Tại sao nói hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Thân Nhân Trung là ai?

Thân Nhân Trung (1419-1499), người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính,Tế tửu Quốc Tử giám; được vua Lê Thánh Tông vời vào hoàng cung dạy học cho các hoàng tử, nhà thơ tài năng trong hội Tao Đàn Nhị thập bát tú và được vua Lê Thánh Tông phong là Phó Đô Nguyên suý.

Tại sao nói hiền tài là nguyên khí của quốc gia
Thân Nhân Trung là danh nhân lịch sử, văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XV

Dưới triều Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới trong đó mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục đều đạt tới đỉnh cao. Cuộc gặp gỡ giữa "minh quân" Lê Thánh Tông và "lương tướng" Thân Nhân Trung quả không phải là diều dễ gì trong cuộc đời một con người, nhất là dưới chế độ phong kiến và đây là bước ngoặt quyết định sự nghiệp của Thân Nhân Trung.

Từ đây, ông sẽ mang hết tâm lực của mình ra để đền đáp tấm ơn tri ngộ đối với vị "vua hiền" và ngược lại vị vua hiền cũng đã biết dùng đúng tài năng của ông để ông trở thành một danh thần về văn hoá và chính trị nổi tiếng một thời.

Thân Nhân Trung được triều đình tin dùng trong việc tuyển chọn nhân tài và đào tạo nhân tài cùng các công việc quan trọng khác trong triều. Các kỳ thi hương, thi hội ông đều có đóng góp tích cực, việc xem xét bài vở của các thí sinh, vua đều giao cho Thân Nhân Trung xem xét đọc duyệt để trình lên.

Uy tín và vai trò của Thân Nhân Trung càng được đề cao vào năm 1493, khi ông được giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám . Với trọng trách này, Thân Nhân Trung lại càng phải tăng thêm trách nhiệm chăm lo vun trồng cho sự nghiệp nhân tài của đất nước.

Ý nghĩa câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) phụng mệnh vua trao, Thân Nhân Trung đã soạn bài văn bia “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)”. Trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã khéo vận dụng tri thức tiền nhân, đề cao nguyên khí quốc gia gắn với việc kén chọn và sử dụng nhân tài của các bậc đế vương và đưa ra chân lý bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.

Tại sao nói hiền tài là nguyên khí của quốc gia
Câu nói nổi tiếng thể hiện tư tưởng trọng dụng hiền tài gắn với sự hưng thịnh của đất nước được trích trong bài văn bia ghi danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 

Hiền tài tức là những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có bản tính hiền lương, có học thức uyên sâu và bản lĩnh, tài năng hơn người. Nguyên khí là khí chất ban đầu, trong sạch, vững mạnh, làm nên sự sống còn và phát triển của sự vật. Hiền tài cũng là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt. Nhân kiệt là nguồn lực tinh hoa nhất của mỗi dân tộc, đó chính là hiền tài.

Giữa hiền tài và vận mệnh đất n­ước có mối quan hệ khăng khít, bền chặt. Bởi người hiền tài có vai trò quyết định đến sự thịnh – suy của một đất n­ước. Họ không những họ đóng vai trò quyết định trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giữ yên bề cõi mà còn có đống góp rất lớn về mặt giáo dục, kinh tế, ngoại gia, văn hóa thuật… Mỗi một hiền nhân đều là một vì sao sáng chói về đạo đức và tài năng.

Trong bất kì thời đại nào, hiền tài cũng đều là lực lượng then chốt, nắm giữ và thực hiện các trọng trách mà đất nước giao phó. Lúc đất nước có chiến tranh, họ xung phong xông pha trận mạc, giết giặc lập công, giữ yên bờ cõi. Công trạng lẫy lừng của các hiền nhân như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiếp, Ngôi Thời Nhậm,… đời đời còn ghi nhớ. Lúc đất nước hoà bình, họ đem sức mình dựng xây đất nước, phát triển văn hoá, giáo dục, kinh tế đất nước cốt đem lại cuộc sống thái bình, phồn thịnh cho muôn dân. Những hiền sĩ sống hết mình vì đất nước như: Nguyễn Hiền, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An,… tên tuổi đến nay vẫn còn vang danh.

Đất n­ước có nhiều hiền tài, danh sĩ thì xã hội hưng thịnh, văn hoá nghiêm trang. Ngược lại,  hiền tài cạn kiệt hoặc có mà quy ẩn lánh đời bởi bất mãn đối với chính cương thì đất nước tất suy yếu. Lịch sử mấy nghìn năm của nước ta đã chứng minh rõ ràng điều đó. Như vậy, muốn cho nguyên khí thịnh vượng, đất n­ước phát triển vững bền thì không thể không phát hiện, chăm chút, bồi dưỡng nhân tài.

Tư tưởng đó cũng với tên tuổi của Thân Nhân Trung đã tồn tại xuyên suốt mọi thời đại và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay trở thành biểu tượng của trí tuệ và văn hóa Việt Nam; là điểm đến của học sinh, sinh viên cả nước, là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước, của Thủ đô Hà Nội mỗi khi đón tiếp các đoàn khách ngoại giao.

Đào tạo nhân lực, nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong xã hội thời Lê mà câu nói ấy đối với chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, khi đào tạo nhân lực, nhân tài đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Theo GS. TS. Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triến Nhân lực Nhân tài Việt Nam, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới lần 2, thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, thời kỳ đòi hỏi phải có những động lực mới cho sự phát triển bền vững. “Động lực mới đó bao gồm cả nội lực và ngoại lực; hai yếu tố này ở Việt Nam hiện nay đang được Đảng và Nhà nước ta có những chính sách mới để huy động tối đa phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, quan trọng nhất là nội lực; mà nội lực bao gồm nhiều nguồn lực khác nhau; song quyết định nhất hiện nay là nhân lực, nhân tài”, ông chia sẻ.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ XII về giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh: “Đối mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực...” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XII, tr113). Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, nhân tài luôn được dân tộc ta chăm lo trong suốt cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Song do nhiêu lý do khác nhau mà nhân lực, nhân tài Việt Nam ở từng thời kỳ, có lúc bị phân tán, tự phát, ẩn dật, thậm chí bị thui chột. Hiện nay, hơn lúc nào hết, đất nước ta phải tập trung đào tạo cho được một đội ngũ nhân lực nhân tài hùng hậu phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững.

Tại sao nói hiền tài là nguyên khí của quốc gia
Trung tướng - GS.TS Nguyễn Đình Chiến cho rằng nhân lực, nhân tài là động lực cho sự phát triển bền vững

Cũng theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triến Nhân lực Nhân tài Việt Nam, nói đến đào tạo nhân lực, nhân tài là nói đến xây dựng con người, mà con người, ngoài là một thực thể vật chất còn là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Nên, xây dựng con người là xây dựng một thế hệ biết làm chủ thiên nhiên và xử lý tối ưu các mối quan hệ xã hội để tạo ra nhiều của cải vật chất cho một xã hội tốt đẹp. Đồng tình với quan điểm của Thân Nhân Trung, ông Chiến cũng cho rằng nhân lực, nhân tài là cách gọi, còn bản chất nó là một; đó là cụm từ chỉ người tài; như lịch sử dân tộc ta trong Văn miếu Quốc tử giám gọi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Bản chất nhân lực, nhân tài là “Hiền tài”; hay nhân tài cũng vậy; như Bác Hồ nói “Vừa hồng vừa chuyên”. “Do đó, chúng ta đào tạo nhân lực, nhân tài là đào tạo ra những người có tài, có đức; những người có tài và biết đem tài năng của mình phục vụ cho lợi ích của đất nước, của dân tộc, trong đó có mình và gia đình mình. Để đào tạo nhân lực, nhân tài một cách khoa học và thiết thực đáp ứng cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; có thể phân ra bảy loại nhân tài sau đây: Nhân tài lãnh đạo, quản lý đất nước; Nhân tài sáng chế, phát minh và nhà khoa học; Nhân tài làm kinh tế và quản lý kinh tế; Nhân tài quân sự, gốm cả Quân đội và Công an; Nhân tài y học; Nhân tài văn học, nghệ thuật, thể thao; Nhân tài sư phạm...”, Trung tướng Nguyễn Đình Chiến nhận định.

Cũng theo ông, nhân tài Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo, đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đào tạo đội ngũ nhân tài vững mạnh là trực tiếp nâng cao tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân tài là đầu tư cho phát triển bền vững.

Đào tạo đội ngũ nhân tài là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị; trong đó, Đảng, Nhà nước giữ vai trò quyết định. Nhân tài Việt Nam có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GS. TS. Nguyễn Đình Chiến cho hay, đối chiếu với tình hình tực tế ở Việt Nam hiện nay sẽ thấy được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực, nhân tài để tạo ra những động lực mới cho sự phát triến; song, vẫn còn phân tán và trong chiến lược phát triển dài hạn hầu nhu vẫn còn "khoán" cho các học viện, nhà trường đại học; chưa có sự liên kết chung tay của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt tận dụng các nhà khoa học đầu đàn đã hết tuổi quản lý, chưa có chính sách rõ rệt để lôi kéo họ tham gia việc làm trọng yếu này. Do đó, Viện Chiến lược Phát triến nhân lực nhân tài Việt Nam để ra mục tiêu chung là: Xây dung hệ thống luận chứng khoa học tổng thế tham muu cho Đảng và Nhà nước (trực tiếp thông qua Trung ương Hội Khoa học phát triễn nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam) những vấn đề chiển lược về phát triến nhân lực, trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.