Quan điểm xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, gia đình Việt Nam đã xây dựng, gìn giữ và phát triển một hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, duy trì được sự gắn kết các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Gia đình Việt Nam còn là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn, tri thức quý báu của dân tộc, hướng con người đến những giá trị của chân, thiện, mỹ.

Đại dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngành Văn hóa, Gia đình, Thể thao và Du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Song, từ những khó khăn chồng chất như vậy, chúng ta lại thấy được những điểm sáng về đạo đức xã hội. Thật ấm lòng khi những giá trị sống nhân văn tưởng như đã bị lãng quên thì nay tỏa sáng giúp cho chúng ta vơi đi những lo lắng của dịch bệnh. Có thể nói, cứ mỗi lúc khó khăn, chúng ta thấy rõ được tinh thần Việt Nam tương thân, tương ái, nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Các giá trị đạo đức, nhân văn nói trên là sản phẩm kết tinh của cả một quá trình lâu dài được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đạo đức đó. Không phải ngẫu nhiên, Tại Hội nghị tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đảng ta khẳng định, “xây dựng gia đình là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”.

Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để gia đình Việt Nam nâng cao thu nhập, tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống. Cùng với đó, sự xung đột giá trị giữa cũ – mới, truyền thống – hiện đại là một quá trình tất yếu.

Hiện nay, ở không ít gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm. Thậm chí có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội. Bản thân các thành viên gia đình cũng không hình thành được lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, không duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử trong gia đình. Điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những lối sống, hành vi ứng xử bên ngoài xã hội [đặc biệt là trên môi trường mạng Internet] mà ở đó tồn tại không ít những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội.

TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình tham luận tại Hội nghị

Các thành viên có nhân cách ứng xử lệch lạc khiến giá trị, lối sống, chuẩn mực ứng xử của gia đình bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Sự khủng hoảng này có mối tương quan, liên hệ chặt chẽ với các vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Có thể nói, xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Gia đình là hạt nhân của xã hội, liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban ngành và mỗi cơ quan, ban ngành chỉ tham gia quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu một phần của chức năng của gia đình.

Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, Chúng tôi Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ CNH- HĐH và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ trung ương đến cơ sở, để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quy định để thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội. Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hoá của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, sáng tác nhiều tác phẩm văn hoá nghệ thuật từ chủ đề gia đình để tạo động lực phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một ngành Văn hoá, Gia đình, Thể thao và Du lịch mà cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình để các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình.

Trong bối cảnh XH Việt Nam đang chuyển đổi từ các giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ-mới, truyền thống – hiện đại là một quá trình tất yếu. Việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý – tình cảm không thực hiện tốt dẫn đến sự khủng hoảng chức năng, từ đó đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống sẽ khiến xã hội mất ổn định làm suy yếu động lực phát triển của đất nước.

Nghiên cứu “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc [Viện Hàn lâm KH XH VN] năm 2019 cho thấy: người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo. Bản thân gia đình đã, đang và sẽ là một trong những giá trị quan trọng đối với người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại, tối tân, vượt bậc, nhưng những giá trị như: giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hoá gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống không gì có thể thay thế được.

Hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường và đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng đưa nước ta hội nhập sâu rộng quốc tế, song vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để “Xây dựng hệ giá trị gia đình” trong tình hình mới” đưa Nghị quyết ĐH XIII vào” cuộc sống./.

TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình

Nguồn: Trang thông tin điện tử về gia đình [//giadinh.bvhttdl.gov.vn/xay-dung-he-gia-tri-gia-dinh-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi-tu-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-den-hanh-dong/]

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

Tầm quan trọng của gia đình và giá trị của gia đình đối với mỗi cá nhân và quốc gia, dân tộc đã được Đảng ta khẳng định qua các kỳ Đại hội luôn đặt gia đình ở một vị trí ngang tầm với dân tộc và thời đại, "xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Đảng, Nhà nước luôn đánh giá tầm quan trọng của gia đình

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VHTTDL đã trình bày tham luận "Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới: Từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động". Trong đó Vụ trưởng Vụ Gia đình nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn đánh giá vị trí cũng như tầm quan trọng của gia đình, được thể hiện trong nhiều văn kiện. Văn kiện Ðại hội XII của Đảng nêu rõ: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người".

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới". Chỉ thị 06 nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã ghi nhận nhiều tham luận có giá trị [ảnh; Nam Nguyễn]

Trước đó, ngày 21/2/2005, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 49/CT về "Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" [Chỉ thị 49]. Có thể nói, tiếp nối Chỉ thị 49, Chỉ thị 06 là văn bản quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt và nhân văn của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam. Gia đình hạnh phúc là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, là hạt nhân để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh và giàu bản sắc. Hạt nhân gia đình chính là nơi hình thành, bồi dưỡng, giáo dục phẩm cách con người, cũng là nơi lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn của quốc gia, dân tộc. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, các hệ giá trị tốt đẹp như: tình yêu thương, thủy chung, hiếu nghĩa, đức hi sinh, sự sẻ chia, mình vì mọi người - mọi người vì mình luôn được phát huy và gìn giữ trong các gia đình Việt Nam. Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc - bà Trần Tuyết Ánh nhấn mạnh.

Trong những năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng, ban hành và trình ban hành các Đề án, Chương trình nhằm tăng cường các giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW về "xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước"; Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam…

Cùng với đó, Bộ VHTTDL cũng ban hành thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nguyên tắc chung là "tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ" tại 12 tỉnh, thành phố trong 02 năm 2019-2020. Phong trào Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.., kết quả từ thực hiện những phong trào này đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình. Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cũng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kết quả thực hiện Mục tiêu "Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam".

Tầm quan trọng của gia đình và giá trị của gia đình đối với mỗi cá nhân và quốc gia, dân tộc đã được Đảng ta khẳng định qua các kỳ Đại hội luôn đặt gia đình ở một vị trí ngang tầm với dân tộc và thời đại, "xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống

Bà Trần Tuyết Ánh cũng thẳng thắn đưa ra bức tranh gia đình hiện nay: Trong bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại là một quá trình tất yếu. Tuy vậy, nếu không có định hướng phù hợp để điều chỉnh, quản lý sự xung đột này sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức khó lường. Việc chia sẻ và theo đuổi hệ giá trị quyết định đến quá trình thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Thậm chí, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ đó dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình -Bộ VHTTDL trình bày tham luận tại Hội nghị [ảnh; Nam Nguyễn]

Vì vậy, để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng các Bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ trung ương đến cơ sở để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan TW và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, để thực hiện công tác gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, đưa Nghị quyết ĐH XIII vào cuộc sống.

Cùng với đó là đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội. Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng và lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đút ý chí tinh thần dân tộc, phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một ngành Văn hoá, gia đình, Thể thao và Du lịch mà cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị-xã hội toàn xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng– Bà Trần Tuyết Ánh chỉ rõ trong tham luận.

Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù nền khoa học trên thế giới có phát triển tối tân và hiện đại đến đâu nhưng những giá trị như: giáo dục đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó để vượt qua những trở ngại, gập ghềnh, những thăng trầm của cuộc sống, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình không gì có thể thay thế được.

Khát vọng phát triển đất nước hùng cường và giàu bản sắc văn hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách con người nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng. Có như vậy chúng ta sẽ có những con người có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, có đủ trí tuệ, tài năng đưa nước ta hội nhập với nền văn minh của chung của nhân loại song vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa khát vọng Xây dựng hệ gia trị gia đình trong tình hình mới./.

PV

Video liên quan

Chủ Đề