Trình bày sự giống nhau và khác nhau giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa

Kiểu nhà nước tư sản và kiểu nhà nước phong kiến. Bản chất giai cấp của nhà nước tư sản. Hình thức nhà nước tư sản và nhà nước phong kiến.

Trong lịch sử xã hội loài người đã có bốn hình thái kinh tế xã hội, ứng với mỗi hình thái kinh tế xã hội là bốn kiểu nhà nước. Đó là nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tứ sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung sự thay thế các kiểu nhà nước phát triển theo hướng đi lên, kiểu nhà nước sau ra đời tiến bộ hơn kiểu nhà nước trước. Xét trong hai kiểu nhà nước phong kiến và tư sản, ta thấy nhà nước tư sản có sự phát triển vượt trội so với nhà nước phong kiến, thể hiện ở sự hoàn thiện về mặt bản chất, chức năng, tổ chức bộ máy nhà nước và hình thức nhà nước. 

1. Khái quát chung về nhà nước tư sản và nhà nước phong kiến:

1.1. Nhà nước phong kiến:

Nhà nước phong kiến là nhà nước của giai cấp địa chủ phong kiến, cơ sở hình thành của nhà nước là quan hệ sản xuất phong kiến mà đặc trưng là chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp này. Các địa chủ phong kiến nắm trong tay đủ mọi quyền lực, còn nông dân chỉ có quyền sở hữu nhỏ phụ thuộc vào địa chủ và hầu như không có quyền gì.

1.2. Nhà nước tư sản:

Khi nền kinh tế hàng hóa thị trường phát triển, sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đòi hỏi con người phải có quyền tự do bình đẳng, hội họp kinh doanh và đảm bảo quyền sở hữu tài sản. Chế độ phong kiến hà khắc đã không còn phù hợp với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì thế các cuộc cách mạng dân chủ tư sản liên tiếp nổ ra dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, lật đổ nhà nước phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản, mở đường cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Các nhà nước tư sản đầu tiên ra đời sau cách mạng dân chủ tư sản là Hà Lan, Anh, Pháp… 

2. Điểm tiến bộ cơ bản của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến:

2.1. Sự tiến bộ về bản chất nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến:

Qua mỗi kiểu nhà nước bản chất nhà nước có sự thay đổi rõ rệt theo hướng phát triển hơn, dân chủ hơn. Xét trong hai kiểu nhà nước phong kiến và nhà nước tư sản ta có thể thấy:

Ở nhà nước phong kiến: Quyền lực nhà nước chủ yếu được sử dụng để áp bức nhân dân lao động. Người nông dân dù đã được giải phóng nhưng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào địa chủ phong kiến. Nhà nước phong kiến là công cụ để duy trì sự thống trị của giai cấp địa chủ, bảo vệ trật tự xã hội. Tuy nhiên những hoạt động này nhằm bảo vệ chế độ cai trị của giai cấp địa chủ chứ không phục vụ lợi ích của nhân dân lao động.

Ở nhà nước tư sản: Người lao động nhìn chung đã được tự do, bình đẳng, dựa trên chế độ làm thuê tự nguyện giữa nhân dân lao động và ông chủ. Về mặt hiến định, nhà nước tư sản đã khẳng định tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân và cơ quan lập pháp đại diện cho toàn thể nhân dân.

Về mặt thực tiễn, các cơ quan ở tất cả các nhà nước tư sản hiện nay đều do bầu cử thành lập nên. Bản chất của nhà nước tư sản là công cụ thiết lập và bảo vệ chế độ dân chủ tư sản-chế độ dân chủ về mặt pháp lí các quyền lợi hợp pháp của mọi công dân thông qua cơ quan đại diện hoặc các biện pháp dân chủ trực tiếp.

2.2. Sự tiến bộ về chức năng của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến:

Nếu so sánh hai kiểu nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản chúng ta thấy: ngoài bốn chức năng vốn có, phản ánh trực tiếp tính chất giai cấp của nhà nước là bảo vệ và duy trì chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, đàn áp sự phản kháng của nhân dân lao động bằng bạo lực,đàn áp nhân dân lao động về tư tưởng, tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm nô dịch dân tộc khác, Nhà nước tư sản còn có những mặt tiến bộ về chức năng so với Nhà nước phong kiến.

Thứ nhất là về chức năng kinh tế xã hội , ở giai đoạn tự do cạnh tranh Nhà nước tư sản chưa can thiệp sâu vào đời sống kinh tế, nhưng trong các giai đoạn sau, hoạt động kinh tế của Nhà nước tư sản ngày càng mở rộng và dần dần trở thành chức năng cơ bản của nó.

Nội dung chủ yếu của các hoạt động kinh tế đó gồm: xác lập và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử, hoạch định và thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm phát, bảo hộ đồng tiền trong nước , xây dựng và thực hiện chính sách đầu tư hợp lý vào các ngành kinh tế, tăng cường hợp tác, quan hệ kinh tế,thương mại với nước ngoài.

Xem thêm: So sánh nhà nước phong kiến phương Đông và phương Tây

Một trong những điểm tiến bộ của Nhà nước tư sản đó là nhiều Nhà nước đã chú ý đến việc giải quyết các vấn đề xã hội vì quốc kế dân sinh. Một số Nhà nước đã thực hiện cải cách giáo dục, phổ cập giáo dục bắt buộc cho công dân,tăng đầu tư ngân sách để phát triển giáo dục, ban hành và thực hiện nhiều chính sách xã hội như việc làm cho người lao động, trợ cấp thất nghiệp, dân số, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh xã hội…

Ví dụ: tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã ra quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp ô tô của Pháp hang tỷ Euro để các doanh nghiệp này đảm bảo việc làm cho người lao động ( Theo tin Đài truyền hình Việt Nam ngày 10/02/2009).

Thứ hai: chức năng xúc tiến việc thành lập các liên minh kinh tế, quân sự trên thế giới, tham gia vào quá trình phân công quốc tế, thúc đẩy khuynh hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế, xu hướng toàn cầu hóa và tham gia vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì các vấn đề toàn cầu. Nhìn chung trong thời kỳ phong kiến, các quan hệ ngoại giao và hữu nghị giữa các quốc gia chưa thực sự phát triển vì các Nhà nước phong kiến chưa chú trọng đến việc thực hiện chức năng này và nó chỉ giữ vai trò thứ yếu.

Thậm chí có nhiều triều đại phong kiến còn thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng trong mối quan hệ với bên ngoài thì đương nhiên chức năng này không được quan tâm đến. Nhưng đối với Nhà nước tư sản thì đây là chức năng đặc biệt được chú ý. Từ sau những năm 1950, một số liên minh kinh tế của các Nhà nước tư sản đã hình thành và ngày càng phát triển, mở rộng như: khối thị trường chung châu Âu (EEC),…

2.3. Sự tiến bộ về tổ chức bộ máy của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến:

Bộ máy nhà nước tư sản có sự phát triển, hoàn thiện rất đáng kể so với nhà nước phong kiến về cả tồ chức và hoạt động. Cụ thể:

Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng trở nên hoàn chỉnh, mang tính chuyên môn hóa cao. Trong bộ máy nhà nước ngày càng có đầy đủ cơ quan nhà nước để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước do yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Việc tổ chức bộ máy nhà nước hết sức chặt chẽ, cách thức tổ chức khoa học, tất cả các điều này đều được quy định cụ thể, rõ ràng trong pháp luật.

Nguyên tắc phân chia quyền lực đã thể hiện rõ sự tiến bộ trong tổ chức và hoạt động của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến. Nếu như ở nhà nước phong kiến, người nắm quyền hành tối cao là nhà vua, mọi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều tập trung vào một người dễ gây tình trạng chuyên quyền, độc đoán, lạm quyền thì nhà nước tư sản xây dựng trên nguyên tắc phân chia quyền lực.

Quyền lực nhà nước được chia thành ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp; các quyền này được trao cho các cơ quan nhà nước khác nhau, như Nghị viện hay Quốc hội nắm quyền lập pháp, Chính phủ nắm quyền hành pháp và quyền tư pháp thuộc về Tòa án. Các cơ quan này hoạt động độc lập với nhau, có thể kiềm chế và đối trọng với nhau hoặc kiểm soát lẫn nhau trong quá trình hoạt động theo nguyên tắc “quyền lực ngăn cản quyền lực”;vậy nên tình trạng lạm quyền, lộng quyền trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước được hạn chế.

Xem thêm: Nguyên tắc phân quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thể hiện rõ tính dân chủ cũng là một điểm tiến bộ rõ nét của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến. Điều này được thể hiện ở nguyên tắc dân chủ: công dân có quyền tham gia bầu cử hoặc ứng cử vào các cơ quan đại diện của nhà nước khi có đủ điều kiện do luật định, đều có thể được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào các vị trí nhất định trong bộ máy nhà nước khi đáp ứng được các yêu cầu cần thiết.

Có thể hiểu, ở đây công dân có quyền tham gia vào việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; ngoài ra,trong một chừng mực nhất định công dân có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động của các nhân viên, cơ quan nhà nước. Việc làm này ở nhà nước phong kiến là chưa từng xảy ra.

2.4. Sự tiến bộ về hình thức nhà nước tư sản so với hình thức nhà nước phong kiến:

Về mặt chính thể, nhà nước tư bản đã có những bước phát triển tiến bộ hơn so với nhà nước phong kiến, người dân đã có quyền bầu ra cơ quan đại diện cho mình, quyền lực của giai cấp thống trị đã phần nào bị hạn chế. Bộ máy nhà nước cũng đã thể hiện tính dân chủ, đã có sự phân quyền, không còn tập trung quyền lực trong tay một cơ quan đứng đầu.

Cụ thể: Nếu như ở nhà nước phong kiến là chính thể quân chủ chuyên chế: quyền lực tối cao của nhà nước nằm trong tay nhà vua và duy trì theo nguyên tắc thừa kế, con của vua thì mới được làm vua; thì ở nhà nước tư sản, tồn tại chính thể quân chủ chuyên chế và chính thể cộng hòa. Ở chính thể quân chủ lập hiến, quyền lực của vua bị hạn chế bởi cơ quan dân cử (Nghị viện); ở chính thể cộng hòa tổng thống: tổng thống do dân bầu ra, tổng thống lập ra chính phủ; chính thể cộng hòa đại nghị: nghị viện thành lập do nhân dân bầu cử, nghị viện lập ra tổng thống, tổng thống phải chịu trách nhiệm trước nghị viện.

Về cấu trúc, nhà nước tư sản hình thành những cấu trúc mới như liên bang, liên minh: Các bang, vùng lãnh thổ hoặc các quốc gia độc lập liên kết với nhau, mỗi bang, mỗi nhà nước có một chính phủ, hiến pháp, pháp luật riêng tuy nhiên phải lấy hiến pháp chung làm căn bản, cùng nhau hợp tác phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự,… Một số nhà nước liên bang như: Hoa Kỳ, Canada, Nga,… và lien minh lớn như Liên minh Châu Âu EU.

Về chế độ chính trị, nếu như ở nhà nước phong kiến là chế độ phản dân chủ hay chế độ dân chủ nhưng chỉ biểu hiện rất hạn chế thì nhà nước tư sản, chế độ dân chủ đã thể hiện rõ ràng hơn và không còn bị hạn chế như nhà nước phong kiến. Thể hiện cụ thể ở các điểm sau: Tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân; Trong hiến pháp và pháp luật đã thừa nhận công dân có khả năng sử dụng các quyền tự do dân chủ, có sự thừa nhận về mặt pháp lí quyền bình đẳng trước pháp luật; Tồn tại công khai các đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng như các tổ chức xã hội đoàn thể công chúng, được tự do tranh cử trong bầu cử nghị viện và tổng thống…

Tóm lại, nhà nước tư sản đã có những bước tiến bộ đáng kể so với nhà nước phong kiến dựa trên cả bốn mặt: bản chất, chức năng, tổ chức bộ máy và hình thức của nhà nước. Sự xuất hiện của nhà nước tư bản là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại, quan hệ giữa các giai cấp đã bớt gay gắt hơn cùng với những phát minh khoa học mới thúc đẩy nền kinh tế tư bản phát triển. Nhà nước tư sản đã thay thế cái lạc hậu, lỗi thời của nhà nước phong kiến trước và đặc biệt tính dân chủ đã được cải thiện rõ rệt. Sự tiến bộ này là hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của Thế Giới.