Tại sao nội trận Ấp Bắc mở ra khả năng phá sản chiến tranh đặc biệt

2-1: Kỷ niệm Chiến thắng Ấp Bắc

Ấp Bắc - một địa danh được cả nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới biết đến, không phải là danh lam thắng cảnh, mà chính nơi đây đã diễn ra trận đánh vang dội. Trận đánh mà Mỹ - ngụy tập trung lực lượng tối đa, sử dụng phương tiện chiến tranh hiện đại với chiến thuật tân kỳ, với cố vấn Mỹ và các tên tay sai mưu mô, xảo quyệt chống phá cách mạng, nhằm nghiền nát Ấp Bắc và tiêu diệt quân chủ lực của cách mạng.

Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú [Cai Lậy], cách TP. Mỹ Tho 16km về hướng Tây - Bắc, cách lộ 4 [nay là Quốc lộ 1A] khoảng 5km về hướng Bắc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tân Phú là xã trong vùng giải phóng liên hoàn thuộc huyện Cai Lậy và Châu Thành; tiếp giáp vùng căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho tại Hưng Thạnh.

Ấp Bắc nối liền với ấp Tân Thới tạo thành vòng cung đâu lưng theo rạch Ấp Bắc, chiều dài 2 ấp khoảng 4km, ở giữa có khoảng trống dài 400m. Phía trước có nhiều gò bụi, tạo thành địa hình lồi lõm, có nhiều mương, đìa mấp mô, rậm rạp. Trong ấp, nhà dân và vườn cây xen kẽ với nhau, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng ẩn náu.

Nhân dân có tinh thần đấu tranh kiên cường, có chi bộ vững mạnh, có lực lượng dân quân chiến đấu anh dũng. Nhân dân và lực lượng vũ trang đào nhiều công sự chiến đấu và xây dựng công sự chiến đấu liên hoàn, tạo thế bám trụ đánh càn, đánh máy bay và xe M.113 của địch.      

Chiến sĩ Tiểu đoàn 514 đánh trận Ấp Bắc.

Đế quốc Mỹ với tiềm lực về kinh tế, quân sự hùng mạnh, chúng muốn khuất phục nhân dân ta trong thời gian ngắn. Phong trào Đồng Khởi năm 1960 làm cho chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn tan vỡ từng mảng lớn. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, báo hiệu sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng; đồng thời cảnh báo sự sụp đổ không tránh khỏi của chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam.

Do đó, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và với “Kế hoạch Xtalây - Taylo”, chúng hy vọng bình định miền Nam trong 18 tháng. Quân Mỹ sử dụng nhiều chiến thuật như: “Trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, “bao vây họp điểm” được quân Mỹ - ngụy thực hiện, lúc đầu gây cho lực lượng cách mạng nhiều khó khăn.

Tháng 9-1962, tại xã Mỹ Hạnh Đông [Cai Lậy], Khu ủy Khu 8 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho họp bàn biện pháp chống địch càn quét. Hội nghị ra Nghị quyết: Phải chuẩn bị trận địa công sự vững chắc, xây dựng xã, ấp chiến đấu liên hoàn, hình thành thế 3 mũi giáp tiến công địch.

Ngày 2-1-1963, địch mở trận càn mang tên “Đức Thắng 1-63”, do sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Sở chỉ huy cuộc càn đặt tại chợ Thuộc Nhiêu. Tên đại tá Bùi Đình Đạm, tư lệnh sư đoàn 7 và trung tá John Paul Vann chỉ huy, cùng nhiều cố vấn quân sự Mỹ và sĩ quan ngụy.

Về sau, có tên thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh vùng 4 chiến thuật; thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, tham mưu trưởng liên quân đội Việt Nam cộng hòa đến tham gia. Lực lượng ta có Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261, bộ đội chủ lực Quân khu 8 [T2], 1 đại đội địa phương Mỹ Tho, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành, 1 trung đội công binh tỉnh và du kích 3 xã Tân Phú, Tân Hội, Điềm Hy, đặt dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Võ Văn Hoàng [Hai Hoàng] - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261.

5 giờ sáng, tiểu đoàn A [3 đại đội dân vệ, biệt kích] chia làm 2 mũi. Mũi thứ 1 đến cầu Trường Gà, bị 2 tổ trinh sát và du kích chặn đánh. Do lực lượng ít, nên ta vừa đánh vừa rút lui. Địch đuổi đến trước trận địa phòng ngự của ta, bị Trung đội 1 [thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 261] nổ súng, ghìm chúng lại. Trung đội địa phương Châu Thành vận động đánh bên sườn và sau lưng. Địch tháo chạy, trên 50 tên chết và bị thương. Ta còn bắt 7 tên và thu gần 50 súng.

Mũi thứ 2 bị du kích chặn đánh ở cầu Sao, do địa hình sình lầy nên địch tiến quân chậm hơn. Chúng thọc vào nơi bố trí của trung đội địa phương Châu Thành, ta nổ súng. Trung đội 1 vận động đánh ngang sườn và sau lưng, địch tháo chạy ra chùa Thầy Lơ. Ta diệt trên 60 tên, thu 20 súng.

Tiểu đoàn 1 [thuộc trung đoàn 11] của địch từ khu trù mật Mỹ Phước Tây đổ quân bằng trực thăng xuống Ấp Bắc. 10 giờ 20 phút, 5 chiếc trực thăng vũ trang UH-1 hộ tống cho 10 chiếc CH-21 sà xuống đổ quân trước tiền duyên Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261. Đại đội trưởng Đặng Minh Nhuận [Nguyễn Bảy - Bảy Đen] cho khẩu đại liên nổ súng lệnh. Do đạn lép nên không diệt được chiếc đầu. Khi đại liên sửa xong, toàn đại đội nhả đạn vào 9 chiếc đáp sau, có 6 chiếc bị trúng đạn tại chỗ. Bọn địch số chết, số bị thương, số còn lại tháo chạy tán loạn.

Tại Hưng Thạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho chỉ đạo cho Đại đội 2 của Tiểu đoàn 514 tiến công trường huấn luyện Tân Hiệp. Trung đội Trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa. Đại đội 211B giữ chắc ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho mặt trận chính; đồng thời chỉ đạo cho huyện Cai Lậy và Châu Thành tổ chức lực lượng tiến công 3 mặt để căng kéo địch.

Cũng trong thời gian này, trung đội công binh của tỉnh Mỹ Tho đã dùng thủy lôi đánh chìm 1 tàu địch tại vàm kinh Ba, trên kinh Nguyễn Tấn Thành và bắn hư 2 chiếc khác. Tiếp đó, ta đẩy lùi đoàn tàu địch ra kinh Hai, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội biệt động quân. Trung đội trinh sát bí mật vào sát sân bay, tiến công chốt bảo vệ sân bay, 1 chiếc Đa-cô-ta và 1 trực thăng hốt hoảng cất cánh bị trúng đạn.

Du kích hai bên lộ 4 bắn hư 2 xe quân sự, buộc bọn bảo an chi khu phải phân tán ra để giữ lộ.
Hơn 700 quần chúng thuộc các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Phước Tây bơi xuồng tản cư ngược lên khu trù mật Mỹ Phước Tây, bao quanh cụm pháo địch, đấu tranh không cho địch bắn pháo vào xóm ấp. Trên 200 gia đình binh sĩ kéo vào nhà thương [nay là Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang] đòi gặp mặt chồng, con, em bị thương.

Tại mặt trận Ấp Bắc, trực thăng CH-21 đổ tiếp tiểu đoàn 2 [thuộc trung đoàn 12, sư đoàn 7] xuống địa hình. Địch dàn hàng ngang tiến về phía Miễu Hội. Du kích và trinh sát Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 chặn đánh từ xa. 12 giờ 30 phút, địch cách tiền duyên 70m. Đại đội trưởng Mười Diệp lệnh cho Trung đội 1 nổ súng, diệt gần hết tốp đi đầu. Địch tháo chạy ra đồng co cụm. Trung đội 3 bí mật vận động theo bờ trâm bầu của rạch Ấp Bắc, bất ngờ đánh tạt ngang sườn, làm địch rối loạn hàng ngũ. Chúng gọi phi pháo chi viện và rút về ngã tư Miễu Hội cố thủ.

Qua 4 đợt tấn công, địch phải dừng quân ngoài đồng. Pháo và máy bay bắn dữ dội vào trận địa ấp Tân Thới và Ấp Bắc. Khi pháo ngừng bắn, bộ binh địch và xe M.113 tiến vào đội hình Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261. Ngay phút đầu tiên, ta bắn cháy 1 xe, bắn hư 2 xe khác.

Trước trận địa phòng ngự của Tiểu đội 3 thuộc Trung đội 1, tình hình khá gay go, 3 xe M.113 và 1 tốp bộ binh tiến gần công sự. Do địa hình lồi lõm, đại liên của đại đội bắn chi viện không kết quả. Đồng chí Nguyễn Văn Đừng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 [thuộc Trung đội 2, Đại đội 1] cùng 2 đồng chí Hùng và Công vận động ra bắn xe M.113. 3 đồng chí bò cặp bờ ranh, rồi bất ngờ nhảy lên xe M.113 ném thủ pháo phá hủy xe, diệt 5 tên. Bọn còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. 3 đồng chí trở về công sự bị địch bắn hy sinh. Nhân dân Mỹ Tho đặt tên cho tiểu đội đầy kiêu hãnh và tự hào là “Tiểu đội gang thép”.

18 giờ, địch đưa tiểu đoàn 3 dù đến tăng viện. Tên Cao Văn Viên, tư lệnh lữ đoàn dù ngồi trên trực thăng quan sát, điều khiển cuộc tiến công. Tiểu đoàn dù được 16 chiếc Đa-cô-ta thả xuống trận địa Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514. Đợi địch xuống thật gần, toàn đại đội nổ súng, một số tên bị diệt ngay trên không, dù địch rơi ngay trong trận địa, ta - địch xen kẽ cách nhau từng bờ mương, liếp chuối.

Bọn lính dù đứa bị mắc lủng lẳng trên ngọn cây, đứa bị kẹt trên mái nhà. Chiến sĩ ta cứ nhắm sắc áo rằn ri mà nhả đạn. Sau một ngày chiến đấu, ta tiêu diệt 450 tên địch [trong đó có 13 cố vấn Mỹ chết và bị thương], 3 xe M.113 bị cháy, 8 máy bay bị bắn rơi, 1 tàu chìm và 2 tàu khác hư nặng. Địch thất bại thảm hại trong trận càn này.

Trận Ấp Bắc mở đầu sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy. Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định lực lượng chủ lực tập trung của ta tuy không nhiều, nhưng nếu được huấn luyện tốt, được trang bị vũ khí bắn máy bay và biết tổ chức đánh xe thiết giáp, có thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, biết căng kéo địch và khéo kết hợp với đấu tranh chính trị thì hoàn toàn có khả năng đánh bại các cuộc càn quét với binh lực lớn, với phương tiện chiến tranh hiện đại của địch.

Ấp Bắc là trận tác chiến thắng lợi điển hình của tiến công và nổi dậy bằng “2 chân, 3 mũi giáp công” của chiến tranh nhân dân. Chiến thắng Ấp Bắc đánh bại 2 chiến thuật chủ yếu trong “chiến tranh đặc biệt” là “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của quân chủ lực ngụy, do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện và trực tiếp chỉ huy.

Chiến thắng Ấp Bắc mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam; đồng thời làm đảo lộn chương trình bình định của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau chiến thắng Ấp Bắc của ta, Mỹ - ngụy hoang mang, dao động và chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bước đầu bị phá sản.

Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quý giá: Lấy ít thắng nhiều, lấy chiến tranh chính nghĩa thắng chiến tranh phi nghĩa và khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn, quân và dân ta sẽ đánh thắng quân Mỹ. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành điểm mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho, là một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau chiến thắng Ấp Bắc, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Phương châm hoạt động của Tiểu đoàn 261 và Tiểu đoàn 514 “Vào sâu, đứng lại, đánh càn, giải phóng nông thôn” được phổ biến toàn miền Nam. Phong trào diễn ra sôi nổi và lan ra cả nước, tạo nên sức mạnh to lớn.

51 năm trôi qua, chiến thắng Ấp Bắc mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” là ước nguyện muôn đời của những người yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới này.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để lại cho dân tộc ta nhiều bài học quý báu về xây dựng Đảng tiên phong, tư tưởng cách mạng tiến công, về xây dựng và sử dụng sức mạnh của toàn dân, toàn diện kháng chiến, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè tiến bộ trên thế giới.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp tục được vận dụng và phát huy, góp phần tạo nên thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

LÊ VĂN TÝ

.

Video liên quan

Chủ Đề