Phân áp oxy trong khí quyển bằng bao nhiêu

Du lịch đường hàng không ngày càng phổ biến trên toàn thế giới trong đó số lượt hành khách kể cả bệnh nhân suy hô hấp mạn tính không ngừng tăng lên. Số lượng hành khách đi du lịch hàng không có biểu hiện triệu chứng giảm oxy máu ngày càng cao.

Cơ chế bệnh sinh: Khi máy bay bay lên độ cao, áp suất khí quyển giảm dần làm phân suất oxy trong khí thở vào giảm dần, hậu quả là phân suất oxy trong máu động mạch giảm dần. Bệnh nhân suy hô hấp mạn tính với thông khí dự trữ thấp không thích ứng được tình trạng giảm phân suất oxy trong máu động mạch sẽ biểu hiện triệu chứng giảm oxy máu.

Ứng dụng lâm sàng: Bệnh nhân có suy hô hấp mạn tính, đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện triệu chứng giảm oxy máu khi đi máy bay, cần phải được tầm soát bằng cách đo độ bão hòa oxy trong máu động mạch theo mạch đập [SpO2] khi thở oxy khí trời và làm khí máu động mạch khi thở khí có FiO2 = 15%. Bệnh nhân có SpO2 < 92% khi thở khí trời hoặc PaO2 < 50 – 55 mmHg khi thở khí có FiO2 =15% là các đối tượng cần được chỉ định thở oxy khi đi máy bay. Họ cần phải thông báo trước cho hãng hàng không khi đặt vé máy bay về nhu cầu thở oxy này để hãng hàng không có sự chuẩn bị cần thiết.

SUMMARY
AIR TRAVELLING PRECAUTIONS FOR PATIENTS WITH CHRONIC RESPIRATORY FAILURE
Background: Air travel is worldwide popular with increasing number of passengers including patients with chronic respiratory failure. The cases of passengers who present symptoms of oxygen desaturation are enhancing.

Pathogenesis: When aircraft flies in the air, atmospheric pressure decreases. Inhaled fractional pressure of oxygen reduces accordingly which leads to arterial oxygen pressure reduction. Patients with chronic respiratory failure, who has low ventilatory reserve, are unable to cope with the challenge of low arterial oxygen pressure and present symptoms of oxygen desaturation.

Clinical application: Patients with chronic respiratory failure, who suffer high risk of development of symptoms of oxygen desaturation during air travel, should be screened with the measurement of peripheral capillary oxygen saturation [SpO2] in room air and the measurement of arterial oxygen pressure [PaO2] in blood gas in low oxygen air [FiO2 = 15%]. The patients with SpO2 < 92% in room air or PaO2 < 50 – 55 mmHg in low oxygen air [FiO2 =15%] are those require the indication of supplementary oxygen while ari travelling. While booking air tickets, they need to inform their demand on supplementary oxygen during air travel to air companies in advance to ensure necessary preparations.
Keywords: Oxygen desaturation during air travel.

Những Nội Dung Cần Lưu Ý

1. Tầm quan trọng 

Du lịch đường hàng không ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Số lượt hành khách đi máy bay đã đạt con số 2 tỷ lượt mỗi năm và con số này không ngừng tăng lên [1].

Một khảo sát trên 100 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD] cho thấy tỷ lệ bệnh nhân COPD đi máy bay hàng năm là 18,9% [2]. Trong một nghiên cứu khác trên 391 bệnh nhân COPD và 184 người không mắc COPD, 54% bệnh nhân COPD đã từng đi máy bay trong hai năm qua, trong số đó lần lượt 25% bệnh nhân COPD và 9% người không mắc COPD xuất hiện các triệu chứng liên quan đến giảm oxy máu [PaO2] khi đi máy bay [3]. Sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, giới và tình trạng hút thuốc lá, tỷ số chênh về nguy cơ có triệu chứng giảm PaO2 khi đi máy bay trên bệnh nhân COPD nhiều hơn so với người không mắc COPD là OR = 6,6 [CI 95% = 2,5 – 17,3] [3].

Tỷ lệ biểu hiện triệu chứng giảm PaO2 khi đi máy bay cao có một phần nguyên nhân là do
bệnh nhân đã không đi khám bác sỹ trước khi đi máy bay do họ không có triệu chứng liên quan đến giảm PaO2 khi bệnh nhân ở dưới đất.

Như vậy giảm PaO2 khi đi máy bay là vấn đề quan trọng cần được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trên bênh nhân suy hô hấp mạn, nhằm có giải pháp tầm soát chẩn đoán và các biện pháp chuẩn bị thích hợp để phòng ngừa giảm PaO2 khi đi máy bay.

2. Cơ chế bệnh sinh

Áp suất khí quyển giảm dần theo độ cao. Khí O2 chiếm 21% khí quyển, vì thế, phân áp O2 cũng giảm dần theo độ cao. Nếu hít thở khí trời thì khi phân áp O2 khí quyển giảm, phân áp oxy khí thở vào [PiO2] cũng giảm theo.

Hiện tại, máy bay thương mại có thể bay đến độ cao 11.582 m. Áp suất khí quyển sẽ giảm từ mức 760 mmHg ngang mặt nước biển còn 160 mmHg ở độ cao 11.582 m [4]. Phân áp O2 tương ứng cũng giảm từ mức 150 mmHg còn 31 mmHg [4]. Phân áp O2 thấp này là không đủ duy trì cuộc sống bình thường [5].

Để duy trì phân áp O2 trong khoang máy bay đủ cao để duy trì sự sống, không khí trong khoang máy bay phải được nén dưới áp lực cao nhằm nâng phân áp O2 trong khoang máy bay lên tương đương phân áp O2 khí quyển ở độ cao 2438 m. Phân áp O2 trong khoang máy bay tương ứng là 114 mmHg. Ngang mặt nước biển, thở O2 với phân suất oxy thở vào [FiO2] 15 % cũng đạt PiO2 114 mmHg. Đây là cơ sở khoa học cho việc làm trắc nghiệm thở oxy với FiO2 15% dưới mặt đất để dự đoán bệnh nhân có giảm PaO2 khi đi máy bay  hay không [4]

PiO2 giảm sẽ làm phân áp oxy phế nang [PAO2] và PaO2 giảm tương ứng. Với PiO2 114 mmHg ở độ cao 2438 m, tương ứng FiO2 15% ở ngang mặt nước biển, PaO2 giảm và giao động trong khoảng 53 – 64 mmHg [4].

Đối phó tình trạng giảm PaO2 này, người bình thường thở nhanh lên và tránh được biểu hiện triệu chứng giảm PaO2; bệnh nhân suy hô hấp mạn cũng đáp ứng tương tự nhưng do dự trữ thông khí của họ đã cạn nên không thể bù trừ tình trạng giảm PaO2, triệu chứng lâm sàng giảm PaO2 sẽ thể hiện giảm PaO2, triệu chứng giảm PaO2 sẽ thể hiện. Rõ ràng, triệu chứng lâm sàng giảm O2 xuất hiện sớm hay muộn, nhiều hay ít là tùy thuộc mức độ nặng hay nhẹ của suy hô hấp mạn có sẵn và cũng tùy thuộc vào độ cao hay thấp mà máy bay đạt đến [5].

3. Ứng dụng lâm sàng

3.1. Các đối tượng có nguy cơ giảm oxy máu khi đi máy bay cần tầm soát: Bệnh nhân suy hô hấp mạn sẽ là người có nguy cơ giảm PaO2 khi đi máy bay. Đây là các đối tượng cần được tầm soát để phát hiện. Vấn đề then chốt nằm ở chỗ các bệnh nhân này có thể không
ý thức được là họ đã có suy hô hấp mạn và vì thế có nguy cơ xuất hiện triệu chứng giảm PaO2 khi đi máy bay.

Theo kết quả nghiên cứu, bệnh nhân có một trong các bệnh sau đây sẽ có nguy cơ suy hô hấp mạn và như thế có nguy cơ giảm PaO2 khi đi máy bay [4]:

– Bệnh phổi tắc nghẽn nặng: Hen, COPD [Chứng cứ B].

– Bệnh phổi hạn chế nặng: có giảm PaO2 và tăng PaCO2 [Chứng cứ C].

– Bệnh xơ nang [Chứng cứ C].

– Lao phổi [Chứng cứ C].

– Tràn khí màng phổi mới đây [Chứng cứ B].

– Xuất viện trong vòng 6 tuần vì bệnh hô hấp cấp [Chứng cứ C].

– Tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành tim, suy tim [Chứng cứ C].

– Tiền căn đau ngực, khó thở, lú lẫn, ngất khi bay [Chứng cứ C].

– Nguy cơ hay đã có thuyên tắc tĩnh mạch từ trước [Chứng cứ B].

– Bệnh nhân đang phải thở oxy hoặc thở máy [Chứng cứ C].

3.1.1. Nội dung tầm soát [4]

– Hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, đặc biệt lưu ý khó thở, bệnh tim phổi và trải nghiệm các lần bay trước [Chứng cứ C].

– Hô hấp ký [dành cho bệnh nhân không lao] [Chứng cứ C].

– SpO2, làm khí máu động mạch khi nghi tăng PaCO2 [Chứng cứ C].

– Trắc nghiệm thở 15% FiO2 cho bệnh nhân có SpO2 từ 92 – 95% ± có yếu tố nguy cơ giảm PaO2 đi kèm [Chứng cứ C] *.

[*] Các yếu tố nguy cơ giảm PaO2 được đề cập ở đây gồm: tăng PaCO2, giảm FEV1 < 50%, ung thư phế quản, xơ phổi, gù vẹo cột sống, yếu cơ hô hấp, đang phải thở máy, bệnh tim hay mạch máu não, xuất viện trong vòng 6 tuần sau đợt cấp bệnh tim phổi mạn [4].

3.1.2. Khuyến cáo xử trí [4]:

Khuyến cáo chỉ định hay không thở oxy khi đi máy bay được quyết định dựa trên kết quả đo SpO2 ở ngang mực nước biển với oxy khí trời, đo PaO2 với thở khí có nồng độ oxy thấp [FiO2 = 15%] và test đi bộ sáu phút để đánh giá giảm oxy khi vận động.

– Kết quả đo SpO2 ở ngang mức mặt nước biển:
+ > 95% → không cần O2 hỗ trợ [Chứng cứ B].
+ 92%-95% và yếu tố nguy cơ [–] → không cần O2 hỗ trợ [Chứng cứ C].
+ < 92% hoặc yếu tố nguy cơ [+] → cần O2 hỗ trợ [Chứng cứ B].
+ Đang thở oxy → tăng liều O2 hỗ trợ trên máy bay [Chứng cứ B].

– Kết quả đo PaO2 sau test thở 15% FiO2 trong 20 phút:
+ > 55 mmHg → không cần O2 hỗ trợ [Chứng cứ B].
+ 50 – 55 mmHg → trắc nghiệm đi bộ kèm theo dõi độ bão hòa oxy theo mạch đập [SpO2] có thể giúp ích [Chứng cứ C]. Giảm SpO2 > 3% khi đi lại tiên đoán phải cần O2 hỗ trợ.
+ < 50 mmHg → cần O2 khoảng 2 l/phút trên máy bay [Chứng cứ B].

3.2. Đối tượng nên tạm hoãn đi máy bay [4]

• Lao phổi tiến triển: chỉ bay khi 3 mẫu liên tiếp AFB đàm âm tính trên người đang điều trị
[Chứng cứ B].

• Tràn khí màng phổi đang có [Chứng cứ C].

• Vừa phẫu thuật lớn lồng ngực trong 6 tuần, khi thật cần thiết có thể chấp nhận 2 tuần [Chứng cứ C].

• Ung thư phế quản tự nó không phải là chống chỉ định bay, quyết định dựa trên bệnh đi
kèm [Chứng cứ C].

3.3. Chuẩn bị cho người có nguy cơ giảm PaO2 khi đi máy bay [4]

 – Thông báo với hãng hàng không về nhu cầu thở oxy khi di chuyển trên mặt đất và khi bay, về nhu cầu dùng bộ phận tạo ẩm khi cần.

 – Phải đảm bảo từ trước chuyến bay là hãng hàng không có thể cung cấp dịch vụ thở oxy và bộ phận tạo ẩm này.

 – Bệnh nhân và bác sỹ điều trị điền vào bảng kiểm tra sức khỏe trước khi bay do hãng hàng không cung cấp.

3.4. Thận trọng trong khi đang bay [4]

 – Tránh uống rượu quá độ trước, trong khi bay, đặc biệt OSA, bệnh thuyên tắc huyết khối
[Chứng cứ C].

 –  Thỉnh thỏang đi lại khi đang bay [Chứng cứ C], khi cần thở O2 khi đi lại, chú ý khoảng cách đi đủ gần [Chứng cứ C].

 –  Nhớ mang theo thuốc xịt giảm triệu chứng [Chứng cứ C], khi cần xịt thuốc qua buồng
đệm, sẽ có hiệu quả tương đương phun khí dung [Chứng cứ A].

4. Kết luận

–  Suy hô hấp mạn có nguy cơ nặng lên khi di chuyển bằng hàng không do áp suất khí quyển giảm khi bay lên cao.

–  Hỏi và khám bệnh, đo SpO2 ± trắc nghiệm thở 15% FiO2 giúp tiên lượng bệnh nhân nguy cơ cao.

–  Tầm soát bệnh nhân nguy cơ cao, chuẩn bị trang bị đủ trước khi bay giúp giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân suy hô hấp mạn khi di chuyển bằng máy bay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Silverman D, Gendreau M. Medical issues associated with commercial flights. Lancet 2009; 373[9680]: 2067 – 2077.

2. Thomas A. Dillard, William A. Beninati, Benjamin W. Berg. Air travel in patients with chronic obstructive pulmonary disease. Arch Intern Med 1991; 151[9]: 1793–1795

3. Edvardsen A, Akerø A, Hardie JA, et al. High prevalence of respiratory symptoms during
air travel in patients with COPD. Respir Med. 2011; 105[1]: 50 – 56.

4. Ahmedzai S, Balfour-Lynn IM, Bewick T, et al. Managing passengers with respiratory
disease planning air travel: British Thoracic Society recommendations. Thorax. 2011; 66[suppl 1]:i1–i30

5. Shu Zhang, Peter A. Robbins. Methodological and physiological variability within the ventilatory response to hypoxia in humans. J Appl Physiol 2000; 88[5]: 1924 – 1932

Chủ Đề