Thức ăn thô cho bé là gì

Một giai đoạn quan trọng trong quá trình ăn dặm của bé đó là việc bé tập ăn các thức ăn thô, thay vì các đồ ăn được xay nghiền nhuyễn. Nếu bé không được tập luyện và phát triển kỹ năng này từ sớm, nhiều bé sẽ có thói quen chỉ ăn đồ xay nhuyễn mãi tới sau này khó sửa đổi.

Vậy ăn thô có tác dụng như thế nào và cần lưu ý gì khi cho bé ăn thô? Các mẹ hãy tìm hiểu cùng Hanin ở bài viết dưới đây để chuẩn bị cho bé thật tốt nha!

ĂN THÔ CÓ TÁC DỤNG GÌ?

- Tạo cơ hội cho các cơ hàm được nhai, vận động tốt, làm tiền đề cho một thói quen ăn uống chủ động về sau này. Ngoài ra, khi bé phát triển những chiếc răng đầu tiên thì bé thường xuyên bị ngứa nướu nên cũng thích được nhai hơn. Điều đó còn tạo điều kiện thuận lợi, giúp bé thích nghi dễ dàng trong việc chuyển qua ăn cơm sau này.

- Giúp phát triển hệ tiêu hóa bởi khi bé nhai thức ăn đủ lâu sẽ cảm nhận được mùi thơm, tuyến nước bọt sẽ tiết ra kịp thời, từ đó dinh dưỡng sẽ được hấp thụ tối đa.

- Việc bé tiếp xúc với hình dáng, màu sắc ban đầu của thức ăn sẽ giúp kích thích sự phát triển thị giác, xúc giác. Đặc biệt, nếu ăn cùng giờ, cùng những loại thức ăn trên bàn ăn và kết thúc bữa ăn cùng với cả nhà sẽ hình thành cho bé thói quen chủ động và tự lập, biết tiết kiệm thức ăn và giữ vệ sinh chung.

DẤU HIỆU KHI BÉ CÓ THỂ BẮT ĐẦU ĂN THÔ

– Bé có thể tự ngồi vững, thẳng người mà không cần đỡ và dựa vào ghế hay bất cứ đâu.

– Tần suất nghẹn của bé thấp, bé vui vẻ và sẵn sàng cho việc tự ăn.

– Bố mẹ cần biết các kĩ năng sơ cấp cứu trong trường hợp bé bị nghẹn, hóc.

Khi bé đã đáp ứng 2 dấu hiệu trên và bố mẹ đã có kiến thức sẵn sàng phòng khi trường hợp bé nghẹn thì các mẹ có thể tập cho bé ăn thô dần.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BÉ TẬP ĂN THÔ

Sẵn sàng các kỹ năng sơ cứu nếu bé có bị hóc

Bị hóc là một trong những trường hợp nguy hiểm và thường xảy ra khi bé ăn thô. Chính vì vậy mẹ cần trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết như việc nhận biết khi nào bé bị hóc, cách xử lý các tình huống khi bé bị hóc, … thì mới nên cho bé ăn thô.

Chẳng hạn như việc nhận biết các dấu hiệu cơ bản để mẹ có thể nhanh chóng nhận ra trẻ đang bị hóc trong khi ăn thô: ho đột ngột, ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ. Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của bé. Và trong những trường hợp đó mẹ cần phải có những kỹ năng xử lí tình huống cần thiết để có thể bảo đảm an toàn cho bé. Mẹ cần phải biết những cách sơ cứu tại chỗ cho bé hoặc liên hệ ngay với bệnh viện gần nhất để có thể chữa trị kịp thời cho bé.

Phân biệt hóc và oẹ để có thể hỗ trợ bé kịp thời

Mẹ cần phân biệt khi nào bé bị hóc và khi nào bé ọe để có thể hỗ trợ bé kịp thời, tránh trường hợp nhầm lẫn, không xác định chính xác thì khi đó mẹ sẽ lúng túng và rất dễ đưa ra các biện pháp sai.

Phản xạ ọe sẽ tự động xuất hiện nếu có thức ăn hay các vật thể khác ở quá gần đường thở của bé. Khi em bé bị ọe, bé có thể ho, tạo ra một chút tiếng động và có thể hơi đỏ mặt. Tuy nhiên việc này dường như không ảnh hưởng gì đến bữa ăn của bé, bé sẽ tiếp tục ăn sau đó như bình thường..

Còn khi đường thở bị chặn bởi thức ăn, bé sẽ không thể phát ra âm thanh, ngực và xương sườn sẽ bị kéo vào khiến bé khó thở, ho sặc sụa, sắc mặt thay đổi trở nên tím tái. Đây là dấu hiệu của việc bé bị hóc.

Chính vì vậy việc mẹ phân biệt rõ ràng hai hiện tượng hóc và ọe sẽ giúp mẹ tìm cách xử lý phù hợp và bảo đảm sức khỏe cho bé.

Sơ chế thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của bé (cắt miếng phù hợp, nắm cơm, viên thịt…)

Việc sơ chế thức ăn phù hợp với các giai đoạn phát triển của bé là rất cần thiết bởi vì tùy thuộc vào từng giai đoạn mà lượng thức ăn cơ thể bé tiêu hóa cũng như cách thức ăn của bé cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn trong giai đoạn đầu khi bé mới chuyển sang ăn thô, mẹ nên xay thịt rồi vo viên tròn cho bé ăn rồi sau đó mới đến cắt miếng nhỏ vừa ăn và nấu mềm cho bé.

Tránh các thức ăn dễ gây oẹ, hóc

Việc lựa chọn các thức ăn cho bé trong việc ăn thô cũng đóng vai trò quan trọng để mẹ có thể hạn chế việc ọe, hóc khi ăn ở bé. Mẹ cần phải lựa chọn những thực phẩm vừa đảm bảo an toàn cũng như hạn chế khả năng gây ra hiện tượng ọe, hóc ở trẻ.

Chẳng hạn mẹ không nên để thức ăn ở dạng hình tròn để hạn chế tối đa nguy cơ hóc, ví dụ như quả cà chua bi mẹ có thể bổ đôi sau đó bỏ hạt ra để bé có thể ăn. Mẹ nên tránh các loại thực phẩm dễ gây bứ nghẹn như khoai lang, khoai tây. Mẹ cũng không nên cho bé ăn những thức ăn cứng, dạng hạt như đậu phộng, các loại hạt…

MỘT SỐ CÁCH GIÚP BÉ ĂN THÔ HIỆU HIỆU QUẢ HƠN

GIỚI THIỆU MỘT LOẠI THỰC PHẨM VÀO MỘT THỜI ĐIỂM

Người lớn hay trẻ con cũng vậy, đều cần có thời gian để tiếp nhận và làm quen với một điều gì đó mới. Vậy nên mẹ cần cho bé thích nghi với một món ăn trước khi giới thiệu thêm các món khác. Thay vì cho bé ăn quá nhiều món thì mẹ hãy cho bé ăn một món trong 2-3 ngày đầu. Mẹ có thể cho bé bắt đầu làm quen từ món mềm đến cứng dần để hệ tiêu hóa của trẻ dễ thích nghi với việc ăn thô. Điều này không những giúp bé thích nghi với các món ăn mà còn giúp mẹ kiểm tra và phát hiện những phản ứng của bé với thức ăn như dị ứng, tiêu chảy hay nôn mửa ...

Ngoài ra mẹ cũng nên dùng nhiều cách để chế biến một loại thực phẩm cho bé ăn. Điều này giúp kích thích vị giác của bé, tạo cho bé cảm hứng muốn ăn và giúp bé dễ dàng thích nghi với việc ăn thô hơn.

ĐỪNG BẮT ÉP BÉ ĂN

Không phải cứ bắt ép là con sẽ đồng ý ăn, điều này không có lợi mà còn mang đến những tác hại xấu, khiến bé trở nên không muốn ăn, mỗi lần thấy món đó đều sẽ sợ và lâu dần có thể làm mất đi sự cân bằng dinh dưỡng.

Bạn đừng cố bắt trẻ phải ăn một món mà sau khi thử bé có biểu hiện nhăn mặt hoặc né tránh. Các mẹ hãy đem món đó đi thay bằng một món khác thu hút bé hơn. Nếu mẹ muốn bé có thể chấp nhận và ăn món đó thì cứ cách vài ngày cho bé ăn hoặc trộn nó với thực phẩm nào khác mà bé thích để bé làm quen dần.

HÃY BẮT ĐẦU CHO BÉ ĂN BẰNG CÁC THỨC ĂN PHONG PHÚ

Không phải cứ lúc nào bắt đầu cho bé ăn thô bằng cơm cũng đều hiệu quả. Tuy cơm là thực phẩm an toàn và cung cấp năng lượng nhưng mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn thô bằng những món ăn đa dạng khác để kích thích sự hứng thú của bé, chẳng hạn như mì nui hoặc bánh mì,...

HÃY CHO BÉ ĂN ĐẦY ĐỦ CHẤT DINH DƯỠNG, ĐỪNG NGẠI ĂN THỊT

Thịt là một thực phẩm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho bé như kẽm, sắt, các chất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của bé. Vậy nên mẹ đừng ngại thử món này, khi bé thực sự sẵn sàng cho việc ăn thức ăn thô, mẹ đã có thể cho bé ăn thịt tuy nhiên nên xay nhuyễn ra sau đó vo viên lại cho bé ăn.

Đặc biệt mẹ có thể cho bé bắt đầu với món thịt gà vì thịt gà là thực phẩm có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho bé.

KHÔNG NÊN CHO BÉ ĂN THÔ QUÁ SỚM

Khi bé chưa sẵn sàng với việc ăn thô thì mẹ đừng nên ép bé. Điều đó sẽ gây nên phản ứng ngược với cơ thể và sức khỏe của bé.

Hãy dựa trên tình trạng phát triển cũng như sức đề kháng của bé để có thể lựa chọn được thời điểm ăn thô phù hợp.