Quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam

Nhân cách và con đường hình thành phát triển nhân cách con người thời đại mới theo quan điểm của Bác Hồ

1. Đạo đức nhân cách theo quan điểm Hồ Chí Minh

Từ các bài viết, bài nói và chính cuộc đời mình, Bác Hồ đã để lại cho dân tộc, thế hệ trẻ di sản vô giá về đạo đức nhân cách con người mới.

Dưới đây khái quát một số nội dung chủ yếu về Đạo đức Hồ Chí Minh.

a) Thiện là cái gốc trong Đạo làm người

Bác Hồ coi "Thiện" là cái gốc trong Đạo làm người.

Bác nêu ra "Thiện" đối lập với "Ác"

"Chính" đối lập với "Tà".

Người dạy:

"Trong xã hội tuy có trăm công nghìn việc song những công việc ấy chialàm hai thứ việc Chính và việc Tà.

Làm việc Chính là người thiện.

Làm việc Tà là người ác.

Siêng năng (Cần), tằn tiện (Kiệm), trong sạch (Liêm) là Chính, là Thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là Tà, là Ác".

Người nhấn mạnh:

"Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm

Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh".

Trong bài thơ “Nửa đêm” (Dạ bán), Người viết:

Thụy thì đô tượng thuần lương hán

Tỉnh hậu tài phân thiện ác nhân

Thiện ác nguyên lai vô định tính

Đa do giáo dục đích nguyên nhân

Ngủ thì ai cũng như lương thiện

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền

Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Như vậy theo Hồ Chí Minh giáo dục và tự giáo dục có vai trò quan trọng hình thành tố chất “Thiện” trong mỗi con người, tất nhiên đó phải là nền giáo dục lấy lý tưởng là sự phát triển nhân văn, dân chủ và lao động.

b) Trên nền tảng tố chất “Thiện” muốn nên người phải rèn luyện hệ thống các phẩm chất.

“ Trung Hiếu, Nhân- Trí- Dũng, Cần-Kiệm-Liêm-Chính, Tình-Nghĩa”

Các quốc gia ngày nay đi vào nền kinh tế tri thức trước bối cảnh toàn cầu hóa đều xác định chiến lược con người, chiến lược về nguồn lực người. Chiến lược này phải bắt đầu từ vấn đề nhận thức toàn diện đến quyết tâm, hiện thực phạm trù nhân cách, có quan điểm đúng đắn về hướng đi và có giải pháp khả thi để hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ.

Đối với đất nước chúng ta, điều rất may mắn trong khi thực hiện chiến lược này chúng ta có di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Những gợi ý của Người, những lời dạy của Người chính là kim chỉ nam cho chúng ta hiện thực được chiến lược có ý nghĩa trọng đại này.

Chiến lược con người Việt Nam mới mà Hồ Chí Minh vạch ra đặt trên nền tảng hệ giá trị đạo làm người. Hệ giá trị này kết tinh đạo lý của dân tộc và cập nhật các quan điểm nhân cách của thời đại mới.

Hồ Chí Minh đưa khái niệm "Trung - Hiếu" vốn là các khái niệm sâu đậm trong tâm thức người Việt Nam đến một chất mới phù hợp với chế độ mới. Người cho rằng đạo đức của chế độ mới cao rộng hơn, không chỉ có hiếu với bố mẹ và "Trung" với một cá nhân ai đó mà Trung với nước, Hiếu với dân. Khái niệm Trung với nước, Hiếu với dân được Người thể hiện trong bài thơ tặng cụ Võ Liêm Sơn một nhân sĩ yêu nước khi cụ tham dự Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai (16 - 20/7/1948).

Người viết:

TẶNG VÕ CÔNG

Thiên lý công tầm ngã

Bách cảm nhất ngôn trung

Sự dân nguyện tận hiếu

Sự quốc nguyện tận trung

Công lai ngã hán hỉ

Công khứ ngã tư công

Tặng công chỉ nhất cú

Kháng chiến tất thành công

(Ngàn dặm cụ tìm đến

Một lời trăm cảm thông

Thờ dân trọn đạo hiếu

Thờ nước vẹn lòng trung

Cụ đến tôi mừng rỡ

Cụ đi tôi nhớ nhung

Một câu xin tặng cụ

Kháng chiến ắt thành công).

"Trung với nước - Hiếu với dân” lời Hồ Chí Minh nói với cụ Võ Liêm Sơn hơn 60 năm trước đây đã thấm vào nếp nghĩ, nếp sống của người dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến hào hùng chống xâm lược, qua công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Ngày nay, nó là lý tưởng cao cả nhất của thế hệ trẻ Việt Nam.

Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống “Ngũ thường” mới cho dân tộc Việt Nam. Kế thừa Khổng học, biết chắt lọc các tinh hoa và đặt vào hoàn cảnh của một đất nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược, xây dựng đời sống mới, Người xác định: “Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít mà những tính tốt như sau ngày càng nhiều thêm”.

Tính tốt đó là: “Ngũ thường” mới, mà theo người bao gồm:

“Nhân- Nghĩa, Trí- Dũng- Liêm”

Người giải thích:

"Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì, thì việc gì là việc phải họ đều làm được.

Nghĩa là ngay thẳng, không có tâm tư, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng, phải lo toan. Lúc Đảng giao việc thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói, không sợ người ta phê bình mình mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

Trí: Vì không có việc tư túi làm mù quáng cho nên đầu óc trong sạch sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc, vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

Dũng là dũng cảm, gan góc; gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng, có gan chống lại những vinh hoa phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc không bao giờ rụt rè nhút nhát.

Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Ngũ thường của Nho gia hướng vào “Trung hiếu” hạn hẹp, Ngũ thường của Hồ Chí Minh kế thừa nội dung chân chính của Nho gia và hướng vào lợi ích của đất nước, nhân dân, cách mạng: Trung với nước, Hiếu với dân. Hồ Chí Minh xác định đó là đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Nó là đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”.

Nguyện vọng tha thiết của Hồ Chí Minh là làm cho dân tộc từ bỏ những thói xấu lười biếng, gian giảo, tham ô mà chế độ thực dân đã đầu độc. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3/9/1945) vị Chủ tịch nước xác định nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước mới là phải giáo dục lại nhân dân, làm cho dân tộc Việt Nam trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Nền tảng của việc giáo dục đó theo Người là thực hiện:

“CẦN-KIỆM-LIÊM-CHÍNH”

Hồ Chí Minh mong mỏi tha thiết mỗi người Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam phải lấy “Cần-Kiệm-Liêm- Chính” là phương châm sống trong cuộc sống mới. Ở nhiều bài nói chuyện với cán bộ, thanh niên, nhân dân về sự tu dưỡng, hành động của họ trong công cuộc xây dựng, kiến thiết chế độ mới, vấn đề “Cần-Kiệm-Liêm- Chính” thường được người nhắc nhở với những giải thích phát triển vừa giản dị, vừa sâu sắc làm cho các phạm trù này dù hình thức diễn đạt có tính cổ điển mà ý tưởng lại vô cùng sống động trong hoàn cảnh mới của đất nước.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại:

Ngày 19/5/1946, trong dịp sinh nhật Bác Hồ, các đại biểu trong Ban vận động đời sống mới đến chúc thọ Bác, xin Bác cho cuộc vận động một khẩu hiệu, Bác nói

"Các chú muốn có một khẩu hiệu ư! Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư. Khẩu hiệu đó".

Một đồng chí thưa với Bác khẩu hiệu này đã quen thuộc xin Bác một khẩu hiệu mới.

Bác cười rồi nói: "Hàng ngày ta phải ăn cơm uống nước, phải thở khí trời để sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước, thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không bao giờ cũ cả. Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư đối với đời sống mới cũng như vậy".

(Võ Nguyên Giáp. Những chặng đường lịch sử- NXB Văn học, Hà Nội 1977, tr 450).

Sau này năm 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Người đã nói thêm về cần Kiệm Liêm Chính như sau:

"Trời có bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông

Đất có bốn phương: Đông Tây Nam Bắc

Người có bốn đức: Cần Kiệm Liêm Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người"

Ở lời dạy này, Bác đã gắn ba phạm trù Thiên, Địa, Nhân - Trời, Đất, Con người (Tam tài) để nêu bật một vấn đề cốt lõi về nhân cách con người của chế độ mới.

Hồ Chí Minh còn nêu ra mối liên hệ khăng khít của các phạm trù này:

"Chữ Liêm phải đi đôi vỡi chữ chữ kiệm

Chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần

Cần kiệm liêm là gốc của chính

Một người phải cần kiệm liêm nhưng còn phải chính trước mới là hoàn toàn…Tự mình phải chính trước mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”.

Nói rộng ra, theo Hồ Chí Minh một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

c/ Hồ Chí Minh coi phạm trù “Tình’’ (Tấm lòng), "Nghĩa” (Trách nhiệm) là điểm tựa cho các phẩm chất "Trung - Hiếu", "Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm", "Cần - Kiệm - Liêm - Chính" phát triển một cách bền vững.

Xuất phát từ lý tưởng Mác - Lê nin, Người đã đưa các giá trị "Tình - Nghĩa" (Tấm lòng - Trách nhiệm), vốn là các giá trị thiêng liêng trong cuộc sống của người Việt Nam đến trạng thái mới, chất lượng mới. Đó là tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà.

Khi hỏi các đồng chí của mình:

“Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau thế nào không” và nghe được câu trả lời “Thưa Bác, nhân dân ta có câu: Tắt lửa tối đèn có nhau”, Người đã nhắc nhở: “Đúng là như vậy! Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy còn cao hơn, đẹp hơn trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”.

Người căn dặn: "Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được".

Người khẳng định: "Mấy chục năm nay nhân dân ta thực hành chủ nghĩa ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa" (12, 554).

2. Học tập là con đường chủ đạo để hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách

Ở lĩnh vực này Hồ Chí Minh đã có những lời dạy rất sâu sắc.

Người nhấn mạnh "Học để làm việc, làm người..."

Người chỉ ra cái "Học" đích thực là cái gắn liền với Hành", học gắn với lao động sản xuất, với thực tiễn, kết hợp Học và Tự học.

Người dạy: "Một người học xong đại học có thể gọi là có tri thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có tri thức một nửa. Tri thức của y là tri thức học sách chưa phải tri thức hoàn toàn. Y muốn thành người tri thức hoàn toàn thì phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế (5.235).

Hồ Chí Minh chê những người "Xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây", Người coi những con người đó không phải là biết lý luận. Người khuyên mọi người phải chữa được bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.

Hồ Chí Minh khẳng định con đường học vấn là rộng lớn, muốn đạt được học vấn đích thực phải có đạo đức trong sáng, có sự chính tâm, sự thành ý biết đem kết quả học tập của mình phục vụ cho hạnh phúc của nhân dân.

Hồ Chí Minh khuyên thế hệ trẻ phải biết kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay, Người dạy: "Lao động chân tay cũng phải có văn hóa mà người lao động trí óc cũng phải làm lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại". (Bài nói tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai 7/5/1958. 9,174).

Trong quá trình học tập, Người căn dặn phải luôn luôn khiêm tốn: "Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập" (8, 499).

Người khuyên phải biết "Tự động học tập”, "Lấy tự học làm cốt":

Ở tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc (1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có chỉ dẫn:

“ Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.

Người dạy thêm: "Sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc" (5. 273).

Sau này khi nói về công tác huấn luyện và học tập (1950), Người lại nhấn mạnh: "Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”.

Người khuyên: "Không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập” (6, 50).

Những lời dạy ngắn gọn của Người làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ thể tham gia quá trình tự học.

3. Phương pháp giáo dục theo Hồ Chí Minh

Phương pháp giáo dục mà Hồ Chí Minh kiên trì và khuyến khích cho các đồng chí của mình cùng làm theo là phương pháp giúp cho mỗi con người thấy được viễn cảnh sán lạn, quyết tâm tu dưỡng làm theo điều thiện, điều tốt. Người xác định:

"Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi. Đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người họ nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt việc tốt hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (12,558).

Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng ở mỗi con người là kết quả của sự rèn luyện trong thực tế đấu tranh một cách bền bỉ thường xuyên. Người căn dặn:

“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (9,293).

4. Các giá trị đạo đức nhân cách mà Bác Hồ nói với học sinh

Các giá trị: Trung- Hiếu, Nhân- Trí-Dũng, Cần-Kiệm-Liêm-Chính, Tình-Nghĩa đã được vị Chủ tịch nước nói với các em học sinh thanh thiếu niên với tấm lòng của “ Một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi các em được giỏi giang” một cách dung dị như sau:

1. Phải siêng học

2. Phải giữ sạch

3. Phải giữ kỷ luật

4. Phải làm theo đời sống mới

5. Phải yêu thương giúp đỡ cha mẹ anh em

(Thư gửi các cháu thiếu nhi sau khi Người đi Pháp về 24/10/1946, 4.421)

- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

- Học tập tốt, lao động tốt

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

- Giữ gìn vệ sinh

- Thật thà, dũng cảm

(Thư gửi Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP tháng 5/1961-10, 356; 10, 356)

Người xác định thế hệ trẻ là người của chủ nhà. Người mong họ phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của đất nước.

Hồ Chí Minh đã xác định cho thanh niên học sinh việc rèn luyện nhân cách theo các mục tiêu:

“- Yêu tổ quốc: Cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu nhân dân: Việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu lao động: Ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu khoa học: Cái gì trái với khoa học chúng ta kiên quyết chống lại

- Yêu đạo đức: Chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động”.

Người cũng khuyên họ luôn phải có động cơ học tập đúng đắn với việc đề ra câu hỏi “Học để phụng sự ai và Người góp ý:

Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà.

Học phải đi đôi với hành: Khi ở nhà phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha nghe),

Ở trường thì phải đoàn kết giúp đỡ anh chị em thi đua học tập, phải đoàn kết giữa thầy và trò cho trường mình luôn luôn tiến bộ.

Ở xã hội: Các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ”.

Nguồn: Đặng Quốc Bảo, Phát triển sự nghiệp giáo dục dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Thanh Niên, Hà Nội.

1. Khái niệm nhân cách con người

Nhân cách là khái niệm chỉ bao hàm phần xã hội, tâm lí của cá nhân, đó là một con người với tư cách là một thành viên của một xã hội nhất định; là chủ thể của các quan hệ người – người, của hoạt động có ý thức và giao lưu. Hiện nay có rất nhiều lí thuyết khác nhau về nhân cách trong khoa học tâm lí. Đó là thuyết phân tâm của S.Frued, thuyết siêu phẳng và bù trừ của A.Adler…

Các nhà tâm lí học theo quan điểm của Mác –xít đều cho rằng khái niệm nhân cách phải là một phạm trù xã hội chứ không thể thuần tâm lí. Tuy nhiên điều đó không loại trừ việc mỗi ngành khoa học tiếp cận vấn đề nhân cách theo góc độ của mình, trong số đó có khoa học tâm lí. Rõ ràng là một người sẽ chỉ trờ thành nhân cách kho đã có tâm lí và ý thức. Sau đây là một số định nghĩa về nhân cách của những nhà tâm lí theo quan điểm Mác – xít được sử dụng rộng rãi:

“Nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm một vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò nhất định.” – A.G.Goovaliôp

“Nhân cách là con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lí đang quy định những hình thức hoạt động và những hành vi có ý nghĩa xã hội” – E.V.Sôrôkhôva

Mặc dù có các định nghĩa khác nhau như trên nhưng các nhà tâm lí học Mác – xít đề thống nhất với nhau ở quan điểm: “Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy.”

Nói thuộc tính tâm lý là nói hiện tượng tâm lý tương đối ổn định – kể cả phần sống động và phần tiềm tàng (nét, thói, tính tình,,,) có tính quy luật chứ không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên.

Xem thêm: Tâm lý học phát triển là gì? Các lý thuyết theo tâm lý học phát triển?

Dùng chữ “tổ hợp” có nghĩa là những thuộc tính tâm lý hợp thành nhân cách có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau làm thành một hệ thống, một cấu trúc nhất định. Cũng một thuộc tính đó, nằm trong thuộc tính khác cũng trở nên khác đi.

Nói “bản sắc” là muốn nói trong số những thuộc tính đó, trong hệ thống đó có cái chung từ xã hội, từ giai cấp, tập thể gia đình vào con người nhưng cái chung này (gọi tắt là kinh nghiệm – xã hội – lịch sử) đã trở thành cái riêng, cái khác biệt của từng người có đặc điểm về nội dung và cả về hình thức, không giống với các tổ hợp khác của bât cứ một người nào khác.

Dùng chữ “giá trị xã hội” là muốn nói những thuộc tính đó thể hiện ra ở những việc làm, những cách ứng xử, hành vi, hành động, hoạt động phổ biến của người ấy và được xã hội đánh giá.