So sánh luật quốc tế với tư pháp quốc tế

06[109]/2017

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Thực tiễn xây dựng Bộ luật Tư pháp quốc tế
  • 2.Kết luận và khuyến nghị đối với Việt Nam
  • 3.Tài liệu tham khảo

Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam

NGÔ QUỐC CHIẾN

06[109]/2017 - 2017, Trang 67-74

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Bài viết phân tích thực trạng tư pháp quốc tế Bỉ trước khi có Bộ luật Tư pháp quốc tế, mục đích, đối tượng, phạm vi điều chỉnh và cấu trúc của Bộ luật Tư pháp quốc tế Bỉ năm 2004, trên cơ sở đó đề ra một số kiến nghị cho Việt Nam.


ABSTRACT:

The author analyzes the situation of private international law in Belgium prior to the Code of Private International Law as well as the objectives, subject, scope and structure of the Belgian 2004 Code of Private International Law, then offers some recommendations for Vietnam.

TỪ KHÓA: pháp điển hóa tư pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, hiện đại hóa tư pháp quốc tế,

KEYWORDS: codification of private international law, modernization of private international law, private international law,

Trích dẫn:

×

NGÔ QUỐC CHIẾN, Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam , Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 06[109]/2017, Trang 67-74

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=a25670a5-01e4-49e7-9339-0832d9229e67

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Tư pháp quốc tế [TPQT] là một ngành luật đặc biệt, bởi đây là một ngành luật điều chỉnh các quan hệ dân sự [QHDS] quốc tế, nhưng nguồn của nó lại được cấu thành chủ yếu từ các văn bản luật quốc gia. Quy định của các quốc gia có thể giống nhau, nhưng cũng có thể khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Chính điều này gây tâm lý e ngại cho các chủ thể khi tham gia các QHDS quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, đã có những nỗ lực từ rất sớm thống nhất luật nội dung và luật xung đột. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực được thực hiện từ hơn một thế kỷ qua, số các điều ước quốc tế [ĐƯQT] điều chỉnh QHDS theo nghĩa rộng chưa nhiều, trong khi các giao dịch dân sự quốc tế lại ngày càng tăng, đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh để tạo sự an toàn pháp lý cho các chủ thể. Vì vậy, bên cạnh việc tham gia vào các ĐƯQT về TPQT, các quốc gia còn xây dựng Luật TPQT để điều chỉnh các QHDS có yếu tố nước ngoài.

Khảo sát xu thế pháp điển hóa TPQT trên thế giới cho thấy, tham gia các ĐƯQT về TPQT là cần thiết, nhưng không đủ bởi mỗi quốc gia có hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thống, văn hóa riêng. Không phải ngẫu nhiên khi nhiều nước đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống TPQT của mình trong những năm gần đây. Một nửa thế kỷ qua nhân loại đã được chứng kiến một thời kỳ lập pháp TPQT tăng “năng suất” nhất trong lịch sử,[1]với hơn ba mươi quốc gia và vùng lãnh thổ có luật riêng về TPQT. Ở châu Á cóNhật Bản,[2]Trung Quốc,[3]Đài Loan,[4]Hàn Quốc,[5]Cộng hòa Yemen,[6]Azerbaïdjan,[7]Thổ Nhĩ Kỳ,[8]Thái Lan.[9]Ở châu Đại dương có Úc.[10]Ở châu Âu cóBỉ,[11]Italy,[12]Thụy Sĩ,[13]Hà Lan,[14]Đức,[15]Áo,[16]Liechtenstein,[17]Ba Lan,[18]Séc,[19]Bulgary,[20]Hungary,[21]Thổ Nhĩ Kỳ,[22]Anh quốc,[23]Slovenia,[24]Estonia,[25]Macedonia,[26]Montenegro,[27]Roumanie,[28]Nga.[29]Ở châu Mỹ cóVenezuela,[30]Cộng hòa Dominica, Québec,[31]Bang Louisiana.[32]Ở châu Phi cóTunisie[33].[34]

Ở Việt Nam, nhiều người, trong đó có chúng tôi, cho rằng Việt Nam có thể giải quyết các vấn đề trên thông qua việc xây dựng một đạo luật về TPQT[35]để vừa loại bỏ các chồng chéo, mâu thuẫn, vừa sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nghiên cứu thực tiễn xây dựng Bộ luật TPQT Bỉ, nước được coi là đã pháp điển hóa thành công TPQT và được nhiều nước trên thế giới tham khảo, để đưa ra một số gợi ý đối với Việt Nam.


[1]*TS, giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương, thành viên Trung tâm Nghiên cứu pháp luật châu Âu và quốc tế [GERCIE], ĐH Tours, CH Pháp.

Symeon C. Symeonides,Codifying Choice of Law Around the World: An International compartive Analysis, Oxford University Press, 2014, tr. 49.

[2]Luật về các nguyên tắc chung về áp dụng luật ngày 5/6/2006 của Nhật Bản.

[3]Luật về áp dụng luật cho các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 28/10/2010.

[4]Luật về áp dụng luật cho các quan hệ có yếu tố nước ngoài ngày 6/6/1953, sau đó được thay thế bằng Luật ngày 30/4/2010, có hiệu lực từ 26/10/2010.

[5]Luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ngày 6/9/1995.

[6]Luật về TPQT ngày 29/3/1992.

[7]Luật ngày 6/6/2000 về TPQT.

[8]Luật số 5718 ngày 27/11/2007 về TPQT và tố tụng quốc tế thay thế cho Luật số 2675 ngày 20/5/1982 về TPQT và tố tụng quốc tế.

[9]Luật về xung đột luật BE2481 năm 1938.

[10]Foreign Judgments Act 1991, Act No. 112 of 1991.

[11]Luật ngày 16/7/2004 ban hành Bộ luật TPQT.

[12]Luật số 218 ngày 31/5/1995 về cải cách hệ thống TPQT.

[13]Luật liên bang về TPQT ngày 18/12/1987.

[14]Luật ngày 19/5/2011 pháp điển hóa các quy phạm xung đột vào Quyển thứ 10 BLDS.

[15]Luật ngày 25/7/1986 cải cách TPQT và Luật ngày 21/5/1999 về TPQT điều chỉnh các quan hệ ngoài hợp đồng và quan hệ tài sản.

[16]Luật liên bang về TPQT [IPR-Gesetz] ngày 15/6/1978.

[17]Luật về TPQT ngày 19/9/1996.

[18]Luật về TPQT ngày 12/11/1965, sau đó được thay thế bằng Luật TPQT ngày 16/5/2011

[19]Luật số 97 về TPQT và tố tụng ngày 4/12/1963 của CH Séc và Slovakia. Luật này sau đó được thay thế bằng Luật số 91 ngày 25/1/2012 về TPQT và tố tụng và được áp dụng tại CH Séc.

[20]Luật số 42 về TPQT và tố tụng dân sự quốc tế ngày 4/5/2005, sau đó được sửa đổi và thay thế bằng Luật số 59 năm 2007.

[21]Sắc luật số 13/1979 của Hội đồng Chủ tịch nước CHND Hungary về TPQT ngày 31/5/1979.

[22]Luật về TPQT năm 1982

[23]Luật của Vương quốc Anh về các quy định TPQT [Private International Law [Miscellaneous Provisions Act] ngày 8/11/1995.

[24]Luật ngày 30/6/1999 về TPQT và tố tụng.

[25]Luật về TPQT ngày 27/3/2002.

[26]Luật về TPQT ngày 4/7/2007.

[27]Luật về TPQT ngày 23/ 12/ 2013.

[28]Luật số 105 ngày 22/9/1992 về quan hệ TPQT, sau đó được sửa đổi và pháp điển hóa vào Quyển thứ VII Bộ luật dân sự và Luật số 134 ngày 15/7/2010 ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự .

[29]Luật liên bang số 146 ngày 26/11/ 2001 thi hành phần thứ ba BLDS Nga [các điều từ 1186 đến 1224 của Thiên thứ VI, Phần thứ Ba BLDS Nga].

[30]Luật về TPQT ngày 6/8/1998.

[31]Luật ngày 18/12/1991 pháp điển hóa TPQT vào Quyển thứ 10 của Bộ luật dân sự Québec.

[32]Quyển thứ 10 về QHDS có yếu tố nước ngoài, Bộ luật Dân sự Bang Lousiana.

[33]Luật số 98-97 ban hành Bộ luật TPQT ngày 27/11/1998.

[34]Luật số 544-14 ngày 15/10/ 2014 ban hành Luật TPQT.

[35]Xem, chẳng hạn: Lê Thị Nam Giang, “Đề xuất xây dựng Luật Tư pháp quốc tế”,Nghiên cứu lập pháp, số 18, 2013; Ngô Quốc Chiến, “Việt Nam cần xây dựng Luật Tư pháp quốc tế”,Nghiên cứu Lập pháp, số 2 và 3, 2016; Nguyễn Khánh Ngọc [chủ biên],Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Tư pháp quốc tế, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ [Bộ Tư pháp], 2016.


1. Thực tiễn xây dựng Bộ luật Tư pháp quốc tế

Sau khi khảo sát thực trạng TPQT Bỉ trước khi có Bộ luật TPQT năm 2004, chúng tôi sẽ phân tích mục đích [1], đối tượng điều chỉnh [2] và cấu trúc [3] của Bộ luật này.

1.1. Thực trạng tư pháp quốc tế Bỉ trước khi có Bộ luật Tư pháp quốc tế năm 2004

Trước 2004, các quy định được đặt rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, cũ và không đầy đủ. Liên quan đến xác định pháp luật áp dụng, quy phạm xung đột [QPXĐ] tạo nền tảng cho TPQT Bỉ chỉ là điều 3 BLDS năm 1804 mà người Bỉ dùng của người Pháp và từ đó cho đến khi có luật TPQT chưa có sự thay đổi. Trong khi đó các QHDS đã thay đổi cơ bản. Sự dịch chuyển xuyên biên giới của người và tài sản trở nên dễ dàng và đa dạng hơn nhiều so với thời kỳ đầu thế kỷ XIX. Bỉ, cũng như một số nước châu Âu, đã chứng kiến một trào lưu di cư mạnh mẽ, đặc biệt là của những người không có văn hóa châu Âu đến. Pháp luật của những nước này đã thích ứng với những biến đổi đó bằng cách ưu tiên sử dụng hệ thuộc luật cư trú thay cho hệ thuộc luật quốc tịch, đặc biệt là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Phần lớn các giải pháp được áp dụng đều bắt nguồn từ quá trình giải thích pháp luật của cơ quan tư pháp vốn chịu ảnh hưởng rất lớn của học lý. Trong báo cáo của mình, Tham chính viện Bỉ đã nêu bật sự thiếu hụt các quy định về TPQT và những quy định hiện có, dù ít, nhưng không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau. Để khắc phục sự khiếm khuyết này, năm 1996, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ đã yêu cầu các giáo sư Johan Erauw của Đại học Gent, và Marc Fallon, của ĐH Công giáo Louvain, tiến hành nghiên cứu khả năng pháp điển hóa các quy định rải rác của TPQT Bỉ vào trong một chỉnh thể thống nhất.[36]Dự án luật được trình lên Nghị viện xem xét dựa chủ yếu vào kết quả nghiên cứu này.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật TPQT, những người khởi xướng đã tiến hành tham khảo ý kiến của các thẩm phán, luật sư, công chứng viên và những người hành nghề và nghiên cứu luật. Dự thảo luật đã trình lên Chính phủ chỉnh sửa, lấy ý kiến của Tham chính Viện. Dự thảo đã được cả 14 thành viên đồng ý trình lên Nghị viện, nhưng báo cáo giải trình chỉ được 10 thành viên thông qua.

1.2. Mục đích của Bộ luật Tư pháp quốc tế Bỉ

Bắt đầu có hiệu lực từ 01/10/2004, Bộ luật TPQT Bỉ được coi là “Bộ luật của các nhà bác học”[37]vừa khiêm tốn vừa tham vọng. Khiêm tốn vì những người soạn thảo không xây dựng Bộ luật thành một công trình học thuật có tính cách mạng phá vỡ các nền tảng truyền thống của TPQT, mà thành một công cụ có khả năng dễ dàng áp dụng trong thực tiễn. Tham vọng, vì Bộ luật đã tập hợp trong một tổng thể thống nhất các quy định và các nguồn pháp luật rải rác về tư pháp quốc tế tại Bỉ, một việc không hề dễ dàng mà nhiều nước trên thế giới chưa làm được. Nhóm tác giả cũng đã sử dụng các cách tiếp cận mới của TPQT hiện đại, tính đến tính thực tiễn nhiều hơn, thông qua việc đưa ra các quy định mềm dẻo về xác định pháp luật áp dụng.[38]

Bộ luật TPQT Bỉ theo đuổi ba mục đích chính: rõ ràng, thống nhất [1.2.1], thích ứng được với các biến động của thời đại [1.2.2], thúc đẩy hội nhập quốc tế [1.2.3].

1.2.1. Mục đích thứ nhất: Rõ ràng và dễ tiếp cận

Một văn bản sinh ra là để được áp dụng. Để được áp dụng, không chỉ bởi người Bỉ, mà còn cả người nước ngoài khi quan hệ của họ có liên quan đến người Bỉ hoặc nước Bỉ, thì văn bản luật TPQT phải đủ rõ ràng để mọi người đều có thể tiếp cận được. Vì vậy, các nhà soạn thảo Bộ luật đã ưu tiên trước hết việc tập hợp vào trong một văn bản duy nhất gần như tất cả các quy định về TPQT của Bỉ, mà trước đó nằm rải rác trong các văn bản khác nhau, và viết lại các quy định này theo hướng đơn giản, dễ hiểu hơn. Các quy định phải đủ chi tiết để áp dụng cho các tình huống cụ thể, nhưng cũng phải đảm bảo một sự mềm dẻo nhất định cho phép tòa án hoặc các cơ quan hành chính diễn giải chúng cho phù hợp với sự thay đổi trong tương lai, có tính đến xu hướng phát triển của TPQT của nước ngoài. Ngoài ra, Bộ luật còn được hướng dẫn thi hành thông qua các văn bản hướng dẫn được Bộ Tư pháp xây dựng với sự tham gia của các giáo sư hàng đầu về TPQT. Điểm đáng lưu ý nữa là vì Bộ luật có nhiều thay đổi về hệ thuộc luật được sử dụng trong các QPXĐ nên trong cùng một QHDS, trước đây có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước A, thì theo các quy định mới lại chịu sự điều chỉnh của nước B. Để tránh sự xáo trộn này, Bộ luật TPQT Bỉ chỉ áp dụng cho các quan hệ phát sinh sau ngày Bộ luật có hiệu lực. Tuy nhiên, khi tòa án Bỉ phải áp dụng pháp luật nước ngoài và pháp luật nước ngoài cũng có sự thay đổi sau khi xác lập quan hệ pháp luật đang cần được giải quyết, thì khả năng áp dụng theo thời gian pháp luật nước ngoài này cần phải được xác định theo pháp luật của chính nước ngoài đó.

1.2.2. Mục đích thứ hai:Thích ứng được với biến động của thời đại

Việc tập hợp các quy định rõ ràng, dễ tiếp cận vào trong một bộ luật là chưa đủ. Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của Bộ luật thì các quy định này còn phải hiện đại và có khả năng thích ứng được với các biến động của thời đại. Bộ luật TPQT Bỉ đã tính đến bốn yếu tố phát triển.

Thứ nhất,Bộ luật đã tính đến quyền của tòa án giải thích luật. Bỉ là một nước theo hệ thống luật thành văn giống Pháp và tòa án Bỉ khi xét xử phải dựa trên văn bản luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, không hiếm trường hợp tòa án phải giải thích hoặc bổ khuyết các quy định của luật. Quyền của tòa án Bỉ trong việc giải thích luật không lớn như tòa án ở Pháp. Chính điều này làm cho TPQT Bỉ không đáp ứng được đòi hỏi mới như TPQT Pháp mặc dù về cơ bản có nguồn giống nhau. Vì vậy, khá nhiều quy định mới trong Bộ luật TPQT Bỉ đã trao quyền giải thích cho tòa án Bỉ khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

Thứ hai,ban soạn thảo cũng đã tham khảo khá nhiều bộ pháp điển hóa TPQT ở châu Âu. Những năm cuối thế kỷ XX được đánh dấu bằng một trào lưu pháp điển hóa pháp luật nói chung và TPQT nói riêng tại các nước Tây Âu, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, như Hà Lan, Đức, Italy, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Tunisie, Venezuela… Xu thế mới được ghi nhận là các luật hoặc bộ luật về TPQT của các quốc gia này đã sử dụng nhiều hơn hệ thuộc luật nơi cư trú[39]thay cho hệ thuộc luật quốc tịch. Chính vì thế, Bộ luật đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc về mối quan liên hệ gắn bó nhất và coi nơi thường trú [đối với cá nhân] và nơi có hoạt động chính [đối với pháp nhân], chứ không phải quốc tịch, là hệ thuộc luật quan trọng nhất để xác định năng lực và các vấn đề nhân thân của chủ thể, và cả trong các lĩnh vực như hôn nhân, gia đình và thừa kế.

Thứ ba, những năm cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI chứng kiến một sự thay đổi căn bản về chính sách lập pháp liên quan đến quốc tịch và xác lập quốc tịch. Một mặt, hệ thuộc luật quốc tịch đã mất dần vị trí ưu tiên trong các QPXĐ, đặc biệt trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình và thừa kế. Mặt khác, pháp luật của nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định tạo thuận lợi cho thay đổi quốc tịch.

Thứ tư, việc cải cách TPQT thể hiện mong muốn thích ứng luật với các giá trị cơ bản mới của xã hội. Các nước như Italy hay Thụy Sĩ đã có những bộ pháp điển hóa “hiện đại” và đã thích ứng các quy định của TPQT cho phù hợp với các yêu cầu mới. Những yêu cầu mới đó cũng tồn tại ở Bỉ, như chung sống như vợ chồng nhưng không có hôn thú, hôn nhân đồng giới, ly hôn thuận tình, tài sản văn hóa…

Như vậy, TPQT Bỉ đã có khác biệt căn bản so với TPQT Việt Nam vốn được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc chính là quốc tịch và lãnh thổ, trong đó quốc tịch được ưu tiên sử dụng hơn so với lãnh thổ trong việc xây dựng các QPXĐ. Nguyên tắc xác định luật dựa trên mối liên hệ gắn bó nhất đúng là đã được ghi nhận trong BLDS năm 2005 và được tăng cường trong BLDS năm 2015,[40]nhưng theo chúng tôi vẫn còn dè dặt và chưa chi tiết. Thật vậy, bên cạnh một nguyên tắc chung nêu tại khoản 3, Điều 664, BLDS năm 2015 chỉ có một vài quy định về mối liên hệ gắn bó nhất cần được áp dụng để xác định luật cho một số trường hợp cụ thể.[41]Trong khi đó, tại Bỉ đây là một nguyên tắc được ưu tiên áp dụng so với nguyên tắc quốc tịch.[42]Bằng cách ưu tiên nguyên tắc mối liên hệ gắn bó nhất, TPQT Bỉ dường như đã có một bước tiến dài, theo hướng quan tâm đến bản chất vấn đề và tính thực dụng cần có trong khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Mặc dù mối liên hệ gắn bó nhất là khái niệm khó xác định và có thể dẫn tới tình trạng mất an toàn pháp lý do các tòa án khác nhau có thể có các diễn giải khác nhau, và như vậy dẫn tới các kết quả khác nhau, nhưng đây vẫn là một nguyên tắc được cho là đáp ứng tốt các đòi hỏi của thực tiễn.[43]

Bên cạnh việc đưa ra các hệ thuộc luật được đa số các quốc gia áp dụng, Bộ luật TPQT Bỉ còn đưa ra nhiều quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của cơ quan tài phán nước ngoài, kể cả khi vụ việc là đối tượng của bản án chưa được pháp luật Bỉ quy định [chẳng hạn như ủy thác quản lý tài sản -trust]. Điều 22 Bộ luật quy định rõ rằng “Quyết định tư pháp của nước ngoài có hiệu lực thi hành tại Quốc gia nơi quyết định đó được ban hành thì cũng có thể được tuyên bố có giá trị thi hành toàn bộ hoặc một phần tại Bỉ, phù hợp với thủ tục tố tụng quy định tại điều 23 của Bộ luật này”. Như vậy, các quyết định nước ngoài có thể được công nhận và thi hành tại Bỉ mà không cần giữa Bỉ và quốc gia đó có ĐƯQT quy định về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Bộ luật TPQT Bỉ có những quy định rất cụ thể về hiệu lực hồi tố, đặc biệt liên quan đến công nhận và thi hành quyết định nước ngoài. Về nguyên tắc, theo Điều 126, § 2, đoạn 1, Bộ luật chỉ điều chỉnh việc công nhận và thi hành các quyết định nước ngoài được ban hành sau ngày 1/10/2004, thời điểm Bộ luật bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, có thể áp dụng hồi tố các quy định của Bộ luật nếu các quy định này thuận lợi hơn cho việc công nhận. Nói cách khác, một quyết định nước ngoài được lập trước ngày 01/10/2004 vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại Bỉ nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại điều 126, § 2, đoạn 2.[44]Ngoài ra, quyết định nước ngoài không được công nhận theo luật cũ của Bỉ, vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại Bỉ nếu đáp ứng được các quy định của luật mới.

1.2.3. Mục đích thứ ba: Thúc đẩy hội nhập quốc tế

TPQT là một ngành luật mà trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cấu thành nguồn của nó, nhà lập pháp phải đặc biệt tính đến xu thế phát triển của TPQT của các nước khác. Tính quốc gia của một văn bản luật quốc nội không thể loại trừ một tư tưởng mở, bởi các quy định của TPQT không chỉ áp dụng cho các công dân Bỉ mà còn cả người nước ngoài. TPQT phải tính đến các lợi ích của sự dịch chuyển xuyên biên giới của người và tài sản. Sự dịch chuyển này đòi hỏi phải có khả năng bảo đảm tốt nhất có thể việc công nhận các quyền đã được xác lập tại nước ngoài. Sự an toàn pháp lý cho các giao dịch đòi hỏi rằng một quyền, chẳng hạn quyền tài sản, đã được xác lập hợp pháp tại nước A, khi chủ sở hữu dịch chuyển sang nước B thì quyền đối với tài sản của người này cũng phải được công nhận tại nước B.

Việc pháp điển hóa về mặt hình thức cũng có thể góp một phần vào tính mở. Trong thực tế, việc sắp xếp các quy định lại theo các lĩnh vực cụ thể buộc những người thực hành luật phải tính đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Còn việc thiếu vắng các quy định chuyên biệt sẽ dẫn tới nguy cơ tòa án áp dụng pháp luật của nước mình.

Yêu cầu về hội nhập đã có tác động kép đến Bộ luật. Một mặt, trong quá trình xây dựng các giả thiết và các hệ thuộc luật, ban soạn thảo đãcố gắng không sử dụng những thuật ngữ quá đặc thù của pháp luật Bỉ sao cho các quy phạm này được cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài sử dụng mà không vấp phải khó khăn về ngôn ngữ. Mặt khác, liên quan đến các hệ thuộc luật, bộ luật tiếp thu tối đa có thể các xu hướng phát triển đã được ghi nhận trong các ĐƯQT về TPQT, kể cả các điều ước mà Bỉ chưa gia nhập, và trong các bộ pháp điển mới nhất về TPQT. Mặc dù phải đảm bảo tính mở như vậy, nhưng việc pháp điển hóa TPQT Bỉ cũng phải đảm bảo sao cho người Bỉ sử dụng được Bộ luật mà không “ngỡ ngàng” với những từ ngữ mới.

1.3. Đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Tư pháp quốc tế Bỉ

Bộ luật TPQT Bỉ điều chỉnh tất cả các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực dân sự và thương mại có YTNN cả về xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền tài phán, cũng như công nhận và thi hành quyết định nước ngoài. Bộ luật TPQT Bỉ không định nghĩa thế nào là “dân sự và thương mại”, bởi theo những nhà làm luật, không thể đưa ra một định nghĩa bao quát hết tất cả các quan hệ có YTNN. Việc xác định một QHDS trên thực tế có phải là QHDS hay thương mại có YTNN hay không được trao cho thẩm phán.

1.4. Cấu trúc của Bộ luật Tư pháp quốc tế Bỉ

Về cấu trúc, Bộ luật TPQT Bỉ bao gồm mười ba chương, chia thành các mục và tất cả 140 điều đều được đặt tên riêng để tóm tắt nội dung. Bên cạnh các nguyên tắc chung bao trùm, còn có các nguyên tắc chuyên biệt cho từng nội dung. Các nội dung chuyên biệt được xây dựng theo thứ tự: thẩm quyền, hiệu lực của quyết định nước ngoài và luật áp dụng.

Chương I của Bộ luật quy định các nguyên tắc chung trong việc xác địnhquốc tịch, nơi cư trú và nơi thường trú [điều 3 và 4], thẩm quyền tài phán quốc tế [các điều từ 5 đến 14], xung đột pháp luật [các điều từ 15 đến 21] và hiệu lực của các bản án, quyết định của cơ quan tài phán nước ngoài [các điều từ 22 đến 31]. Các quy định chung nêu tại Chương 1 là các nguyên tắc bao trùm điều chỉnh các QHDS có yếu tố nước ngoài, được ưu tiên áp dụng nhưng không loại trừ các quy định cho các lĩnh vực chuyên biệt được quy định tại các chương sau của Bộ luật.

Các nội dung chuyên biệt của TPQT Bỉ được nêu tại các chương II đến XII quy định các nguyên tắc xác định pháp luật và xác định thẩm quyền tài phán và nguyên tắc công nhận bản án, quyết định dân sự đặc biệt của nước ngoài: thể nhân [các điều từ 32 đến 41], hôn nhân và gia đình [các điều từ 42 đến 57], quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng [các điều từ 58 đến 60], giữa cha mẹ và con cái [các điều từ 61 đến 72], nghĩa vụ cấp dưỡng [các điều từ 73 đến 76], thừa kế [các điều từ 77 đến 84], tài sản [các điều từ 85 đến 95], nghĩa vụ [các điều từ 96 đến 108], pháp nhân [các điều từ 109 đến 115], phá sản doanh nghiệp [các điều từ 116 đến 121] và cạnh tranh không lành mạnh [các điều từ 122 đến 125].

Chương XIII, cũng là chương cuối cùng của Bộ luật, chứa các quy định chuyển tiếp [các điều 126 và 127], sửa đổi [các điều từ 128 đến 138] và bãi bỏ [Điều 139] cũng như các nguyên tắc về thời gian bắt đầu hiệu lực của Bộ luật [Điều 140].

[36] Ngoài ra còn có sự tham gia tích cực của các giáo sư đã nghỉ hưu như François Rigaux và Georges van Hecke, Hans van Houtte [ĐH Công giáo Louvain], Monique Lienard-Ligny [ĐH Liège], Johan Meeusen [ĐH Instelling Antwerpen] và Nadine Watté [ĐH Tự do Bruxelles]. Xem: Tài liệu số 2-1225/1 kỳ họp 2001-2002 của Nghị viện Bỉ công bố ngày 01/07/2002. Nguồn: trang web của Nghị viện Bỉ: //www.senate.be/www/?MIval=/publications/viewPubDoc&TID=33617574&LANG=fr#n2, truy cập ngày 22/5/2017.

[37] M. Verwilghen, Vers un Code belge de droit international privé [Hướng tới một Bộ luật Tư pháp quốc tế Bỉ], Trav. com. fr. dip, 1998-2000, Paris, 2001, tr. 131.

[38] N. Watté, Le droit international privé, J.T., 2000, tr. 34.

[39] Xem chẳng hạn trong lĩnh vực nhân thân và năng lực chủ thể, bài viết của M. Fallon, “Une chronique anticipée du droit international privé de la famille”,Tạp chí Droit familial, 1991, tr. 475-494.

[40] Về vấn đề này, xem Nguyễn Thanh Tú và Hoàng Ngọc Bích, “Mối liên hệ gắn bó nhất trong xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3, 2016.

[41] Điều 672 Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch, khoản 2 Điều 683 về cách xách định pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.

[42] Chúng tôi cũng ghi nhận quy định tương tự liên quan đến lĩnh vực hợp đồng trong tư pháp quốc tế Thụy Sĩ. Xem: S. Besson, Droit international privé, fasc. 2, Univ. Genève, tr. 15 và tiếp theo.

[43] S. Besson, sđd, tr. 19.

[44] Trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến hôn nhân đồng giới: hôn nhân đồng giới ở nước ngoài chỉ được công nhận tại Bỉ kể từ ngày 01/06/2003 [điều 126, § 2, đoạn 3].


2. Kết luận và khuyến nghị đối với Việt Nam

Cũng giống như những gì đã xảy ra với Bỉ, quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế đã làm nảy sinh ngày càng nhiều các QHDS, hôn nhân và gia đình, thừa kế, kinh doanh, thương mại, lao động giữa cá nhân, tổ chức Việt Nam với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Hiện nay có hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài.[45] Theo chiều ngược lại, có hàng ngàn người nước ngoài đang cứ trú, sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam. Điều này tất yếu đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh điều chỉnh các QHDS có YTNN.

Thông qua việc nghiên cứu quá trình xây dựng Bộ luật TPQT và trên cơ sở các nghiên cứu trước đó,[46] chúng tôi rút ra một số kết luận về sự cần thiết xây dựng Luật TPQT có phạm vi điều chỉnh rộng [2.11], yêu cầu hiện đại hóa và thực dụng hóa TPQT [2.2], giảm độ cứng nhắc của các QPXĐ và tăng thẩm quyền cho tòa án [2.3].

2.1. Sự cần thiết xây dựng Luật Tư pháp quốc tế có phạm vi điều chỉnh rộng

Vương quốc Bỉ là một thành viên của Liên minh châu Âu vốn có hệ thống TPQT khá phát triển trên quy mô liên minh.[47] Bên cạnh đó, Bỉ cũng tham gia nhiều Công ước La Hay về TPQT. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn xây dựng một Bộ luật về TPQT. Điều này cho thấy việc xây dựng một luật riêng để điều chỉnh các QHDS có YTNN là một đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập. Việc tham gia các ĐƯQT về TPQT không phải là giải pháp duy nhất, mà cần được tiến hành song song với việc hoàn thiện hệ thống TPQT trong nước.

Một số quốc gia dừng lại ở việc xây dựng luật về xung đột.[48] Ưu tiên ban đầu của Bộ tư pháp Bỉ là đơn giản hóa và minh bạch hóa các quy định của TPQT. Vì vậy, các chuyên gia tập trung xây dựng một bộ luật chỉ chứa đựng các nguyên tắc chung nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các nguyên tắc chung – đáp ứng được đòi hỏi đơn giản hóa – thì mục đích làm rõ cho dễ áp dụng các quy định phức tạp của TPQT lại không đạt được. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã không chỉ dừng lại ở việc pháp điển hóa về hình thức, tức tập hợp các quy định rải rác vào trong một văn bản, mà còn pháp điển hóa cả về nội dung, tức nghiên cứu về tư tưởng chủ đạo của văn bản, các nguyên tắc bao trùm để giải quyết các vấn đề phù hợp với chính sách lập pháp nói chung của đất nước.

Kinh nghiệm của Bỉ về vấn đề này rất đáng để chúng ta tham khảo. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng nên xây dựng Luật TPQT có phạm vi rộng bởi xây dựng một đạo luật về TPQT có phạm vi điều chỉnh hẹp sẽ không có nhiều ý nghĩa và không giúp chúng ta đạt được mục đích cải cách toàn bộ hệ thống TPQT. Hơn nữa, các vấn đề xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên nếu được tập hợp vào trong cùng một văn bản thì việc hiểu chúng dễ dàng hơn. Thật vậy, thông thường, khi có tranh chấp xảy ra, Tòa án được yêu cầu giải quyết sẽ xem xét vấn đề xung đột thẩm quyền trước, sau đó khi đã xác định được mình có thẩm quyền thì mới xem xét đến vấn đề áp dụng pháp luật nước nào. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp, Tòa án phải xác định pháp luật áp dụng trước thì mới xác định được thẩm quyền của mình.[49] Vấn đề xung đột pháp luật cũng có quan hệ chặt chẽ với vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định nước ngoài. Thật vậy, một trong những lý do để không công nhận và cho thi hành quyết định nước ngoài mà TPQT của hầu hết tất cả các quốc gia đều quy định, đó là quyết định đó vi phạm trật tự công cộng, hoặc các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước nơi quyết định được yêu cầu công nhận và cho thi hành. Tương tự, vấn đề xung đột thẩm quyền cũng có mối quan hệ chặt chẽ với việc công nhận và cho thi hành quyết định nước ngoài. Thật vậy, một trong những lý do để bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, đó là “vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án Việt Nam”.[50] Tương tự, phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu Tòa án Việt Nam xét thấy “Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài [51]. Như vậy, pháp điển hóa cả ba nội dung cơ bản của TPQT là xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền xét xử và công nhận, cho thi hành quyết định nước ngoài vào trong cùng một văn bản luật sẽ không chỉ giúp cho việc tiếp cận các nội dung của luật trở nên dễ dàng hơn, mà còn giúp cho việc hiểu chúng dễ dàng và thống nhất hơn.[52]

2.2. Hiện đại hóa và tăng tính ứng dụng của tư pháp quốc tế

Xây dựng một đạo luật riêng về TPQT là cơ hội tốt để một quốc gia hiện đại hóa TPQT nước mình. Bộ luật TPQT Bỉ đã được xây dựng theo hướng hiện đại, rõ ràng, dễ tiếp cận, đáp ứng các đòi hỏi của hội nhập châu Âu và hội nhập quốc tế của Bỉ. Các nhà lập pháp Bỉ đã pháp điển hóa thành công các quy phạm liên quan đến TPQT vốn trước đó tồn tại rải rác trong rất nhiều các văn bản luật khác nhau. Cách thức của Bỉ là dùng một luật để sửa đồng thời nhiều luật. Đây là một kinh nghiệm đáng để chúng ta tham khảo trong bối cảnh các quy định về TPQT của Việt Nam nằm rải rác trong hơn ba mươi văn bản pháp luật khác nhau.

Các quy phạm TPQT của Bỉ cũng trở dễ ứng dụng hơn, chứ không chỉ dừng lại ở tháp ngà của học thuật. Ban soạn thảo Bộ luật TPQT Bỉ đã có một nỗ lực lớn trong việc “phổ cập” hóa văn bản đến mọi người thông qua việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu hơn nhiều so với các văn bản cũ. Cách trình bày của Bộ luật rõ ràng, thống nhất giữa các phần, điều này giúp cho việc tiếp cận văn bản dễ dàng hơn. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng tính đến khả năng áp dụng các quy định của Bộ luật bởi người nước ngoài bằng cách không sử dụng các thuật ngữ quá đặc thù của Bỉ. Đây là một điểm rất đáng để chúng ta lưu ý, vì TPQT là một ngành luật đặc biệt, đòi hỏi chúng ta không chỉ phải tính đến hiện thực pháp luật trong nước mà còn cả hiện thực pháp luật nước ngoài.

2.3. Tăng thẩm quyền cho Tòa án

Bộ luật TPQT Bỉ đã gián tiếp trao cho thẩm phán Bỉ nhiều quyền hơn, thông qua việc đưa ra các nguyên tắc chung và việc tìm ra các lời giải cho các vấn đề cụ thể thuộc về thẩm phán. Thật vậy, TPQT Bỉ đã trao cho nguyên tắc về mối liên hệ gắn bó nhất tầm quan trọng đặc biệt trong việc xác định thẩm quyền tài phán của tòa án Bỉ cũng như xác định pháp luật cần phải được áp dụng để điều chỉnh một QHDS, thương mại cụ thể. Đúng là “mối liên hệ gắn bó nhất” là một khái niệm tương đối mơ hồ, khó xác định, nhưng nó là công cụ cho phép tìm ra lời giải phù hợp nhất cho một vấn đề cần giải quyết. TPQT Bỉ nhấn mạnh việc thẩm phán Bỉ phải áp dụng pháp luật nước ngoài theo dẫn chiếu của QPXĐ hoặc theo lựa chọn của các bên, đồng thời cũng đưa ra các quy định hết sức chặt chẽ về các trường hợp tòa án Bỉ từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài. Các quy định này có thể là một biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tòa án Bỉ tùy tiện từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài, qua đó thiết lập sự công bằng pháp lý trong giao lưu dân sự quốc tế.


[45] Hoa Hữu Long, “Tổng quan pháp luật Việt Nam và thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”, Tọa đàm về Thực trạng Tư pháp quốc tế Việt Nam và kinh nghiệm Nhật Bản, Bộ Tư pháp, tháng 12/2013.

[46] Ngô Quốc Chiến, “So sánh một số quy định chung của TPQT Bỉ và Việt Nam”, Nghiên cứu lập pháp, số 15 [271], tháng 8/2014.

[47] Về xung đột thẩm quyền có: Nghị định [UE] số 1215/2012 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 12/12/2012 về thẩm quyền xét xử, công nhận và thi hành quyết định dân sự và thương mại [thường được gọi tắt là “Bruxelles I bis”; Nghị định [CE] số 44/2001 của Hội đồng châu Âu ngày 22/12/2000 về thẩm quyền xét xử, công nhận và thi hành quyết định dân sự và thương mại [thường được gọi tắt là “Bruxelles I”]; Nghị định [CE] số 2201/2003 của Hội đồng châu Âu ngày 27/11/2003 về thẩm quyền, công nhận và thi hành các quyết định trong lĩnh vực tài sản chung của vợ chồng và trách nhiệm của cha mẹ bãi bỏ Nghị định [CE] số 1347/2000 [thường được gọi tắt là “Bruxelles II bis”]; Công ước Bruxelles năm 1968 về thẩm quyền xét xử và thi hành các quyết định dân sự và thương mại. Về xung đột luật có: Nghị định [UE] số 1259/2010 của Hội đồng châu Âu ngày 20/12/2010 triển khai hợp tác tăng cường trong lĩnh vực luật áp dụng cho ly hôn và ly thân [thường được gọi tắt là “Rome III”]; Nghị định [CE] số 593/2008 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 17 tháng 6 năm 2008 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng [thường được gọi tắt là “Rome I”]; Nghị định [CE] số 864/2007 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 11/7/2007 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ ngoài hợp đồng [thường được gọi tắt là “Rome II”]. Về xung đột thẩm quyền và xung đột luật có: Nghị định [UE] số 650/2012 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 4/7/2012 về thẩm quyền xét xử, luật áp dụng, công nhận và thi hành các quyết định, chấp nhận và thi hành các công chứng thư trong lĩnh vực thừa kế và lập chứng nhận thừa kế châu Âu; Nghị định [CE] số 4/2009 của Hội đồng châu Âu ngày 18/12/2008 về thẩm quyền xét xử, luật áp dụng, công nhận và thi hành các quyết định và hợp tác trong lĩnh vực nghĩa vụ cấp dưỡng; Nghị định [CE] số 1346/2000 của Hội đồng châu Âu ngày 29/5/2000 về thủ tục phá sản.

[48] Chẳng hạn Luật về áp dụng luật cho các QHDS có YTNN của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 28/10/2010; Luật ngày 4 tháng 2 năm 2011 về TPQT của Ba Lan.

[49] Xem: Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam: Quan hệ dân sự, lao động, thương mại có yếu tố nước ngoài, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 564 và tiếp theo.

[50] Khoản 8, Điều 439, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[51] Điểm b, khoản 2, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[52] Về vấn đề này, xem thêm: Ngô Quốc Chiến, “Việt Nam cần xây dựng Luật tư pháp quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2 và 3, 2016.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam - Quan hệ dân sự, lao động, thương mại có yếu tố nước ngoài, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010 [trans: Do Van Đai & Mai Hong Quy, Vietnamese International private Law- Civil, labor and trade relations involving foreign elements, éd. National politics, 2010]

[2] H. Boularbah [& al.,], “Le nouveau droit international privé belge”, Journal des tribunaux, 12 mars 2005. [trans: The New Belgian Private International Law, Journal of the Courts, 12/2005]

[3] Ngô Quốc Chiến, “Việt Nam cần xây dựng Luật tư pháp quốc tế, Nghiên cứu lập pháp, số 2 và 3, 2016 [trans: Ngo Quoc Chien, “Vietnam needs to issue the Law on private international law”, Legislative Study Journal, no 2& 3, 2016]

[4] Ngô Quốc Chiến, “So sánh một số quy định chung của TPQT Bỉ và Việt Nam”, Nghiên cứu lập pháp, số 15, 2014 [trans: Comparison between some general regulations on private international laws of Belgium and Vietnam, Legislative Study Journal], no. 15, 2014]

[5] M. Fallon, “Une chronique anticipée du droit international privé de la famille”, revue Droit familial, 1991 [trans: An Anticipated Chronic of the International Matrimonial Law, Family Law Journal, 1991]

[6] Lê Thị Nam Giang, “Đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế”, Nghiên cứu lập pháp, số 18, 2013 [trans: Proposals for making the Law on private international law, Legislative Study Journal], no. 18, 2013]

[7] Nguyễn Khánh Ngọc [chủ biên], “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Tư pháp quốc tế”, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 2016 [trans: Nguyen Khanh Ngoc [ed.], “Theory and practices of making the Law on private international law”, Research project at ministerial level, 2016]

[8] M. Verwilghen, “Vers un Code belge de droit international privé”, Trav. com. fr. dip, 1998-2000, Paris, 2001 [trans: “Toward a Belgian Private International Law Code”, Paris, 2001]


©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề