Thực trạng thị trường vốn ở Việt Nam hiện nay

Thực trạng thị trường vốn ở Việt Nam hiện nay

Thực trạng phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam

Thành tựu đã đạt được:

  • Đáp ứng nhu cầu vốn chủ yếu cho nền kinh tế trong thời gian qua.

  • Số lượng và loại hình của các tổ chức tham gia thị trường ngày càng tăng, vừa đảm bảo đa dạng hóa đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của nền kinh tế.

  • Nguồn cung hàng hóa được mở rộng: Trên thị trường vốn tín dụng ngân hàng, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập, dưới sức ép cạnh tranh từ sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng thương mại trong nước đã buộc phải cải thiện, đa dạng hóa các sản phẩm và phát triển dịch vụ ngân hàng mới giúp nâng cao tiện ích cho khách hàng. Trên thị trường chứng khoán, số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh. Ngoài những sản phẩm chứng khoán truyền thống là cổ phiếu, trái phiếu, khung khổ pháp lý về chứng khoán phái sinh đã được xây dựng từ năm 2015 và thị trường phái sinh này đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/08/2017, với sản phẩm cơ bản đầu tiên là hợp đồng tương lai.

  • Khung pháp lý về thanh tra, giám sát ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế: Đối với thị trường vốn tín dụng ngân hàng, việc giám sát đã chuyển từ mô hình giám sát tại chỗ sang giám sát từ xa (theo dự án xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa năm 2010), gắn chặt hơn giám sát từ xa với thanh tra trực tiếp để đảm bảo giám sát thường xuyên, liên tục đối với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc ban hành và thường xuyên cập nhật các quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng cũng đã giúp ngành ngân hàng phát triển ổn định. Đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu, cơ chế giám sát được thực hiện theo hai cấp, có sự phân công và phối hợp giữa cấp giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cấp giám sát của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của giám sát.

Một số hạn chế còn tồn tại:

Thị trường vốn Việt Nam lệ thuộc lớn vào chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Khi kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát tăng cao, chính sách tài chính tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thắt chặt để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, vì vậy mặt bất lợi của chính sách thắt chặt đã tác động tiêu cực đến thị trường vốn.

Đối với thị trường vốn tín dụng ngân hàng:

  • Thị trường vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết. Điều này đến từ hai nguyên nhân chính: Do tính chất của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh dựa vào vay nợ, không dựa vào vốn chủ sở hữu; Thị trường vốn trung và dài hạn không huy động được nhiều. doanh nghiệp vay ngân hàng chủ yếu là vay ngắn hạn.

  • Thị trường tín dụng phát triển thiếu tính ổn định. Nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn và không kỳ hạn, nên tính ổn định chưa cao. Mặt khác, các sản phẩm ngân hàng phái sinh và các dịch vụ ngân hàng khác chưa thật sự phát triển, doanh thu của hệ thống ngân hàng vẫn dựa chủ yếu vào hoạt động cấp tín dụng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng, khiến hoạt động tín dụng của ngân hàng khó có thể duy trì ổn định.

  • Mặc dù là thị trường cung cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp nhưng do khó khăn từ nền kinh tế, khó khăn từ nội tại các doanh nghiệp và ngân hàng, những điểm nghẽn của nền kinh tế (nợ xấu, hàng tồn kho) không được giải quyết nhanh chóng và triệt để, trong khi giá vốn rất cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

  • Tình trạng nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, trong khi hàng tồn kho tăng cao, năng lực cạnh tranh thấp, kinh doanh thua lỗ, v.v dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, giải thể, kéo theo cầu về vốn giảm mạnh.

Đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu:

  • Quy mô mặc dù tăng nhưng chất lượng thị trường chưa đạt được kỳ vọng. Nhiều cổ phiếu lớn niêm yết mới tăng giảm thất thường, các cổ phiếu lớn tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số và không phản ánh đúng giá trị thực cổ phiếu. Hoạt động niêm yết trên sàn Upcom một mặt mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, mặt khác đang tạo hiệu ứng pha loãng cổ phiếu.

  • Nhà đầu tư trên thị trường chưa chuyên nghiệp. Hệ thống nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến nay tuy phát triển khá đa dạng, nhưng trên thị trường trái phiếu thì nhà đầu tư chính là các ngân hàng thương mại, nhu cầu đầu tư của các ngân hàng lại phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh (cho vay), khiến nguồn vốn này không có tính ổn định, có thể giảm đột ngột bất và không đem lại sự phát triển bền vững cho thị trường. Ngoài ra, nguồn vốn đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân khá lớn nhưng thiếu sự bền vững khi dễ bị tác động bởi tâm lý, tin đồn hay hoạt động của khối nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư tiềm năng như quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm lại chưa được khai thác triệt để.

  • Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng. Tại Việt Nam, phân khúc trái phiếu chính phủ nắm phần chủ yếu trên thị trường, với tỷ trọng trong tổng dư nợ thị trường vượt trội so với trái phiếu doanh nghiệp.

  • Mặc dù vẫn được xem là thị trường có tốc độ tăng trưởng khá nhưng thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn những rủi ro ngắn hạn, tính thanh khoản còn thấp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phát triển, ngân hàng vẫn là thành viên chủ chốt tham gia thị trường này. Những bất cập này đã hạn chế việc cung cấp vốn với giá cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
  2. Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;
  3. Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng
  4. khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;
  5. Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.