phương pháp cách mạng được nêu trong cương lĩnh tháng 02/1930 là

Cương lĩnh chính trị của Đảng công sản Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng

Đảng Cộng sản Việt nam ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 90 năm qua con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được nhiều thắng lợi vĩ đại đánh dấu qua các mốc son lịch sử quan trọng:

Một là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng các thế lực thực dân xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ba là, thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa, hội nhập, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam .

Với những thắng lợi to lớn đó chứng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên của cách mạng nước ta là phù hợp với quy luật khách quan và đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn Việt Nam. Những quan điểm, đường lối đó được thể hiện trong các Cương lĩnh chính trị của Đảng. Từ ngày thành lập đến nay, dưới những hình thức và tên gọi khác nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành những Cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh có ý nghĩa lịch sử:

Thứ nhất, Bản Cương lĩnh đầu tiên, đó là Chánh cương vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng [tháng 2/1930] thảo luận, thông qua. Chánh cương đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Chánh cương đã vạch ra đường lối của cách mạng Việt Nam là Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Chánh cương chỉ rõ, về chính trị: Đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Về kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; tịch thu hết các sản nghiệp lớn của tư bản Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý; tịch thu ruộng đất của tư bản Pháp và đại địa chủ để làm của công chia cho dân cày nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang phát triển công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ. Về xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, thực hiện phổ thông giáo dục theo công nông hóa.

Thứ hai, Bản Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo và được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương [tháng 10/1930] thảo luận, thông qua. Luận cương đã chỉ ra mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp đấu tranh của cách mạng Đông Dương.

Luận cương chỉ ra mục tiêu của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Cơ sở bảo đảm cho cách mạng thắng lợi là dựng lên chính phủ công nông. Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là hai động lực chính của cách mạng, trong đó giai cấp công nhân vừa là một động lực chính vừa là giai cấp lãnh đạo.

Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ, lập ra chính phủ công nông, tịch thu ruộng đất của địa chủ nước ngoài, bản xứ và giáo hội trao cho nông dân;

Luận cương chỉ rõ, điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc, đại biểu cho quyền lợi chính và lâu dài cho cả giai cấp vô sản, lãnh đạo tranh đấu để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

Như vậy, toàn bộ nội dung Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương là trình bày những tư tưởng cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, tiếp tục khẳng định và bổ sung một số vấn đề cốt lõi về con đường cách mạng của Việt Nam mà Chánh cương vắn tắt đã nêu.

Thứ ba, Tháng 2/1951 Đại hội II của Đảng đã thảo luận, thông qua bản Cương lĩnh thứ ba. Đó là, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo.

Chính cương chỉ rõ, nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất thật sự cho đất nước, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Chính cương khẳng định: cách mạng Việt Nam hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt là phải tập trung sức hoàn thành giải phóng dân tộc.

Về chính sách của Đảng, Chính cương chỉ rõ: hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính sách kháng chiến là thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ, kháng chiến đến cùng để giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân, trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Thứ tư, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991] được Đại hội VII của Đảng [tháng 6/1991] thảo luận và thông qua. Cương lĩnh đã tổng kết quá trình cách mạng Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ ra những phương hướng và giải pháp đổi mới toàn diện đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cương lĩnh đã chỉ ra 6 đặc trưng cơ bản của Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Sau 20 năm kể từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời, tình hình trong nước và thế giới đã có những biến đổi sâu sắc. Đại hội XI của Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011]. Cương lĩnh không chỉ tiếp tục khẳng định con đường XHCN, mà còn bổ sung, phát triển những nội dung mới phù hợp với xu thế lớn của thời đại. Đó là xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển, đồng thời, Cương lĩnh cũng chỉ ra những thách thức đang diễn ra gay gắt trên thế giới và khu vực. Cương lĩnh chỉ rõ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng có 8 đặc trưng cơ bản: Là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; Có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Như vậy, mỗi Cương lĩnh chính trị của Đảng đều có những giá trị to lớn trong mỗi giai đoạn cách mạng, phản ánh tình hình và nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn khác nhau. Nhưng các bản Cương lĩnh đều thể hiện tầm trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với những quan điểm cơ bản, những tư tưởng xuyên suốt đó là nắm vững và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước ta có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã xây dựng những bản Cương lĩnh chính trị có ý nghĩa lịch sử để lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại. Với những thành tựu và kinh nghiệm đã có, kế thừa và phát triển những di sản tư tưởng lý luận của Đảng, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển Cương lĩnh để hoàn thiện hệ thống quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới./.

Phan Thị Lệ Thuỷ- Trường Chính trị tỉnh
Các tin khác

Video liên quan

Chủ Đề