Nhóm nước tập trung nhiều vấn đề môi trường và phát triển hiện nay là

Những vấn đề môi trường cấp bách của Việt Nam, thực trạng, xu thế, thách thức và giải pháp

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học về chủ đề: "Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam: Những thách thức và giải pháp ứng phó". BBT trân trọng giới thiệu bài tham luận với tiêu đề: "Những vấn đề môi trường cấp bách của Việt Nam, thực trạng, xu thế, thách thức và giải pháp"

NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CẤP BÁCH CỦA VIỆT NAM:
THỰC TRẠNG, XU THẾ, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Lưu Thế Anh
Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhóm nước tập trung nhiều vấn đề môi trường và phát triển hiện nay là

NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CẤP BÁCH CỦA VIỆT NAM:
THỰC TRẠNG, XU THẾ, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Lưu Thế Anh
Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. THỰC TRẠNG VÀ XU THẾ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM

Sau 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; trong đó kinh tế tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe được tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và ổn định; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả,... Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển; đa dạng sinh học (ĐDSH) và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề môi trường cấp bách này đã trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của Đất nước.

Ô nhiễm nước mặt các lưu vực sông, đặc biệt là sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn diễn ra nghiêm trọng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Lượng nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn[1], hầu hết không qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu[2]. Nhiều nguồn nước mặt đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải. Nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch và bị biến thành nơi dẫn, tiêu thoát và chứa nước thải.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý bất an và lo lắng cho nhân dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng do gia tăng các chất ô nhiễm từ hoạt động kinh tế; chất lượng không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư (nhất là tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) đã suy giảm nghiêm trọng. Tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, khi gia tăng các nguồn phát thải vào không khí kết hợp với các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù đã làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.

ONMT các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề ở mức đáng lo ngại. Chất thải rắn (CTR) đang là vấn đề nóng, mang tính cấp bách cần được ưu tiên đầu tư giải quyết ở Việt Nam hiện nay, với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt[3], CTR công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm. Trong khi đó, hầu hết CTR chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, phần lớn CTR được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân. Ô nhiễm trên biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, trong đó có vấn đề rác thải nhựa, nạo vét nhận chìm vật liệu nạo vét. Các sự cố môi trường biển có xu hướng gia tăng, nổi lên là ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển; sự cố tràn dầu trên biển Đông đã ảnh hưởng lớn đến các vùng ven biển ở nước ta. Các chất có nguồn gốc từ đất liền thải ra đã và đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ.

Đến nay, Việt Nam còn nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu, cơ sở gây ONMT nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để[4], nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chưa được di dời. Tình trạng suy giảm nghiêm trọng sức khỏe và sức sản xuất của đất nông nghiệp do xói mòn, rửa trôi ở các khu vực đồi núi; ONMT đất và thoái hóa đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học và các loại chất thải tiếp tục diễn biến phức tạp và gia tăng. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ra tăng về tần suất, quy mô và mức độ ảnh hưởng. Công tác quản lý, khai thác và ONMT môi trường nước của hệ thống sông xuyên biên giới diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát.

Các sự cố ONMT nghiêm trọng[5] và rất nghiêm trọng[6] xảy ra trên diện rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, sức khỏe của người dân, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và là bài học đắt giá cho Đất nước ta về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững, thiếu quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT).

Số lượng các loài động vật, thực vật hoang dã trong tự nhiên bị đe dọa đã gia tăng. Các hệ sinh thái (HST) tự nhiên tiếp tục bị chia cắt, thu hẹp về diện tích và xuống cấp về chất lượng; dẫn đến mất cân bằng sinh thái, giảm chức năng phòng hộ, mất nguồn cung cấp nước ngầm, mất nơi sinh cư và sinh sản của các loài sinh vật. Số loài và số cá thể các loài hoang dã bị giảm mạnh; nhiều loài bị săn bắt, khai thác, buôn bán trái phép dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng cao; nguy cơ mất an ninh sinh thái do sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ các sinh vật biến đổi gen.

Thực trạng và xu hướng diễn biến môi trường sinh thái của Việt Nam trong những năm qua cho thấy, môi trường Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong những năm tiếp theo nếu chúng ta không có những giải pháp khắc phục kịp thời.

2. CÁC THÁCH THỨC MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM

2.1. Suy thoái đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái

Việt Nam là một trong 12 trung tâm ĐDSH của thế giới, tiềm năng ĐDSH rất phong phú, các HST có tính đa dạng cao, giống loài và nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, nguồn gen trong tự nhiên chưa được bảo tồn hiệu quả, đặc biệt là các nguồn gen bản địa, quý hiếm, có giá trị khoa học, có giá trị kinh tế, gây mất mát nguồn gen lớn. Việt Nam được xếp vào những nước bị mất ĐDSH lớn trên thế giới, ĐĐSH đang tiếp tục bị suy thoái với tốc độ nhanh. Sức khỏe các HST tự nhiên đang xấu đi nhanh chóng hơn bao giờ hết, dẫn đến mất cân bằng sinh thái, xói mòn nền tảng và nguồn vốn tự nhiên của nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của các thế hệ tương lai Đất nước.

Mặc dù số lượng các khu bảo tồn, khu Ramsar, vườn di sản ở Việt Nam tiếp tục gia tăng[7]; số lượng các nguồn gen quý hiếm được bảo tồn tiếp tục tăng, nhưng các HST tự nhiên (như rừng trên cạn, rừng ngập mặn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, núi đá vôi, bãi bồi cửa sông ven biển,) tiếp tục bị tàn phá và chia cắt, thu hẹp diện tích, xuống cấp và suy thoái chất lượng ở mức báo động, làm mất nơi sinh cư của nhiều loài động thực vật hoang dã. Tài nguyên sinh vật đang bị khai thác quá mức, khai thác tận diệt, nhất là thủy sản, hải sản, lâm sản gỗ và phi gỗ. Số loài và số cá thể các loài hoang dã giảm mạnh, nhiều loài bị săn bắn, khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép[8] nên nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

Thời gian qua, nhiều chi, loài mới được phát hiện nhưng các loài này lại phải đối mặt với những nguy cơ rất lớn, số loài cần được ưu tiên, bảo vệ cũng gia tăng. Đến năm 2017, Việt Nam đã xác định 1.211 loài động vật, thực vật hoang dã trong tự nhiên bị đe dọa và đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam thời gian tới, gồm 600 loài thực vật và 611 loài động vật (tăng 329 loài so với Sách đỏ Việt Nam 2007, gồm 136 loài thực vật và 193 loài động vật); khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng[9].

Trong thời gian qua, sự nhiễu loạn của các HST, sự xâm lấn của các sinh vật ngoại lai xâm hại[10] và sinh vật biến đổi gen đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam, gây ra các nguy cơ và rủi ro đối với ĐDSH, mất cân bằng sinh thái và tổn thất kinh tế. Bài học trước đây về nhập khẩu ốc bươu vàng để phát triển kinh tế và loài này đã trở thành đại dịch, vẫn tiếp tục gây hại mùa màng, tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các loài khác như: rùa tai đỏ, chuột hải ly[11], tôm hùm đất, gián đất, chồn nhung đen,... là những loài được quốc tế cảnh báo xâm hại nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng đến sinh thái, tác động tiêu cực đến ĐDSH, các ngành kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, HST tự nhiên Việt Nam còn bị xâm hại của các loài ngoại lai theo các con đường tự nhiên như cây mai.

2.2. Chất lượng rừng tiếp tục suy giảm và mất chức năng phòng hộ

Năm 1943, diện tích rừng Việt Nam ước khoảng 14,3 triệu ha (tỷ lệ che phủ đạt 43,8%, trên mức an toàn sinh thái là 33%); năm 1976 giảm xuống còn 11 triệu ha (34%); 1985 còn 9,3 triệu ha (30%); 1995 còn 8 triệu ha (28%); 1999 có 10,88 triệu ha (33%). Trong 10 năm qua (2010-2019), diện tích rừng và độ che phủ rừng của Việt Nam liên tục tăng[12] nhờ kết quả của các chương trình phát triển lâm nghiệp, nhưng chất lượng và tính đa dạng của rừng tự nhiên ngày càng suy giảm; nhiều nơi diện tích rừng tiếp tục bị chặt phá nghiêm trọng, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao[13]. Diện tích rừng tăng hàng năm là rừng mới trồng với các loài cây mọc nhanh (các loài keo), có chất lượng thấp và chức năng phòng hộ kém. Diện tích rừng nguyên sinh giảm trầm trọng, hiện chỉ còn rất ít, tập trung ở các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phần lớn rừng tự nhiên hiện nay còn lại là rừng nghèo[14]. Đến năm 2012, Việt Nam có 131.520 ha rừng ngập mặn, mất 67% diện tích so với năm 1943 (408.500 ha)[15] và hiện đang tiếp tục suy giảm mạnh về chất lượng, dẫn đến mất chức năng phòng hộ của hệ thống rừng.

Chất lượng rừng suy giảm mạnh là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tầng suất, quy mô và cường độ các thiên tai xảy ra trong những năm qua, như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó, mất chức năng phòng hộ của hệ thống rừng đang là một thực trạng cấp bách đáng báo động, là một trong những thách thức lớn cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Đất nước trong bối cảnh những tác động của BĐKH gia tăng bất thường và khó dự báo.

2.3. Gia tăng chất thải, ô nhiễm môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm

Các chất thải phát sinh ở Việt Nam ngày càng tăng với thành phần phức tạp do dân số tăng nhanh và tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, làng nghề, y tế, du lịch và dịch vụ. Chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày và ước tính CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10-16%/năm; CTR công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đặc biệt, tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương,... CTR nguy hại phát sinh trên toàn quốc ước khoảng 800.000 tấn/năm. Tổng lượng CTR y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có khoảng 47 tấn/ngày là CTR y tế nguy hại. Khối lượng CTR từ hoạt động nông nghiệp phát sinh mỗi năm ước tính khoảng hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi.

Hiện nay, túi nilon và rác thải nhựa trở thành vấn đề đáng lo ngại trong quản lý CTR. Lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa ở nước ta tăng lên nhanh chóng, năm 2015 khoảng 5 triệu tấn (trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu). Lượng nhựa tiêu thụ bình quân năm 2019 là 41 kg/người, cao hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ năm 1990 (3,8 kg/người). Lượng nhựa thải ra biển ước tính khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), xếp thứ 4 trong số các nước có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam[16] (điện mặt trời đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mái nhà). Với tiềm năng vô hạn, điện mặt trời được kỳ vọng trở thành lời giải cho Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai ồ ạt các dự án[17] năng lượng mặt trời đã để lộ ra nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro môi trường trong tương lai. Việc sử dụng axít HF hay NaOH tẩy rửa bề mặt tấm pin mặt trời, các kim loại nặng (Pb, Cr, Cd) trong các tấm pin sẽ trở thành một vấn đề môi trường nan giải đối với Việt Nam trong thời gian tới. Tuổi thọ của các tấm pin năng lượng mặt trời trung bình khoảng 25 - 30 năm, sau thời gian sử dụng thường rất khó để tiêu hủy hoặc tái chế[18]. Trong khi Việt Nam hoàn toàn chưa có hiểu biết và kinh nghiệm về quản lý và tiêu hủy chất thải từ các tấm pin này.

Ô nhiễm thực phẩm gia tăng cùng với tình trạng gia tăng ÔNMT và đã trở thành vấn đề nóng ở Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh việc xả thải các chất thải ra môi trường đất và nước, việc lạm dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc kháng sinh trong trồng trọt và chăn nuôi; hóa chất trong chế biến và bảo quản đã dẫn đến ô nhiễm thực phẩm ở mức đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến thực phẩm nhiễm bẩn ở Việt Nam diễn ra phổ biến, nghiêm trọng[19] và có xu hướng gia tăng.

2.4. Gia tăng rủi ro và sự cố môi trường

Thực tế những năm qua cho thấy, Việt Nam đang đối mặt và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về môi trường sinh thái. Các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác xử lý và khắc phục hậu quả. Hầu hết, các sự cố môi trường xảy ra do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đổ thải trộm hoặc do công trình xử lý, lưu trữ chất thải gặp sự cố, cháy nổ, rò rỉ hóa chất, tràn dầu, dẫn đến lượng lớn chất thải chưa qua xử lý xả thải ra môi trường. Điển hình sự cố môi trường biển 04 tỉnh miền Trung[20]; sự cố xả chất thải của Công ty Mía đường Hòa Bình và Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng gây cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (Thanh Hóa) tháng 5/2016; sự cố tràn bùn từ hồ lắng quặng đuôi của Công ty Nhôm Đắk Nông tháng 9/2018; sự cố vỡ hồ chứa nước thải khai thác vàng của Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 (Quảng Nam) tháng 3/2018; sự cố vỡ đập bờ bao hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 (KCN Tằng Loỏng, Lào Cai) tháng 9/2018 làm khoảng 45.000 m3 nước và chất thải tràn ra ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân và môi trường nước mặt vùng lân cận.

Đặc biệt, gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố môi trường nghiêm trọng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, mà còn đe dọa đến trật tự an ninh xã hội, điển hình sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (28/8/2019) đã làm phát tán lượng thủy ngân ra môi trường ước khoảng 15,1 - 27,2 kg; sự cố đổ dầu thải trên sông Đà (10/10/2019) gây khủng hoảng nước sạch kéo dài cho nhân dân các Quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Hàng năm, trung bình có khoảng 5 - 6 vụ tràn dầu lớn được ghi nhận chủ yếu do va chạm, quá trình bốc dỡ hoặc đắm tàu gây ra. Hiện tượng dầu dạt vào bờ biển một số tỉnh miền Trung và miền Nam không rõ nguyên nhân, gây ONMT nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

2.5. Gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của thiên tai

Việt Nam là một trong 4 nước ở khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây[21]. Thống kê 20 năm qua cho thấy, các thiên tai[22] ở nước ta có xu thế gia tăng tính cực đoan, diễn biến bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng; gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ; gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thiên tai xảy ra nhiều hơn tại các vùng trước đây ít khi xảy ra những trận thiên tai lớn, như bão ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ.Mưa đặc biệt lớn, trong đó mưa cục bộ ở nhiều vùng vượt giá trị lịch sử; mưa trái mùa ở một số khu vực như mưa sớm hơn hoặc mưa muộn cuối mùa (sau khi các hồ chứa đã tích đầy nước); bão lớn trên cấp 11 - 12 thường xuyên xảy ra và trái quy luật cả về thời gian hình thành và khu vực đổ bộ; lũ lớn xảy ra thường xuyên, thời gian xảy ra ngay từ đầu năm và kéo dài đến cuối năm. Hạn hán khốc liệt trên diện rộng, kéo dài tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Thống kê của Tổng cục Phòng chống Thiên tai trong 10 năm qua, Việt Nam có hơn 3.600 người chết và mất tích do thiên tai, gây thiệt hại khoảng 288.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, thiên tai làm cho Việt Nam mất đi từ 1,0 - 1,5% GDP.

Trong những năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng, thiên tai hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt, khó dự báo trên phạm vi cả nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh, đặc biệt là ở miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn được xác định là một trong những thách thức ngày càng lớn đối với công cuộc phát triển và bảo vệ Đất nước trong những năm tới. Ứng phó thắng lợi với thiên tai, trong đó có hạn hán và xâm nhập mặn là một nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu và là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Đất nước, bảo vệ an toàn cuộc sống Dân dân.

2.6. Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và vấn đề an ninh nguồn nước

Các tài nguyên thiên nhiên (TNTN) ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng xấu, tiếp tục bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Đây là hệ quả kéo dài của hoạt động khai thác TNTN một cách thiếu hợp lý, cùng với việc sử dụngTNTNlãng phí và công tác quản lý yếu kém của các cấp chính quyền. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt TNTN sau một thời gian dài xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế của Đất nước chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô, kỹ năng và năng suất lao động thấp, giá rẻ. Tài nguyên rừngbị thu hẹp; tài nguyên ĐDSH suy giảm mạnh và các loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao; cạn kiệt và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước; tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt; tài nguyên đất nông nghiệp bị giảm do chuyển sang phục vụ công nghiệp và dịch vụ; đất bị hạn hán, nhiễm mặn, hoang mạc hóa ngày một tăng;...

Để bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước, mức khai thác không vượt ngưỡng 30% nguồn nước, nhưng hầu hết các sông ở miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 30-50% lượng dòng chảy. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước của các sông lớn như: Sông Hồng, Đồng Nai - Sài Gòn, Gia Vu, Thu Bồn, Ba, Srêpốk,... Do tập quán canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước của nhân dân nhưng lại thiếu các biện pháp dự trữ nước hợp lý trong mùa mưa để dùng dần trong mùa khô, nên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi. Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia "thiếu nước" do lượng nước mặt bình quân đầu người chỉ đạt 3.840 m3/năm, thấp hơn chỉ tiêu của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (4.000 m3/người/năm). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta.

Việt Nam có 2.360 sông thuộc 16 lưu vực sông, trong đó hơn 60% tài nguyên nước mặt bắt nguồn từ các quốc gia khác[23]. Do đó, Việt Nam rất nhạy cảm với mọi hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng nước từ phía thượng lưu. Trong khi BĐKH đang làm suy thoái tài nguyên nước, nhưng nhu cầu dùng nước của các quốc gia lại tăng lên, làm tăng các bất đồng và xung đột trong sử dụng chung nguồn nước. Các vấn đề môi trường theo lưu vực sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Đến nay, trên thượng nguồn dòng chính sông Mê Kông có 07 công trình đập thủy điện đã được xây dựng, trong đó có 03 đập đang xây dựng và 01 đập dự kiến xây dựng vào năm 2022[24] cùng với 78 con đập trên dòng phụ. Các đập thủy điện này không chỉ làm thay đổi dòng chảy môi trường, ngăn chặn sự di chuyển của các loài thủy sinh, giảm lượng trầm tích và sụt giảm phù sa, gia tăng mất mát ĐDSH mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, gia tăng nguy cơ xói lở bờ sông, xâm nhập mặn và tác động tích lũy sinh thái đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2.7. Xâm lược sinh thái và an ninh môi trường xuyên biên giới

Việt Nam đi sau các nước phát triển nhiều thập kỷ, lợi dụng sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật và yếu kém trong quản lý, chúng ta đang vô tình tiếp tay cho các loại tội phạm "xâm lược sinh thái" đe dọa đến an ninh môi trường, như nhập khẩu phế liệu công nghiệp, các sinh vật ngoại lai xâm hại, nông sản có hóa chất độc hại,... biến nước ta thành bãi rác của thế giới. Hiện nay, 70% kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước có công nghệ trung gian. Việc nhập khẩu thiết bị máy móc thế hệ cũ đang làm gia tăng chất thải. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng đáng lo ngại là gia tăng việc nhập khẩu phế liệu, giấy phế liệu, bao bì nhựa, hàng điện tử đã qua sử dụng và máy tính cũ. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng 1.308.100 tấn so với năm 2017.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có ÔNMT xuyên biên giới ngày càng phức tạp và trở thành một trong những thách thức đối với Việt Nam. Chúng ta đang phải gánh chịu nhiều tác động xấu tới môi trường nước theo lưu vực sông xuyên biên giới (sông Hồng, sông Mê Kông, sông Hồng,...) bởi chất thải của các quốc gia đầu nguồn đổ xuống lưu vực. Bên cạnh đó, việc gia tăng xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Kông dự báo sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và ĐDSH của nước ta. ÔNMT trên biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, đặc biệt nổi lên là ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển và sự cố tràn dầu đã ảnh hưởng tới các vùng ven biển ở nước ta. Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới mặc dù chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định. Môi trường không khí nước ta đang chịu ảnh hưởng từ nguồn xuyên biên giới theo quy luật mức độ ô nhiễm tăng đáng kể vào mùa đông.

Đằng sau việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, sinh vật ngoại lai và biến đổi gen vào Việt Nam đã gây ÔNMT, mất cân bằng sinh thái, thể hiện âm mưu chiến tranh sinh thái, đe dọa an ninh môi trường ở nước ta. Các nước nghèo như Việt Nam rất dễ bị mắc bẫy này.

2.8. Suy giảm chất lượng đất và đe dọa đến nền nông nghiệp

Trong nhiều thập kỷ qua, ảnh hưởng của cuộc cách mạng xanh, nền nông nghiệp của Việt Nam đã có bước thay đổi lớn trong canh tác. Không thể phủ nhận lợi ích từ việc thay đổi này khi đưa năng suất trồng trọt tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, cũng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với sức khỏe của đất. Thoái hóa đất nông nghiệp ở nước ta có xu hướng tăng do các tác động tiêu cực của BĐKH và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ô nhiễm đất gia tăng chủ yếu do hoạt động phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ,... do chất thải, nước thải chưa qua xử lý và phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật chưa được quản lý, kiểm soát, xả thải vào môi trường đất. Đất bị thoái hóa có độ phì kém, mất cân bằng dinh dưỡng do bị rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, ngập úng, trượt lở,... Nước ta hiện nay có 04 dạng thoái hóa tự nhiên (hoang mạc đá - hoang mạc đất khô cằn ở miền Trung và Tây Nguyên; hoang mạc cát ở các tỉnh ven biển miền Trung; hoang mạc đất nhiễm mặn ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và ven biển đồng bằng Bắc Bộ). Tốc độ thoái hóa đất tự nhiên diễn ra mạnh ở khu vực có địa hình đồi núi, sườn dốc hoặc các khu vực ven biển diễn biến mạnh hơn so với đất phù sa ở khu vực đồng bằng[25].

Các kết quả quan trắc chỉ rõ, việc bón nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ đã làm chết các vi sinh vật có lợi trong đất, làm biến đổi đặc tính đất; hiện tượng lượng phù sa cung cấp từ thượng nguồn giảm mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đất. Tình trạng thâm canh, độc canh liên tục trong thời gian dài không cho đất nghỉ ngơi, đất trồng không được cải tạo và bảo vệ, hàm lượng chất hữu cơ và độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh. Chất lượng đất sẽ là vấn đề quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng. Do đó, chất lượng đất suy giảm, cũng đồng nghĩa với việc môi trường sống của cây trồng kém dần và không đáp ứng được các nhu cầu của cây, tác động trực tiếp và to lớn đến năng suất cây trồng.

3. CÁC NGUYÊN NHÂN

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hoá và đô thị hóa ngày càng cao, khai thác TNTN ồ ạt và thiếu kiểm soát, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường, làm suy thoái các HST và ĐDSH.

- Môi trường sinh thái nước ta chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn đề môi trường phi truyền thống gia tăng cùng với hội nhập thương mại quốc tế và thách thức từ vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

- Còn tồn tại quan điểm ưu tiên và coi trọng tăng trưởng triển kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá và xem nhẹ yêu cầu BVMT; quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa thực sự thực hiện triệt để; văn hóa, ý thức trách nhiệm BVMT của người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; việc thực thi các chính sách và công cụ BVMT còn nhiều bất cập và mang lại hiệu quả thấp.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu chính là hệ thống chính sách pháp luật về BVMT còn có chồng chéo và bất cập; các công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; cách tiếp cận và cộng cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời và không theo kịp với những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Đất nước.

- Năng lực quản lý nhà nước về môi trường và quản trị môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mô hình tổ chức cơ quan quản lý về BVMT từ Trung ương xuống đến địa phương còn bất cập và yếu kém về năng lực, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay. Cơ quan quản lý địa phương còn phụ thuộc vào các quyết định thu hút đầu tư dự án (kể cả dự án có nguy cơ gây ONMT nghiêm trọng) của UBND các cấp, chưa coi trọng ý kiến phản biện độc lập trong công tác BVMT hoặc có ý kiến nhưng cũng rất khó được chấp thuận trong một số dự án cụ thể.

- Nguồn lực tài chính đầu tư cho BVMT từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho công tác BVMT.

- Nhận thức và đạo đức môi trường, ý thức trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng nhiều nơi còn thấp, dẫn đến thiếu ý thức tự giác BVMT.

- Các dự án có nguy cơ cao gây ONMT cao vẫn được cấp phép đầu tư vào Việt Nam. Năng lực dự báo, cảnh báo phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT, địa Phương và các doanh nghiệp còn chưa được quan tâm và nhiều hạn chế.

- Tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là ở cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về BVMT và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và doanh nghiệp.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc gia còn hạn chế, chưa thật hiệu quả.

4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

a) Thay đổi tư duy và cách tiếp cận: Tất cả các vấn đề về môi trường sinh thái hiện nay chúng ta đang phải đối mặt, trước hết xuất phát từ chính quan hệ giữa con người với thiên nhiên, bắt đầu nảy sinh từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, tiếp tục gia tăng trong suốt thời gian qua và đến nay đã tới mức báo động, đe dọa sự tồn vong của Trái đất. Tư duy sai lầm của con người khi tự cho mình là chủ nhân của Trái đất, có thể cải tạo và chinh phục tự nhiên, đã khai thác vốn tự nhiên một cách kiệt quệ và không thương tiếc. Để giải quyết những vấn đề này phải đổi mới tư duy và hành động; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội cần được dựa trên tư duy và đạo đức sinh thái trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Quan điểm tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển dựa trên HST phải trở thành triết lý cho mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết tận gốc các vấn đề suy thoái tài nguyên và ONMT hiên nay.

b) Hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về BVMT: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và pháp luật về BVMT, như: Luật BVMT sửa đổi và các văn bản hướng dẫn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các pháp luật khác[26] đáp ứng kịp yêu cầu phát triển Đất nước và hội nhập quốc tế (đặc biệt, phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, thông lệ quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới); quy định quản lý CTR theo hướng thống nhất quản lý nhà nước CTR trên phạm vi cả nước và UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về xử lý rác thải trên địa bàn; pháp luật về xử phát vi phạm về BVMT theo hướng tăng tính nghiêm minh và dăn đe; hệ thống quy định về BVMT để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các xung đột, tranh chấp về môi trường gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội; quy định về quy hoạch BVMT quốc gia và cấp tỉnh, quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia và các quy hoạch khác liên quan; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trên quan điểm áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước tiên tiến phát triển nhằm thiết lập hàng rào kỹ thuật duy trì và bảo vệ chất lượng môi tường, đảm bảo chủ động đề kháng trước các nguy cơ ONMT, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Xây dựng và phát triển các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam

c) Tăng cường nguồn nhân lực và năng lực quản lý nhà nước về BVMT các cấp: Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh và tăng cường năng quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan Trung ương và địa phương để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về BVMT hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp.

d) Tăng cường đầu tư và đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác BVMT: Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho BVMT theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Có cơ chế đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác BVMT (ngân sách nhà nước; các dự án và chương trình tài trợ trong và ngoài nước; Quỹ BVMT Việt Nam; Quỹ BVMT của địa phương huy động vốn từ cộng đồng, hợp tác công tư,). Ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Có cơ chế đột phá để huy động các nguồn tài chính trong xã hội, bên cạnh các nguồn tài chính của nhà nước để phục hồi, xử lý ONMT; cơ chế sử dụng nguồn thu từ thu hút đầu tư trở lại cho BVMT. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; xây dựng các cơ chế tài chính dựa trên các nguyên lý của kinh tế thị trường để thúc đẩy điều chỉnh, thay đổi hoạt động sản xuất, hành vi tiêu dùng theo hướng thân hiện môi trường. Đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế chất thải, các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải, cung cấp dịch vụ BVMT.

e) Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về BVMT theo hướng hiệu lực, hiệu quả: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Tăng cường cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác BVMT đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm phòng tránh hơn là để xảy ra sự cố môi tường mới thanh tra và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; tăng cường công tác BVMT các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Triển khai đồng bộ hệ thống quan trắc chất thải tại nguồn tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý. Phát huy hiệu quả và mở rộng đến cấp huyện, cấp xã đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố giác của cộng đồng về ONMT. Tăng cường năng lực quản lý CTR sinh hoạt đô thị và nông thôn; triển khai triệt để công tác phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao năng lực thu gom và phát triển công nghệ xử lý CTR phù hợp, chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra biển. Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia liên quan đến BVMT, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý rứt điểm và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, đặc biệt trong các khu đô thị, khu dân cư, đẩy nhanh tiến độ cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dioxin. Tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường và ĐDSH; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu thập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường. Quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông, chất lượng không khí ở các đô thị lớn. Tăng cường quan trắc và giám sát môi trường xuyên biên giới, nhất là đối với các lưu vực sông xuyên biên giới, môi trường biển, các tác động do mở cửa thương mại kinh tế, tình trạng dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu từ các nước trong khu vực và trên thế giới vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các sinh vật ngoại lai và sinh vật biến đổi gen từ nước ngoài về Việt Nam.

f) Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong BVMT: Ưu tiên và đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ tiên tiến ứng dụng vào quản lý và BVMT hiệu quả như: Công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ ít chất thải, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải, công nghệ carbon thấp, công nghệ vật liệu mới thay thế và ứng dụng trong xử lý môi trường, Ứng dụng công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo vào phát triển cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia thống nhất và đồng bộ, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, các trạm quan trắc và cảnh báo sớm sự cố môi trường. Nhà nước khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao năng lực quản lý môi trường, dự báo và cảnh báo sớm ONMT cấp tỉnh, vùng và liên vùng.

g) Đẩy mạnh công tác truyên truyền và giáo dục môi trường: Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo và giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục phổ thông các cấp phù hợp với điều kiện và chương trình giáo dục của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thực về BVMT, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải, các bon thấp theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền và khu vực. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường; cung cấp thông tin kịp thời về BVMT trên các Phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Truyền thông mạnh mẽ để tạo phong trào rộng lớn trong toàn dân tham gia BVMT, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH. Đẩy mạnh công tác xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự. Phát hiện, nêu gương, tạo phong trào, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt, cách làm hay để tạo chuyển biến tích cực trong toàn xã hội.



[1] Với 878 khu đô thị, 280 khu công nghiệp (KCN), 683 cụm công nghiệp (CCN), hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.400 làng nghề, hơn 13.000 cơ sở y tế đang hoạt động,... hàng ngày phát sinh hơn 9.000.000 m3 nước thải sinh hoạt (tỷ lệ thu gom đạt khoảng 12%), 650.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế.

[2] Hiện có 250/280 (đạt 89,28%) KCN và 115/683 (đạt 16,8%) CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

[3] Khối lượng CTR tăng khoảng 10%/năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của Bộ TN&MT năm 2019, cả nước phát sinh hơn 61.000 tấn CTR sinh hoạt/ngày (hơn 37.000 tấn/ngày tại đô thị và hơn 24.000 tấn/ngày tại nông thôn). Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị của các địa phương từ 62-90%, khu vực nông thôn trung bình cả nước khoảng từ 45-60%.

[4] Đến tháng 12/2019, cả nước còn 32 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng (Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg), 146 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (Quyết định số 1788/QĐ-TTg).

[5] Sự cố cháy nổ ở Công ty CP Phích nước Rạng Đông; sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do đổ bùn thải trái phép tại Hòa Bình,

[6] Sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

[7] Đến 2019, cả nước có 172 khu bảo tồn với tổng diện tích 2.493.843,67 ha; gồm 33 Vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 06 khu bảo tồn so với năm 2015, gồm 02 vườn quốc gia, 02 khu dự trữ thiên nhiên, 01 khu bảo tồn loài, sinh cảnh và 01 khu bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích tăng thêm là 66.693,67 ha). Ngoài ra, Việt Nam có 09 khu Ramsar và 10 Vườn di sản ASEAN.

[8] Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, từ 01/2013-12/2017, cả nước có 1.504 vi phạm; 41.328 kg cá thể và sản phẩm, 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; 432 bị cáo bị xét xử trong các vi phạm hình sự về động vật hoang dã.

[9] Kết quả nghiên cứu của đề tài độc lập cấp Quốc gia thực hiện từ 2014-2017 của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam "Điều tra, đánh giá các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ nhằm tu chỉnh Sách đỏ Việt Nam".

[10] Theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, Việt Nam hiện có 19 loài ngoại loài xâm hại và 61 loài có nguy cơ xâm hại.

[11] Năm 2000, chuột hải ly được nhập khẩu nuôi thử nghiệm, đây là một trong 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da,...

[12] Theo số liệu công bố hiện trạng rừng của Bộ NN&PTNT, năm 2010 cả nước có 13.258.843 ha (độ che phủ đạt 39,1%); 2011: 13.515.064 ha (39,7%); 2012: 13.862.043 ha (39,9%); 2013: 13.954.454 ha (39,71%); 2014: 13.796.506 ha (39,02%); 2015: 14.061.856 ha (40,84%); 2016: 14.377.682 (41,19%); 2017: 14.415.381 ha (41,45%); 2018: 14.491.295 ha (41,65%); 2019: 14.609.220 (41,89%).

[13] Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2011-2015, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trung bình 27.265 vụ/năm, diện tích rừng bị thiệt hại trung bình 2.648 ha/năm; giai đoạn 2016-2018 là 16.980 vụ/năm, giảm 35% so với giai đoạn 2011-2015, rừng bị thiệt hại trung bình 2.328 ha/năm, giảm 29% so với giai đoạn 2011-2015.

[14] Trước 1945 trữ lượng rừng khoảng 200-300 m3/ha; năm 1993 còn khoảng 525 triệu m3 (trung bình 76 m3/ha). Tốc độ tăng trưởng trung bình của rừng Việt Nam từ 1-3 m3/ha/năm đối với rừng tự nhiên và 5-10 m3/ha/năm đối với rừng trồng.

[15] Theo số liệu của Bộ TN&MT (2015), đến năm 2012 Việt Nam đã mất 67% diện tích rừng ngập mặn (RNM) so với năm 1943. Giai đoạn 1943-1990, tỷ lệ mất RNM trung bình 3.266 ha/năm; giai đoạn 1990-2012 là 5.613 ha/năm. Trong 22 năm (1990-2012) tỷ lệ mất RNM gấp 1,7 lần giai đoạn 1943-1990. Đến năm 2012, khoảng 56% diện tích RNM trên toàn quốc là rừng mới trồng, thuần loại, chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng loài.

[16] Nghị Quyết số 18-NQ-TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lược quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

[17] Đến tháng 12/2019 có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực và còn gần 260 dự án với tổng công suất tới 28.300 MW đang chờ để đưa vào quy hoạch.

[18] Nhật Bản hiện nay đang đau đầu trong việc tìm các giải pháp tái sử dụng kho chất thải năng lượng mặt trời đang ngày một đầy lên, vượt 10.000 tấn vào năm 2020 và đạt đến 800.000 tấn mỗi năm vào năm 2040.

[19] Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011- 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, hơn 4 triệu người mắc bệnh và 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm làm 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới.

[20] Hiện tượng hải sản chết bất thường tại khu vực miền Trung bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lần lượt xuất hiện tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ ngày 06/4/2016 đến hết ngày 10/5/2016.

[21] Theo báo cáo của OECD năm 2018) Managing weather-related disasters in Southeast Asian agriculture, OECD Studies on Water, OECD Publishing, Paris. Doi: org/10.1787/9789264123533-en.

[22] Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tần suất xuất hiện của các tai biến thiên nhiên ở Việt Nam ở mức cao bao gồm: Lũ, ngập úng, bão và áp thấp nhiệt đới, hạn hán, lũ quét, xói lở/bồi lấp, lốc xoáy; ở mức trung bình bao gồm: Mưa đá và mưa lớn, sạt lở đất, cháy rừng, xâm nhập mặn; ở mức thấp bao gồm: Động đất, sướng muối, sóng thần.

[23] Hệ thống sông Hồng có 50% nguồn nước từ Trung Quốc. Hệ thống sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có 10% nguồn nước bổ sung từ nội địa, 90% còn lại từ Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Hệ thống sông Mã và sông Cả đều có 40% lưu vực thượng nguồn nằm trên lãnh thổ Lào. Hệ thống sông Đồng Nai có 15% lưu vực thượng nguồn ở Campuchia.

[24] Bao gồm các đập: Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng và Pak Lay tại Lào.

[25] Đất bị thoái hóa nặng ở Tây Nguyên khoảng 547.800 ha (chiếm 10%); đất thoát hóa nặng do nhiễm mặn và nhiễm phèn ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ khá cao (14%); diện tích đất bị thoái hóa nặng ở duyên hải Nam Trung Bộ lớn nhất cả nước (21%); đất thoái hóa nặng ở vùng ĐBSH chỉ chiếm 4%.

[26] Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa, Luật Thủy sản, Luật Thuế BVMT, Luật Phí và Lệ phí, Luật Biển Việt Nam, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,

Lưu Thế Anh
Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội