấp) đến với Lễ kính lòng thương xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa, Bà Nhi nói với vẻ mặt đầy suy nghĩ:

Con à, bà đến đây để cầu xin Chúa ban bình an cho gia đình, cho con cháu, xin cho con bà nó biết sống đạo, biết đi Lễ, đi Chầu, biết thương vợ, thương con. Xin Chúa ban cho các con bà làm ăn được để tụi nó có tiền nuôi con ăn học. Bà xin cho chồng bà biết làm gương cho con cháu bà. Xin Chúa ban cho bà sức khỏe để bà muối dưa cải bán, có tiền làm bác ái.

Chị Thảo nói : Mình nghe nhiều người nói là đi Lễ kính lòng thương xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa linh lắm, có đức tin là Chúa nhận lời, đặc biệt là người chưa có đạo. Mình xin Chúa chữa lành và ơn bình an, như ý. Chị còn chia sẻ thêm khi tôi hỏi tại sao chị là người ngoại đạo mà chị lại đi lễ ở nhà thờ: Chồng mình là người có đạo. Chính anh là người hướng dẫn mình đi Lễ ngày chủ nhật với con khi con trai mình còn bé. Mình đi để cho con quen với môi trường nhà thờ. Ban đầu, đi Lễ tại xứ Bình Thuận, mình bỡ ngỡ lắm vì không biết phải ngồi ở đâu, làm gì, mọi cái đều xa lạ như ở một thế giới khác. Sau Lễ, mình cảm thấy thú vị đến lạ lùng vì cả cộng đoàn hàng mấy ngàn người mà họ làm mọi cái như duyệt binh vậy, đều chưa từng thấy : cùng ca, cùng đáp, cùng đứng, cùng quỳ, cùng lạy, cùng xếp hàng rước Mình Thánh Chúa. Mình học được tình yêu Chúa qua lời Chúa, qua các dụ ngôn. Dần dà, mình yêu Chúa lúc mào không biết. Mình đã đi Lễ được gần 7 năm rồi mặc mình chưa rửa tội.

Nhà thờ chí hòa lòng thương xót chúa ở đâu

Chị Trang cho biết : Chị đi Lễ ở đây để xin Chúa chữa lành cho chị và những người ở xứ chị nhờ chị cầu nguyện dùm và xin cho các linh hồn thai nhi được về đất Chúa, xin kinh và chuỗi về tặng lại cho những người nghèo.

Trong thánh lễ, Cha Long đọc cho mọi người nghe về những bức thư chia sẻ của những người được ơn Chúa: chữa lành bệnh tật, bình an, con cái học hành chăm chỉ ngoan ngoãn, phỏng vấn đi nước ngoài, mua nhà, bán đất, trả nợ, thoát tai nạn, người bỏ đạo nhiều năm trở về với Chúa, ( những thư này sau đó được đóng trong Tập san Nhờ Mẹ đến với Chúa. Cha Long kể đến đâu, cộng đoàn vỗ tay Halêluia đến đấy. Bầu không khí Thánh Lễ ấm cúng, vui vẻ, song vẫn trang nghiêm và làm cho con người xích lại gần nhau hơn.

Vậy từ khi bà đi Lễ ở đây vào thứ năm hàng tuần, bà có được ơn gì chưa ? Tôi hỏi

Bà thấy bà cũng được ơn Chúa lắm con ơi. Con bà nó đỡ hơn trước, chịu đi làm rồi con. Các cháu bà cũng ngoan ngõan, chăm học. Tụi nó chiều nào cũng đi lễ ở nhà thờ Bình Thuận. Công việc buôn bán của con bà hồi này khá hơn, ai họ cũng thương, cũng mua dùm. Bà thấy sức khỏe của bà cũng khá hơn. Mình là con Chúa nên mình phải sống đạo, siêng năng đi Lễ đi chầu, làm gương về nhân chứng rao giảng tin mừng cho Chúa thì mới được. Bà lúc nào cũng tạ ơn Chúa vì Chúa xót thương cho gia đình bà được như ngày hôm nay.

Chị Thảo tâm sự: Mặc dù Chúa chưa cho mình có nhà riêng để ở nhưng gia đình mình bình an và hạnh phúc lắm. Con mình học giỏi, ngoan, chăm viết Thánh Kinh, biết đọc kinh sáng, kinh tối và cầu nguyện cùng với mình. Công việc mình ổn định. Mấy tháng nay mình không uống một thứ thuốc gì nhưng mình không còn cảm giác đau lưng hoặc đau khớp như lúc trước nữa. Mình phó thác vào Chúa, xin Chúa quan phòng và gìn giữ gia đình mình theo ý Chúa. Điều quan trọng là siêng năng cầu nguyện vì Chúa nói Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cửa cho (Mt, 7, 7). Mình giống như một tên ăn mày lỳ lợm, sáng trưa chiều tối lúc nào cũng cầu xin Chúa dủ lòng thương xót. Chúa cho mình có cuộc sống khá hơn, những việc mình xin mình thấy Chúa ban cho mình từng thứ, từng lần rõ rệt. Cho nên, sáng nào hai mẹ con mình cũng tạ ơn Chúa .

Chị Trang sôi nổi trả lời: Sao chị xin cho ai, họ cũng được ơn. Có người hết bệnh, có người buôn bán khắm khá lắm, có người thoát chết do tai nạn. Nhưng chị xin cho bản thân chị thì chị vẫn chưa được Chúa chữa lành. Bù vào đó, mọi người yêu thương chị lắm. Nhà chị nghèo nên người này, người khác hay chở chị đi ăn, cho chị cái này, cái kia. Chị nghĩ đây cũng là hồng ân Chúa. Điều quan trọng nhất là chị luôn thấy tâm hồn luôn bình an sau khi đi Lễ về. Tuần nào không đi được cứ cảm thấy bức rức trong lòng làm sao đó.

Trong bài giảng thứ năm ngày 14/07/2011 tại nhà thờ Chí Hòa, (nguồn: http://tinvui.info/news/Nghe-Truc-Tuyen/Nghe-bai-giang-Le-kinh-Long-Thuong-xot-Chua-2801/) chị Hoa (giáo xứ Tân Phong) đã dưa anh Nguyên Thanh bảo lên làm nhân chứng đức tin về lòng thương xót Chúa. Bảo nói trên Cung Thánh Kính thưa Cha và Cộng Đoàn, tiếng nói đầu tiên của con là Cám ơn Chúa. Con là Nguyễn Thanh Bảo, năm nay con 28 tuổi, là người ngoại đạo, quê ở Kiên Giang. Con suy thận nặng giai đoạn cuối, rất nặng. Con đi bệnh viện điều trị nhưng các bác sĩ lắc đầu bó tay. Con về uống thuốc nam, thuốc Bắc kéo dài gần 3 năm nhưng không khỏi nên con buồn quá con lên Củ Chi, con ở đó được gần 2 tháng. Ở đó, con tình cờ đến nhà thờ Tân Phong, con được cô Hoa trong nhóm nhà thờ Tân Phong kêu con đi Lễ kính lòng thương xót Chúa tại nhà thờ Tân Phong để xin Chúa chữa bệnh nặng của con. Sau khi con đọc kinh thì con thấy trong lòng nhẹ nhàngvà không còn mệt nữa. Ngày 06/06/2011, con đến nhà thờ Bắc Đoàn (Củ Chi) gặp cha Long để nhờ Cha cầu nguyện cho con mọi ngày để cho con khỏi bệnh. Lúc ở nhà thờ Bắc Đoàn thì con không đủ sức đứng nữa. Sau khi cha Long cầu nguyện cho con được ít phút thì con thấy mình khỏe lại, không còn mệt nữa. Sau đó trên đường trở về, con không thấy mệt nữa. Rồi từ đó, mỗi ngày, con đi cầu nguyện tại nhà thờ Tân Phong cùng với các cô trong nhóm Ngày 30/06/2011, các bác sĩ cho biết bệnh của con đã giảm rất nhiều và không sao nữa, Con rất vui mừng. Cảm ơn Chúa, cảm ơn Cha và cộng đoàn đã cầu nguyện cho con, con xin cảm ơn hết lòng. Chị Hoa, người đưa anh Bảo lên làm chứng nhân cho biết anh Bảo đang học giáo lý để rửa tội, vô đạo.

Thảo chia sẻ: Mình thích nhất là lúc Cha Long nói cộng đoàn hãy giơ hai tay cao lên (khi thì vừa giơ lên cao vừa nắm lấy bàn tay của người bên cạnh) và hát bài kinh Lạy Cha để Cha đổ muôn ngàn hồng ân xuống cho mọi người. Cộng đoàn vừa giơ tay lên cao, vừa ngước mắt nhìn lên bầu trời trên đầu- nơi Cha ngự, vừa hát với cả tâm tình: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng connhư chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.. Cha Long kêu gọi cộng đoàn hãy biết yêu thương và thương xót những người kém may mắn, những người nghèo đói, cơ cực, những người tận biên giới, vùng sâu vùng xa, đang thiếu ánh sáng văn hóa và cần lắm những tấm lòng sẻ chia, thương xót. Bằng cách đem theo chai nước ở nhà và lấy nước ở các bình nước tinh khiết có trong nhà thờ, đem theo quạt giấy để sẵn trong giỏ,.. để không phải mua gì, dành số tiền mua nước và mua quạt để giúp đỡ những người khốn khó.

Chúc bình an cũng là điều đáng chú ý ở đây. Thông thường, khi chúc bình an, giáo dân quay sang người bên cạnh cuối đầu chào, thế là xong. Cái đặc biệt trong Lễ kính lòng thương xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa Sài Gòn là Cha Long bảo anh chị em hãy quay sang bắt tay những người bên cạnh, người phía tría, người đằng sau mình, chúc bình an và cười với nhau. Trong cái bắt tay có hơi ấm tình người, cộng thêm ánh mắt thân thiện nhìn nhau, cười với nhau, xin Chúa ban bình an cho anh/chị như một luồng sinh khí thổi qua xua tan sự mệt mỏi, nóng bức, chật chọi của cả cộng đoàn. Mọi người luôn thấy thật sự bình an trong tâm hồn.

Nhà thờ Chí Hòa là điểm hành hương cho tất cả những ai đến dự Lễ kính lòng thương xót Chúa nên sau Lễ cha Long có rẩy Nước Thánh trên cộng đoàn. Sau Lễ, không ai chịu về liền, họ tụ lại thành đám đông, trật tự chừa lối đi ở giữa, nơi để một hàng ghế nhựa từ cửa nhà thờ thẳng đến cuối bờ tường khuôn viên để cha Long bước trên đó mà đi rầy nước. Những giọt Nước Thánh như hồng ân Chúa tuôn trào đổ xuống trên cộng đoàn, họ vui vẻ làm dấu thánh rồi âm thầm lùi ra phía sau nhường chổ cho những ai chưa được rẩy nước Thánh bước vào trong. Có những người đứng hơi xa, họ kêu lên Cha ơi, con ở đây. Cha ơi, con ở đây. Tiếng kêu vừa như không phải chỉ nói với Cha Long mà còn nói với Cha trên trời rằng Con ở đây, xin Cha hãy nhới đến con mà thương xót con.

Theo tôi, Lễ kính lòng thương xót Chúa là một buổi cầu nguyện với Chúa, cầu xin Chúa xót thương, ban ơn không chỉ cho Giáo dân mà còn cho những người chưa biết Chúa, những người đang sống trong tội lỗi, đau buồn vì bệnh tật, hoàn cảnh gia đình luôn tìm đến với Chúa để được Chúa thương xót, ủi an, che chở. Thiết nghĩ, việc này nên nhân rộng ở mọi giáo xứ, mọi giáo phận trong cả nước nhằm đưa mọi người đến gần Chúa hơn, nhất là biết xót thương, chia sẻ với những người khốn khó, kém may mắn về vật chất cũng như tinh thần. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con, những người biết và chưa biết Chúa. Xin Chúa hãy soi sáng cho tất cả chúng con, những người tập tành làm truyền thông, đem Chúa đến cho mọi người. Xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con, xin dùng chúng con như công cụ của Chúa theo ý Chúa. Amen.

Nguyễn Quân TT
Học viên Khóa Offline IV

Nguồn: hình lấy từ trang http://sinhhoattrehoabinh.com/viewtopic.php?f=21&t=266
Và trang http://www.vietditru.com/bb/viewtopic.php?p=330602

Share this:

Có liên quan

  • Têt ở trong nước, Tết ở phương xa
  • 07/01/2012
  • Trong "Bài viết"
  • Sau một chuyến đi
  • 01/10/2011
  • Trong "Bài viết"
  • Xin đừng vô cảm với Thái Hà
  • 14/11/2011
  • Trong "Bài viết"