Thế nào là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội?

30/09/2020 09:04 | 1414 | 0

        Hậu quả của tội phạm được hiểu là thiệt hại (vật chất, thể chất, tinh thần, lợi ích khác) do hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ, đồng thời là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm vật chất, nó thể hiện qua sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Nghiên cứu về hậu quả của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động định tội danh.

        Trong khoa học luật hình sự, giữa hậu quả và hành vi phạm tội có mối quan hệ biện chứng thể hiện qua các mặt:

        Một là, hành vi trái pháp luật xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian;

        Hai là, hành vi trái pháp luật bị pháp luật hình sự cấm phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội;

        Ba là, hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra phải do chính hành vi trái pháp luật đã được thực hiện gây ra.

        Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm đối với những tội có cấu thành vật chất nhằm xác định có hay có tội phạm xảy ra. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình nếu giữa hành vi đó và hậu quả của tội phạm có mối quan hệ nhân quả.

        Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là rất khó khăn, nhất là đối với các loại tội phạm phức tạp về mặt khách quan biểu hiện qua việc có hành vi, công cụ, phương tiện đa dạng, lỗi hỗn hợp, nguyên nhân và điều kiện phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên… điển hình là tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Dưới đây là tình huống:

        Khoảng 20h ngày 04/8/2018 tại QL32 thuộc địa phận Cụm 9, xã T, huyện P, thành phố H xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe taxi BKS 29A - 137.6x do Chu Đức N điều khiển với người đi bộ là bà Nguyễn Thị B. Hậu quả: bà B tử vong tại hiện trường. Vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe mô tô BKS 29V1 - 421.3x do Nguyễn Tô H điều khiển.

        Quá trình kiểm tra, xác minh đã xác định: Khoảng 19h00 ngày 04/8/2018 Nguyễn Tô H điều khiển xe mô tô BKS 29V1 - 421.3x trên QL32 hướng về nội thành, lúc này trời tối, mưa to, gió lớn, vắng người qua lại. Khi đến địa phận Cụm 9, xã T, huyện P thì H phát hiện phía trước cách đầu xe mô tô đang điều khiển khoảng 3 - 5m có một người phụ nữ đang băng qua đường (sau này xác định là bà Nguyễn Thị B), H nhìn thấy là nhờ ánh đèn xe mô tô. Thấy vậy, H chỉ kịp đánh lái sang bên phải để tránh nhưng phần tay lái bên trái va chạm vào bà B khiến bà ngã ra đường trên phần đường dành cho xe cơ giới, H điều khiển xe loạng choạng rồi ngã xuống đường, sau khi dựng xe H quay lại thấy bà B đang chống tay nhổm lên trong tư thế dứng dậy, nghĩ rằng nạn nhân không sao trong khi bản thân bị chảy máu đầu nên H điều khiển xe rời khỏi hiện trường. Khoảng 40 phút sau H đến Công an huyện P trình báo sự việc, do vết thương vẫn chảy máu nên H được đưa đi cấp cứu.

        Đến khoảng 20h00 cùng ngày, Chu Đức N điều khiển xe taxi BKS 29A - 137.6x hướng về nội thành, khi đến đoạn đường trên thì thấy phía trước cách đầu xe ô tô đang điều khiển khoảng 10m có một vật giống như bao tải màu trắng, do trời tối, mưa to, gió lớn, đoạn đường vắng người qua lại nên N nghĩ đó là bao tải rác, phía sau lại có nhiều xe tải đang đi tới nên N điều khiển xe đi qua làm cho bao tải màu trắng này chui giữa gầm xe. Sau khi chèn qua bao tải N nghe thấy tiếng lục khục dưới gầm xe như kéo theo vật cứng nên đã phanh lại, từ từ điều khiển xe sát vào lề đường rồi đỗ cách vị trí chèn lên vật giống bao tải khoảng 70m. Khi xuống xe kiểm tra thì N phát hiện bà B nằm dưới gầm xe, N hô hoán người dân đưa nạn nhân ra khỏi gầm xe để đi cấp cứu nhưng bà B đã tử vong.

        Quá trình khám nghiệm tử thi, đại diện gia đình từ chối giải phẫu tử thi, đồng thời ngay ngày hôm sau đã đưa đi hỏa táng, do vậy không tiến hành khai quật tử thi để giám định được, không có cơ sở kết luận nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị B.

        Một số quan điểm giải quyết:

        Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Tô H phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        - Đối với Nguyễn Tô H, H đã điều khiển xe mô tô không chú ý quan sát, không giảm tốc độ đến mức an toàn để tránh người đi bộ qua đườngdẫn đến va chạm với bà Nguyễn Thị B làm bà B ngã ra phần đường dành cho xe cơ giới rất nguy hiểm, gây khả năng có thể bị xe khác đâm vào; sau đó H không đưa bà B vào lề đường tránh nguy hiểm hoặc đưa bà đi cấp cứu mà rời khỏi hiện trường. Hành vi của H đã vi phạm khoản 18 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 và khoản 11 Điều 5 Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe mô tô chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ. Thực tế đã dẫn đến việc bà B tử vong do bị xe khác đâm vào, đây là kết quả của hành vi gây va chạm và không cứu giúp nạn nhân của H. Như vậy, hành vi của Nguyễn Tô H đã cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        - Đối với Chu Đức N, quá trình điều khiển xe do điều kiện trời tối, thời tiết mưa lớn, đoạn đường vắng người, N không nhìn thấy bà B mà nghĩ đó là bao tải rác màu trắng nên chèn qua, đây là trường hợp không thể nhìn thấy trước hậu quả, do vậy không có căn cứ xử lý N. Nếu N nhìn thấy rõ là bà B mà va chạm thì mới có căn cứ xử lý.

        Quan điểm thứ hai: Chu Đức N phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        - Đối với Chu Đức N, khi điều khiển xe taxi do không chú ý quan sát nên N đã chủ quan, lầm tưởng bà Nguyễn Thị B đang nằm trên đường là bao tải rác màu trắng; mặt khác do điều kiện trời tối, mưa lớn, đoạn đường vắng người qua lại nên N đã điều khiển xe chèn qua người bà B, hậu quả bà B tử vong. Về thực tế khách quan, hậu quả làm một người chết hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp bị nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô taxi) chèn qua và kéo lê dưới gầm một quãng 70m. Hành vi của N đã vi phạm nguyên tắc tham gia giao thông đường bộ, gây hậu quả làm một người chết do đó đã cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        - Đối với Nguyễn Tô H, mặc dù đã vi phạm các quy định về giao thông đường bộ dẫn đến va chạm với bà Nguyễn Thị B tuy nhiên hành vi gây va chạm của H đối với bà B chưa chứa đựng khả năng dẫn đến hậu quả bà B tử vong, hơn nữa sau khi va chạm H nhìn thấy bà B đang chống tay trong tư thế nhổm dậy. Mặt khác, do không giải phẫu được tử thi, không xác định được nguyên nhân tử vong của bà B nên không có căn cứ xác định hậu quả hành vi của H.

        Quan điểm thứ ba: Cả Nguyễn Tô H và Chu Đức N đều phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        Do không xác định được nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị B là do bị xe mô tô của Nguyễn Tô H điều khiển va chạm khiến bà ngã ra đường hay là do xe ô tô của Chu Đức N điều khiển chèn qua, kéo lê dưới gầm một quãng 70m nên không xác định được cái chết của bà B là do lỗi của ai. Vì vậy cần phải buộc cả Nguyễn Tô H và Chu Đức N cùng chịu chung trách nhiệm về hậu quả là bà Nguyễn Thị B tử vong do tai nạn giao thông.

        Quan điểm thứ tư: Cả Nguyễn Tô H và Chu Đức N đều không phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        Mặc dù Nguyễn Tô H và Chu Đức N đều đã thực hiện hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông đường bộ (không chú ý quan sát, không giảm tốc độ đến mức có thể dừng lại an toàn), hậu quả bà Nguyễn Thị B tử vong. Tuy nhiên, do không kết luận được nguyên nhân chết của bà B là do hành vi vi phạm của H hay N, do vậy không có căn cứ xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Theo lý luận về hậu quả của tội phạm thì một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình nếu giữa hành vi đó và hậu quả của tội phạm có mối quan hệ nhân quả. Trong trường hợp này do không xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông đường bộ của H, N và hậu quả bà B tử vong nên hành vi của H và N không cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        Như vậy, đối với một tình huống cụ thể đã có nhiều quan điểm về đường lối giải quyết. Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ ba, buộc cả H và N phải chịu chung trách nhiệm về hậu quả là bà Nguyễn Thị B tử vong do tai nạn giao thông. Bởi lẽ:

        Xét về hành vi, cả Nguyễn Tô H và Chu Đức N đều đã thực hiện hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, Nguyễn Tô H đã không chú ý quan sát, giảm tốc độ đến mức an toàn trong điều kiện trời mưa, đường trơn, tầm nhìn hạn chế để tránh người đi bộ sang đường, vi phạm khoản 11 Điều 5 Thông tư 31 ngày 29/8/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn; mặt khác sau khi va chạm, H không đưa nạn nhân vào khu vực an toàn hoặc đưa đi cấp cứu, đã vi phạm khoản 18 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008. Đối với Chu Đức N điều khiển xe ô tô taxi gặp vật cản trên đường nhưng không chú ý quan sát, lầm tưởng bà B là bao tải rác nên điều khiển cho xe chèn qua, mặc dù N có thể lựa chọn cách xử lý khác là điều khiển xe để tránh, hành vi của N đã vi phạm nguyên tắc chung khi tham gia giao thông là phải chú ý quan sát.

        Xét về hậu quả, mặc dù không kết luận được nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị B, không có căn cứ xác định chính xác bà B chết do hành vi vi phạm giao thông của H hay của N. Tuy nhiên, xem xét hành vi của Nguyễn Tô H và Chu Đức N đều chứa đựng khả năng làm bà B tử vong thể hiện qua việc H gây va chạm làm nạn nhân ngã tại phần đường dành cho xe cơ giới rất nguy hiểm, có thể bị phương tiện đi liền sau hoặc đi sau đâm phải, hơn nữa H đã rời khỏi hiện trường mà không cứu giúp nạn nhân làm cho khả năng nạn nhân bị phương tiện đi liền sau hoặc đi sau đâm phải cao hơn; N điều khiển xe chèn qua làm cho và B kẹt trong gầm xe và bị kéo lê một quãng 70m. Trên thực tế, các hành vi này đều có khả năng dẫn đến tử vong đối với một người bất kỳ.

        Xét về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, mối quan hệ nhân quả có thể tồn tại ở các dạng như: quan hệ nhân quả đơn trực tiếp, là quan hệ nhân quả mà chỉ có một hành vi trái pháp luật đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả tội phạm; quan hệ nhân quả kép trực tiếp, là quan hệ nhân quả trong đó nhiều hành vi trái pháp luật (độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau) cùng đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả của tội phạm. Bên cạnh đó còn xuất hiện khái niệm quan hệ nhân quả dây chuyền, tức là trường hợp có một hành vi đóng vai trò là nguyên nhân thứ nhất đưa đến hành vi nguyên nhân thứ hai và làm phát sinh hậu quả, cả hai hành vi đều được xem là có mối quan hệ nhân quả với hậu quả. Chúng tôi đồng tình với khái niệm này. Trong tình huống, hành vi va chạm làm nạn nhân ngã ra đường của H là nguyên nhân đưa đến hành vi lái xe chèn qua người nạn nhân của N, hậu quả làm nạn nhân là bà B tử vong, bà B tử vong là kết quả chung của cả hai hành vi của H và N.

        Như vậy, hành vi của Nguyễn Tô H và Chu Đức N đã cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

        Trên đây là một số quan điểm về đường lối giải quyết đối với một tình huống cụ thể xảy ra trên thực tế. Mong được sự góp ý của độc giả và đồng nghiệp!

Trần Nghiêm, Trung Thành - Văn phòng tổng hợp