Tại sao Bác cho rằng phải tu dưỡng đạo đức suốt đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”(1). Thực tế, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay đang gây nên bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng.

Đạo đức cán bộ, đảng viên - vấn đề đáng quan tâm

Sự tha hóa, biến chất, suy thoái và xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ nắm trong tay các chức vụ quan trọng thời gian qua, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tình trạng quan liêu, cửa quyền, tham ô, sách nhiễu nhân dân diễn ra tại nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước, từ việc bắt chẹt, ăn hối lộ ở các cơ quan công quyền, các tập đoàn kinh tế cho đến các cơ sở y tế, giáo dục, xây dựng… Câu chuyện đáng buồn đó có thể chỉ biểu hiện qua một vài cá nhân đơn lẻ, nhưng có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhiều cái “nhỏ” sẽ gộp thành những cái “lớn”, dần dần gây mất niềm tin trong nhân dân, làm tổn hại đến uy tín của Đảng.

Phạm vi vi phạm ngày càng lan rộng trên nhiều lĩnh vực, hơn nữa, đó không chỉ vi phạm của từng cá nhân riêng lẻ mà đã “phát triển” với nhiều “đường dây”, với các ban bệ từ thấp đến cao để cùng nhau chia chác, trục lợi. Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được tổ chức vào tháng 3-2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong các nhiệm kỳ qua, các cấp ủy Đảng đã kiểm tra hơn 1 triệu đảng viên, phát hiện 11.600 đảng viên vi phạm, kỷ luật gần 3.000 người. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý 4 Ủy viên Trung ương Đảng (nhiệm kỳ 10), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng các tỉnh, thành, bộ, ngành và 2 bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước. Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã khởi tố gần 1.500 vụ án tham nhũng với hơn 3.100 bị can, truy tố 1.600 vụ, gần 3.900 bị can, xét xử 1.455 vụ, gần 3.400 bị cáo. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý như vụ Mai Văn Dâu, Huỳnh Ngọc Sỹ…

Con người là nhân tố quyết định

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, đã có nhiều nhà nghiên cứu lý giải, phân tích và đề ra nhiều biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, tính hiệu quả trong thực tiễn chưa cao, nhiều nơi triển khai giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý chưa quyết liệt.

Một trong những nguyên nhân lớn được đem ra mổ xẻ trước thực trạng suy thoái đạo đức hiện nay là vấn đề “chủ nghĩa cá nhân”. Nhiều nhà khoa học khẳng định, chính chủ nghĩa cá nhân vị kỷ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản lĩnh chính trị, năng lực chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, khiến họ không còn giữ vững được lập trường, quan điểm vững vàng và nhanh chóng rơi vào tình trạng “suy thoái”, “biến chất”. Giải quyết được vấn đề của “chủ nghĩa cá nhân” sẽ góp phần giải quyết được “gánh nặng ngàn cân” trong công cuộc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta đã quen với cái “gốc nông nghiệp”, với “tính cộng đồng” từ lịch sử hàng nghìn năm. Người Việt Nam truyền thống luôn trọng tập thể, trọng cộng đồng hơn là trọng cá nhân, nên tính bình quân nổi trội. Từng cá nhân luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé, bị “ủ” giữa bốn bề các mối quan hệ, cơ hội phát triển, tiến lên hạn chế. Sự quan tâm, chăm lo đến từng cá nhân cũng không được bảo đảm thích đáng. Đặc biệt quan trọng là vấn đề: cơm áo, gạo tiền.

Đó là lý do vì sao mà hằng ngày, trong các câu chuyện “bên lề”, chúng ta vẫn có thể nghe được rất nhiều ý kiến đại loại như: Thời đại ngày nay phải làm kinh tế tư nhân mới có tiền, bảo đảm cuộc sống gia đình; Làm cho Nhà nước lương “ba cọc, ba hào” chỉ đủ nuôi thân; Muốn sống được trong bộ máy Nhà nước thì phải có quyền, có quyền mới mong có tiền (bằng cách này hay cách khác)… Đó có thể chỉ là những cuộc “chuyện vãn” nhưng đó cũng là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận thật khách quan. Tiền lương không đủ sống sẽ rất khó có thể khiến một cá nhân toàn tâm toàn ý cho công việc chung đặt trong thời đại mới, hoàn cảnh mới và môi trường mới, một môi trường sống hiện đại với sự cạnh tranh của từng cá nhân để hoàn thiện mình, để làm giàu cho chính mình.

Theo một số liệu thống kê, trong bảng so sánh về mức lương tối thiểu ở 12 quốc gia tiêu biểu ở các khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Chi-lê, Nam Phi, Pháp, Mỹ, Nhật… Việt Nam là quốc gia có mức lương tối thiểu thấp nhất cả về mức tiền lương, tỷ lệ lương trên GDP bình quân đầu người và tỷ lệ lương trên sức mua tương đương (2).

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho tiền lương thấp mà chủ nghĩa cá nhân vị kỷ xuất hiện và trở thành một nỗi ám ảnh. Thực tế là vẫn có một bộ phận cán bộ lãnh đạo, các nhà quản lý nắm trong tay quyền chức cao, nguồn vốn lớn, từ đó nảy sinh tính vụ lợi, ích kỷ, vun vén cho bản thân. Cho nên, vấn đề còn nằm ở ý thức, tư tưởng và nhân cách của mỗi con người. Chính vì thế, việc giáo dục, tu dưỡng đạo đức là hết sức cấp thiết và quan trọng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) khẳng định: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Từ đó, Hội nghị đã đề ra 4 nhóm giải pháp. Trong đó có nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một bài học quan trọng, quý giá, qua thực tiễn hơn 80 năm xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (3). Người cũng từng khẳng định: Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Đó là những bài học về rèn luyện và tu dưỡng đạo đức hết sức quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng biết đến, đọc qua hoặc ít nhất, đã từng nghe nói tới. Nhưng học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thiết nghĩ không chỉ là “học chay”, “học suông”, học theo “công thức” qua hơn 50 bài luận, bài giảng mà Người để lại. Quan trọng hơn và thực tế hơn, là học để thấm nhuần rồi làm theo chính nhân cách của Hồ Chí Minh - nhân cách của một vĩ nhân, một tấm gương sáng về những phẩm chất với những giá trị thực tế mà Người đã để lại qua chính cuộc đời của mình.

Đó là bài học về sự trung thực, trung thực với người và thẳng thắn với chính bản thân mình. Phạm trù về tính trung thực có nhiều biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Ở một khía cạnh chung nhất, trung thực là dũng cảm đối diện với sự thật, nói lên sự thật dù có thể điều đó có thể gây bất lợi với bản thân mình. Cũng như có lỗi phải tự biết tự kiểm điểm, tự sửa chữa. Nhìn thấy lỗi của người khác cũng phải thẳng thắn phê bình. Nhưng phê bình không phải là để đấu đá, tranh giành địa vị, để kèn cựa bắt chẹt lẫn nhau, mà phê bình là để cùng nhau góp ý, nhận ra những khuyết điểm, những sai lầm để khắc phục và hoàn thiện hơn.

Có một câu nói quen thuộc: “Đừng sợ mình nghèo, chỉ sợ mình thiếu trung thực”. Trung thực, thẳng thắn, chí công vô tư để giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh, đó là điều mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt” (4). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Khi phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người” (5). Trung thực, thẳng thắn sẽ là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công. Trung thực trước hết phải vì lợi ích chung sau là bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, còn một bài học quan trọng nữa, đó là bài học về tình bác ái, về lòng yêu nước, yêu thương con người, vì mọi người. Đây cũng là bài học thiết thực nhất mà người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi ” (6). Không chỉ bằng lời nói, bằng tên gọi (Ái Quốc), lòng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện một cách rõ rệt nhất qua cuộc đời, lối sống và nhân cách của chính bản thân Người.

Yêu Tổ quốc, yêu thương con người, đó chính là nguồn sức mạnh lớn lao giúp đẩy lùi, thậm chí đánh bại chủ nghĩa cá nhân vị kỉ. Để vượt lên tất cả, vì lợi ích chung của đất nước, của mọi người mà cống hiến hết mình. Đây có thể xem là phẩm chất quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên đều phải có, phải nhìn vào tấm gương bác ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh để học hỏi, để rèn luyện chính bản thân mình. Yêu thương con người không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt sắc tộc, màu da, không phân biệt giàu sang hay nghèo khó… Cần phải quán triệt tinh thần này để giảm thiểu tối đa tình trạng hành dân (vẫn đang diễn ra ở các tổ chức y tế, văn phòng địa chính, văn phòng công chứng…). Quán triệt được tinh thần yêu thương mọi người, vì mọi người, cán bộ đảng viên mới thật sự trở thành người đầy tớ trung thành của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.

Yêu thương con người, đó còn là thái độ bao dung, không “ép” đối phương đến bước đường cùng mà ngược lại, hãy mở rộng vòng tay đón người “chạy lại”. Mở ra cơ hội để người mắc lỗi sửa chữa sai lầm, để hòa nhập trở lại với cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải “đập” cho tơi bời.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lòng trung thực, ở tình yêu thương con người… mà nó còn được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh, nhiều phương diện khác. Vấn đề quan trọng là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tùy từng điều kiện, hoàn cảnh của bản thân mình mà tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để cùng nhau xây dựng Đảng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày một đi lên trên con đường hội nhập. Đó là con đường cách mạng chân chính, vì Tổ quốc và cũng vì chính chúng ta.

----------------------

Tài liệu tham khảo:

(1). Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

(2). Lương tối thiểu ở nước ngoài ra sao? - Khởi nghiệp - Báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Nguồn: http://www.khoinghiep.org.vn/show.aspx?cat=003&nid=2482

(3). Sửa đổi lối làm việc, Sđd, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. (4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. (5). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

(6). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

Theo Tạp chí Cộng sản