So sánh luật môi trường và Luật bảo vệ môi trường

Luật Bảo Vệ Môi Trường mới tại Việt Nam

July 29, 2021 Lawyers VNLaw

Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc Hội đã thông qua Luật Bảo Vệ Môi Trường mới [Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020] sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 và thay thế Luật Bảo Vệ Môi Trường cũ năm 2014. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý của Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020.

Bản pdf của bài viết có thể được tải về tại Đây.

1. Tiêu chí cụ thể mới để phân loại các dự án

· Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 quy định một số tiêu chí về môi trường để phân loại các dự án đầu tư bao gồm [1] quy mô, công suất và loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; [2] diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước và/hoặc vùng biển, quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; và [3] các yếu tố nhạy cảm về môi trường. Các tiêu chí này sẽ giúp xác định dự án nào phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường [ĐTM Sơ Bộ], đánh giá tác động môi trường [ĐTM] và phải xin giấy phép môi trường.

· Trước đây, Luật Bảo Vệ Môi Trường 2014 chỉ quy định các tiêu chí chung như dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc Hội, Chính Phủ, Thủ Tướng Chính Phủ; hoặc dự án sử dụng đất thuộc khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; hoặc các dự án có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các tiêu chí về môi trường theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 đã quy định cụ thể và thu hẹp phạm vi các dự án phải xin cấp phép và phê duyệt về môi trường.

· Một tiêu chí mới về môi trường theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 là yếu tố nhạy cảm về môi trường. Các yếu tố đó bao gồm, trong số các yếu tố khác, các khu dân cư tập trung, nguồn nước dùng để cấp nước sinh hoạt, các khu bảo tồn thiên nhiên, loại rừng, di sản văn hóa vật thể và các di sản thiên nhiên khác, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; các vùng đất ngập nước quan trọng; các yêu cầu về di dân tái định cư.

· Căn cứ vào các tiêu chí về môi trường nêu trên, dự án sẽ được phân loại vào một trong bốn nhóm: nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, hoặc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, hoặc nhóm dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, hoặc nhóm dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Danh mục chi tiết các dự án đầu tư theo từng nhóm đã được đính kèm trong dự thảo nghị định của Chính Phủ hướng dẫn Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 [xem tại đây]. Bảng dưới đây tóm tắt các tiêu chí về môi trường áp dụng cho từng nhóm cũng như các yêu cầu chính về môi trường đối với từng nhóm theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020.

See this content in the original post

2. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường mới [ĐTM Sơ Bộ]

· Đây là một khái niệm mới theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020. ĐTM Sơ Bộ áp dụng cho các dự án Nhóm I và phải được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

· Không giống như các quy định khác theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, quy định về nội dung của ĐTM Sơ Bộ đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2021 để phù hợp với hiệu lực của các sửa đổi mới của luật xây dựng. Điều đó có nghĩa là, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2021, nhà đầu tư cần thực hiện ĐTM Sơ Bộ cho các dự án đầu tư dự kiến của mình như được yêu cầu trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng.

· Việc xin cấp phê duyệt chủ trương đầu tư có thể khó khăn hơn do ĐTM Sơ Bộ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét cùng với hồ sơ xin phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi hoặc chủ trương đầu tư. Hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ ràng về tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét và đánh giá ĐTM Sơ Bộ, dường như cơ quan này có thể tự quyết định xem ĐTM Sơ Bộ của nhà đầu tư có thỏa mãn hay không. 3. Sửa đổi đánh giá tác động môi trường [ĐTM]

· Tất cả các dự án thuộc Nhóm I và các loại 4, 5, 6, 7 của Nhóm II [trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp] đều phải thực hiện ĐTM.

· Theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020, thời gian lập và trình báo cáo ĐTM để thẩm định rõ ràng hơn. Đặc biệt, nhà đầu tư cần lập báo cáo ĐTM đồng thời với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương, và báo cáo ĐTM phải được trình cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được kết luận thẩm định.

· Phê duyệt báo cáo ĐTM theo luật cũ được thay thế bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 [Quyết Định Phê Duyệt Kết Quả Thẩm Định].

· Sau khi có Quyết Định Phê Duyệt Kết Quả Thẩm Định, nhà đầu tư phải điều chỉnh và bổ sung các nội dung của dự án đầu tư và báo cáo ĐTM để phù hợp với nội dung và yêu cầu về bảo vệ môi trường nêu trong Quyết Định Phê Duyệt Kết Quả Thẩm Định. Cách tiếp cận này có thể giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian để có được Quyết Định Phê Duyệt Kết Quả Thẩm Định vì họ có thể không cần phải sửa đổi báo cáo ĐTM trước khi Quyết Định Phê Duyệt Kết Quả Thẩm Định được ban hành. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo tính nhất quán giữa Quyết Định Phê Duyệt Kết Quả Thẩm Định và các tài liệu khác của dự án như báo cáo ĐTM.

4. Giấy phép môi trường mới

· Đây là một khái niệm mới theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020. Giấy phép môi trường được sử dụng cho việc xả thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu thô sản xuất. Điều đó có nghĩa là, giấy phép môi trường mới bao gồm một số giấy phép liên quan đến chất thải và nhập khẩu phế liệu theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2014 cũ và các luật khác có liên quan như giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo Luật Tài Nguyên Nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy Lợi, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, đăng ký chủ sở hữu chất thải nguy hại,... Nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng giấy phép đã cấp theo quy định của pháp luật cũ cho đến khi hết thời hạn của giấy phép liên quan hoặc đến hết 5 năm kể từ ngày có hiệu lực của Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 nếu giấy phép không có thời hạn.

· Giấy phép môi trường áp dụng đối với [1] dự án đầu tư thuộc Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải ra môi trường mà phải xử lý, phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi dự án đi vào hoạt động chính thức và [2] dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, khu dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 có hiệu lực thi hành có cùng tiêu chí về môi trường như đã thảo luận tại mục [1] nêu trên.

· Giấy phép môi trường sẽ nêu rõ phạm vi cho phép về môi trường và các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Giấy phép môi trường sẽ có thời hạn từ 7 đến 10 năm tùy theo loại dự án.

5. Đăng ký môi trường mới

· Đây cũng là một khái niệm mới theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020. Dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nhưng không thuộc diện phải cấp phép môi trường phải thực hiện đăng ký môi trường [trừ trường hợp được miễn khác].

· Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 quy định cụ thể và thu hẹp các đối tượng bắt buộc phải thực hiện đăng ký môi trường đối với những cơ sở có phát sinh chất thải. Đây là cách tiếp cận khác so với đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2014. Kế hoạch bảo vệ môi trường áp dụng đối với các dự án nói chung không thuộc đối tượng ĐTM, được xác định dựa trên quy mô, công suất nhưng không căn cứ vào mức độ phát sinh chất thải của dự án đó.

· Đối với các dự án đầu tư mới sau ngày Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 có hiệu lực, tùy theo loại hình dự án, việc đăng ký môi trường phải được thực hiện trước khi cấp giấy phép xây dựng, xả thải ra môi trường hoặc đi vào hoạt động chính thức.

· Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện đăng ký môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 có hiệu lực.

6. Kiểm toán môi trường - Khái niệm này đã được đề cập trong Luật Bảo Vệ Môi Trường 2014, tuy nhiên, phải đến Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020, kiểm toán môi trường mới được quy định chi tiết trong luật. Kiểm toán môi trường là việc xem xét, đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện hiệu quả của công tác quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Các tổ chức được khuyến khích tự thực hiện kiểm toán môi trường.

Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Thùy và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.

Discover more from Vietnam Business Law

Video liên quan

Chủ Đề