Tại sao phải phân loại rác tại nguồn

(TN&MT) - Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Tận dụng tối đa tài nguyên rác

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH… Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại sao phải phân loại rác tại nguồn

Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý

Để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định theo hướng ai xả nhiều CTRSH hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.

Cùng với đó, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với CTRSH khác.

Các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Các địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp.

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, hiện nay ý thức của người dân còn hạn chế, do đó Bộ TN&MT đã đặt lộ trình từ nay đến 2025 là giai đoạn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hành động của người dân để theo thời gian, Luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân.

Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức

Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH; hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính. Hiện nay, bên cạnh việc ban hành Thông tư và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TN&MT cũng đang tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn và sẽ ban hành trong thời gian tới để các địa phương áp dụng.

UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Thực hiện giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.

Một điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là không khuyến khích cơ sở xử lý CTRSH có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp CTRSH, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTRSH. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Khó khăn khi phân loại rác tại nguồn

Tại TP.HCM, mỗi ngày thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa, chất thải khác có thể tái chế được chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ), khoảng 1.800 tấn. Tuy nhiên, hiện nay TP chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Vì vậy có hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt gây lãng phí  tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Một phần lượng rác tái chế này được lực lượng ve chai thu gom, mua bán, trao đổi mang tính nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và không đáp ứng được các mô hình tái chế lớn.

Theo các chuyên gia, tại TP.HCM cũng như các đô thị khác, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là một giải pháp cấp thiết, cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý sẽ có nhiều giải pháp trong xử lý, tái chế chất thải, điều này không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, chương trình phân loại rác tại nguồn đến nay vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc và chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Tại sao phải phân loại rác tại nguồn

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM đang thu gom rác tại các khu cách ly trong mùa dịch vừa qua. Ảnh: Citenco

Theo một chuyên gia về môi trường, các chương trình phân loại tại các địa phương chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn ít và chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế.

Theo Bộ TNMT, TP.HCM đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ những năm 1999, bắt đầu từ một cụm dân cư hoặc một phường trong quận, giai đoạn 2015-2016 nhân rộng trên địa bàn 6 quận và sau đó nhân rộng tại 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay.

Theo Sở TNMT TP.HCM, mặc dù chính quyền đã đưa ra nhiều quyết định để tổ chức phân loại rác tại nguồn; nhưng công tác này chưa được triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức, do các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại. Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại chưa cao.

Tại sao phải phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác thải chưa hiệu quả ở các địa phương. Ảnh: Citenco

Thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động là chính, chưa kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại chất thải rắn tại nguồn. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại.

Theo Bộ TNMT, người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh còn thấp. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Làm gì để tăng cường phân loại rác tại nguồn ?

Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60-80%, tạo nguồn hữu cơ "sạch" để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao.

Phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. 

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, tất cả các bao bì của các doanh nghiệp trong Liên minh sản xuất, kinh doanh đều được thu hồi và tái chế. Việc TP.HCM tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 loại rác tái chế và rác còn lại sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thu hồi bao bì đã qua sử dụng, đảm bảo rác thải không bị đưa ra môi trường.

Không những vậy, phần rác có thể tái chế đã qua phân loại, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, từ đó tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu hồi - tái chế, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Tại sao phải phân loại rác tại nguồn

Cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: Citenco

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (CITENCO) cho biết, hiện Công ty đang triển khai Đề án "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn".

Mục tiêu của Đề án nhằm thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế trong dân cư; tạo nền tảng xây dựng mô hình "Trung tâm xử lý và tái chế chất thải" nhằm thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế và tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải.

Để khắc phục hạn chế chương trình phân loại rác tại nguồn, ngày 4/5/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 09 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, thành phố sẽ thay đổi cách phân loại rác, người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 loại thay vì 3 loại như trước kia.

Tại sao phải phân loại rác tại nguồn

Thu gom và vận chuyển rác thải về nhà máy xử lý. Ảnh: Citenco

Cụ thể, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phân loại thành 2 nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Theo đại diện Sở TNMT TP.HCM, việc thay đổi cách phân loại rác theo quy định mới rất thuận tiện cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Vì vậy, việc triển khai phân loại rác thành 2 loại đã nhận được sự đồng tình cao của người dân bởi dễ thực hiện và đem lại nhiều tiện ích.

Đặc biệt, TP.HCM đang hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế thay vì chôn lấp nên việc thực hiện phân loại rác thành 2 loại là cần thiết.

Việc phân loại thành 2 nhóm giúp đơn vị thu gom, vận chuyển dễ thực hiện bởi phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, tạo thêm nguồn thu nhập và mang lại giá trị kinh tế, tạo nền tảng hình thành thị trường thu hồi-tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.