Quách phụng hiếu là ai

Trên đường tiến quân viễn chinh Ô Hoàn, Quách Gia do không hợp thủy thổ nên đã ngã bệnh nằm trên xe. Đến khi ông theo Tào Tháo viễn chinh trở về, lại do làm việc quá mệt nhọc, bệnh tình càng nặng hơn. Tào Tháo luôn phái người đến chăm sóc cho Quách Gia, tỏ ra lo lắng và chu đáo, nhưng không ngờ, vị mưu sĩ tài hoa đang thời trẻ trung này, do bệnh quá nặng nên đã giã từ cỏi đời vào cuối năm thứ mười hai niên hiệu Kiến An (công nguyên 207).

Lúc Quách Gia chết, chỉ mới ba mươi tám tuổi, chính là cái tuổi đang sung sức, khiến mọi người đều hết sức thương tiếc. Sau khi ông qua đời, Tào Tháo đích thân đến điếu tang, và tỏ ra hết sức đau lòng. Vì đối với triều đình bị mất đi một đại thần quan trọng, đối với cá nhân bị mất đi một người phụ tá tài ba", cho nên Tào Tháo đã buột miệng kêu lên :

- Buồn thay Phụng Hiếu ! Đau thay Phụng Hiếu ! Tiếc thay Phụng Hiếu !

Sở dĩ Tào Tháo thương tiếc và đau đớn như vậy, cũng không có gì lấy làm lạ. Vì sau khi viễn chinh Ô Hoàn thắng lợi trở về, Tào Tháo hết sức vui mừng, và đang chuẩn bị xua quân tiến xuống phía Nam để quét sạch các thế lực đối đầu, thống nhất cả nước Trung Quốc, đang cần tới một người mưu thần, một "túi khôn" có thể ngồi trong quân trướng mà tính toán kế mưu giành thắng lợi ngoài xa nghìn dặm như Quách Gia. Thế mà Quách Gia lại ra đi trong thời điểm đó, quả là một sự tổn thất nặng nề đối với sự nghiệp to lớn của Tào Tháo. Trận đánh Xích Bích sau này, là một thất bại nặng nề về các mặt chánh trị và quân sự trong cuộc đời nhung mã của Tào Tháo, lại xảy ra trong khi Quách Gia vừa tạ thế chẳng bao lâu. Chính vì không có một người phụ tá tài ba để cùng bàn về mưu lược, nên sự thất bại đó mới xảy đến. Thảo nào Tào Tháo đã đau đớn than rằng : "Nếu Quách Phụng Hiếu còn sống, thì cô gia không đến đỗi như thế này ?".

Sau khi Quách Gia chết, Tào Tháo đau đớn nói với Tuân Du và những mưu thần ở bên cạnh:

- Các ngài tuổi tác đều suýt soát với tôi, duy chỉ có Quách Phụng Hiếu là nhỏ nhất. Tôi chuẩn bị sau khi chiến loạn được bình định xong, sẽ phó thác mọi việc sau này cho ông ấy. Nhưng, không ngờ ông ấy với tuổi trung niên lại yểu tử. Chả lẽ đấy là số mạng đã định như thế hay sao.

Trong bức thư gởi cho Tuân Vực, Tào Tháo lại tưởng nhớ tới Quách Gia, nói "Quách Phụng Hiếu tuổi chưa đầy bốn mươi, cùng sống và làm việc bên cạnh tôi mười một năm qua, không ngại gian nan hiểm trở từng cùng mọi người chia ngọt xẻ bùi. Quách Gia là người thông tình đạt lý, phân tích thế sự chính xác rõ ràng, nên tôi muốn đem chuyện sau này phó thác cho Quách Gia, nhưng không ngờ ông ấy lại ra đi trước tôi, thực khiến cho ai cũng phải hết sức đau lòng. Quách Phụng Hiếu là người hiểu tôi nhất. Người trong thiên hạ biết nhau không có nhiều. Do vậy, tôi càng thương tiếc hơn. Nhưng, còn có cách nào cứu vãn được ?"

Tào Tháo không chỉ một lần bày tỏ ý muốn phó thác mọi việc sau này cho Quách Gia. Qua đó đủ thấy, Tào Tháo đối với Quách Gia trọng thị và tin cậy đến mức độ nào. Tào Tháo lại dâng biểu cho Hán Hiến Đế, yêu cầu truy tặng phong thưởng cho Quách Gia. Trong tờ biểu văn có nói : "Cố Quân Tế Tửu Vỹ Dương Đình Hầu Quách Gia, là người trung trinh lương thiện, trí cao đức đẹp, thông tình đạt lý, cứ mỗi khi gặp việc lớn, mọi người tranh cãi mỗi ý mỗi khác nhau, thì ông chỉ nói một lời là đã giải quyết mọi việc đâu ra đó, và mọi kế sách của ông không bao giờ có chỗ sai sót. Kể từ ngày đi vào quân lữ, theo thần đông chinh bắc phạt mười một năm, lập được nhiều công huân lớn, như bắt sống Lữ Bố, chiếm Tuy Cố, trảm Viên Đàm, bình định Hà Bắc, vượt qua núi non hiểm trở để bình định Ô Hoàn, oai danh rung chuyển cả vùng Liêu Đông. Ông còn tiêu diệt Viên Thượng, công lao không ai sánh bằng. Trong khi thần chuẩn bị biểu dương công huân của ông, thì ông lại chết quá sớm. Khi nhớ lại công của Quách Gia, ai ai cũng không sao quên được. Vậy cần phong thêm thực ấp cho đủ một nghìn hộ, để biểu dương người đã chết, cổ xúy người đời sau”.

Đối với lòng trung thành và tài năng của Quách Gia, Tào Tháo đã tán dương một cách đầy nhiệt tình. Đối với việc Quách Gia chết sớm, Tào Tháo tỏ ra vô cùng thương tiếc. Hán Hiến Đế sau khi đọc xong tờ biểu, liền truy tặng thụy hiệu cho Qưách Gia là Trinh Hầu.

Trong tập đoàn "túi khôn" của Tào Tháo, Quách Gia là người trẻ tuổi lại hoạt động sôi nổi nhất. Tào Tháo bảo ông là người "thấu tình đạt lý", như vậy là Tào Tháo rất biết người. Quách Gia đúng là một con người có tính tình cởi mở, hào phóng, thậm chí không câu nệ tiểu tiết. Trần Quần từng nhiều lần nói với Tào Tháo, Quách Gia "không chú ý sửa đổi hạnh kiểm", nhưng Quách Gia vẫn không để ý tới, vẫn "sống một cách tự nhiên”. Do vậy, Tào Tháo lại càng nể trọng ông hơn nữa. Quách Gia là một con người tài hoa tuyệt vời, lại không câu nệ tiểu tiết, vậy đáng lý ra có nhiều người oán trách ông, nhưng trong sự thật thì trái ngược lại. Điều đó chủ yếu là Quách Gia giỏi xử lý những mối quan hệ giữa con người và con người, luôn sống hòa thuận người chung quanh, vinh nhục cùng chia sẻ. Nhất là mối quan hệ với vị chủ soái là Tào Tháo, Quách Gia luôn tỏ ra hòa hợp, thân mật đến mức "đi thì chung xe, ngồi thì chung chiếu”, được Tào Tháo xem là tri kỷ. Cùng làm việc chung với một con người có quyền thế, có mưu lược như Tào Tháo, lúc nào cũng tiềm ẩn một sự nguy hiểm đối với mình cả. Vì "gần vua như gần cọp" là câu nói không phải ngoa. Đã có bao danh thần mưu sĩ chết dưới lưỡi đao của Tào Tháo rồi. Trong khi đó, thì mối quan hệ giữa Quách Gia và Tào Tháo lại hoàn toàn hòa hợp với nhau. Điều đó một mặt có thể do Quách Gia đối với sự nghiệp của Tào Tháo là rất cần thiết, mặt khác có thể do cách giải quyết những mối quan hệ giữa con người của Quách Gia, bao giờ cũng tròn trịa, khôn khéo. Điều đó chứng tỏ ông tuy là một mưu lược gia kiệt xuất, nhưng cũng có sự khôn khéo khác trong cuộc sống. Điều khiến Tào Tháo luôn thương nhớ tới Quách Gia, không ngoài do ông vừa có tài năng lại vừa có lòng trung thành. Kể từ khi ông rời bỏ doanh trại của Viên Thiệu chạy sang doanh trại của Tào Tháo, bao giờ cũng trung thành với tập đoàn của họ Tào. Điều đó ai ai cũng thấy. Do vậy, Tào Tháo bao giờ cũng ghi nhớ mãi mãi lòng trung thành và tài năng xuất chúng của ông, gọi ông là người "trung hậu”, lúc nào cũng muốn lập công, không kể chi tới mạng sống. Đối với con người như vậy, có ai quên được bao giờ ?. Chỉ riêng trí mưu và tài năng của Quách Gia, cũng đủ làm cho Tào Tháo hết lòng ngưỡng mộ. Tào Tháo bảo Quách Gia là "khi nghĩ mưu lược thì không bao giờ có sai sót", "gặp có cuộc họp bàn rộng rãi hoặc đứng trước kẻ đại địch cần ứng biến, thần chưa kịp có quyết đình gì thì Quách Gia đã nghĩ ra cách đối phó trước. Trong việc bình định thiên hạ, có nhiều mưa trí, công lao rất to". Tào Tháo lại bảo Quách Gia "Người này có tầm quan sát và nhận xét về việc binh sự, giỏi hơn tất cả mọi người”. Có thể làm cho Tào Tháo, một người được đánh giá là "phi thường hơn tất cả mọi người", không tiếc lời tán thưởng, đủ thấy trí mưu của Quách Gia là hơn hẳn mọi người khác. Lòng trung thành và tài năng của Quách Gia, chẳng những làm cho Tào Tháo khâm phục, mà cũng để lại cho người hậu thế những ấn tượng rất sâu sắc.

Quách Gia đảm nhận việc tính toán mưu kế cho Tào Tháo suốt mười một năm, có công lao siêu việt đối với sự nghiệp phát triển và thống nhất vùng đất miền Bắc của tập đoàn họ Tào, đồng thời, cũng đã đóng góp công sức quan trọng cho sự phát triển cửa lịch sử nói chung. Quách Gia tuổi trẻ tài cao, chẳng những sáng suốt lựa chọn người xứng đáng để phục vụ, mà còn có thể nhìn xuyên suốt tình hình trong khắp thiên hạ, biết người biết ta, có dự kiến xuất sắc đối với những diễn biến của tình hình. Ông còn giỏi lợi dụng mâu thuẫn, biết cách "chỉ huy" kẻ thù. Trong đầu óc ông luôn có những mưu kế tuyệt diệu, và còn có đôi mắt nhìn xa thấy rộng, ý thức chiến lược rất cao siêu. Ông chẳng những là một vị phụ tá có kỳ tài, một vị tham mưu cao cấp dưới trướng của Tào Tháo trong đời Đông Hán, mà còn do ông có nghệ thuật cao siêu trong vấn đề đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đã đóng góp đáng kể vào kho tàng trí tuệ quý giá trong thời cổ đại của nước Trung Quốc qua nhiều nội dung phong phú.

Sau cùng, chúng ta nên lấy bài thơ ca ngợi Quách Gia trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", để kết thúc bài viết này. Thơ rằng :

Thiên sinh Quách Phụng Hiếu,

Hào kiệt quán quần anh.

Phúc nội tàng kinh sử,

Hung trung ẩn giáp binh.

Vận mưu như Phạm Lãi,

Quyết sách tự Trần Bình.

Khả tích thân tiên táng,

Trung Nguyên lương đống khuynh.

Dịch :

Trời sinh Quách Phụng Hiếu,

Hào kiệt đứng hàng đầu.

Bụng chứa đầy kinh sử,

Giáp binh tiềm ẩn sâu.

Ra mưu như Phạm Lãi,

Quyết sách tự Trần Bình.

Đáng tiếc chết quá sớm,

Rường cột Trung Nguyên chinh.

Thực tế thì Quách Gia và Khổng Minh không những giống nhau ở chỗ đều khiến cho thế nhân kinh ngạc mà sức nặng của mỗi bên cũng không kém gì nhau. Lưu Bị sau khi có được Khổng Minh nói rằng: “Ta được Khổng Minh khác gì như cá gặp nước”. Tào Tháo khi gặp được Quách Gia cũng nói: “Kẻ giúp ta thành nghiệp lớn, tất là người này đây”. Trước khi lâm chung, Lưu Bị phó thác con côi cho Khổng Minh. Tào Tháo đối với Quách Gia cũng từng “muốn giao phó mọi việc sau này”, chỉ vì Quách Gia chết quá sớm, chúng ta không thể chứng kiến được ngày đó mà thôi. Cũng chỉ vì nguyên nhân này mà ngôi sao Quách Gia không thể tỏa ánh sáng như Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng xuống núi từ năm 26 tuổi tới năm 54 tuổi bị bệnh mà chết, tính ra ông ta đã theo Lưu Bị 28 năm trong đó có 11 năm nắm quyền lớn. Trong khi đó Quách Gia chỉ phục vụ trong tập đoàn Tào Tháo tổng cộng 11 năm, chức vụ cũng không vượt quá chức Quân sư Tế tửu (tham mưu). Điều kiện để hai người thi triển tài năng thực là không thể so sánh.

Nhưng mặc dù chỉ có 11 năm ngắn ngủi, Quách Gia vẫn để lại những chiến công huy hoàng. Khi Quách Gia còn ở trong quân của Tào Tháo, Tào Tháo có thể liên tiếp ca khúc khải hoàn, báo tin chiến thắng, thống nhất được toàn bộ phương Bắc. Sau khi Quách Gia chết, thành tích quân sự của Tào Tháo rõ ràng thiếu hẳn những chiến công đáng kể. Dùng cách nói của Chu Trạch Hùng rằng, chẳng qua cũng chỉ thành công trong việc đối phó với bọn “quân phiệt giặc cỏ” Mã Đằng, Hàn Toại mà thôi, còn đối phó với Tôn Quyền, Lưu Bị hai đại “anh hùng”, thì vẫn có chỗ “lực bất tòng tâm”, trong trận Xích Bích nổi tiếng, thiếu chút nữa Tháo đã bị làm mồi cho thần lửa rồi.

Đương nhiên, việc Lưu Bị chuyển bại thành thắng cũng không phải chỉ dựa vào một mình Gia Cát Lượng. Sự nghiệp của Tháo bị ngăn trở cũng không thể nói là chỉ vì không có Quách Gia. Nói như thế nghĩa là chúng ta đã khuếch trương quá đáng vai trò của các cá nhân. Nhưng không thể phủ nhận rằng sau khi Quách Gia qua đời, đối với Tào Tháo thực sự là một tổn thất rất nghiêm trọng. Vì thế khi Tào Tháo bại trận ở Xích Bích, từng ngửa mặt lên trời mà than dài, nối một câu rằng: “Quách Phụng Hiếu (Quách Gia) mà còn thì ta đâu đễn nỗi này!”.

Câu nói này khi chuyển vào trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đã biến thành một cảnh như sau: Sau khi Tào Tháo thoát khỏi đường Hoa Dung về tới Nam Quận, Tào Nhân mở tiệc an ủi, các mưu sĩ cũng có mặt đông đủ. Đột nhiên Tào Tháo ngửa mặt lên trời khóc lóc thảm thiết. Các mưu sĩ nói, khi Thừa tướng gặp nạn thì hoàn toàn không hề sợ hãi, nay đã an toàn về thành, người đã có lương ăn, ngựa đã được trông coi có thể chấn chỉnh quân đội mà báo mối hận vì sao lại phải khóc lóc đau khổ như vậy? Tào Tháo nói: “Ta khóc cho Quách Phụng Hiếu! Nếu như Quách Phụng Hiếu còn sống thì quyết không để ta mắc phải thất bại lớn thế này!”. Nói rồi vừa đấm ngực vừa khóc, nói: “Thương thay Phụng Hiếu! Đau thay Phụng Hiếu! Tiếc thay Phụng Hiếu!”. Các mưu sĩ khác vì thế lấy làm thẹn thùng xấu hổ.

Việc Tháo than tiếc Quách Gia rồi đấm ngực mà khóc bị cha con Mao Tôn Cương phê bình rất gay gắt và cay độc và còn đem so sánh với việc Tháo khóc Điển Vi hy sinh trong trận chiến Uyển Thành. Cuộc chiến Uyển Thành diễn ra vào tháng giêng năm Kiến An thứ 2 (tức năm 197) do sai lầm của Tào Tháo nên Trương Tú, kẻ mới đầu hàng Tào Tháo được mười mấy ngày, nghe theo lời của mưu sĩ Giả Hủ làm phản. Do không kịp phòng bị gì nên Tào Tháo lâm nạn. Khi đó, Điển Vi là tướng của Tháo phải liều chết để cứu Tháo. Trong trận chiến đó, con cả Tháo là Tào Ngang, cháu là Tào An và Điển Vi đều bỏ mạng. Sau đó Tháo lập đàn tế, tế Điển Vi, khóc lóc rất thảm thiết. Trong hồi thứ 16 của Tam Quốc diễn nghĩa, việc Tào Tháo khóc được miêu tả như sau: “Con trưởng, cháu yêu ta đều không lấy làm đau lắm, chỉ tiếc Điển Vi mà thôi!”. Vì câu nói này của Tháo mà các tướng sĩ đi theo mười phần cảm động.

Đây có thể nói là màn “Lưu Bị ném con” của Tháo. Việc Lưu Bị ném con là câu chuyện được rất nhiều người biết. Đó là sau khi Triệu Vân cứu được A Đẩu sau trận quyết chiến ở dốc Trường Bản, Lưu Bị cầm đứa con nhỏ ném xuống đất, nói: “Vì đứa trẻ này mà ta suýt mất một viên đại tướng” khiến Triệu Vân phải lăn lộn trên đất khóc nói rằng dù có gan óc đầy đất cũng không quên. Dễ thấy, Tháo không khóc con yêu mà khóc tướng yêu, Lưu Bị cũng không xót con mà xót tướng, kết quả là khiến cho tướng sĩ cảm động đến phát khóc. Hai chuyện tuy tiểu dị nhưng là đại đồng vậy.

Như thế, khóc Điển Vi hay khóc Quách Gia cũng là một. Mao Tôn Cương bình Tam Quốc nói, Tào Tháo, trước khóc Điển Vi sau khóc Quách Gia. Khóc cho Điển Vi là cái khóc làm cảm động tướng sĩ, khóc cho Quách Gia là cái khóc khiến cho tướng sĩ cảm thấy hổ thẹn. “Cái khóc trước giống như ban thưởng, cái khóc sau giống như đánh đòn”, thực nghĩ không thấu nước mắt gian hùng. Vì thế cha con Mao Tôn Cương mới nói rằng: “Cái gian của kẻ gian hùng thực là cái gian đáng cười”.

Lời phê phán này đương nhiên rất xác đáng, chỉ tiếc là câu Tháo khóc Điển Vi hay cảnh Tháo khóc Quách Gia cho đến “Lưu Bị ném con” đều chỉ là lời của nhà tiểu thuyết chứ không phải sự thực. Quả thật là khi tổ chức đám tang cho Điển Vi, Tháo tự mình khóc tế nhưng không hề nói rằng “Con trưởng cháu yêu ta đều không đau”. Tào Tháo chính xác là có nói rằng: “Nếu Quách Phụng Hiếu còn sống thì ta đâu đến nỗi này” nhưng không hề có chuyện đấm ngực khóc lóc. Chúng ta không biết được rằng Tào Tháo nói câu này trong trường hợp nào, việc có hay không các mưu sĩ ngồi bên cạnh càng không biết rõ được. Cảnh đó chỉ là cách hư cấu của La Quán Trung, dựa vào là hoàn toàn không chắc chắn. Cũng như thế Tào Tháo mà cha con Mao Tôn Cương phê phán không hoàn toàn là một Tào Tháo đã tồn tại trong lịch sử.

Tào Tháo trong thực tế lịch sử không hoàn toàn đáng cười. Ông ta có khóc than vị tất đã là muốn “làm nhục mưu sĩ”. Trên thực tế thất bại của Tháo ở trận Xích Bích cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về các mưu sĩ dưới quyền. Huống hồ các mưu sĩ của Tào Tháo không hẳn là bọn “vô năng” giá áo túi cơm. Ngay việc Lưu Ngô liên minh cũng đã có người sớm dự liệu từ trước. Đó chính là mưu sĩ Trình Dục. Sau khi Tháo chiếm được Kinh Châu theo đà muốn đem quân tấn công Giang Đông của Tôn Quyền, cũng có người phản đối. Đó chính là Giả Hủ. Đang tiếc là “Thái tổ không nghe, vì thế việc quân không lợi”. Có thể thấy, mưu sĩ của Tào Tháo trước và sau trận Xích Bích đã làm hết trách nhiệm, cũng là xứng đáng với chức phận của mình. Như thế vì sao Tào Tháo phải mượn việc thương tiếc Quách Gia mà “làm nhục các mưu sĩ”

Như vậy vì sao Tào Tháo lại muốn than thở như thế? Trên thực tế Tháo muốn than rằng mệnh mình khổ, mất Quách Gia quá sớm. Tam Quốc chí – Quách Gia truyện nói: “Thái tổ (chỉ Tào Tháo) chinh phạt được đất Kinh Châu, gặp dịch bệnh ở Ba Khâu, thuyền bị đốt mới than rằng: ‘Quách Phụng Hiếu còn sống ta đâu đến nỗi này!’” cũng là nói rằng, nếu như Quách Gia còn sống sự việc đã không đến mức thê thảm như vậy.

Vì sao lại có thể “không đến mức thê thảm như vậy”? Bởi vì Quách Gia là một thiên tài quân sự. Ông ta “tinh thông toán lược, hiểu thấu sự việc”, có thể tùy cơ ứng biến, biết dựa theo cơ hội mà hành động, đồng thời là bậc thần cơ diệu toán. Như nói, Tào Tháo ba lần đánh Lã Bố, quân sĩ mỏi mệt, chuẩn bị rút binh. Quách Gia chủ trương tiếp tục đánh đồng thời còn xác định là đánh tất sẽ thắng, kết quả đúng như lời Quách Gia nói, Bố đại bại bị bắt sống. Khi Tháo chinh phạt Viên Đàm, Viên Thượng vừa đánh vừa gắng, các tướng chủ trương đánh tiếp chỉ một mình Quách Gia chủ trương lui quân, kết quả Viên Đàm Viên Thượng “huynh đệ tương tàn” Tháo ngồi ngoài hưởng lợi “ngư ông”. Lại khi Tháo đánh nhau với Viên Thiệu có người lo rằng Tôn Sách ở Giang Đông sẽ thừa cơ đánh úp Hứa Đô, Quách Gia nói không lo. Khi Tháo đánh đất Ô Hoàn, có người lo rằng Lưu Biểu ở đất Kinh Châu sẽ đánh lấy Hứa Đô, Quách Gia nói không có chuyện đó. Kết quả ra sao? Tất cả đều đúng như Quách Gia dự tính.

Quách Gia không những tính việc như thần mà còn có dũng khí thoát hiểm. Như trong hai hồi đánh Quan Độ và chinh phạt Ô Hoàn, có người khác lo rằng việc đó không hợp với đạo lý. Theo lý thường, Tôn Sách và Lưu Biểu chắc chắn là muốn “mượn lửa cướp đồ”, đánh một đòn sau lưng đối với quân Tào. Nhưng Quách Gia lại cứ khăng khăng nói là không có, lại càng khăng khăng nói Tào Tháo phải nghe mình, phiêu lưu một chuyến. Kỳ thực trận chiến ở Quan Độ cũng là có ít nhiều may mắn, điều này chúng tôi sẽ nói sau nhưng trận chinh phạt Ô Hoàn thì rõ ràng thể hiện một thiên tài quân sự của Quách Gia.

Còn nữa

Theo VieTimes