Thuốc tím có dụng được cho trẻ sơ sinh

Các bác sĩ tham gia tư vấn

Câu hỏi 11

Người hỏi: Tibumngo Vu – Ngày hỏi: 6/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ, bác sĩ cho em hỏi con em được 4 tháng, mấy hôm nay cháu có nổi mấy nốt mụn ở chân phải và đùi, bác sĩ xem hộ em là nốt gì được không ạ, em cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

Chào chị. Hiện tại cháu có sốt? Nổi hạch ở bẹn? Cháu có ho hay khó thở? nôn?…

Nếu không có các dấu hiệu trên thì chị yên tâm là viêm da đang tiến triển ổn định.

Tiếp tục cho bú mẹ, có thể dùng các Nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím pha loãng nồng độ 1/10.000 dùng để rửa các vết thương, vết trầy xước, các vết loét. Thuốc đỏ, dung dịch xanh – methylen, milian… có tính sát khuẩn tại chỗ, bôi tại chỗ để phòng và chống bội nhiễm.

Không tự ý lấy các thuốc kháng sinh toàn thân để dùng tại chỗ. Ví dụ: Rắc bột Penicilline hay Streptomycine hoặc Chlorocid… lên vết thương, vì dùng kháng sinh nguyên chất, liều tác động lên tại chỗ rất cao sẽ làm kích thích da. Mặt khác, cách dùng thuốc như thế dễ gây ra dị ứng, thậm chí làm cho bệnh nặng thêm…

Câu hỏi 12

Người hỏi: Hoaxuyen Chi – Ngày hỏi: 4/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Trần Thị Khánh Nga

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi con bị gì ạ? Cháu không sốt, không quấy khóc.

Trả lời

Để khám và chẩn đoán một bệnh da, người bác sĩ cần khám tổng quát từ đầu đến chân, và hỏi thêm một số biểu hiện kèm theo thì mới có chẩn đóan chính xác được. Bác sĩ không thể cho chẩn đoán cuối cùng với một tấm hình, vì sẽ có nhiều thiếu sót trong việc ghi nhận triệu chứng của bệnh và chẩn đóan. Đây là lí do tại sao bệnh nhân nên gặp trực tiếp bác sĩ để được khám trực tiếp và toàn diện vẫn là tốt nhất.

Tuy vậy, mình cũng gợi ý cho bạn hướng chẩn đoán ở đây. Trong hình này, mình thấy bé chỉ bị mặt ngoài của cánh tay, nên đây có thể là viêm da tiếp xúc nha bạn. Bạn xem lại nôi, giường của bé có thật sạch chưa, có bị bám bụi hay dính nước tiểu gì không. Bạn nên rửa cánh tay bằng nước sạch 3-4 lần mỗi ngày, sau đó dùng khăn mềm lau khô, giữ cho tay không tiếp xúc với các dị nguyên nữa, sau vài ngày sẽ hết bạn nhé.

Câu hỏi 13

Người hỏi: Gia Nguyen – Ngày hỏi: 28/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi con em được 10 ngày tuổi, bị nổi mụn nước như thế này thì phải làm sao ạ?

Trả lời

Chào chị. Sang thương này do ở trẻ sơ sinh các tuyến mồ hôi chưa phát tiển nên khi mồ hôi tiết nhiều do nóng sẽ gây ứ đọng. Biểu hiện là những bọng nước nông, nhỏ, trong dễ vỡ không để lại sẹo, không ngứa, không đau, không có viêm…và có thể tự mất sau 2-3 ngày. Chị có thể tắm cháu với dung dịch vệ sinh dành cho trẻ sơ sinh thông thường. Tắm bằng dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10000, có một số lá, quả tắm tốt như mướp đắng, sài đất.

Chúc cháu luôn khỏe!

Câu hỏi 14

Người hỏi: Phương Loan – Ngày hỏi: 20/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức vs BS. Trần Thị Khánh Nga

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi. Con em từ 2 tháng rưỡi da đầu của bé tăng tiết nhờn hình thành vảy gàu thành cứt trâu. Em đã cố gắng gội sạch nhưng ngày hôm sau lại lên tiếp. Và mấy hôm nay thì lần xuống trán. Tạo thành vảy li ti trên da mặt. Như kiểu tróc da. Bác sĩ cho em hỏi cách có thể điều trị bệnh này được không.

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Trẻ em mới sinh, trên da đầu nhất là vùng thóp có những tảng vẩy da dầy màu nâu xám ta thường gọi là “cứt trâu “. Đó là những chất do tuyến bã nhờn tiết ra đọng khô lại có nhiệm vụ bảo vệ vùng thóp còn phập phồng. Nếu cứt trâu thành lớp mỏng thì chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, không đáng ngại. Trẻ em càng lớn “cứt trâu” càng ít đi, đến 2-3 tuổi có thể hết hẳn. Nhưng cũng có trường hợp “cứt trâu” đóng thành từng tảng dày bết vào chân tóc, bóc lên thấy da đầu ở đó hơi đỏ ướt. “Cứt trâu” dày làm em bé ngứa ngáy phải gãi đầu có thể có những biến chứng nhiễm khuẩn nung mủ (chốc đầu), nổi đinh nhọt ở da đầu, vì cứt trâu là môi trường tốt cho vi khuẩn ngoài da (liên cầu, tụ cầu) phát triển. “Cứt trâu” nhiều có thể làm rụng tóc, thưa thớt hay từng đám vì chất nhờn tiết ra nhiều vít lỗ chân tóc gây rối loạn dinh dưỡng và làm rụng tóc.

Nếu “cứt trâu” ít, mỏng, không cần chữa. Chỉ cần gội đầu bình thường dần dần em bé lớn sẽ hết “cứt trâu”. Nếu cứt trâu thành từng tảng dầy như trường hợp của bé có thể áp dụng một trong các biện pháp sau:

  • Vài ngày một lần bôi ít dầu Parafin lên da đầu để vài giờ cho cứt trâu bở ra, sau đó gội bằng nước chanh loãng. Làm như vậy 3-5 lần lớp cứt trâu sẽ mỏng dần.
  • Có thể bôi một số thuốc kem, mỡ sau khi được bác sỹ tham vấn như Acid salicylic 2%, Chlorocid 1%, Erythromycin 1%, Diprosalic, kết hợp gội đầu bằng nước chanh, bồ kết loãng, nước lá chè tươi. Khi gội hết sức nhẹ nhàng, tránh cào vò mạnh có thể làm da đầu bé sây sát sẽ biến chứng thành nung mủ, chốc lở, mụn nhọt…
  • Nếu đã thành biến chứng chốc đầu, đinh nhọt nhất thiết phải đi khám ở thầy thuốc chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị thích hợp.

Lưu ý:

  • Không nên dùng tay cố gắng kỳ cọ mạnh tay để loại bỏ “cứt trâu” trên đầu bé.
  • Tuyệt đối không được tùy tiện bôi thuốc cho bé, vì nến trẻ bị “cứt trâu” có kèm theo viêm da cơ địa hoặc có bội nhiễm liên cầu, tụ cầu thì bắt buộc phải đưa bé đi khám.

Cách phòng tránh bệnh “cứt trâu” cho bé:

  • Cần giữ da đầu trẻ sạch, khô. Gội đầu hằng ngày bằng dầu gội của trẻ để loại bỏ chất nhờn và tế bào chết.
  • Vào những ngày ấm áp, không cần đội mũ cho trẻ vì có thể gây bí hơi và ẩm da đầu. Nên đội cho bé những chiếc mũ có chất liệu cotton mềm mại.

Chúc cháu chóng khoẻ!

BS. Trần Thị Khánh Nga

Cứt trâu là bệnh viêm da tiết bã nhờn ở trẻ em. Các mảng cứt trâu sẽ tự rớt dần và bệnh sẽ tự khỏi khi bé đến 2-3 tuổi nhé bạn. Bạn không nên cố gắng gội sạch cứt trâu cho bé, vì làm như vậy sẽ tổn thương da đầu của bé sơ sinh. Bạn có thể hỏi mua một ít dầu mè nguyên chất xoa lên vùng có nhiều cứt trâu để những vảy cứt trâu khô cứng trở nên mềm và dễ bong ra hơn, tắm và lau da đầu nhẹ nhàng mỗi ngày 1 lần bằng khăn mềm.

Câu hỏi 15

Người hỏi: Kim Anh – Ngày hỏi: 20/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi. Bé bị vậy là gì ạ? Bé có bị rụng tóc. Bé được 1 tháng 6 ngày. Bị vậy cũng mấy ngày rồi ạ. Có đi khám cho bé không ạ? Cám ơn bác sĩ.

Trả lời

Chào chị. Thông thường ở trẻ nhỏ, do có sự ứ đọng của các chất bã hoặc do kích thích tố của mẹ còn lưu lại nên ở vùng trán, mũi, gò má, cằm của trẻ có những hạt nhỏ màu trắng đục nhô lên da như hạt kê. Các “hạt kê” này sẽ tự mất sau 6 tuần tuổi.

Chỉ cần rửa mặt và tắm hàng ngày cho bé bằng nước sạch, ấm. Pha nước vừa đủ ấm, không dùng nước quá nóng làm hại da trẻ, gây phỏng rộp do da trẻ rất mỏng manh. Dùng khăn mềm lau cho trẻ. Khi tắm chỉ nên dùng xà phòng dành riêng cho trẻ. Không dùng các loại sữa tắm người lớn, không bôi bất cứ loại nước thơm, nước hoa nào làm trẻ bị dị ứng da. Không nên kỳ cọ mạnh, ảnh hưởng đến da của bé. Cần lưu ý giữ cho làn da bé luôn khô ráo và thoáng mát.

Quần áo trẻ phải được giặt kỹ bằng xà phòng ít chất tẩy, ngâm trong nước xả vải cho mềm. Chất liệu vải nên chọn loại cotton, hút mồ hôi và thoáng hơi. Giặt và phơi khô quần áo cho bé rồi cất vào tủ dành riêng cho bé. Quấn cho bé bằng tã vải cho thoáng, không mặc tã giấy làm bít hơi. Ngoài quần áo, chăn màn, khăn lau của bé cũng phải được quan tâm giặt giũ cẩn thận, không dùng đồ bị ẩm thấm nước tiểu.

Trong trường hợp bé có bất kỳ biểu hiện bất thường gì nên đưa bé đi khám để được xử trí thích hợp. Không bôi những loại thuốc kem hay uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Lúc mới sinh, tóc của bé đang ở giai đoạn tăng sinh (mọc tóc). Sau một thời gian ngắn, một phần do sự thay đổi các nội tiết tố (hormon) mà bé nhận từ mẹ trong bào thai, tóc của bé chuyển sang giai đoạn rụng tóc. (Nhiều bà mẹ sau sinh cũng thường gặp hiện tượng rụng tóc hàng loạt với lý do tương tự).

Các bậc cha mẹ đôi khi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng, em bé của mình sau đó sẽ có một mái tóc hoàn toàn mới, khác lạ so với mái tóc nguyên thủy khi mới được sinh ra. Khi mới sinh, có thể tóc bé rất đen và dày nhưng qua đợt rụng “tóc máu”, tóc bé không còn đen nữa mà có màu hơi nâu…

Tình trạng rụng tóc này sẽ thấy rõ nhất lúc khoảng 3-6 tháng tuổi. Từ 6 tháng đến 1 tuổi, đa số các bé sẽ dần dần biết lật, trườn, bò…, vì vậy giai đoạn này sẽ thấy bớt rụng tóc (cũng có khi trễ hơn).

Bạn có thể đưa bé đi khám, nhất là sau 6 tháng tuổi mà bé còn bị rụng tóc nhiều. Nguyên nhân có thể do bé bị thiếu máu, có vấn đề ở tuyến giáp hoặc hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rụng tóc ở bé có liên quan tới còi xương. Tuy nhiên, không nên chỉ thấy bé rụng tóc (hoặc có những mảng hói nhỏ trên đầu) mà vội kết luận rằng bé bị còi xương. Nếu bị còi xương, bé sẽ có những biểu hiện khác đi kèm, chẳng hạn ngủ không yên, hay đổ mồ hôi gáy, chậm liền thóp… Bạn nên cho bé đi khám để có câu trả lời chính xác nhất.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rụng tóc từng vùng, con bạn có thể được đề nghị đến gặp bác sĩ da liễu để đánh giá thêm.

Nếu rụng tóc của bé là do dị ứng dầu gội, bạn sẽ chỉ phải điều trị tóc và da đầu của bé bằng loại dầu gội dịu nhẹ nhất dịu dàng trong một thời gian cho đến khi nó phát triển trở lại. (Hãy nhớ rằng tóc của em bé luôn mỏng manh vì thế bạn nên chọn loại dầu gội phù hợp cho da đầu của bé ngay từ khi mới sinh và tránh chải, chỉ cần vuốt nhẹ nhàng).

Chúc bé luôn khoẻ!

Câu hỏi 16

Người hỏi: NTTT – Ngày hỏi: 20/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Trần Thị Khánh Nga

Câu hỏi

Các bác sĩ ơi cháu 1 tuổi bị thế này đã 3 hôm rồi có phải là chốc loét không ą? Có thể bôi Xanh Methylen 1% lên để khỏi bị rỉ nước hay điều trị ra sao cho hiệu quả ą? Trân trọng cảm ơn các bác sĩ.

Trả lời

Mẹ bé có thể ra quầy thuốc hỏi mua tube thuốc FOBAN hoặc FUCIDIN thoa cho bé ngày hai lần, và theo dõi các tiến triển của của tổn thương da. Nếu bé không sốt, tổn thương không lan rộng và giảm dần thì tiếp tục bôi khoảng 7 ngày để tổn thương lành hẳn. Nếu bé sốt, tổn thương lan rộng hơn thì cần phải đi khám trực tiếp tại bác sĩ da liễu hoặc chuyên khoa nhi để bác sĩ theo dõi kĩ hơn nhé. Chúc bé mau lành da.

Câu hỏi 17

Người hỏi: Le Nga – Ngày hỏi: 13/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Các bác sĩ cho em hỏi. Con em được 3,5 tháng. Lúc mới sinh cháu có một cụm đỏ ở bụng. Càng ngày càng đỏ và rộp lên, đến giờ em mới thấy xuất hiện đám đỏ mới quanh đấy. Có phải là u máu lan toả, có nguy hiểm không và hướng điều trị như thế nào các bác sĩ. Mong tin các bác sĩ. Em cảm ơn ạ. Đây là hình mới sinh của cháu.

Trả lời

Chào chị. Sang thương trong hình như biểu hiện của hemangioma (bướu máu).

Bướu máu là các sang thương bẩm sinh gồm những mô lành tính nhưng vị trí không đúng chỗ gồm các động mạch và mao mạch bị giãn và nhiều mạch máu tăng sinh tụ thành bướu.

Nguyên nhân chính xác của bướu máu hiện nay còn chưa rõ. Bướu máu không phải là bệnh di truyền và nó không liên quan gì đến bệnh tật, thuốc men hay thức ăn của bà mẹ trong lúc mang thai.

Bướu máu thường được gọi là “bớt dâu tây” xuất hiện ngay sau sinh hay vài tuần vài tháng sau sinh, có thể thay đổi từ một vết nhỏ như nốt ruồi son, một mảng hồng, hồng đậm màu lên dần, có thể gồ lên thành mảng.

  • Bướu lớn dần theo người em bé tùy trường hợp, có thể phát triển rất nhanh hay chậm tùy theo từng vị trí. Những bướu máu ở vùng gần niêm mạc như môi, mắt, vùng cổ, tuyến nước bọt, tuyến dưới hàm phát triển rất nhanh. Những bướu ở bề mặt da tứ chi, ngực bụng thì phát triển chậm hơn nhiều.
  • Bướu phát triển nhanh trong năm đầu đời. Sau năm đầu sẽ bắt đầu quá trình thoái hóa tự nhiên. Thông thường, bướu có thể biến mất một nửa lúc 5 tuổi và biến mất hoàn toàn lúc 10 tuổi. Thoái hóa phụ thuộc một phần vào vị trí và có kèm dò động tĩnh mạch hay không. Thoái hóa diễn tiến bằng sự lợt màu, xuất hiện nhiều đường vạch trong sang thương. Bướu có thể bị loét, nhiễm trùng tại chỗ, chảy máu (chảy máu thường xảy ra, chảy nhiều và rất nguy hiểm nếu không cầm máu kịp thời). Hiện tượng tắc mạch xảy ra và tiến triển trong khối bướu sẽ thay thế dần dần mô bướu. Sự thoái hóa bắt đầu từ trung tâm bướu, bắt đầu bằng một mảng trắng lợt hay một vùng hoại tử đen, lan rộng dần và xóa dần màu đỏ hồng của bướu. Mặc dù bờ ngoại biên của bướu trong suốt thời gian thoái hóa vẫn tiếp tục lan, nhưng vẫn chậm hơn sự lan rộng vùng thoái hóa nên dần dần bướu sẽ thoái hóa.

Thông thường bướu máu không cần can thiệp gì trừ khi bướu gây ảnh hưởng đến thị lực hay hô hấp ở trẻ.

Chị nên cho cháu đi khám bác sĩ để có được lời khuyên cụ thể hơn cho trường hợp của cháu. Đến gặp bác sĩ khi:

  • Thăm khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng
  • Xuất hiện chảy máu
  • Nhiễm trùng

Chúc cháu luôn khoẻ!

Câu hỏi 18

Trả lời thắc mắc Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh – BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Tuy có tên gọi là ban đỏ nhiễm độc nhưng Erythema Toxicum Neonatorum (ETN) là một bệnh phát ban lành tính, tự khỏi, xảy ra chủ yếu giai đoạn đầu thời kỳ sơ sinh.

ETN điển hình bởi các ban đỏ dạng chấm, hạt, mụn nước và mụn mủ. Ban tự khỏi, không cần điều trị và không để lại di chứng.

Sự đỏ da là do sung huyết mao mạch.

Sự gia tăng nồng độ các yếu tố trung gian của phản ứng viêm và miễn dịch (vd: Các Interleukin 1 và 8, Eotaxin, phân tử dính E-selectin, kênh protein vận chuyển nước Aquaphorin 1 và Aquaphorin 3, hóa động tố Psoriasin, Nitric oxide & các đồng dạng của nó, kháng khuẩn: Peptide LL-37) gợi ý rằng: ETN là phản ứng miễn dịch toàn thân.

Xuất hiện ban đỏ ở những vùng có lông, gợi ý rằng nang lông có thể liên quan đến hình thành ban đỏ.

Sự thâm nhiễm của các tế bào ưa bazơ gợi ý bệnh nguyên có liên quan đến sự quá nhạy cảm và liên quan đến dị ứng nhưng chưa có yếu tố gây dị ứng nào được phát hiện. Tương tự, các yếu tố tiếp xúc cũng đã được xem xét và loại bỏ. Đáp ứng với bất cứ thương tổn nào ở da trẻ sơ sinh cũng đều xuất hiện sự thâm nhiễm của bạch cầu ưa bazơ. Ở trẻ đẻ non thường thiếu dạng phản ứng này do vậy rất hiếm thấy bị ETN.

  • Giải phẫu bệnh: Xét nghiệm tế bào học cho thấy

Ban dạng chấm bộc lộ sự phù nhẹ ở lớp da và rải rác có thâm nhiễm của các tế bào viêm (chủ yếu là bạch cầu ưa bazơ, bạch cầu đa nhân trung tính & bạch cầu đơn nhân) quanh mạch máu.

Ban dạng hạt cho thấy nhiều hơn sự phù ở lớp da và thâm nhiễm của các tế bào viêm liên quan đến phần nông của nang lông-tuyến bã. Bạch cầu ưa Bazơ xâm lấn vào bao ngoài của nang lông.

Mụn mủ thuộc lớp dưới sừng cũng như lớp thượng bì và được tìm thấy là có liên quan đến lỗ chân lông. Có thể có sự thâm nhiễm của bạch cầu ưa Bazơ và một ít bạch cầu đơn nhân với có hoặc không có bạch cầu đa nhân trung tính quanh phần trên của nang lông- tuyến bã.

Nguyên nhân của ETN hiện chưa rõ, có rất nhiều giả thiết được đưa ra để giải thích rối loạn thường gặp này:

So với người trưởng thành, mật độ nang lông cao hơn ở trẻ sơ sinh và rõ ràng là ETN rất hiếm khi xuất hiện ở những vùng da không có lông như lòng bàn tay chân. Các tế bào viêm có khuynh hướng tập trung xung quanh nang lông và có các vi khuẩn tương tự cầu khuẩn ở lớp thượng bì của nang lông và trong các tế bào viêm. Điều này gợi ý rằng ETN có thể là đáp ứng đối với sự xâm nhập cuả các vi khuẩn trên vào nang lông.

Sự thâm nhiễm các tế bào bạch cầu ưa bazơ gợi ý về mặt dị ứng, dẫn đến kết luận của vài tác giả cho rằng ETN có thể là phản ứng quá mẫn đối với chất nào đó được truyền qua nhau thai. Tuy nhiên, giả thiết này thiếu các bằng chứng có tính thuyết phục.

Không có ngoại độc tố, các yếu tố dị ứng, các chất thải từ tuyến bã hoặc các yếu tố gây nhiễm có liên quan đến ETN một cách đáng tin cậy.

Thuốc & cách nuôi dưỡng không có tác động lên tỉ lệ xuất hiện ban đỏ.

Những giả thiết khác bao gồm: Phản ứng điều chỉnh của da đối với các kích thích nhiệt và cơ học hoặc đối với các tế bào lympho được chuyển từ mẹ sang trẻ qua nhau thai trước và trong sinh (như phản ứng đối với các ca ghép tủy…)

Yếu tố nguy cơ gồm: Khí hậu nóng ẩm, bú bình, đẻ đường dưới. Ngưới ta nhận thấy rằng chuyển dạ kéo dài có liên quan đến tần suất ETN và nhiễm khuẩn da.

ETN gặp ở 1/3 -1/2 trẻ đủ tháng và 0,5% ở trẻ đẻ non.

ETN thường gặp ở trẻ trai (55%) hơn trẻ gái (30%).

ENT thay đổi theo tuổi: ENT thường xảy ra trong vòng 4 ngày tuổi, nhiều nhất trong 48 giờ đầu, hiếm khi gặp ngay sau sinh.

Tỉ lệ mắc ETN tăng theo tuổi thai & cân nặng.

Khởi phát trễ hiếm khi xảy ra ở cả trẻ đủ tháng và trẻ non tháng cho đến ngày tuổi thứ 15.

  • Tiền sử và triệu chứng lâm sàng

Rõ ràng là không liên quan đến các bệnh của mẹ trong thai kỳ như: Herpes simplex / Varicella nhiễm virus, nhiễm khuẩn da, hay nhiễm nấm Candida.

Trẻ thường khỏe mạnh và không có các triệu chứng toàn thân như: sốt, kích thích, li bì.

Ban thường xuất hiện dưới dạng chấm, hạt, mụn phỏng, mụn mủ trên nền da đỏ, trông “khá bẩn”. Trong những trường hợp nặng, xuất hiện các hạt hoặc mụn phỏng màu vàng nhạt, trắng trên nền đỏ. Khoảng 10% bệnh nhi có mụn mủ với đường kính 2-4 mm.

Ban đỏ thường xuất hiện rải rác & không đều, có thể ít hoặc nhiều, dày hoặc mỏng tùy trường hợp và đôi khi thành cụm.

Ban hay thấy ở mặt, thân, phần chi gần thân. Lưu ý rằng các tổn thương này hiếm thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và niêm mạc.

Ban thường chóng phai, tự giới hạn trong vòng 5-12 ngày và không để lại di chứng

ETN ít khi tái phát nhưng đã được báo cáo là vẫn xảy ra cho đến 6 tuần sau sinh nhưng có vẻ nhẹ hơn.

ETN được chẩn đoán cơ bản dựa trên lâm sàng

Xét nghiệm dịch trong các mụn phỏng để loại trừ các nguyên nhân có thể khác:

– Tzanck Smear: để tìm các tế bào khổng lồ đa nhân, thường gặp trong Herpes simplex, Varicella và Herpes zoster.

– Pemphigus vulgaris, Cytomegalovirus.

– Wright-stained smears: để tìm sự hiện diện của Eosinophils.

– Nhuộm Gram: là thiết yếu để chẩn đoán với kết quả cho thấy sự hiện diện cuả các tế bào viêm, và trong đó hơn 90% bạch cầu ưa Bazơ & vài Neutrophils.

– Công thức bạch cầu: cho thấy có sự tăng của bạch cầu ưa Bazơ (18%) ở khoảng 15% bệnh nhân.

– Các xét nghiệm sau có thể nên thực hiện: Cấy virus, vi khuẩn, nấm để loại trừ HSV (Herpes simplex virus), Varicella, vi khuẩn gây bệnh & nấm.

– Soi tìm sợi nấm với KOH: bệnh phẩm được phủ bởi KOH trên phiến kính & hơ nóng nhẹ, KOH sẽ làm hủy các tế bào & vi khuẩn khác, vì vậy sợi nấm, nếu có, sẽ dễ dàng được nhìn thấy.

– Sinh thiết: là chẩn đoán chắc nhất nhưng thực sự không cần thiết.

Tổn thương của ETN trông tương tự viêm da mủ, nấm, Herpes simplex, Transient neonatal pustular melanosis và miliaria nhưng có thể phân biệt nhờ sự thâm nhiễm đặc trưng của bạch cầu ưa Bazơ và sự vắng mặt của tế bào đa nhân cũng như vi khuẩn trên kết quả nhuộm.

Incontinentia pigmenti và viêm mủ nang lông có thâm nhiễm bạch cầu ưa Bazơ đều có sự hiện diện của Eosinophil nhưng có thể phân biệt bởi vị trí & sự phân bố các thương tổn, hình thái tế bào học & hai bệnh này còn là bệnh mạn tính.

Chẩn đoán nên dựa vào tiền-bệnh sử, triệu chứng lâm sàng & thường ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Xét nghiệm Tzanck smear là cần thiết để loại trừ với các bệnh nguy hiểm khác.

ETN là bệnh lành tính tự giới hạn mà không cần điều trị gì.

Giải thích cho ba mẹ trẻ yên lòng đây là tình trạng thoáng qua, tự nhiên & lành tính.

Nguồn: SDVworkshop. net dịch từ Nelson

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi tại Group Nhi khoa Y học cộng đồng để được tư vấn.