Tại sao mùa hè miền Bắc nóng hơn miền Nam

Lý giải nguyên nhân các tỉnh miền Bắc và Hà Nội thành "chảo lửa"

16:49 04/06/2017

Các tỉnh Bắc Bộ, trọng tâm là Thủ đô Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng lịch sử với giá trị nhiệt độ đạt mức kỉ lục trong vòng 46 năm qua. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia khí tượng, điều này không bất thường, hoàn toàn phù hợp với quy luật khí hậu, đặc biệt là trong bối cảnh hiệu ứng đô thị ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

  • Nắng nóng gay gắt dễ gây sốc nhiệt cho trẻ và người cao tuổi
  • Bùng nổ nắng nóng dữ dội, nhiệt độ ngoài trời tăng vọt
  • Bắc Bộ, Trung Bộ chìm trong nắng nóng
Đợt nắng nóng này bắt đầu từ ngày 31-5, trong đó đỉnh điểm rơi vào các ngày 3-4/6. Nhiệt độ cao nhất đo được lúc 13 giờ (ngày 3-6) tại hầu hết các điểm đều đạt trên 40 độ như Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 40.4 độ, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 40.3 độ, Sơn Động (Bắc Giang) 40.2 độ, Bắc Ninh 40.3 độ, Láng 40.2 độ, Chí Linh (Hải Dương) 41.0 độ,…

Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia khẳng định, nắng nóng những ngày qua đã đạt đến giá trị kỉ lục. Tại trạm Hà Đông (Hà Nội) đã ghi nhận mức nhiệt 41,5-42 độ, cao nhất trong vòng 46 năm qua.

Trước đó, năm 1971, mức nhiệt cao nhất ghi nhận tại đây cũng chỉ 40,4 độ. Đây mới chỉ là mức nhiệt ghi nhận trong các lều khí tượng. Nhiệt độ thực tế ngoài trời còn cao hơn rất nhiều, thậm chí vượt xa giá trị dự báo.

Điều đặc biệt của đợt nắng nóng này là không tập trung mạnh ở khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mà lại tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Thủ đô Hà Nội. Lí giải điều này, ông Hải cho biết: "Sở dĩ Thủ đô Hà Nội nóng hơn các khu vực khác là vì có một vùng thấp nóng hình thành ngay trên đồng bằng Bắc Bộ. Ngay tại Hà Nội, khu vực nội thành có mức nhiệt cao hơn ngoại thành từ 0,5-3 độ. Các vùng núi cao như Ba Vì, nhiệt độ thấp hơn do có nhiều cây xanh".

Mặc dù xuất hiện nắng nóng với giá trị nhiệt độ kỉ lục nhưng theo các chuyên gia khí tượng, điều này lại hoàn toàn phù hợp với quy luật chung của khí hậu. Theo GS Phan Văn Tân (Khoa khí tượng thuỷ văn và hải dương học – Đại học Quốc gia Hà Nội), tháng 6-7 vốn là cao điểm nắng nóng nên việc xuất hiện đợt nắng nóng kéo dài là hoàn toàn bình thường, cái bất thường nằm ở chỗ cường độ của nó quá mạnh.

Tại sao mùa hè miền Bắc nóng hơn miền Nam
Thủ đô Hà Nội đang trải qua những ngày nóng nhất trong lịch sử

"Năm nay thời tiết tương đối lạ. Bình thường tháng 5 đã có đợt nắng nóng tương đối mạnh nhưng năm nay không có, thậm chí còn có không khí lạnh khá sâu. Ngay trong đợt nắng nóng đầu tiên đã xuất hiện nhiệt độ cao kỉ lục trong mấy chục năm khiến người dân cảm thấy bất thường nhưng thực tế nó vẫn phù hợp với quy luật khí hậu.

Theo quy luật thông thường, trong khoảng thời gian đầu mùa hè (tháng 5-6), nắng nóng ở miền Bắc khốc liệt hơn miền Trung, đặc biệt ở phía Tây Bắc Bộ. Sang tháng 7-8, miền Trung nắng hơn miền Bắc do tác động của gió mùa Tây Nam (miền Bắc giảm dần nhờ những cơn mưa từ dải hội tụ nhiệt đới). Miền Trung chịu tác động của hiệu ứng phơn rõ rệt hơn, trong khi miền Bắc chịu tác động của nhiều hình thái khác nhau, trong đó có vùng áp thấp nóng, áp cao Tây Tạng..."- GS Tân nói.

Vị chuyên gia hàng đầu về khí tượng này cũng nói thêm, sở dĩ Thủ đô Hà Nội phải hứng chịu "chảo lửa" còn là do hiệu ứng đô thị làm gia tăng nắng nóng.

"Quá trình đô thị hoá khiến các nhà cao tầng mọc lên rất nhiều, nền đất được thay thế bằng nền bê tông làm nhiệt độ nóng lên nhanh, toả nhiệt nhiều khiến người dân cảm giác bị đốt nóng mạnh hơn. Không chỉ nắng nóng, hiệu ứng đô thị còn làm gia tăng lũ lụt thành phố do nước không thoát được.

Để giảm hiệu ứng đô thị, các thành phố phải xây dựng mô hình thành phố xanh, trồng thêm cây xanh, xây dựng nhiều hồ điều hoà...Biến đổi khí hậu đang làm cho thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Tuy nhiên, sự cực đoan của thời tiết cũng là hệ quả của những hoạt động do con người gây ra" – GS Tân nhấn mạnh.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, nhiều khả năng El Nino sẽ quay trở lại trong năm nay. Do vậy, mùa hè năm nay sẽ tiếp tục là một mùa hè nóng. Nhiệt độ trung bình trong 6 tháng trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0.5-1 độ.

Nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn, có khả năng xuất hiện một số đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài 3-5 ngày ở Bắc và Trung Bộ. Nền nhiệt ở miền Bắc tiếp tục cao hơn miền Nam.

Ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương) cho biết, nắng nóng ở miền Bắc sẽ dịu dần từ ngày 6-6 nhờ tác động của khối không khí lạnh.

Tuy nhiên, do cường độ yếu, khối không khí lạnh lần này không đủ để làm nền nhiệt giảm sâu, mức nhiệt cao nhất ngày vẫn đạt 33-34 độ. Ngoài ra, tác động của khối khí lạnh không kéo dài. Chỉ sau 2-3 ngày, miền Bắc sẽ đón nắng nóng quay trở lại.

# chuyên gia khí tượng hiệu ứng đô thị nắng nóng diện rộng Thủ đô Hà Nội vùng áp thấp nóng phía Tây

Facebook Twitter Link gốc