Thuần nhị là gì

THỬ BÀN VỀ CÂU VIẾT LIÊM THUẦN NHỊ QUẬN CÔNG TRANH TRONG PHỔ HỆ 1994

hophanblog
10 năm trước
X

Bảo mật & Cookie

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Đã hiểu!
Quảng cáo

Sàigòn 27 tháng 7 năm 2011

Phan Bá Lương [2/16]

Phổ hệ 1994 tại trang 442 ghi: thời kỳ Sơ tổ và Thủy tổ chúng ta vào lập nghiệp ở Hòa Đa và Bảo An, hai quận Liên Thuần còn đang đánh nhau, nhân dân rất khổ cực và ly tán .

Đây là câu viết dựa theo Mục lệ đồ tự do ông Phan Kim Huống [5/9] tự Nhơn Tá viết năm canh ngọ [1810] niên hiệu Gia Long thứ 9 và Cung lục thiệt lục do ông Phan Tiếp [3/11][1] viết, toàn văn câu viết bằng chữ Hán trong hai tài liệu này là 簾 淳 二 郡 公 爭 升 奠 二 府 之 民 兵 革 大 與 人 民 離 散 phiên âm là Liêm Thuần nhị quận công tranh, Thăng Điện nhị phủ chi dân binh cách đại dữ nhân dân ly tán .

Căn cứ vào các tài liệu ghi trên, xin thử cùng góp phần bàn về thời điểm mà câu viết đề cập.

Vậy Liêm, Thuần là hai quận nào và Thăng, Điện là hai phủ nào? Thời kỳ nào trong lịch sử nước ta mà hai quận Liêm, Thuần đánh nhau lại có ảnh hưởng đến hai phủ Thăng, Điện, làm cho nhân dân phải li tán vì binh lửa?

  1. Tìm hiểu về hai quận Liêm, Thuần:

1-Quận: Trước hết, cần phải xác định rằng quận là một đơn vị hành chánh xuất phát từ thời kỳ Bắc thuộc trong lịch sử nước ta. Trong thời kỳ đó, nước ta bị phương bắc đô hộ và phân thành một quận như Khâm định Việt sử thông giám cương mục [2] ghi: Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu úy là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú [3]. Từ đó về sau, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, nước ta chỉ là một quận của Trung Quốc.

Trong khi đó, đơn vị hành chánh có tên gọi là Quận ở nước ta từ thời kỳ tự chủ trở về sau chỉ thực sự xuất hiện từ thế kỷ 20.

Như vậy, hai quận Liêm, Thuần có thể được hiểu như là hai nước riêng biệt.

2-Liêm, Thuần:

Muốn tìm hiểu về hai tên gọi Liêm, Thuần, theo tôi nên lược qua một chút về thiên văn học phương đông.

a.Nhị thập bát tú [4]: Thiên văn học phương đông xem các ngôi sao hằng đêm đều từ từ xoay quanh một điểm cố định, mỗi ngày lại dịch đi một chút, và sau một năm thì quay trọn một vòng. Điểm cố định đó gọi là Thiên Cực, và vì ở phía bắc nên gọi là Bắc Thiên Cực. Thiên Cực hay Bắc Thiên Cực hay Bắc Cực, do đó được gọi là Trung Thiên, là trung tâm của bầu trời, là trung tâm của vũ trụ, là nơi ở của Thượng đế. Mặt khác, các vị vua Trung Hoa tự cho mình là ở giữa mặt đất, nên tự nhận miền đất mình đang cai trị là Thiên Hạ, Trung Quốc, Trung Nguyên, còn mình là Thiên tử. Khi đó, Kinh đô là trung tâm mặt đất, ứng với Bắc Thiên Cực là trung tâm bầu trời. Họ chia mặt đất làm 9 phân dã, mỗi phân dã chịu ảnh hưởng của một số tinh tú khác nhau.

Trong rừng sao đó, Nhị thập bát tú 28 chòm sao đại diện cho đường đi của Mặt Trời và Mặt Trăng trên thiên cầu, luôn được nhắc tới khi nói về vũ trụ quan phương Đông. Trong mỗi chòm có một ngôi sao là chủ tinh, là ngôi nằm gần nhất Bạch đạo, dù ngôi sao đó có thể không phải là sáng nhất. Nhị thập bát tú chia làm 4 nhóm:

Thanh Long [Rồng xanh] ở hướng Đông tượng trưng cho hành Mộc và mùa xuân [màu xanh của cây, cây cối phát triển vào mùa xuân], gồm các chòm Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.

Huyền Vũ [Rùa, rắn đen] ở hướng Bắc, tượng trưng cho hành Thủy, mùa đông [màu đen là màu đại diện của hành Thủy, nước lạnh vào mùa Đông], gồm các chòm Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Ngụy, Thất, Bích.

Bạch Hổ [Hổ trắng] ở hướng Tây đại diện cho hành Kim và mùa thu, gồm các chòm Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.

Chu Tước [Chim đỏ] ở hướng Nam đại diện cho hành Hỏa và mùa hè, gồm các chòm Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

  1. Sao Liêm Trinh: Xem nhóm Huyền Vũ bên trên thì thấy Đẩu chính là chòm Tiểu Hùng [chòm Gấu Nhỏ Ursa Minor]. Gần đó là chòm Đại Hùng [chòm Gấu Lớn tức là sao Bắc Đẩu] hình như cái đấu lớn, có 7 sao là Tham Lang, Liêm Trinh, Vũ Khúc, Văn Khúc, Lộc Tồn, Cự Môn và Phá Quân. Cũng có một cách gọi khác của 7 sao này Thiên Xu [Tham Lang], Thiên Tuyền [Cự Môn], Thiên Cơ [Lộc Tồn], Thiên Quyền [Văn Khúc], Thiên Hành [5] [Liêm Trinh], Khai Dương [Vũ Khúc] và Dao Quang [Phá Quân].

Trong 7 sao này, sao Thiên Quyền sáng yếu nhất do nó ở xa trái đất nhất nhưng lại nằm ở vị trí chính giữa chòm sao Đại Hùng, là điểm nối giữa phần gáo và phần chuôi của chòm sao này. Cho nên Đạo giáo xem nó là ngôi sao trọng yếu nhất của cả chòm sao, là nơi ngự của thần Bắc Đẩu.

Vị trí Sao Bắc Cực, Bắc Thiên Cực, và chòm Bắc Đẩu thất tinh.

Như vậy, sao Liêm Trinh, gọi tắt là sao Liêm, ở về phương bắc thuộc nhóm Huyền Vũ.

  1. Sao Thuần Vĩ: Xem sách Đại Nam nhất thống chí thì thấy viết nước Việt Nam theo thiên văn, thuộc về khu vực sao Dực sao Chẩn, về tinh thứ sao Thuần Vĩ [trong phần Phân dã] hay sách Gia Định thành thông chí [6] viết: các châu ở Nam thuộc phía đông thượng nguồn sông Ngân Hà, thuộc sao Thuần Hỏa mà các sao Liễu, sao Tinh, sao Trương đều đóng ở trung châu, không phụ liền với đất miền biển, cho nên Nam Việt thuộc sao Thuần Vĩ .

Sách Gia Định thành thông chí chú thích như sau: Liễu, Tinh, Trương [柳 星 張] là ba ngôi sao thuộc phương Nam trong Nhị thập bát tú. Sao Liễu tức sao Thuần Hỏa [鶉 火, còn gọi là Tâm Tú, Liễu Tú], là một trong Nhị thập bát tú, là ngôi thứ năm trong bảy ngôi sao Thương Long, thuộc Yết Tòa. Tâm Tú còn được gọi là Thương tinh. Sao Tinh là một ngôi sao trong Nhị thập bát tú, là ngôi thứ hai trong chòm sao bảy ngôi Chu Điểu. Sao Tinh có bảy ngôi, 6 ngôi thuộc Trường Xà tòa, chỉ riêng sao Tinh là một tòa chiếu sáng lẻ loi. Sao Trương là sao Thuần Vĩ [鶉 尾] còn gọi là Trương Tú, là một trong Nhị thập bát tú, là ngôi thứ năm trong chòm sao Chu Điểu, có 6 ngôi tất cả, đều thuộc Trường Xà tòa.

Như vậy cả hai sách dẫn chứng bên trên đều thống nhất sao Thuần Vĩ hay sao Thuần chính là sao Trương, là sao thứ năm trong chòm Chu Tước ở phương nam.

Nói tóm lại Liêm, Thuần là hai sao chỉ hai phương bắc, nam trong thiên văn phương đông; và viết Liêm, Thuần nhị quận công tranh tức là chỉ hai địa phương bắc, nam đang chiến tranh, dẫn đến binh lửa.

  1. Tìm hiểu về hai phủ Thăng, Điện:

Có lẽ chúng ta nhất trí rằng Thăng tức là Thăng Hoa và Điện tức là Điện Bàn. Các sách sử của nước ta đều cho biết Điện Bàn [phần đất phía nam núi Hải Vân và phía bắc sông Thu Bồn] thuộc về Đại Việt từ 1306 sau lễ cưới công chúa Huyền Trân đời Trần, còn Thăng Hoa thì thuộc về Đại Việt từ năm 1402 khi Hồ Hán Thương chiếm đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành thành lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa như Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: vua nước Chiêm là Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng voi trắng đen mỗi thứ một con và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động để xin rút quân Quý Ly bắt ép phải đổi tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy. Rồi chia đất ấy ra làm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị, miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh [7].

Thế nhưng, phần đất Thăng Hoa này lại thuộc về Chiêm Thành khi quân Minh sang đô hộ nước ta [8] và kéo dài mãi đến năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành lập nên đạo Quảng Nam thừa tuyên.

Còn về phủ. Có thể thấy rằng đối với Điện Bàn thì đến năm 1604, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới nâng phần đất huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của Thừa tuyên Thuận Hóa lên thành phủ lệ vào Thừa tuyên Quảng Nam. Còn đối với Thăng Hoa thì danh xưng cấp phủ có sớm hơn, phủ Thăng Hoa có từ thời nhà Minh [nhưng chỉ đặt tên còn đất thì đã do Chiêm Thành chiếm cứ], đến đời vua Lê Thánh Tông đặt Thừa tuyên Quảng Nam thì có phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện là Lê Giang, Hy Giang, Hà Đông.

Tóm lại, và đồng thời tương ứng với Liêm, Thuần chỉ hai phương bắc và nam thì Thăng, Điện chỉ hai địa phương thuộc phương bắc và phương nam.

III. Xác định thời gian có chiến tranh nam bắc liên quan đến Thăng, Điện:

Như trên đã nói, tập hợp cả câu viết Liêm, Thuần nhị quận công tranh; Thăng, Điện nhị phủ chi dân binh cách đại dữ nhân dân li tán cho ta biết rằng đây là cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành; và Thăng, Điện là hai đơn vị hành chánh nằm ở giới tuyến của hai nước trong đó Điện thuộc Đại Việt và Thăng thuộc Chiêm Thành.

Lịch sử nước ta ghi nhận chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã có từ thời vua Lê Đại Hành [980-1105] vào năm 982 và kéo dài đến mãi sau này, nhưng bằng câu viết chỉ đích danh Thăng, Điện này ta có thể xác định được thời gian xảy ra chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành được gói gọn trong khoảng từ năm 1402 đến 1471 vì lý do sau đây:

-Trước năm 1402 thì chưa có địa danh mang tên Thăng Hoa.

-Sau năm 1471 thì biên giới Đại Việt đã ở vào tận Bình Định, Điện Bàn và Thăng Hoa không còn là ranh giới giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.

Sử sách nước ta ghi những cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ 1402 đến 1471 như sau [9]:

-Tháng 7 âm lịch [=âl] năm nhâm ngọ 1402 [Hồ Hán Thương, niên hiệu Thiệu Thành 2]: Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Lấy Đỗ Mãn làm Đô tướng, Điện nội phán thủ Nguyễn Vĩ làm Chiêu dụ sứ, An phủ sứ lộ Đông Đô Nguyên Bằng Cử làm Đồng chiêu dụ sứ. Khi đại quân gần đến cõi nước Chiêm, Đinh Đại Trung cưỡi ngựa đi trước các quân, gặp tướng của giặc là Chế Cha Nan đánh nhau, giặc bị giết cả. Vua nước Chiêm là Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng voi trắng voi đen mỗi thứ một con và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động để xin rút quân. Bố Điền đến, Quý Ly bắt ép phải đổi tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy. Rồi chia đất ấy ra làm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị, miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh. Chiêm Thành thu lấy những dân cận tiệm đem về nước, còn người ở lại thì bổ làm quân. [Trang 732 tập 1].

-Năm quý mùi 1403 [Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại 1]: Hán Thương đóng thuyền đinh nhỏ để đánh Chiêm Thành. Dự chia các đất Bản Đạt Lang, Hắc Bạch, và Sa Li Nha từ Tư Nghĩa trở về nam đến biên giới Xiêm La làm châu huyện. Gia phong Phạm Nguyên Khôi làm Đại tướng quân hai vệ Thiên ngưu và Phủng thần, coi quân Long tiệp, hành Thủy quân đô tướng, Hồ Vấn làm phó; Đỗ Mãn coi quân Thiên cương, Chương thánh, Củng thần, hành Bộ quân đô tướng, Đỗ Nguyên Thác làm phó. Quân thủy bộ cộng 20 vạn người đều theo tiết chế của Nguyên Khôi. Người nào ra trận mà sợ giặc thì chém, vợ con điền sản tịch thu vào nhà nước. Các quân vào đất Chiêm, làm nhiều chiến cụ, vây thành Chà Bàn sắp lấy được, nhưng vì quân đi đã 9 tháng, hết lương ăn, nên không lấy được thành phải rút về. Đỗ Nguyên Thác vì trái lệnh của Đô tướng, tha tội chết, làm đồ binh. [Trang 737 tập 1].

-Tháng 4 âl năm giáp dần 1434 [Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình 1]: Chiêm Thành bắt người châu Hóa. Vua Chiêm Thành là Bố Đề nghe tin Thái Tổ băng, thấy vua mới lên ngôi, ngờ rằng trong nước có biến loạn, bèn thân đem quân ra đóng ở cõi gần, chực mưu vào cướp, chỉ vì chưa rõ thực hư, không dò hỏi vào đâu được, mới sai thuyền ngầm vào cửa Việt, cướp lấy mấy người rồi đi. Dân đuổi theo đánh lại, bắt được 2 người đem nộp. [Trang 123 tập 2].

-Tháng 11 âl năm ất mão 1435 [Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình 2]: sứ Chiêm Thành từ về, ban cho lụa tấm. Sai Lê Nhữ Lẫm hỏi rằng: Ruộng các xứ Chiêm Động và Cổ Lũy đều là đất của ta, nước ngươi nhân lúc nước ta nhiều việc, cướp lấy làm của mình, đến nay vẫn không nói đến trả lại, lễ cống hàng năm không nộp là làm sao?. Sứ Chiêm trả lời: Bọn chúng tôi muốn cho hai nước thân yêu nhau, để gõ cổng xin lửa thôi. Song vua nước tôi già lẫn, không chịu tin ai. Tôi xin cho sứ thần của triều đình sang bảo với quốc vương tôi, nếu không thì dù bọn chúng tôi có nói cũng không có bằng chứng tin được. [Trang 154 tập 2] [10].

-Tháng 5 âl năm giáp tý 1444 [Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hòa 2]: Vua Chiêm Thành là Bí Cai đến cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh [Trang 189 tập 2].

-Tháng 4 âl năm ất sửu 1445 [Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hòa 3]: người Chiêm Thành đến cướp thành An Dung ở châu Hóa. Sai bọn Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự là Lê Thận và Nhập nội đô đốc là Lê Xí đem quân đi đánh [Trang 190 tập 2].

-Tháng chạp âl năm ất sửu 1445 [Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hòa 3]: Sai Bình chương sự Lê Khả đem quân đánh Chiêm Thành [Trang 190 tập 2].

-Ngày 22 tháng giêng âl năm bính dần 1446 [Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hòa 3]: Sai bọn Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả và Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy vua Chiêm Thành là Bí Cai hai ba lần đem quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh. Ngày 23, các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang, Đa Lang, Cổ Luy ở Chiêm Thành, mở thông đường thủy, đắp xây thành bảo để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đến thẳng cửa biển Thi Nại. Ngày 25, các quân của bọn Lê Thụ đánh phá được thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi, đồ quân khí cùng các tướng đầu hàng, rồi đem quân về. Cháu thúc bá của vua Chiêm cũ Bố Đề là Ma Ha Quý Lai đầu hàng trước, sai bề tôi là bọn Chế Cữu, Ma Thúc, Bà Bị sang chầu, dâng biểu xưng thần, xin lập cho làm vua. Tháng 6, đem vua nước Chiêm Thành là Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái miếu. Đại xá thiên hạ. Giữ vua Chiêm Thành là Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư. Sai sứ tìm những người Chiêm nguyên ở kinh thành cùng với những người tả hữu của vua Chiêm và các hàng tướng người Chiêm cho về nước [Trang 191 tập 2] [11].

-Tháng 3 âl năm kỷ sửu 1469 [Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận 10]: Người Chiêm Thành đi thuyền vượt biển đến quấy châu Hóa [Trang 309 tập 2].

-Tháng 8 âl năm canh dần 1470 [Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 1]: Quốc vương Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn thân đem quân thủy bộ voi ngựa hơn 10 vạn đánh úp châu Hóa. Tướng thủ biên ở châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, dồn cả dân vào thành, rồi chạy thư cáo cấp [Trang 314 tập 2].

-Tháng 11 âl năm canh dần 1470 [Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 1]: Ngày mồng 6, Vua xuống chiếu thân đi đánh Chiêm Thành. Trước đây người ở Thi Nại nước Chiêm Thành là Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi giết vua là Bí Điền cướp lấy nước, truyền ngôi cho em là Trà Toàn. Trà Toàn là người hung bạo làm bậy, dối thần ngược dân, dân Chiêm làm phản, Trà Toàn cũng chẳng nghĩ gì đến, lại kiêu ngạo tự cho mình là giỏi, không giữ việc công, khinh rẻ làm nhục sứ thần của triều đình, xâm nhiễu dân biên giới, nói vu đánh lừa người Minh để xin viện trợ mà sang cướp 26 vạn người, xuống chiếu thân đi đánh. Ngày hôm ấy sai Thái sư Lân quận công chinh lỗ tướng quân là Đinh Liệt, Thái bảo Kỳ quân công chinh lỗ phó tướng quân là Lê Niệm, đem 10 vạn thủy quân ba phủ vệ Đông Nam Bắc đi trước. Ngày 16, vua thân đem đại quân tiếp nối sau. Ngày mồng 6, Chỉ huy là Cang Viễn bắt sống Bồng Nga Sa là người giữ cửa quan Cu Đê nước Chiêm đem nộp. [Trang 315, 321, 324 tập 2].

-Tháng 3 âl năm tân mão 1471 [Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 2]: Ngày mồng một, hạ được thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm Thành là Trà Toàn. Ngày mồng 7, cho người Chiêm đầu hàng là là Ba Thái làm Đồng tri châu Đại Chiêm, Đa Thủy làm Thiêm tri châu. Vua dụ rằng: Hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, đời gần đây bị mất vào đất Chiêm, nay lấy lại được hết, đặc cách sai bọn ngươi trấn giữ, kẻ nào không chịu theo, cho giết rồi tâu sau. [Trang 326, 328 tập 2].

Tóm lại, trong khoảng thời gian từ 1402 cho đến 1471, sử sách nước ta ghi nhận được:

-Các cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành xảy ra vào những năm 1402, 1403, 1434, 1444, 1445, 1446, 1469, 1470, trong đó Đại Việt có 2 lần thắng lớn vào năm bính dần 1446 đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Đại Hòa 3, và năm tân mão 1471 đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức 2.

-Thời gian ngừng nghỉ giữa các cuộc chiến tranh dài ngắn khác nhau, cụ thể: 1403-1434 [31 năm], 1434-1444 [10 năm], 1444-1445-1446 [1 năm], 1446-1469 [23 năm].

-Bằng vào việc trao đổi với Chiêm Thành năm ất mão 1435 đời vua Lê Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình 2 và năm tân mão 1471 đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức 2 như đã ghi bên trên thì có thể khẳng định rằng biên giới của hai nước lúc bấy giờ chính là sông Thu Bồn, theo đó bờ bắc sông là Điện Bàn thuộc Đại Việt, và bờ nam sông là Thăng

Hoa thuộc Chiêm Thành [12].

-Ngoài những trận chiến đã được sử sách ghi nhận như trên, có thể chắc chắn cũng còn nhiều và rất nhiều những cuộc chiến tranh khác đã không được ghi nhận vì tính chất nhỏ, lẻ.

  1. Kết luận thời gian có chiến tranh khiến nhân dân li tán:

Từ những ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư giúp chúng ta có thể đi đến kết luận là thời gian mà Liêm, Thuần nhị quận công tranh; Thăng, Điện nhị phủ chi dân binh cách đại dữ nhân dân li tán thuộc vào những năm 1444, 1445, 1446 và 1470. Sở dĩ có thể kết luận như vậy là vì mặc dù sử sách chỉ nói đơn giản một vài dòng nhưng bằng vào việc ghi nhận số quân mang theo [10 vạn, 60 vạn, 26 vạn] và tướng lãnh cầm quân [Nhập nội kiểm hiệu thái bảo, Tổng quản, Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự, Nhập nội đô đốc, Bình chương sự, Nhập nội đô đốc bình chương, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính đều là những chức vụ quan trọng ở triều đình, ở ngay bên cạnh vua] chưa kể nhà vua thân chinh, cho ta hình dung được mức độ ác liệt của chiến trận, và khi mà chiến trận đã ác liệt như thế thì việc nhân dân li tán cũng là điều dễ hiểu.

Theo tôi, câu viết Liêm, Thuần nhị quận công tranh phải được hiểu là chiến trận diễn ra thường xuyên, liên tục, và đặc biệt là chưa đi đến hồi kết thúc. Hiểu như vậy thì thấy phù hợp với những năm chiến trận 1444, 1445, 1446 hơn là năm 1470. Trong thời gian 3 năm 1444 1446 đã liên tục xảy ra 4 lần chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành, Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận 4 lần Đại Việt đánh Chiêm Thành, như vậy có thể hiểu là ít nhất có 4 lần Chiêm Thành sang cướp phá nước ta nên Đại Việt mới đem quân đánh trả lại. Chỉ trong thời gian 36 tháng mà chiến sự đã 8 lần nổ ra, tính trung bình chưa tròn 4 tháng rưỡi hay 135 ngày lại có một trận chiến thì có thể khẳng định thời gian này đúng là thời kỳ binh loạn và là binh loạn ác liệt. Ngoài ra, xem quân số tham dự chỉ tính riêng Đại Việt đã là 10 vạn rồi 26 vạn với những tướng lãnh cầm quân như Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả [năm 1444], Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Lê Thận và Nhập nội đô đốc Lê Xí [năm 1445], Bình chương sự Lê Khả [năm 1445, lần thứ hai trong năm], Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả và Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục [năm 1446], đây toàn là những tướng lãnh đang nắm những chức vụ trọng yếu tại triều đình. Đại Việt sử ký toàn thư không cho ta biết quân số của Chiêm Thành lúc bấy giờ là bao nhiêu nhưng cũng có thể khẳng định rằng quân số ấy phải là tương đương so với quân số Đại Việt và tướng lãnh Chiêm Thành cũng phải là những tướng lãnh trọng yếu. Trong khi đó chiến trận năm 1470 tuy cũng ác liệt không kém, Chiêm Thành đã đánh tràn ra đến thành Hóa Châu [Thừa Thiên], vua Lê Thánh Tông thân chinh với quân số 26 vạn và các tướng lãnh là Thái sư Lân quận công chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt, Thái bảo Kỳ quân công chinh lỗ phó tướng quân Lê Niệm, nhưng đây lại là chiến trận sau một thời gian ngưng nghỉ tương đối dài từ năm 1446, không đáp ứng được tiêu chí thường xuyên, liên tục; và lại là chiến trận dẫn đến một hồi kết thúc, đó là đưa biên giới Đại Việt vào đến tận Bình Định, không còn ở vùng Thăng Điện, và tất nhiên không còn phù hợp với câuThăng Điện nhị phủ chi dân binh cách đại dữ nhân dân li tán .

  1. Về việc vào nam của Ngài Thủy tổ từ Mục lệ đồ tự, Cung lục thiệt lục, và Phổ hệ 1994:

Căn cứ vào câu viết Liêm, Thuần bên trên có thể xác định thời điểm là vào các năm 1444, 1445, 1446. Hiện nay sử liệu tộc Phan không giúp chúng ta có được kết luận cụ thể vào năm nào, nhưng từ những tài liệu trên có thể thấy:

1-Mục lệ đồ tự và Cung lục thiệt lục cho rằng Ngài Sơ tổ và Ngài Thủy tổ vào nam từ trước những năm xảy ra chiến trận ác liệt này nhưng cũng không nói rõ năm nào nên cũng không thể giúp xác định được thời điểm.

2-Còn Phổ hệ 1994 tại trang 442 ghi: thời kỳ Sơ tổ và Thủy tổ chúng ta vào lập nghiệp ở Hòa Đa và Bảo An, hai quận Liêm Thuần còn đang đánh nhau, nhân dân rất khổ cực và ly tán và sau đó kết luận tại trang 443 là năm 1459 đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Diên Ninh 9. Việc ghi nhận của Phổ hệ 1994 có mấy điểm chưa chính xác:

a.Đang đánh nhau, lại là chiến tranh giữa hai nước với quân số lớn, chiến trận ác liệt, nhân dân rất khổ cực và li tán, thì làm sao lại vào nam trong thời kỳ này. Dân ở tại chỗ còn phải li tán do chiến sự, làm sao dân ở nơi khác lại di dân đến cho được. Mà lại vào nam với nhiệm vụ khai phá đất đai, lập làng xã thì lại càng không đúng.

b.Thời kỳ từ 1446 đến 1469 là thời ngưng chiến tương đối lâu dài, nếu Ngài

Thủy tổ vào nam năm 1459 thì không thể viết là vào nam vào thời kỳ hai nước còn đang đánh nhau làm nhân dân cực khổ, li tán được. Ở đây có hai vế, nếu viết vào nam thời chiến tranh loạn lạc thì không phải là năm 1459 vì đây là thời kỳ thanh bình; còn nếu viết vào nam năm 1459 thì không thể ghi là chiến tranh đang xảy ra.

c.Chỉ có thể khẳng định những người dân Đại Việt vào nam thời kỳ này chính là những tướng lãnh và quân lính, họ vào nam với nhiệm vụ chống kẻ địch là chính, và sau khi tàn chiến trận, họ đã ở lại để vừa giữ gìn vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, vừa xây dựng kinh tế cho những kế hoạch lâu dài hơn sau này. Điều này là phù hợp với chức vị của Ngài Thủy tổ. Và vì vậy, cần phải khẳng định Ngài Thủy tổ vào nam không phải với mục đích khai phá đất đai là chủ yếu, không phải ngày thì khai phá, tối ngủ trên cây cao để tránh thú dữ như các trang Phổ hệ của tộc và như các văn tế vẫn thường sử dụng khi tế giỗ Ngài Thủy tổ.

Tôi viết bài này nhằm góp phần giải đáp câu viết Liêm Thuần nhị quận công tranh, Thăng Điện nhị phủ chi dân binh cách đại dữ nhân dân li tán đã ghi trong các tài liệu Mục lệ đồ tự, Cung lục thiệt lục, và Phổ hệ 1994. Việc vào nam của Ngài Thủy tổ đã được hai tài liệu và Phổ hệ ghi nhận dựa trên câu viết này. Vì vậy việc vào nam này không phải là ý kiến của cá nhân tôi, ý kiến cá nhân tôi đã trình bày trong Góp phần tìm về dòng tộc, tập 1. Mong rằng các thế hệ sau này có cơ may sẽ lý giải chính xác được thời điểm vào nam của Ngài Thủy tổ.

Chú thích

[1] Tuy dù có cùng một điểm xuất phát là câu Liêm, Thuần , nhưng diễn ý bên trong Phổ hệ 1994 và hai tài liệu Mục lệ đồ tự, Cung lục thiệt lục lại khác nhau: Phổ hệ 1994 cho Ngài Sơ tổ và Thủy tổ vào nam trong đời vua Lê Nhân Tông năm 1459 niên hiệu Diên Ninh 6; trong khi đó Mục lệ đồ tự và Cung lục thiệt lục lại cho rằng trong hoàn cảnh binh lửa như thế, Ngài Sơ tổ bèn khuyên Ngài Thủy tổ về quê Nghệ An [ý nói các Ngài đã vào nam từ trước rồi nên bây giờ Ngài Sơ tổ mới khuyên Ngài Thủy tổ trở về quê Nghệ An]. Mục lệ đồ tự và Cung lục thiệt lục là hai tài liệu mà Ban Tục biên Phổ hệ 1994 đã bỏ không đưa vào trong Phổ hệ vì cho rằng không đúng sự thật, dễ gây hiểu lầm cho con cháu mai sau. Ở đây, tôi chỉ sử dụng một câu viết trong hai tài liệu trên mà thôi, không sử dụng toàn văn nội dung của hai tài liệu.

[2] Của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn năm 1856-1881, Dịch giả: Viện Sử Học 1957-1960, Nhà xuất bản: Giáo Dục Hà Nội 1998, Chuyển sang ấn bản điện tử bởi: Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên 2001 Điều hợp: Lê Bắc 2001.

[3] Chú thích của Viện Sử học: Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, chia trong nước ra làm 36 quận, các huyện tùy theo địa thế thông thuộc vào quận, chính trị quận huyện bắt đầu từ đấy. Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận: Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi nhà Tống, ba quận ấy là đất Bách Việt ngày trước, từ Tần Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, mở núi dọn đường, cướp lấy đất Dương, Việt, đặt ra Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Bây giờ tỉnh Quảng Tây tức là Quế Lâm, tỉnh Quảng Đông tức là Nam Hải, đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần.

[4] Bài viết này được tập hợp từ các trang web: khongtu.com; lyhocdongphuong.org.vn; thienvanvietnam.org; nhantu.net. Xin chân thành cám ơn các tác giả: Nguyễn Quang Riệu, Mộc Công, Bùi Dương Hải, Nguyễn Văn Thọ.

[5] Do tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau nên ở bài viết ghi là Thiên Hành hay Hành nhưng hình vẽ ghi là Ngọc Hoành, cũng tương tự như vậy với Thiên Toàn [Thiên Tuyền]. Đây là do các tác giả.

[6] Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Phạm Trọng Điền dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997; và Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, TS Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu, Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai 2006 trang 16 và chú thích sao Thuần Vĩ cũng ở trang này.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, trang 732, tập 1: Chiêm Động là đất phần nam Quảng Nam đổi làm 2 châu Thăng Hoa; Cổ Lũy là đất phần bắc Quảng Ngãi đổi làm 2 châu Tư Nghĩa. Ở đây tôi không dẫn chứng về Điện Bàn vì đã được dẫn chứng ở các bài trước.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, trang 792, tập 1 ghi: Giáp ngọ 1414 chiêu dụ, vỗ về nhân dân Tân Bình, Thuận Hóa Lại phủ Thăng Hoa tuy có đặt quan, nhưng Chiêm Thành vẫn có trưởng lộ chiếm quản, nhà Minh chỉ ghi tên không mà thôi. Xin xem thêm bài Trao đổi một số ý kiến với Địa chí xã Điện Quang Bản giấy A4 ở bên trên.

[9] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn [Tên vua và niên hiệu là của người viết PBLương thêm vào].

[10] Sứ nước Chiêm sang Đại Việt từ tháng 9, nay về nước. Câu đối đáp của hai sứ giả cho thấy đến nay 1435 Chiêm Thành vẫn còn chiếm giữ Chiêm Động và Cổ Lũy.

[11] Chú thích của Đại Việt sử ký toàn thư: Ly Giang, sau đổi làm Ly Giang, rồi Lê Dương thuộc tỉnh Quảng Nam; theo Đại Nam nhất thống chí thì huyện ấy do phủ Thăng Bình kiêm lý chính là tương đương với huyện Thăng Bình, ở phía nam sông Chợ Củi. Đa Giang không rõ ở đâu. Cổ Lũy: cửa Đại; Cổ Lũy tức là cửa sông Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi. Thi Nại tức cửa Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Chà Bàn thuộc tỉnh Bình Định.

[12] Có một số tác giả căn cứ vào sự hiểm trở của núi Hải Vân so với sông Thu Bồn và vào việc nam chinh của vua Lê Thánh Tông đã chạm trán quân Chiêm ngay tại cửa quan Cu Đê tại Đà Nẵng mà cho rằng biên giới giữa hai nước lúc bấy giờ là núi Hải Vân và vùng đất Điện Bàn đã bị Chiêm Thành chiếm lại từ khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta. Theo tôi thì không phải, vì như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi ở trên vào năm 1435 đời vua Lê Thái Tông và năm 1471 đời vua Lê Thánh Tông vẫn khẳng định rằng đất Đại Chiêm và Cổ Lũy là đất bị người Chiêm chiếm đóng trong khi không nói gì đến vùng đất Điện Bàn thuộc châu Hóa cả, mà không nói đến thì có nghĩa là vùng đất này không bị Chiêm Thành chiếm cứ. Còn về việc bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa trong cuộc chiến 1471 ngay tại cửa quan Cu Đê chỉ là vì trước đó quân Chiêm đã tiến ra đến thành Hóa châu [ở Thừa Thiên], tướng Phạm Văn Hiển của Đại Việt đánh không lại phải vào thành cố thủ, vùng đất Điện Bàn vì vậy rơi vào tay quân Chiêm là điều dễ hiểu, nhưng thời gian quân Chiêm chiếm đóng Điện Bàn cũng không dài, chỉ từ tháng 8 âl đến tháng 11 âl năm canh dần 1470, vì vậy không thể kết luận rằng biên giới giữa hai nước lúc bấy giờ là núi Hải Vân.

Quảng cáo

Share this:

Danh mục: Dòng tộc
Để lại nhận xét

Video liên quan

Chủ Đề