PGS-TS BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Chấn thương phần mềm (cơ, dây chằng, gân, da và các mô bao quanh) là chấn thương rất thường gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã Chấn thương này gây ra các triệu chứng như vết bầm, phù nề, sưng đau Nếu được xử lý ban đầu đúng cách sẽ giúp tổn thương nhanh hồi phục. Ngược lại, việc điều trị sai cách có thể khiến vết thương trầm trọng hơn, gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến chức năng của khớp, khó khăn trong điều trị và vận động, sinh hoạt.

Thuốc giảm đau, khi bị ngã xe

Nếu xử lý ban đầu đúng cách sẽ giúp chấn thương phần mềm nhanh hồi phục (Ảnh minh họa từ Internet)

Ngay sau khi bị chấn thương, cần cố định vết thương, nghỉ ngơi, ngưng vận động để giảm tổn thương mô. Có thể sử dụng túi chườm lạnh để giảm sưng đau, giúp vết thương không lan rộng. Nên băng ép đúng cách và gối cao bộ phận cơ thể bị thương để giảm phù nề. Trong khoảng 1 - 3 ngày, nếu tình trạng không được cải thiện thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cũng cần lưu ý thêm người dân thường có thói quen tự ý sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị các chấn thương phần mềm. Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, nếu sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là với những người có nhiều bệnh nền.

Xuân Thu ghi