Tân Việt Cách mạng Đảng theo khuynh hướng nào

Tân Việt Cách mạng Đảng [gọi tắt là Đảng Tân Việt] là tên gọi cuối cùng của một tổ chức yêu nước đã trải qua nhiều biến thiên và cải tổ. Tiền thân của Tân Việt là Hội Phục hưng Việt Nam [Phục Việt] được thành lập ngày 14/7/1925 tại Vinh [Nghệ An] từ hai lực lượng: Một số tù chính trị cũ ở Trung Kỳ như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, một số giáo viên như Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập... và một số nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai...

Chương trình hành động của Phục Việt rất đơn giản, gồm 3 điểm:

- Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hòa bình.

- Tìm cách liên lạc với các nhà cách mạng ViệtNamđang hoạt động ở Trung Quốc và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào.

- Tuyển mộ thêm đồng chí mới.

Sau khi thành lập, Phục Việt tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu bằng việc rải truyền đơn tại Hà Nội. Sợ bị lộ nên đầu năm 1926, Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam. Đến năm 1926 đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Tháng 7 năm 1927 lại đổi thành Việt Nam Cách mạng đồng chí hội. Ngày 14 tháng 7 năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng đồng chí hội họp Đại hội tại Huế và quyết định đổi tên đảng thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Đại hội đã bầu Ban lãnh đạo mới gồm: Đào Duy Anh phụ trách Tổng Bí thư, Ngô Đức Diễn là ủy viên tổ chức và tài chính, Phan Đăng Lưu là ủy viên tuyên huấn.

Chân dung cụ Đào Duy Anh [1904-1988]- Tổng Bí thư Tân Việt Cách mạng Đảng năm 1928.

Cho đến tháng 7-1928, Tân Việt là tổ chức chính trị theo khuynh hướng dân tộc tư sản. Trong suốt quá trình tồn tại, tổ chức chính trị này đã cử người sang Quảng Châu [Trung Quốc] dự các lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vì thế, lập trường chính trị của tổ chức này dần dần thay đổi và chuyển dần sang khuynh hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa.

Về tư tưởng chính trị, Đảng Tân Việt xác định: Liên hợp cả các đồng chí trong ngoài, trong thì dẫn đạo công nông binh, quần chúng; ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa đặng kiến thiết một xã hội bình đẳng và bác ái mới.

Thành phần xã hội của Đảng Tân Việt chủ yếu gồm các phần tử thanh niên trí thức, học sinh, công chức, tiểu thương và công nông, đặc biệt là những người có học.

Hệ thống tổ chức của Đảng Tân Việt gồm 6 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Liên tỉnh bộ, Tỉnh bộ, Đại tổ và Tiểu tổ. Tiểu tổ, đơn vị cơ sở của Tân Việt được tổ chức theo nguyên tắc Tam Tam chế, tức là một tiểu tổ có 3 đảng viên, 3 tiểu tổ hợp thành một đại tổ. Tân Việt có 10 liên tỉnh bộ và 3 kỳ bộ. Các kỳ bộ được gọi theo quy ước riêng: Bắc Kỳ gọi là Nhân Kỳ, Trung Kỳ là Trí Kỳ, Nam Kỳ là Dũng Kỳ. Địa bàn hoạt động chủ yếu của Tân Việt là các tỉnh miền Trung, mạnh nhất là ở Nghệ - Tĩnh. Đến cuối năm 1928, ở đây số lượng đảng viên đã lên tới 612 người, gây dựng được cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp, đường phố và các vùng nông thôn.

Trong suốt quá trình hoạt động, Tân Việt Cách mạng Đảng chú ý nhiều tới công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên theo hình mẫu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng thời Tân Việt còn tổ chức và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của học sinh, tiểu thương và công nhân tiêu biểu là cuộc đình công của công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy [tháng 4-1928], cuộc bãi công của công nhân đường sắt Biên Hòa - Sài Gòn [tháng 9-1929].

Truyền đơn Tuyên đạt kêu gọi đảng viên giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt.

Do chịu ảnh hưởng tư tưởng mácxít, nhiều đảng viên Tân Việt đã chuyển sang hoạt động cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đảng Tân Việt hoạt động trong điều kiện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh nên các đảng viên Đảng Tân Việt chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, tác phẩm Đường Kách Mệnh được coi như kim chỉ nam của hội viên Đảng Tân Việt. Nội bộ Tân Việt ngày càng phân hóa thành 2 khuynh hướng rõ rệt: dân tộc tư sản và dân tộc xã hội chủ nghĩa. Những người trong Ban lãnh đạo Tổng bộ đều đứng trên lập trường dân tộc tư sản. Giữa năm 1929, những người theo khuynh hướng dân tộc tư sản trong Ban lãnh đạo Tổng bộ Tân Việt đã công bố đề án thành lập Khối quốc gia. Trước tình hình đó, những đảng viên tích cực, cấp tiến dưới ảnh hưởng tư tưởng cộng sản của Đảng Tân Việt đã nhóm họp và đi đến tiến hành cuộc vận động thành lập một tổ chức cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 24 tháng 2 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã gia nhập Đảng Cộng sản ViệtNam.

Tân Việt Cách mạng Đảng - tổ chức tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX đã có những đóng góp quan trọng trong việc vận động, tổ chức phong trào đấu tranh yêu nước và truyền bá tư tưởng vô sản của Mác - Lênin và tư tưởng yêu nước, cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam để tiến tới thành lập Đảng tiên phong của giai cấp công nhân vào đầu năm 1930, tạo bước ngoặt trọng đại đưa cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc tới thắng lợi sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Từ Phục Việt đến Tân Việt Cách mạng Đảng rồi tiến đến Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để rồi hòa vào dòng chảy chung, cách mạng chân chính duy nhất của Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam là cả một quá trình đấu tranh, chuyển hóa phức tạp về tư tưởng chính trị và tổ chức, là sự lột xác từ một tổ chức tiểu tư sản yêu nước cách mạng thành một tổ chức cộng sản với những tư tưởng hoàn toàn mới và triệt để cách mạng.

Lê Khiêm [tổng hợp]

Nguồn: Nguyễn Quang Ngọc, Tân Việt Cách mạng Đảng, Tiến trình Lịch sử ViệtNam, H.: Giáo dục, 2005, tr. 264-266.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Video liên quan

Chủ Đề