Sáng kiến kinh nghiệm trong quản lý sử dụng tài sản công

Sáng kiến kinh nghiệm trong quản lý sử dụng tài sản công
Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: Tài sản công (TSC) là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: TSC phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; TSC tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác. Theo đó, TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) quản lý, sử dụng là cơ sở vật chất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội, đồng thời là nguồn lực to lớn, góp phần bảo đảm và nâng cao tự chủ tài chính của các đơn vị.

Luật quy định cụ thể hơn về chế độ quản lý, sử dụng TSC tại ĐVSNCL, bao gồm: hình thành tài sản công tại ĐVSNCL; đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp; mua sắm TSC phục vụ hoạt động của ĐVSNCL; thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng TSC tại ĐVSNCL; sử dụng, quản lý vận hành TSC tại ĐVSNCL; quy định chung về việc sử dụng TSC tại ĐVSNCL vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng TSC tại ĐVSNCL vào mục đích kinh doanh; sử dụng TSC tại ĐVSNCL vào mục đích cho thuê; sử dụng TSC tại ĐVSNCL vào mục đích liên doanh, liên kết; thống kê, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại, báo cáo TSC tại ĐVSNCL; bảo dưỡng, sửa chữa TSC tại ĐVSNCL; khấu hao và hao mòn tài sản cố định tại ĐVSNCL; xử lý TSC tại ĐVSNCL; xử lý TSC trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của ĐVSNCL.

Trên cơ sở đó, Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 cũng quy định phải tuân thủ 7 nguyên tắc trong quản lý, sử dụng TSC:

Một là, mọi TSC đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Hai là, TSC do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.

Ba là, TSC là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.

Bốn là, TSC phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật.

Năm là, việc khai thác nguồn lực tài chính từ TSC phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Sáu là, việc quản lý, sử dụng TSC phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Bảy là, việc quản lý, sử dụng TSC được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL là Nghị định khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đặc biệt trong hoạt động quản lý, sử dụng TSC và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Một số kết quả đạt được

Trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng công sản: để triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017, Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại ĐVSNCL.

Qua đó, công tác quản lý, sử dụng TSC tại các ĐVSNCL đã dần đi vào nề nếp. Phần lớn các ĐVSNCL đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng TSC, trong đó phân định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong từng khâu, từng việc từ đầu tư xây dựng, mua sắm, bảo quản, bảo vệ, sửa chữa, bảo dưỡng đến xử lý tài sản. Việc sử dụng TSC sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức đã từng bước được khắc phục.

Đối với các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí việc sử dụng TSC, đặc biệt là nhà, đất, xe ô tô phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy hoạch được duyệt; số tài sản dôi dư sau sắp xếp hoặc không còn phù hợp với quy hoạch; không còn nhu cầu sử dụng được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị khác sử dụng hay bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Bên cạnh đó, đã tiến hành thí điểm thực hiện một số phương thức mới trong quản lý, sử dụng TSC như: mua sắm tập trung đối với những tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, đầu tư xây dựng công trình sự nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP), đầu tư công quản lý tư. Nhà nước có chính sách ưu đãi trong sử dụng đất đai, TSC ở mức cao nhất để khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Các tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC tại ĐVSNCL đã từng bước được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của ĐVSNCL. Đồng thời, tập trung xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý đăng ký TSC. Đây là ứng dụng dịch vụ tài chính công trực tuyến hỗ trợ Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tin học hóa quá trình báo cáo kê khai TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC; theo dõi tình hình biến động (tăng, giảm, thay đổi thông tin) của các loại TSC phải báo cáo kê khai; tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng TSC của cả nước, của từng bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC theo quy định của pháp luật.

Một số hạn chế, bất cập

(1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC tại ĐVSNCL chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới về đổi mới hoạt động của ĐVSNCL, khai thác nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Cách phân loại ĐVSNCL với cơ chế tự chủ của ĐVSNCL còn chưa quy định rõ, dẫn tới quá trình tổ chức thực hiện còn có cách hiểu và cách áp dụng pháp luật khác nhau.

(2) Hệ thống tiêu chuẩn, định mức được xây dựng thống nhất cho các cơ quan nhà nước, ĐVSNCL trong cả nước vẫn còn hạn chế trong tính linh hoạt, chủ động.

(3) Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, vừa hạn chế việc khai thác nguồn lực hiện có từ tài sản, vừa hạn chế việc thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho các lĩnh vực này, để mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

(4) Quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng có số lượng và giá trị rất lớn. Các cơ sở nhà, đất thường ở các vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng còn phân tán, có nơi lãng phí, hiệu suất thấp và chưa được khai thác hiệu quả.

(5) Việc xử lý TSC còn có tính chất nhỏ lẻ, manh mún do nhiều chủ thể cùng thực hiện. Việc xử lý bán, thanh lý tài sản theo hình thức đấu giá, các đơn vị phải thuê các trung tâm hoặc doanh nghiệp thực hiện nhưng chưa thật sự đúng quy định ràng buộc trách nhiệm giám sát của các đơn vị có quyền bán tài sản cũng như việc kiểm soát của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý, sử dụng TSC tại ĐVSNCL nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Những số liệu dự báo tình hình trong thời gian tới

Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó tập trung vào các mục tiêu của giai đoạn đến năm 2025 và 2030, đó là: Hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể mà Nghị quyết đề ra trong giai đoạn này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của ĐVSNCL, đặc biệt là trong hoạt động quản lý, sử dụng TSC.

Thứ hai, công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước chuẩn bị bước sang giai đoạn mới với những yêu cầu phục vụ ngày càng cao hơn của nền hành chính phát triển, trong đó các hoạt động cung cấp các dịch vụ cơ bản do các ĐVSNCL của Nhà nước đảm nhận là rất quan trọng.

Thứ ba, từ ngày 01/7/2021, mô hình chính quyền đô thị sẽ chính thức đi vào thực hiện ở các địa phương, như: Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, điều này kéo theo rất nhiều những thay đổi trong tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó hoạt động của các ĐVSNCL trực thuộc các bộ, ngành và địa phương.

Thứ tư, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chuyển sang một bước phát triển mới đó là giai đoạn chuyển đổi số. Sự tác động này sẽ là quá trình làm thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Đặc biệt, theo Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các ĐVSNCL đã và đang hoạt động theo tiến trình này.

Một số giải pháp đề ra

Một là, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, trong đó cần tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: (1) Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các ĐVSNCL; (2) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); (3) Một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; (4) Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả; (5) Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Hai là, cần tăng quyền tự chủ các ĐVSNCL trong sử dụng tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Đồng thời, quy định phân cấp quản lý TSC cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp xử lý TSC ở đơn vị, địa phương mình.

Ba là, thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về TSC trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo để bảo đảm hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý TSC tại đơn vị và tình hình sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo chuẩn quốc tế.

Bốn là, các ĐVSNCL cần xây dựng danh mục cụ thể TSC thuộc phạm vi quản lý được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật; tránh sử dụng TSC sai mục đích. Các đơn vị ban hành Quy chế quản lý, sử dụng TSC phải phù hợp, khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc phân quyền, bất kiêm nhiệm, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận tham gia quy trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc công khai, minh bạch tình hình quản lý, sử dụng, khai thác TSC tại các ĐVSNCL theo quy định hiện hành.