Phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp

Những hình ảnh trong “Phương thuốc kỳ diệu” - bộ phim hoạt hình cắt giấy vi tính, thời lượng 10 phút với những nhân vật ngộ nghĩnh, đáng yêu trong một câu chuyện giàu chất trẻ thơ, ấm áp cảm động. [Nguồn: Hãng phim hoạt hình Việt Nam]

Hoạt hình là thể loại phim được khán giả nhiều lứa tuổi yêu thích, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.

Trên thế giới, việc sản xuất, phát hành phim hoạt hình đã rất phát triển, nhưng ở Việt Nam, thể loại phim này chưa thật sự đáp ứng được tiềm năng phát triển cũng như kỳ vọng của công chúng.

Ðiều này đặt ra yêu cầu đổi mới với các nhà làm phim hoạt hình nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Trong khi các nghệ sỹ gạo cội lo lắng cho rằng việc sản xuất phim hoạt hình ở Việt còn nhiều điểm yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, thì những người trẻ lại khá tự tin về khả năng sáng tạo của các họa sỹ Việt.

Thiếu những bộ phim lớn

Phim hoạt hình Việt Nam có lịch sử 63 năm, kể từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam [nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam] ngày 9/11/1959 được coi là ngày thành lập của ngành hoạt hình nước.

Từ bộ phim hoạt hình đầu tiên có tên “Đáng đời thằng cáo” ra đời tháng 6/1960, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất hiện nay là 17-18 phim/năm.

[Cơ hội xem loạt hoạt hình Việt được công chiếu, tranh giải quốc tế]

Có những bộ phim đã để lại dấu dấn trong ký ức của nhiều thế hệ công chúng như: "Mỵ Châu-Trọng Thủy," "Quái vật rừng xanh," "Bí mật của những đứa trẻ," "Chiếc xe đạp bay," "Truyền thuyết gươm thần," "Bí mật của khu vườn," "Sự tích cốm làng Vòng," "Người anh hùng áo vải," "Hiệp sỹ cờ lau," "Vương quốc bánh kẹo"…

Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, cho biết mỗi năm Hãng được Nhà nước đặt hàng khoảng trên dưới 20 phim, với đề tài phong phú, lịch sử, cổ tích, đồng thoại, có tính giáo dục, bổ ích cho trẻ em.

Ngoài dự giải Cánh diều, Hãng còn đưa phim đi dự các liên hoan phim khác, đồng thời đăng tải các phim mới sản xuất lên YouTube để tự quảng bá.

Hè 2022, Hãng đã có chương trình chiếu phim hoạt hình miễn phí dành cho thiếu nhi ở Trung tâm chiếu phim quốc gia.

Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn cho biết một số phim hoạt hình Việt đã nhận được phản hồi tích cực, ví dụ như phim “Ốc sên” của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng.

Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều phim hoạt hình Việt còn khá mờ nhạt, chưa hấp dẫn người xem.

Theo nhận định của giới trong nghề, phim hoạt hình Việt chưa hấp dẫn có nhiều nguyên nhân, đó là sự cũ kỹ trong tư duy, cách làm, cách xử lý nội dung phim.

Kịch bản nhiều bộ phim vẫn theo lối mòn, hình ảnh thiếu tính sáng tạo, nhân vật loanh quanh với câu chuyện cổ tích, sự tích… đã quá quen thuộc.

Nhân vật hoạt hình cũng thiếu đa dạng về tính cách, cá tính, nội dung đơn điệu.

Nhiều bộ phim lồng ghép bài học giáo dục một cách giáo điều, cứng nhắc, không phù hợp với nhận thức của trẻ em hôm nay, khiến khán giả nhí không hào hứng.

Theo đánh giá, thị trường phim hoạt hình là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị khai thác, phát hành phim ở Việt Nam.

Trong khi các tác phẩm hoạt hình ăn khách trên thế giới như “Kỷ băng hà,” "Kungfu Panda," "Batman," "Người nhện"… tạo nên những "cơn sốt" phòng vé vào thời điểm phát hành và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam, thì phim hoạt hình Việt Nam chỉ có thể chiếu miễn phí theo từng đợt tuyên truyền hoặc phục vụ cộng đồng, chưa có một phim hoạt hình trong nước nào đủ điều kiện để chiếu rạp.

Chưa cần đề cập đến các yếu tố như công nghệ, tính hấp dẫn của câu chuyện, chỉ riêng điều kiện là phim phải có độ dài tối thiểu 60 phút, chúng ta cũng chưa đáp ứng được.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung, các phim mà Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn, khoảng 10-15 phút, có rất ít phim dài 30 phút. Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp.

Một cảnh trong phim hoạt hình Encanto. [Nguồn: Disney]

Về vấn đề này, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, cũng thừa nhận số lượng phim của Hãng sản xuất ra đều nhưng vẫn chỉ có thời lượng khoảng 8-10 phút, nhiều nhất là trên dưới 30 phút, chưa có phim đủ dài để chiếu rạp.

Đồng quan điểm, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, cho rằng điểm khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để chiếm lĩnh được rạp chiếu.

Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam. Hiện nay chúng ta thiếu những tên tuổi như thế.

Tiềm năng từ các đơn vị tư nhân

Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều công ty có hoạt động sản xuất hoạt hình với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có sự trao đổi hợp tác thường xuyên với nước ngoài. Có thể kể đến Công ty Sconnect - đơn vị sản xuất series phim hoạt hình "Wolfoo" phát hành trên YouTube; DeeDee Animation Studio - đơn vị hợp tác với nhiều nhà sản xuất lớn thế giới; Công ty Colory Animation; Sun Wolf Animation Studio; Freaky Motion… đều là những đơn vị sản xuất phim hoạt hình chủ lực ở Việt Nam hiện nay.

Trong cuộc hội thảo mới đây về năng lực sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam, bà Lê Quỳnh Như, đồng sáng lập và quản lý của DeeDee Animation Studio, tự tin chia sẻ chúng ta có một đội ngũ chất lượng, họa sỹ hoạt hình của chúng ta giỏi ngang hàng với với các họa sỹ sáng tạo hoạt hình hàng đầu thế giới.

Bằng chứng là lâu nay DeeDee Animation Stuido vẫn là đồng sản xuất với các đơn vị lớn, có thể kể đến series với các xưởng phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới như Shin-Eli Animation [nổi tiếng với series "Doraemon," "Shin- cậu bé bút chì"], TMS Animation [nổi tiếng với Conan: Detective], Disney Animation Studio [nổi tiếng với chuột Mickey, vịt Donald]… khi đơn vị tham gia sản xuất các phim hoạt hình cùng các xưởng phim lớn này, khách hàng rất hài lòng, bất ngờ và họ khen sự sáng tạo của họa sỹ Việt Nam.

Bà Lê Quỳnh Như nói: đó chính là sự bảo chứng cho chất lượng của họa sỹ Việt Nam ta. Vì vậy, phải khẳng định rằng nguồn lực của chúng ta rất dồi dào có thể tiến xa hơn nữa ra nước ngoài.

Câu chuyện ra với thế giới không chỉ có ở DeeDee Animation Studio, mà Công ty Sconnect với loạt hoạt hình "Wolfoo" do công ty sản xuất ra đời năm 2018 với khoảng hơn 2.700 tập phim được phát sóng trên nền tảng Youtube.

Từ phiên bản gốc tiếng Anh, serie này đã được dịch sang 17 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Nhật, Trung, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Nga…

Tính đến nay, Sconnect đã sản xuất trên 11.000 video, hiện Sconnect sở hữu trên 300 kênh Youtube, 2 nút kim cương và hơn 100 nút vàng, bạc…

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Sconnect, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng cho rằng Việt Nam có những lợi thế rất lớn như có nguồn lực dồi dào, người Việt Nam có khả năng thẩm mỹ tốt. Và khi vận dụng tốt về nguồn lực thì ngành phim hoạt hình rất phát triển, còn nếu không sẽ có nhiều thiếu sót và khó khăn.

Bàn về trình độ và năng lực làm phim hoạt hình của nguồn nhân lực Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh, CEO của Freaky Motion, chia sẻ rằng năng lực chung của con người Việt Nam là rất giỏi, không thua kém bất kỳ một nước nào nhưng có một vấn đề Việt Nam rất yếu là kỷ luật và đoàn kết. Chìa khóa quan trọng nhất để thành công là vẫn là văn hóa, cách hành xử và sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp và các hiệp hội điện ảnh.

Từ những ý kiến của đại diện các đơn vị tư nhân chứng tỏ, năng lực sản xuất phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan hoạt hình ở Việt Nam là rất lớn.

Thế nhưng, có một thực tế là đến nay, kết quả hoạt động của các công ty này chưa được tính vào các thống kê số liệu chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong các báo cáo tổng kết hàng năm hay tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng chưa xuất hiện số liệu về các công ty này.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cho rằng đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam./.

Phương Lan [TTXVN/Vietnam+]

Phim hoạt hình Dưới bóng cây [2011] của Colory Animation - Ảnh: ĐPCC

Chiều 14-11, cuộc trò chuyện "Tương lai của phim hoạt hình Việt Nam" của Xinê House đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Hoạt hình Việt Nam đang phát triển cả về nhân lực lẫn kỹ thuật, tại sao không làm nổi một phim chiếu rạp?

Vòng luẩn quẩn của hoạt hình Việt Nam

Anh Đoàn Trần Anh Tuấn - CEO Công ty Colory Animation, anh Hà Huy Hoàng - đồng sáng lập DeeDee Animation và đạo diễn Lê Huy Anh đồng ý rằng dù đang phát triển mạnh, hoạt hình Việt Nam có quá ít sản phẩm dành cho người Việt Nam.

Cụ thể, hoạt hình Việt Nam hiện có nguồn nhân lực mạnh với nhiều người trẻ đã tham gia những dự án hoạt hình quốc tế, có trình độ kỹ thuật đạt đẳng cấp quốc tế thông qua quá trình hợp tác với nước ngoài. Có những phim mà nếu chỉ xét về kỹ thuật, khán giả không phân biệt được là phim Việt Nam hay quốc tế vì trình độ ít chênh lệch.

Nhưng theo anh Hà Huy Hoàng [đạo diễn nghệ thuật phim Tàn thể: Tiền truyện], vì nước ngoài đầu tư nên các sản phẩm này chủ yếu dành cho người nước ngoài. Hầu hết phim hoạt hình của các studio Việt Nam hiện nay là phim quảng cáo. Họ làm để kiếm sống, để đào tạo nhân lực và nuôi hoài bão sáng tác.

Hình ảnh phim Tàn thể: Tiền truyện của anh Hà Huy Hoàng và DeeDee Animation - Ảnh: ĐPCC

Quan trọng hơn, có một sự thiếu hụt quá rõ ràng về phim hoạt hình chiếu rạp do người Việt làm cho người Việt, và xa hơn là mang hoạt hình Việt Nam ra thế giới. Ở phía nhà nước, từng có phim 3D Người con của Rồng của đạo diễn Phạm Minh Trí, dài 40 phút, chiếu rạp năm 2010.

Phía tư nhân chưa có phim hoạt hình dài. Còn nếu có, liệu phim hoạt hình Việt Nam có thể hút được những khán giả đang dành trọn tình cảm cho phim hoạt hình thế giới của Disney, Pixar, DreamWorks...?

Anh Hà Huy Hoàng nêu lý do niềm tin: "Không một nhà đầu tư nào đặt trọn niềm tin vào một tác phẩm do 100% người Việt Nam sản xuất. Niềm tin đó chỉ có được nếu có tên tuổi cây đa cây đề, đảm bảo chinh phục được khán giả nhiều lứa tuổi, cần các giải thưởng bảo chứng.

Ngoài ra, còn vì niềm tin của khán giả. Thế hệ chúng tôi lớn lên vào thập niên 1980, 1990 cũng chỉ thích hoạt hình nước ngoài chứ không tin hoạt hình Việt Nam đủ hấp dẫn. Đó là cản trở lớn nhất đối với phim hoạt hình Việt Nam".

Phim hoạt hình nhà nước Người con của Rồng ra rạp năm 2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: ĐPCC

Trong khi đó, phim rạp người đóng ở Việt Nam đang phát triển, có những phim thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Nếu hoạt hình có những sản phẩm thu hút khán giả như phim người đóng trong 10 năm trở lại đây, khán giả sẽ dần có niềm tin.

Nhưng theo anh Hoàng, càng nói, càng thấy hoạt hình Việt Nam vấp phải vòng luẩn quẩn: Nếu không làm thì không có tác phẩm để chứng minh cho khán giả, còn nếu làm thì ai làm? Vì đầu tư dự án như vậy là rất mạo hiểm và chưa có tiền lệ.

Yếu về câu chuyện

Đạo diễn Lê Huy Anh [tác giả phim The Tale Of Cuội], chỉ ra điểm yếu của phim hoạt hình Việt Nam là câu chuyện. 

Anh nói: "Câu chuyện của phim hoạt hình cũng cần nhân vật, ý tưởng, thông điệp. Với những studio lớn như Pixar, Blue Sky hay các thương hiệu phim hoạt hình quốc tế, tôn chỉ gốc vẫn là kể chuyện. Họ đi tiên phong, kể những câu chuyện kinh điển và quá hay. Họ có một tiêu chuẩn quá xa so với chính hiểu biết của tôi".

Một phim quảng cáo thường làm từ 2 tuần đến 1 tháng, còn phim hoạt hình của anh Huy Anh làm mất 8 tháng, tính cả ý tưởng thì mất hơn một năm. Không phải nhãn hàng nào cũng sẵn sàng bỏ tiền cho một dự án công phu như vậy.

Hình ảnh quảng bá phim hoạt hình The Tale of Cuội - Ảnh: ĐPCC

Anh Đoàn Trần Anh Tuấn [đạo diễn phim hoạt hình Dưới bóng cây đoạt giải tại YxineFF năm 2011] đồng tình câu chuyện là quan trọng nhất, là khác biệt giữa phim quảng cáo và phim dài.

"Mỗi phim đều có thông điệp và tâm huyết của đạo diễn, biên kịch. Tại sao bạn phải làm phim này, nó có ý nghĩa gì với bạn, có đủ thuyết phục người khác bỏ tiền, bỏ sức, bỏ tuổi trẻ ra để theo đuổi cùng bạn? Còn phim quảng cáo thì chỉ cần câu chuyện dễ xem, hình ảnh bắt mắt" - anh Tuấn nói.

Anh Lê Huy Anh nhấn mạnh câu chuyện của phim hoạt hình có thể mang tầm quốc tế. Không đơn giản là giáo dục người nước ngoài về văn hóa Việt, hoạt hình Việt Nam cần kể câu chuyện khiến nhiều khán giả từ nhiều quốc gia có thể đồng cảm.

Đồ họa phim hoạt hình Tàn thể - Ảnh: ĐPCC

Phim hoạt hình Việt Nam cho người lớn?

Tàn thể là series của DeeDee Animation hướng đến người lớn, phân khúc khán giả đang được hoạt hình Mỹ, Nhật và quốc tế khai thác nhiều. Phim hoạt hình cho người lớn làm về những chủ đề gai góc, trưởng thành hơn so với phim hoạt hình cho trẻ con.

"Phim hoạt hình không nhất thiết dành cho trẻ em. Phim Soul hay Lightyear sắp tới của Pixar đều tăng giới hạn tuổi, nói về những vấn đề trẻ em không hiểu hết được" - anh Đoàn Trần Anh Tuấn nói.

Raya - Bom tấn hoạt hình Mỹ có 4 người gốc Việt lồng tiếng, biên kịch

MI LY

Video liên quan

Chủ Đề