Product Scope là gì

#quanlyduan

Khi nói về phạm vi trong quản lý dự án, chắc hẳn nhiều bạn hiểu đơn giản đó là những gì sẽ làm trong dự án. Vậy tính năng chuyển khoản của dịch vụ Internet Banking có thuộc phạm vi dự án? hay các yêu cầu phi kỹ thuật như số lượng người dùng tối đa hệ thống đáp ứng? Điều gì giúp bạn phân định và quản lý các yêu cầu dạng như thế này trong quá trình quản lý dự án?

Dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về 02 khái niệm rất thường gặp nhưng chưa được gọi tên chính xác: Phạm vi dự án (Project Scope) và Phạm vi sản phẩm (Product Scope)

Phạm vi (scope) dự án là một danh sách tất cả những gì dự án phải làm. Dự án phải có một tài liệu mô tả phạm vi được viết ra rõ ràng, nếu không nó sẽ không bao giờ kết thúc.

Các kết quả chuyển giao (deliverables) là những sản phẩm của dự án mà sẽ được chuyển giao, ví dụ: phần cứng, phần mềm, tài liệu mô tả, hướng dẫn,

Quá trình quản lý phạm vi dự án là nhằm đảm bảo dự án sẽ thực hiện đúng và đủ tất cả những hạng mục theo mong muốn đã được thống nhất các bên liên quan (stakeholders).

Quản lý phạm vi bao gồm 6 quy trình:

  1. Lập kế hoạch quản lý yêu cầu (Plan Scope Management): là quy trình tạo ra kế hoạch quản lý phạm vi dự án trong đó mô tả phạm vi dự án sẽ được định nghĩa như thế nào, làm sao kiểm tra và kiểm soát. Lợi ích của tài liệu này nhằm cung cấp hướng dẫn và định hướng cho việc quản lý phạm vi trong suốt dự án.

  2. Thu thập yêu cầu (Collect Requirement): là quy trình xác định, lập tài liệu, và quản lý các yêu cầu và mong muốn của các bên liên quan (project stakeholder) nhằm đạt được mục tiêu dự án. Lợi ích của quy trình này là cung cấp cơ sở cho việc định nghĩa và quản lý phạm vi dự án bao gồm cả phạm vi sản phẩm.

  3. Định nghĩa phạm vi (Define Scope): là quy trình phát triển mô tả chi tiết của dự án và sản phẩm. Lợi ích của quy trình này là mô tả dự án, dịch vụ hay những giới hạn của kết quả bằng việc định nghĩa những yêu cầu nào là thuộc phạm vi dự án và những yêu cầu nào nằm ngoài phạm vi dự án.

  4. Tạo cấu trúc phân rả công việc (Works Breakdown Structure - WBS): là quy trình chia nhỏ sản phẩm bàn giao và công việc dự án thành những phần có thể quản lý được. Lợi ích của quy trình này là cung cấp một cái nhìn có cấu trúc về những sản phẩm mà dự án sẽ bàn giao.

  5. Kiểm tra phạm vi (Validate Scope): là quy trình chính thức chấp thuận các sản phẩn bàn giao đã hoàn thành. Lợi ích của quy trình này là mang lại sự khách quan trong việc chấp thuận các sản phẩm bàn giao (accepted deliverables) và tăng cơ hội cho các sản phẩm cuối cùng được khách hàng chấp thuận thông qua việc chấp thuận tất cả sản phẩm bàn giao trong suốt dự án.

  6. Kiểm soát phạm vi (Control Scope): là quy trình giám sát trạng thái của dự án và phạm vi sản phẩm, cũng như quản lý các thay đổi so với đường cơ sở phạm vi (scope baseline). Lợi ích của quy trình này là cho phép đường cơ sở phạm vi (scope baseline) được duy trì trong suốt dự án và chống trượt phạm vi (scope screep).

Mất kiểm soát phạm vi dự án

Mất kiểm soát phạm vi dự án trong quản lý dự án được hiểu là sự mất kiểm soát về sự thay đổi hoặc sự tiếp tục phát triển về quy mô dự án. Hiện tượng này xảy ra khi phạm vi dự án không được xác định, định nghĩa và kiểm soát rõ ràng. Việc này thường có khuynh hướng dẫn tới xảy ra các tiêu cực vì vậy cần phải tránh.

Nếu ngân sách và lịch trình tăng theo cùng với phạm vi dự án, sự thay đổi này thường được xem là sự mở rộng có thể chấp nhận được với dự án, khi đó thuật ngữ mất kiểm soát phạm vi dự án không được dùng.

Mất kiểm soát phạm vi dự án thường do các nguyên nhân chủ yếu như sau:

  1. Sự không trung thực của khách hàng với một chính sách xác định "giá trị miễn phí"

  2. Kiểm soát thay đổi kém

  3. Thiếu nhận thức đúng đắn về các mục tiêu cần cho dự án

  4. Người quản lý dự án hoặc người đỡ đầu dự án yếu kém

  5. Giao tiếp nghèo nàn giữa các bên có liên quan đến dự án

Sản phẩm (Product) vs Dự án (Project) vs Phạm vi (Scope)

Sản phẩm là giao phẩm của dự án, có thể lượng hóa, có thể là cấu phần hoặc đã hoàn thiện. Hiểu đơn giản, sản phẩm là kết quả đầu ra của dự án, mang những đặc tính cụ thể và lượng hóa được.

Dự án: Là nỗ lực tạm thời nhằm tạo ra một sản phẩm/ dịch vụ riêng biệt

Phạm vi: Là những gì cần làm, những tính năng được chấp nhận, những điều kiện để nghiệm thu được dịch vụ/ sản phẩm

Phạm vi sản phẩm vs Phạm vi dự án

Phạm vi sản phẩm

Là chi tiết của sản phẩm đó, bao gồm các tính năng, chức năng nhận diện sản phẩm. Ví dụ: Sản phẩm là chiếc cốc, chiếc cốc có kích cỡ 20cmx20cmx20cm, hình tròn ở miệng, hình vuông ở đáy.

Phạm vi sản phẩm được xác định từ hợp đồng, hoặc tài liệu đặc tả sản phẩm (Với các sản phẩm tự phát triển). Phạm vi sản phẩm bao gồm: Mô tả các tính năng, đặc tính sản phẩm;

Phạm vi dự án

Là tất cả những gì cần làm trong dự án để có được sản phẩm đầu ra, từ việc xác định yêu cầu, đến xác định phạm vi, các công việc cần làm để thực hiện dự án, kiểm tra hiệu quả, chất lượng...

Tuyên bố phạm vi dự án: mô tả kết quả đầu ra và các điều kiện ràng buộc của dự án (ngân sách dự kiến, điều kiện hoạt động...). Ví dụ: Phạm vi dự án của việc sản xuất cái cốc ở trên sẽ bao gồm việc lấy nguyên vật liệu từ đâu, phải chế biến nguyên vật liệu như thế nào? dùng công cụ gì để đạt được đầu ra là cái cốc.

Cách xác định Phạm vi sản phẩm

Tùy thuộc vào điều kiện hình thành của dự án, ví dụ: Khách hàng đưa cho Quản trị dự án một bản mô tả sản phẩm rất chi tiết và rõ ràng, Quản trị dự án sẽ không cần lo lắng quá nhiều về vấn đề phạm vi dự án nữa; nhưng trường hợp tổ chức nhận ra nhu cầu kinh doanh và quyết định khởi tạo dự án, Quản trị dự án lúc này phải làm mọi thứ từ đầu (thu thập yêu cầu, đánh giá yêu cầu, xác định phạm vi, các bên liên quan...)

Với dự án triển khai theo phương pháp waterfall: Quản trị dự án nên xây dựng và định nghĩa phạm vi sản phẩm trong giai đoạn Khởi động (initialization) dự án. Cách thức hiệu quả nhất là tổ chức cuộc họp với các bên liên quan (stakeholders) và làm rõ về yêu cầu đối với sản phẩm, và phải chốt được phạm vi trước khi kết thúc giai đoạn khởi động.

Với dự án triển khai theo phương pháp agile/ adaptive: Phạm vi sản phẩm có thể chưa được chốt ngay từ đầu, nhưng Quản trị dự án cần liên tục cập nhật và làm rõ phạm vi trong quá trình thực hiện.

Hiểu rõ được sự khác biệt giữa phạm vi dự án và phạm vi sản phẩm giúp Quản trị dự án :

  • Tách biệt được các hoạt động liên quan tới phạm vi trong quá trình thực hiện dự án

  • Hiểu được luồng thực hiện công việc của dự án

  • Hạn chế được các rủi ro liên quan tới phạm vi

  • Phòng tránh được phát sinh/ yêu cầu thay đổi phạm vi dự án