Review phim cuộc sống thượng lưu

Nội dung phim xoay quanh cuộc sống và hành trình khẳng định bản thân của cô gái Seo Ji-An do Shin Hye Sun thủ vai, một cô gái xinh đẹp, mạnh mẽ và giàu nghị lực. Từ nhỏ, cô đã được gia đình chăm chút và có một cuộc sống tốt đẹp, biến cố xảy đến với gia đình khi cô đang học trung học. Từ ngày đó, cô không ngừng cố gắng và vươn lên, hiện tại thì Ji-An đang là nhân viên của một công lớn. Trong cuộc sống, cô luôn rất lạc quan, yêu đời, hài hước, chính tính cách này đã khiến cô được rất nhiều chàng trai để ý, đặc biệt là anh chàng Choi Do-Kyung, một anh chàng nam tính, đồng thời cũng người thừa kế công ty cô đang làm việc.

Có thể nói đây là một bộ K-drama đề tài gia đình rất điển hình, vì thế không có gì lạ khi phim có ratings cao và đạt nhiều thành tích khác. Mình cảm thấy nếu mình theo dõi bộ phim lần lượt khi còn đang chiếu thì sẽ thích nó hơn là xem một lèo đến hết. Cảm nhận cá nhân của mình là phim có nhiều điểm được và cũng không thiếu những chỗ “chưa được”.

Hình ảnh

Phim có phần hình ảnh tương đối chỉn chu. Mình không thấy cần phải chê gì ở bối cảnh của phim. Xem bộ phim này làm mình có cảm giác nhà sản xuất tương đối chú trọng các chi tiết nhỏ. Ví dụ trong các cảnh quay ở tiệm bánh mì thì bánh trông hợp lý, không giống như mua vội vàng bỏ lên giá cho có. Khung cảnh cũng không bị “đẹp quá đà” nên tạo cảm giác rất tự nhiên. Tạo hình của phần lớn các nhân vật khá là hợp lý và có tính biểu tượng rất cao. Nói không ngoa thì chỉ nhìn vào tạo hình các nhân vật cũng có thể suy đoán tương đối chuẩn về tính cách con người của họ. Điển hình nhất là phu nhân No: trong suốt cả bộ phim bà là người phụ nữ độc đoán chuyên quyền, và do vậy thường xuyên mặc suit kiểu nam với áo khoác hờ tràn ngập hơi thở nữ cường nhân. Đến cuối phim khi quyết định làm bà nội trợ thì style đổi sang váy ren váy hoa ngay.

Mặc dù phim vẫn không thoát khỏi vấn đề chung của phim Hàn là các diễn viên nữ lúc nào cũng như đang trình diễn thời trang nhưng cũng phải khen ngợi là trong phim này phần lớn các nhân vật nữ đều thoát khỏi lời nguyền lông mày sâu róm nằm ngang. Thế nhưng bản thân nữ chính lại cứ như bị stylist hãm hại vậy. Đầu tiên là đôi lông mày sâu róm vừa to vừa ngang và không hài hòa với dáng lông mày tự nhiên. Đôi lông mày này lúc bình thường hay cười thì còn đỡ, lúc nữ chính nhăn nhó khóc lóc thì trông cứ như chữ bát (/ ) ấy, khá đáng sợ. Mà nữ chính của phim thì lại ít cười hay khóc, nên…haizza. Ngoài ra nữ chính cũng đánh phấn quá trắng. Đương nhiên chuyện trang điểm trắng sáng cũng không lạ lùng gì trong phim Hàn, nhưng vì nữ chính chiếm nhiều spotlight nên lỗi đánh phấn quá đà càng được thể hiện rõ trên màn hình. Rất nhiều phân cảnh gương mặt nữ chính nổi rõ phấn trắng đối lập với vùng cổ vàng hơn, rất phản tác dụng. Cuối cùng là style ăn mặc nữ chính vốn có phong cách đơn giản trang nhã sau khi đi du học đến Bắc Âu, nơi người ta sống đơn giản thì lại chuyển sang phong cách Bohemian rất lòe loẹt, sai quá sai là ở đó.

Review phim cuộc sống thượng lưu
Quả nhiên là nữ chính bị stylist hại.

Ngoài ra, xem phim này mới nhận thấy, slow motion không phải đặc sản của riêng phim Ấn. Tất nhiên bộ phim chưa lạm dụng slow motion đến mức mệt mỏi như “Cô dâu tám tuổi”, nhưng cũng đủ để khán giả thấy hơi phiền rồi.

Nhân vật

Phải nói rằng về cơ bản mình không thích nhân vật nào trong phim này. Nếu để dành lời khen thì nhân vật của ông Seo là nhân vật đáng được kính trọng nhất, vì ông tốt đẹp chẳng có chỗ nào để chê cả. Các nhân vật trong phim đều không tạo cho mình cảm giác “wow” cần có khi xem. Nói một cách tiêu cực thì các nhân vật đều “xoàng” thôi. Nói một cách tích cực thì các nhân vật đều vô dụng, bất lực một cách rất thực tế. Phu nhân No tuy thích làm nữ cường nhân nhưng lại chỉ có khả năng mắng người, gặp tình huống bất ngờ ngoài trợn mắt thì chỉ biết ngất. Bà Jang Mi Jung thì gặp chuyện là gào khóc tru tréo. Choi Do Kyung là công tử bột chính hiệu.

Các diễn viên của phim đều thể hiện khá hợp lý nhân vật mà mình đóng, do đó tương đối truyền cảm. Dù rằng mình cảm thấy phần cuối phim khóc lóc hơi nhiều nhưng mỗi cảnh khóc đều khá cảm động. Mỗi nhân vật đều được chăm chút và tạo sự hợp lý. Ví dụ bà Jang Mi Yung có đôi mắt gian gian đúng kiểu các ajuma tham tham nghèo nghèo, phu nhân No thì mang hình ảnh nữ cường nhân hơi khô cứng, anh Huyk thì cười tỏa nắng, ông Seo già cả nhăn nheo nhìn đã thấy khắc khổ.

Mình nghĩ vốn dĩ nữ chính phim này không nên bánh bèo, vì cô ấy là người trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn cố gắng vươn lên, nhưng thực tế nữ chính lại được xây dựng đúng chuẩn bánh bèo ngôn tình. Nghĩa là cô Seo Ji An mặc dù không bằng người ta, nhưng khi cô đi làm thì có thể một mình đảm nhiệm cả một sự kiện lớn cho nguyên team marketing ngồi ngưỡng mộ, khi đi vào xưởng gỗ thì vẩy tay là thiết kế được sản phẩm mĩ mãn, đi thi cho vui cũng có giải, vân vân. Nhưng mà cứ đối mặt với nhà Haesung là cô chỉ có một phản ứng duy nhất là đờ người ra và cúi gằm xuống, từ đầu đến tận gần cuối phim. Cô cũng có thể khóc bất cứ khi nào nghĩ đến bố mình, không phải lặng lẽ khóc như nữ chính nên thế mà là khóc vật vã đau khổ. Cô thích nhất là không chịu kể vấn đề của mình cho ai, bày vẻ mặt cả thế giới nợ tôi 2 tỷ. Cô cũng bị bệnh mất trí nhớ ngắn hạn nên có thể quên bất cứ chuyện gì biên kịch thích cô quên. Nhưng nếu nói cho công bằng, cô Seo Ji An là một người bình thường ta có thể gặp rất nhiều trong cuộc sống. Nữ chính không làm mình thấy “thích”, cô ấy cách khá xa hình mẫu “lý tưởng”, nhưng rất thực tế. Nói sao nhỉ, nữ chính không phải là tấm gương để các khán giả nữ trong phim noi theo, cô ấy chỉ là một người bình thường được đưa lên phim thôi. Và dù sao cô ấy cũng là người tương đối dễ được cảm thông, đặc biệt khi đặt cạnh cô em 28 tuổi mà như 18.

Cốt truyện

Có thể nói đây là một bộ phim tương đối có tính giáo dục và thời sự. Hai nội dung trọng tâm của bộ phim là việc tìm kiếm hạnh phúc thông qua theo đuổi mong muốn cá nhân và sự trân trọng tình cảm gia đình được xây dựng tương đối tốt. Tuy rằng chủ đề không mới mẻ gì nhưng mình nghĩ ý nghĩa vẫn rất đáng lưu tâm. Mình thích cách câu chuyện diễn tiến từ từ khiến các nhân vật tự khám phá ra vấn đề thay vì có một người đem giảng giải đạo lý.

Mình cũng rất thích quan điểm về tình yêu và sự nghiệp của Seo Ji An: không phải anh đẹp trai giàu có thì tôi phải thích anh, không phải anh đẹp trai giàu có rồi lại theo đuổi tôi thì tôi phải thích anh, tôi thích anh chỉ khi tôi muốn thế. Và dù tôi thích anh thì tôi cũng sẽ không hi sinh sự nghiệp bản thân cho tình yêu. Mình nghĩ đó là quan điểm cấp tiến hơn khá nhiều so với lối tư duy “ngôn tình” thường thấy trong phim tình cảm rồi.

Là một bộ phim gia đình/tâm lý xã hội điển hình, cốt truyện cũng để lộ nhiều nhược điểm về kiến thức chuyên môn của biên kịch. Ví dụ như các kiến thức về marketing được sử dụng trong phim khá là sơ đẳng, thật khó tin là anh Choi Do Kyung đi du học nước ngoài làm sếp tập đoàn lớn bao lâu mà phải để cô Seo Ji An hướng dẫn dùng mạng xã hội quảng cáo. Hay cả nhà anh Choi đều ngây thơ đơn thuần trong cuộc chiến cổ phần với bà dì, để rồi ông Seo nổi lên như vì sao sáng nhất bầu trời đêm vì chỉ có mình ông nhìn ra vấn đề mà đáng ra mọi người phải nghĩ đến từ lâu. Một lỗi nhỏ khác đáng ra không nên có là sự thiếu vắng mạng xã hội. 2017 rồi mà các nhân vật vẫn chỉ liên lạc với nhau qua tin nhắn với blog thì cũng quá lạc hậu rồi.

Bộ phim này cũng có tương đối nhiều clichés: câu chuyện quen thuộc, kiểu nhân vật quen thuộc, những tình tiết quen thuộc. Có thể nói đây là bộ phim Hàn rất rất điển hình.

Cuối cùng, không rõ có phải xu thế hiện giờ là vậy hay không nhưng bộ phim quả thật quá lạm dụng quảng cáo. Gần như bất cứ lúc nào các nhân vật chính ăn hay uống là đều có cảnh zoom kĩ càng vào thương hiệu, chưa kể tất cả mọi người còn dùng chung đúng hai mẫu điện thoại của cùng một hãng.

Tóm lại, My Golden Life là một bộ phim Hàn vô cùng điển hình, và cũng rất thực tế. Mình nghĩ với người yêu thích phim Hàn thì đây là một bộ phim ổn. Với những người không thích phim Hàn lắm thì đây vẫn là một bộ phim điển hình có giá trị tham khảo về cách làm phim Hàn cũng như xã hội Hàn Quốc nói chung.