Triền phược là gì

TỨ THIỀN VẪN CÒN TRIỀN PHƯỢC

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính thưa Thầy, trong kinh Panlacanda Tăng Chi IV trang 213 có đoạn chứng và trú Thiền Thứ Tư vẫn còn triền phược đó là sắc tưởng. Vậy sắc tưởng đã bị diệt sao ở đây vẫn còn?

Đáp:Con nên lưu ý: Sơ Thiền tuy ly dục ly ác pháp tâm luôn bất động trước các pháp và các cảm thọ nhưng vẫn còn năm chi thiền Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm nên còn tưởng, nhất là tầm tứ vì vậy trong kinh Tăng Chi còn gọi là triền phược, triền phược ở đây là gốc lậu hoặc còn chưa diệt Sơ thiền chỉ ly chứ chưa có diệt nên kinh gọi còn triền phược là rất đúng. Trạng thái Sơ thiền là một trạng thái của Trời Sơ Thiền (Sơ Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Nhị Thiền mới diệt tầm tứ, diệt tầm tứ chỉ mới ngưng được ý thức nói riêng nói chung là mới ngưng sáu thức, vì thế tưởng thức còn nên kinh nói nhập Nhị Thiền còn triền phược là đúng. Bởi vì thân nghiệp còn và trạng thái Nhị Thiền là trạng thái của Trời Nhị Thiền (Nhị Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Tam Thiền thì mới ly hỷ tưởng chứ chưa có diệt tưởng và lạc tưởng cũng còn chưa ly nên kinh gọi còn triền phược là đúng. Trạng thái Tam Thiền là trạng thái của Trời Tam Thiền (Tam Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Tứ Thiền xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, xả lạc tưởng, khổ tưởng và thanh tịnh tưởng. Ở đây chỉ xả tưởng chứ chưa diệt tưởng vì thế nên kinh gọi còn triền phược là đúng. Vì trạng thái Tứ Thiền là trạng thái của Trời Tứ Thiền (Tứ Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược.

Khi nhập xong Tứ Thiền chúng ta mới làm chủ được sanh, già, bệnh, chết chứ chưa chấm dứt được tái sanh luân hồi vì nguyên nhân tái sanh luân hồi còn nên Tứ Thiền vẫn còn triền phược.

Tại Tứ Thiền có hai ngả:

1- Đi về hướng Tứ Không đến Diệt Thọ Tưởng Định thì lúc ấy tưởng thức mới diệt được, nhưng đến đây lại rơi vào chỗ không còn pháp (phi pháp môn), người tu nhập định này cũng giống như cục đá, nói cách khác tu về hướng này thân ngũ uẩn trở thành đá. Kinh Tăng Chi dạy: Chứng đạt và an trú Diệt thọ Tưởng Định. Sau khi thấy với trí tuệ các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với phi pháp môn. (trang 217)

2- Ngả đi về Tam Minh, khi Lậu Tận Minh đạt được thì lậu hoặc đã được diệt sạch, ngả này chứng và trú vào Niết bàn tức là nhập vào Vô Tướng Tâm Định. Ngả tu tập này không biến thân ngũ uẩn thành đá và sống đúng ý nghĩa làm lợi ích cho chúng sanh dù còn một tấc hơi.

Đi ngã Tứ Không đến Diệt Thọ Tưởng Định, ngã này không làm lợi ích cho chúng sanh vì thế các nhà Đại Thừa gọi ngã này tu tập tiêu nha bại chủng, chồi khô, mộng lép v.v....

Tóm lại, trên đường tu hành để đến nơi đến chốn giải thoát thì phải chọn một Minh Sư đã đi nốt quãng đường này thì mới đủ kinh nghiệm hướng dẫn.

ĐA CHỦNG, NHẤT CHỦNG lên CHÁNH PHÁP CÒN PHẢI BỎ HUỐNG LÀ PHI PHÁP
  • Phiên bản để in