Tổng bãi công chính trị là gì

Tìm hiểu về Bãi công. Kiến thức Bãi công về Chính trị học

Bãi công là sự ngừng bộ phận hoặc toàn bộ quá trình sản xuất, dịch vụ do tập thể những người lao động đồng tâm hợp sức cùng nhau tiến hành; là một biện pháp đấu tranh của công nhân viên chức chống lại chủ nhà máy, hầm mỏ, đồn điền... các nhà tư bản và chính phủ để đòi thực hiện những yêu sách về kinh tế, nghề nghiệp và nhiều khi cả những yêu sách chính trị. Đình công là một dạng BC ở quy mô nhỏ trong một hay nhiều xí nghiệp, cơ quan; thường không kèm theo những yêu sách về chính trị. Lãn công là một dạng đình công mà người công nhân không rời khỏi nơi làm việc, nhưng không làm việc hay làm việc cầm chừng. Có nhiều loại hình BC, đình công như BC nối tiếp luân phiên, BC làm đình trệ công việc, BC ngồi tại chỗ, BC đoàn kết, đình công toàn bộ hay cục bộ, vv. Trong chế độ tư bản, BC là hình thức đấu tranh đặc trưng của giai cấp công nhân với chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Một dạng ngược với BC, đình công của thợ, đó là đình công của chủ gọi là lôc ao (x. Lôc ao). Những cuộc BC lẻ tẻ hợp lại có thể chuyển thành tổng BC với sự tham gia của đông đảo quần chúng công nhân và tầng lớp lao động khác, và trong trường hợp nhất định có thể phát triển thành phong trào cách mạng của quần chúng lao động. Luật pháp các nước có những quy định khác nhau đối với BC: hoặc xem BC là bất hợp pháp, hoặc xem một số hành động BC là bất hợp pháp, hoặc xem BC là hợp pháp nhưng cấm BC trong một số ngành nghề (như cảnh sát, người canh gác nhà tù và trại giam, thẩm phán, cán bộ điều khiển và kiểm tra đường hàng không, vv.). Cuộc BC đầu tiên xảy ra ở Ai Cập năm 2100 tCn., dưới chế độ chiếm hữu nô lệ. Từ thế kỉ 19, BC của các nghiệp đoàn diễn ra thường xuyên ở Tây Âu. Cuộc BC nổi tiếng là cuộc BC ở Sicagâu (Chicago) ngày 1.5.1886, trong đó những người lãnh đạo tổ chức bị kết án tử hình. Về sau, ngày 1.5 trở thành ngày Quốc tế lao động.

Ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, trong những năm1928 - 30, có nhiều cuộc BC, đình công như BC ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Xe lửa Tràng Thi, Hãng Avia Hà Nội, BC ở Đồn điền Cao su Phú Riềng, Dầu Tiếng ở Nam Bộ, vv. Ngày nay, Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ tại điều 7 Bộ luật lao động: người lao động có quyền đình công theo quy định của pháp luật.