Tình hình thế giới và trong nước tác động đến cách mạng Việt Nam 1939 1945

Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam giai đoạn 1938-1939 của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và những giá trị lịch sử

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng thuộc làng Phù Khê, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, năm 17 tuổi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành nhà cách mạng tài ba, mẫu mực của Đảng. Tháng 3-1938, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư khi chưa tròn 26 tuổi. Trở thành Tổng Bí thư cũng là thời điểm cách mạng Việt Nam đứng trước nhiều chuyển biến của bối cảnh quốc tế, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương và người đứng đầu của Đảng phải đưa ra những quyết sách mới, những phương thức hoạt động mới.

Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam thời kỳ 1938 -1939

Từ năm 1936 đến năm 1939 là giai đoạn đặc biệt của lịch sử cận đại Việt Nam, diễn ra cuộc vận động vô cùng rộng lớn, mạnh mẽ vì quyền dân sinh, dân chủ với sự tham gia của hàng triệu quần chúng nhân dân. Khoảng thời gian từ 1938 đến 1939 là bước phát triển đột biến của phong trào cách mạng Việt Nam, cũng là bước chuyển quan trọng cho giai đoạn cách mạng tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương mà ở đó có sự đóng góp to lớn của cá nhân đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ khép lại cùng với những nhận định sâu sắc, chính xác của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Ngay từ tháng 8-1938, đồng chí đã phân tích, dự báo về tình hình thế giới: Cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa sắp tới sẽ là cuộc chiến tranh do các nước phát xít tiến hành chống nhà nước dân chủ để phân chia lại thị trường thế giới. Đó sẽ là đồng thời một cuộc chiến tranh chống cách mạng, chống Liên Xô - Tổ quốc của chủ nghĩa xã hội1. Thực tế lịch sử đã diễn ra như vậy. Những phân tích nhạy bén, dự báo chính xác diễn biến của thời cuộc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cơ sở bước đầu giúp Đảng dần chuyển hướng cách mạng, kịp thời kêu gọi nhân dân bình tĩnh, thống nhất hành động, chuẩn bị cho các cơ sở của Đảng rút vào hoạt động bí mật, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. 8 ngày sau, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ đề ra chủ trương và các biện pháp bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, chuẩn bị những cơ sở vững chắc, chủ yếu là ở vùng nông thôn, miền núi làm nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố lực lượng lâu dài. Tuy nhiên, dưới chính sách phản động của Chính phủ phái hữu, ở Pháp, ngày 25-9-1939, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản, bắt bớ những người cộng sản. Ở Đông Dương, ba ngày sau, ngày 28-9-1939, Chính quyền Thuộc địa ra nghị định cấm mọi hoạt động Cộng sản và giải tán tất cả các tổ chức có liên hệ với Đảng Cộng sản Đông Dương. Đặt Đảng Cộng sản Đông Dương ra khỏi vòng pháp luật. Việc khủng bố bao trùm khắp cả nước, gây cho Đảng những tổn thất nặng nề.Trước diễn biến của thời cuộc, cũng như để kịp thời ứng phó với tình hình cách mạng trong nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn cùng một số cán bộ khác đã bí mật vào Nam chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ban Trung ương Đảng đã tiến hành hội nghị thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của cách mạng do đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn soạn thảo.

Hội nghị tiến hành phân tích những diễn biến mới nhất của cuộc chiến tranh thế giới, đồng thời dự báo tác động lịch sử của cuộc chiến trong một tương lai gần: Trật tự cũ lại lay chuyển tận gốc... trong bối cảnh đó, Cách mệnh giải phóng dân tộc Đông Dương sẽ thắng! Cách mạng thế giới thế nào cũng sẽ thắng! Một thế giới quang minh rực rỡ sẽ thay cho cái thế giới tối tăm mục nát này2. Đây không chỉ là một lời tiên đoán táo bạo mà còn khá chính xác của Đảng được đưa ra ngay khi Thế chiến II vừa mới nổ ra. Hội nghị phân tích kỹ lưỡng những tác động của cuộc chiến đến tình hình Đông Dương. Đông Dương sẽ bị Nhật lăm le nhòm ngó, xâm chiếm. Pháp sẽ đầu hàng Nhật để chống lại phong trào cách mạng, đồng thời thi hành chính sách kinh tế chiến tranh, huy động sức người sức của để phục vụ chiến tranh. Cuộc sống của người dân Đông Dương lúc này bị ảnh hưởng nặng nề, khốc liệt, kinh tế Đông Dương rơi vào cảnh điêu tàn đổ nát. Đồng thời Hội nghị cũng phân tích một cách thấu đáo thái độ chính trị của mỗi giai tầng, mỗi dân tộc ở Đông Dương, chỉ ra rằng cho dù có vị trí khác nhau trong hệ thống kinh tế - xã hội thuộc địa, tất cả các tầng lớp, giai cấp và các dân tộc ở Đông Dương ...đều phải gánh những tai hại ghê tởm của đế quốc chiến tranh, đều căm tức đế quốc chủ nghĩa3. Mâu thuẫn dân tộc không những là mâu thuẫn cơ bản mà còn trở thành mâu thuẫn chủ yếu, gay gắt nhất, giữa: a] một bên là đế quốc Pháp cầm hết quyền kinh tế, chính trị và dựa vào bọn vua quan bổn xứ thối nát và bọn chó săn phản bội dân tộc. b] Một bên là tất cả các dân tộc bổn xứ bị đế quốc chủ nghĩa Pháp áp bức như trâu ngựa và đẽo rút xương tuỷ4. Có thể thấy, kể từ khi ra đời vào năm 1930, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp cận và phân tích các mâu thuẫn trong lòng xã hội Việt Nam dưới góc độ đặt vấn đề dân tộc vào vị trí trung tâm chiến lược cách mạng của Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và ở Đông Dương, Hội nghị kết luận, nếu như trước đây [thời kỳ 1936-1939] Pháp còn đứng vào Mặt trận dân chủ thế giới chống phát xít, duy trì hòa bình, chính sách cai trị của Pháp ở thuộc địa có đôi chút tiến bộ, nhân dân Đông Dương còn có thể lợi dụng Mặt trận bình dân Pháp, đấu tranh chống phản động thuộc địa, đòi cải cách tiến bộ, đòi cơm áo, chống hăm dọa phát xít Nhật để giữ gìn hòa bình. Thì nay tình hình đổi khác, Pháp là thủ phạm phát động cuộc chiến thế giới, chính sách cai trị thuộc địa, cai trị Đông Dương hoàn toàn thay đổi Sự thống trị các thuộc địa, nhất là Đông Dương là một chế độ quân phiệt phát xít rõ rệt và sự mưu mô đầu hàng thỏa hiệp với Nhật đã đặt ra vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương5. Đây là những phân tích thấu đáo, dựa trên cơ sở đó mà Ban Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam phải giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đưa cách mạng tiến lên: Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập6. Hội nghị khẳng định rằng: Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết7. Để phù hợp với chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương không còn phù hợp nữa. Về hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp với quần chúng và hoàn cảnh hiện thời được Hội nghị chỉ thị tăng cường hơn nữa các tổ chức quần chúng, kết hợp giữa các hình thức tổ chức công khai, rộng rãi, với các hình thức tổ chức bí mật.

Hội nghị Trung ương 6 với quyết nghị những điểm mấu chốt nêu trên, đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam đầy bản lĩnh và sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Nó phù hợp với những yêu cầu khách quan và bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Những quan điểm này cũng chính là cơ sở quan trọng cho các Hội nghị Trung ương 7 [11-1940], Hội nghị Trung ương 8 [5-1941] kế thừa, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối chiến lược mới của cách mạng Việt Nam. Đưa đến sự thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Những giá trị lịch sử

Lịch sử ngày càng lùi sâu vào quá khứ, nhưng giá trị của nó để lại cho hậu thế là vô cùng to lớn. Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng tại Hội nghị Trung ương 6 [khóa I] của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Nguyễn Văn Cừ đứng đầu đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam với nhiều giá trị và kinh nghiệm lịch sử lớn lao cho lớp lớp thế hệ cách mạng mai sau.

Trước hết, quyết định đó đã khẳng định tính đúng đắn sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản với những luận điểm vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để đấu tranh giải phóng dân tộc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dày công tìm kiếm, nghiên cứu. Mặc dù, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí chưa một lần may mắn được gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để hội kiến Người về những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Nhưng thông qua Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, qua tài liệu sách báo được Người truyền bá về trong nước, đã có sự gặp gỡ chung giữa tư duy mẫn tiệp Nguyễn Văn Cừ và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Có thể thấy những luận điểm được phân tích trong Nghị quyết Trung ương 6 về đường lối chiến lược, mục tiêu, động lực, phương pháp cách mạng, cho đến mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, giữa vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng quần chúng và vấn đề xây dựng Đảng, giữa cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới là sự thống nhất về tư duy, tiếp nhận và áp dụng một cách nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo những vấn đề cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu lêntại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự gặp gỡ này đã khẳng định sự đúng đắn về đường lối cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc mà cả một thời kỳ dài Người bị Quốc tế Cộng sản và thậm chí đồng chí của mình hiểu sai, phê phán khi cho rằng quan điểm đó mang nặng những tàn tích chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa sô vanh. Sự gặp gỡ đó cũng là cơ sở để sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, khi trở về tổ quốc ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 [5-1941] trong một điều kiện hết sức thuận lợi, nhận được sự ủng hộ lớn lao của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Để rồi trên cơ sở đó, Hội nghị tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Chính sách mới của Đảng được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 6, khẳng định dứt khoát chủ trương thay đổi chiến lược đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Như vậy, sự chỉ đạo chuyển hướng cách mạng của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 không những thể hiện sự kịp thời sáng suốt về tư duy của Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mà còn khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là dòng chảy liên tục trong tiến trình cách mạng thời kỳ cận hiện đại, cả những thời điểm không có Hồ Chí Minh. Nó còn là sự thể hiện rõ tính đúng đắn, tính khoa học mang tính thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, của con đường cách mạng vô sản mà Bác hồ lựa chọn.

Thứ hai, quyết định đó đã mở ra giai đoạn lịch sử mới cho cách mạng Việt Nam, giai đoạn trực tiếp chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, mở ra cơ hội cho dân tộc Việt Nam đứng lên tiến hành giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương 6 [11-1939] dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Cừ diễn ra với những quyết định đúng đắn trong thay đổi chiến lược cách mạng là cơ sở, dấu mốc quan trọng đánh dấu cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân [1939-1945]. Ngày nay, khi nhắc đến lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhắc đến nghệ thuật lãnh đạo cách mạng tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương, nghệ thuật Tạo lực, lập thế và tranh thời. Nó được khởi thủy từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, đưa đến sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Và được trực tiếp bắt đầu từ khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6 [11-1939] với sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Chiến lược đó đã được chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 [5-1941]. Trên cơ sở đó, sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 8, Đảng đã lãnh đạo nhân dân gấp rút chuẩn bị lực lượng trên mọi lĩnh vực về xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Bắc Sơn - Vũ Nhai, ở Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn; xây dựng lực lượng chính trị với việc thành lập Mặt trận Việt Minh [5-1941]; xây dựng lực lượng vũ trang với việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân [22-12-1944]; xây dựng lực lượng đấu tranh trên mặt trận văn hóa với bản Đề cương Văn hóa năm 1943 ra đời, thu hút đông đảo tầng lớp văn nghệ sĩ tham gia dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ một không khí cách mạng sục sôi khắp cả nước. Và khi thời cơ cách mạng chín muồi, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện [13-8-1945], Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945.

Một quyết định lịch sử, đôi khi chỉ đúng trong một thời điểm nhất định, nhưng có những quyết định lịch sử đã đưa đến sự thay đổi cả một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử của dân tộc. Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Hội nghị Trung ương 6 là một quyết định như thế. Nó mở ra một giai đoạn cách mạng mới của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc. Hơn thế nữa, sự đúng đắn, phù hợp của nó đã đưa đến sự thắng lợi của cách mạng, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước.

Thứ ba, quyết định đó đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm kho tàng lý luận cách mạng của Đảng. Điều này có thể thấy rõ ở những điểm chính sau đây:

Một là, trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối phải xem trọng yếu tố thực tiễn. Chúng ta có thể khẳng định rằng sự ra đời của Nghị quyết Trung ương tháng 11 năm 1939, trước hết, bản thân nó phải xuất phát từ đòi hỏi của tình hình cách mạng Việt Nam lúc đó. Những vấn đề lớn về: Tình hình thế giới, Tình hình Đông Dương, Chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Nghị quyết Trung ương 6 được dựa trên cơ sở phân tích một cách khoa học, thấu đáo thông qua những vấn đề lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn lịch sử của Việt Nam. Thông qua đó, chúng ta thấy được sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Đến lượt nó, thực tiễn khách quan cách mạng Việt Nam đã khẳng định sự đúng đắn của việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Hai là, phải luôn luôn tích cực, chủ động nắm bắt đúng xu hướng quốc tế để từ đó đề ra chủ trương đường lối, chớp thời cơ cách mạng. Đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là trong thời khắc lịch sử quan trọng, nhận diện đúng xu thế thời cuộc của chiến tranh thế giới thứ hai để lãnh đạo chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Để thấy rõ vai trò của vấn đề này cần phải hiểu rõ thái độ và thế ứng xử của các nhóm tri thức yêu nước ở Hà Nội trong thời kỳ Thế chiến thứ II. Khi bùng nổ chiến tranh có không ít chính đảng và phong trào đã phân tích và dự đoán sai về xu thế diễn biến của thời cuộc. Có những người còn tin vào sự phục hưng của nước Pháp. Có một số nhóm người tin vào sức mạnh và thắng lợi phe Trục, vào sứ mệnh của người Nhật. Có nhóm lại muốn dựa vào thế lực quân phiệt Trung Hoa. Trong bối cảnh đó Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm có những phân tích khoa học, rất vững tin vào thắng lợi cuối cùng của lực lượng tiến bộ chống phát xít, vào thắng lợi của phe Đồng Minh và vào tiền đồ của cách mạng Việt Nam sẽ tiến tới bước đường giải phóng dân tộc.

Như vậy, việc theo dõi, đánh giá diễn biến và dự báo chiều hướng phát triển hình hình thế giới và khu vực, những xu thế chủ yếu trong quan hệ quốc tế, những thay đổi trong chính sách của các nước, nhất là các nước lớn đối với Việt Nam có ý quan trọng. Nếu không dự báo đúng thời cuộc, không thấy được thời cơ thì hoặc là bất ngờ hoặc là bỏ lỡ thời cơ.

Ba là, trong quá trình hoạch định chỉ đạo đường lối, chủ trương của Đảng vai trò bản lĩnh, chính trị người đứng đầu là vô cùng quan trọng, đồng thời phải khơi dậy niềm tin, khát vọng của dân tộc của đông đảo quần chúng nhân dân, lực lượng tham gia cách mạng. Gần 2 năm trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng [1938-1939], đồng chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người đứng đầu, dẫn dắt phong trào cách mạng, tạo bước phát triển đột biến cho phong trào cách mạng Việt Nam. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cách mạng Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề mới về chỉ đạo chiến lược và sách lược. Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam của đồng chí và ban lãnh đạo Đảng thời điểm này, biểu lộ chói sáng bản lĩnh và trí tuệ của tấm gương chiến sĩ cách mạng tài ba, khí phách bất khuất trước kẻ thù và tinh thần lạc quan cách mạng. Không dừng lại ở đó, tinh thần, bản lĩnh chính trị đó được đồng chí truyền nhiệt huyết tới đông đảo các đồng chí, quần chúng nhân dân thân yêu của mình lửa sục sôi cách mạng với một niềm tin quyết chiến và chắc thắng. Lời kêu gọi non sông dưới đây đã tạo nên một khí thế mới, hối thúc ý chí quyết tâm của cả dân tộc, đoàn kết đứng lên lật đổ đế quốc, tranh lấy tự do, độc lập:

Các đồng chí!

Thời cuộc hết sức nghiêm trọng, nhiệm vụ và lịch sử phó thác cho ta rất nặng nề. Là những phần tử tiên tiến của giai cấp thợ thuyền và là những con cháu tinh anh tận tuỵ với công cuộc giải phóng dân tộc, chúng ta phải giác ngộ rõ cái sứ mệnh lớn lao ấy và đủ can đảm, đủ nghị lực, đủ sáng suốt để gánh vác nó.

Các đồng chí hãy siết chặt hàng ngũ lại!

Muôn nghìn người cố kết như một!

Tiến lên thực hiện Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương!

Tiến lên lật đổ ách đế quốc, tranh lấy độc lập, giải phóng, tự do, bình đẳng, hoà bình, hạnh phúc!

Mặc dầu những trận sấm sét khủng bố của quân thù, mặc dầu những cơn phong ba bão táp dữ dội, con tàu cộng sản vẫn vững vàng lướt sóng ngoài khơi có một ý chí quả quyết không hề lay chuyển được, con tàu của chúng ta sẽ vượt qua muôn nghìn trùng sóng bạc, chiến thắng tất cả một cách oanh liệt mà vào bến.

Tương lai sẽ về chúng ta!

Thắng lợi sẽ về tay chúng ta!8

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã nổ ra và thành công một cách ngoạn mục, không gì có thể ngăn cản nổi. Như một ánh sao băng trên bầu trời cách mạng Việt Nam, ngắn ngủi nhưng chói sáng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ để lại cho Đảng và nhân dân ta một tấm gương rực rỡ về nhiều mặt.

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, bản lĩnh trong quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ những năm 1938-1939 vào thực tiễn lãnh đạo đất nước hiện nay
Trên cơ sở nghiên cứu về quyết định và những giá trị của quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam giai đoạn 1938-1939 của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta cần phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, bản lĩnh ấy của đồng chí vào thực tiễn lãnh đạo đất nước hiện nay.

Trước hết, phải nhất quán trong nhận thức từ người lãnh đạo tới mỗi cán bộ, đảng viên về tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận với những cái đã có, vốn được định hình từ lâu, trong hiện tại nảy sinh những điểm không còn phù hợp, thậm chí trái ngược với những thay đổi từ bối cảnh. Bởi rõ ràng, không gì là bất biến, không gì là đúng mãi, ngay với cả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua thời gian, bối cảnh thực tiễn trong nước và quốc tế ngày càng thay đổi mạnh mẽ, nhiều vấn đề mới, phức tạp đã nảy sinh. Và để giải quyết, khắc phục, không thể chỉ dùng những lý luận cũ, những luận điểm đã có của hiện tại để giải quyết. Mà thích ứng với những thay đổi này, rất cần những đổi mới, sáng tạo để theo kịp, trước hết là sự đổi mới, sáng tạo trong tư duy, nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, quá trình đổi mới, sáng tạo mang nhiều sự phức tạp, bởi vậy đòi hỏi một sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn khách quan, khoa học, dựa trên những luận cứ vững chắc chứ không phải là sản phẩm chủ quan của cá nhân. Thực tiễn luôn biến đổi ngày càng mạnh mẽ, nhiều vấn đề về chủ trương, đường lối nếu chậm thay đổi sẽ không theo kịp với những biến đổi này. Hàng loạt nội dung quan trọng của đổi mới như: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển văn hóa; xây dựng con người; quản lý, phát triển xã hội; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế; phát huy dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng; cần tiếp tục phải nghiên cứu, điều chỉnh và hoàn chỉnh thích ứng với thực tiễn và Nghị quyết Đại hội Đảng. Quá trình đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý ở các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên, sự tham gia sâu sắc của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và mỗi người dân.

Thứ ba, trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong thực hiện đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, vai trò của người đứng đầu là đặc biệt quan trọng, bởi vậy phải phát huy đầy đủ tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong mọi thời kỳ luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết. Bởi không ai khác, họ chính là người dẫn lối, chỉ đường, định ra đường hướng, chiến lược phát triển của tổ chức. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu là rất lớn, có tác động mang tính quyết định sự thành, bại đối với sự phát triển của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [Bổ sung, phát triển năm 2011] được Đại hội XI của Đảng thông qua khẳng định: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ... tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu9. Đây là quan điểm, mang tính nguyên tắc thống nhất, xuyên suốt, bất di bất dịch của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Do đó, việc tạo ra hành lang cơ chế pháp lý để phát huy vai trò, bản lĩnh người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng là một yêu cầu vô cùng cấp thiết đặt ra cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

-----------------------------------------------------

1. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.418.
2. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.517-518.
3. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.536.
4. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.535-536.
5. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.538.
6. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.538.
7. Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.541.

8- Trích Nghị quyết Trung ương 6 [11-1939] Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tr.568-569.
9- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 89

Lê Văn Nam và Nguyễn Thị Ngọc [Học viện Chính trị Khu vực I]

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Video liên quan

Chủ Đề