Trương thái du là ai

27/03/2010 | 11:14 chiều | 13 Comments

Tác giả: Trương Thái Du

Category: Quan hệ Việt-Trung, Tôn giáo, Tư tưởng
Thẻ: Sức mạnh mềm > Văn minh Phật giáo

Nói một cách tương đối, hai ngàn năm trở lại đây, Trung Hoa có ba lần là quốc gia đại cường của nhân loại. Đó là vào thời Đông Hán, Đường và Minh. Ngoài thời Đường sức mạnh mềm của họ ít nhiều mang dấu ấn Phật giáo, Đông Hán chứng kiến sự lên ngôi lần đầu tiên của Nho giáo, với nhà Minh ta thấy sự hoàn thiện và củng cố Tống Nho.

Thế kỷ 21, trên con đường trở lại đỉnh cao ngày nào, văn minh Trung Hoa một lần nữa đã chọn những giá trị Nho giáo làm xương sống tinh thần của mình. Nho giáo Trung Quốc đang trỗi dậy, sặc sỡ màu sắc thời đại song vẫn không thoát khỏi luận lý an – loạn từ thuở Chiến Quốc. Trong nước, nó khác thuyết dân chủ phương Tây ở chỗ đặt cá thể dưới nhân quần, nhiều khi chỉ là cái cớ bịp bợm. Với lân bang, người Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ được cái nhìn bề trên, ngã tâm, và mơ mộng trật tự chư hầu tiến cống phong kiến xưa cũ.

Bài viết này không có ý định đi sâu vào ngóc ngách hiểm hóc của sức mạnh mềm Trung Hoa. Tôi chỉ muốn hỏi người Việt Nam có thứ gì để tự bảo vệ mình trước sức mạnh mềm ấy không, hay là họ sẽ lại cảm thấy an toàn (tuy rằng có mất mát) trong cái gọi là “bóng râm Trung Hoa1”?

*

Người Việt hiển nhiên không phải là người Tàu, dù theo tôi trong máu Việt luôn tồn tại một tỉ lệ máu Tàu nhất định. Chắc chắn trong lịch sử hai ngàn năm của mình, người Việt đã từng sở hữu một loại sức mạnh mềm phi Hán. Xin tạm gọi đó là văn minh Phật giáo thế tục Lý – Trần. Có giả thiết cho rằng quốc hiệu Đại Cồ Việt mà Đinh Tiên Hoàng đặt ra, làm nền tảng cho văn minh Lý – Trần mang nghĩa “Vương quốc Phật giáo Đại Việt” vì chữ Cồ là phiên âm họ của đức Phật (Cồ Đàm = Gautama).

Kể sao hết những thiền sư không tự trói buộc mình bên kinh kệ, Phật pháp. Chẳng hạn ngài Vạn Hạnh đã suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Quá nhiều quân vương Lý – Trần sớm rời ngôi báu, nương cửa Phật nhưng vẫn canh cánh bên lòng vận nước, giáo hóa chúng sinh giác ngộ. Đó là cơ sở của khái niệm văn minh Phật giáo thế tục.

Tiếc thay, năm 1400 họ Hồ lại cho rằng Việt là Tàu. Nước Đại Ngu của Hồ Quý Ly cũng là con cháu Ngu – Thuấn như Đại Minh. Hai mươi năm thống trị và tận diệt văn hóa của Minh triều đã xóa sổ giới tu sĩ thế tục Đại Việt. Bi kịch ở chỗ, những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi tuy có công phục quốc, lại không thấy được cái lợi của việc nối tiếp nền văn minh phi Hán của Đại Việt. Chính Nguyễn Trãi chứ không phải ai khác, đã đem hồn Thi – Thư – Lễ – Nhạc vào cung đình nhà Lê. Phải chăng tai họa mà Nguyễn Trãi gặp phải đã có mầm mống từ khi ông mâu thuẫn với các đại thần khác khi san định Lễ – Nhạc với tiêu chí tôn Nho2? Từ đó, những thiền sư vĩ đại đành đóng cửa chùa, tách biệt hẳn với đời sống chính trị xã hội.

*

Cuối thế kỷ 19, tháp Báo Thiên, vết tích cuối cùng, niềm kiêu hãnh và biểu tượng về thành tựu vĩ đại của văn minh Phật giáo thế tục Lý – Trần bị san phẳng và thay thế bằng một ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo Việt Nam có hơn tám mươi năm huy hoàng, từng sở hữu hẳn một chính thể thuần Việt (Ngô trào), có những thành trì phi cộng kiên cố, nơi linh mục cũng là tướng lĩnh quân sự, song họ đã thất bại. Lý do thì muôn vàn, nhưng gần đây nhất và cụ thể nhất, phải kể đến sự choáng váng của quần chúng khi một chức sắc Thiên chúa giáo cảm thấy nhục nhã với quyển hộ chiếu Việt Nam3.

Hiện nay rất nhiều người Việt Nam đang cảm thấy hơi nóng của sức mạnh mềm Trung Hoa ở sau gáy mình. Và họ lúng túng, thậm chí bỗng nhiên bất lực. Rồi họ bài Hoa, phỉ báng tất cả những gì của Trung Hoa, kể cả văn hóa, thứ thuộc về nhân loại nói chung, chứ không phải của riêng người Hoa.

Thật ra những người Việt tôi đề cặp ở trên thiếu tự tin mãn tính. Văn minh Việt Nam tồn tại ít nhất đã hai ngàn năm, từ thuở Đại Hán. Riêng sự tồn tại ấy đã là một niềm tin không thể lay chuyển. Nếu đặt những sự kiện xiển dương Phật giáo Việt Nam vừa rồi4 bên cạnh công cuộc quảng bá sức mạnh mềm (như học viện Khổng Tử) của Trung Quốc, ta thấy ngay đây có thể lấy làm một nước cờ chính trị không dở. Vấn đề là người ta sẽ chuyển hóa Giáo hội Phật giáo như thế nào, các thiền sư bước vào con đường thế tục hay những lãnh tụ sẽ đứng dưới tán Bồ Đề để xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam. Thời Trần, sức mạnh ấy đã từng gắn kết toàn dân Đại Việt, làm nên chiến tích thần kỳ trước giặc Nguyên Mông vô địch Á – Âu. Ngày nay, tôi tin tưởng nó còn làm được nhiều hơn thế. Việt Nam đang chuyển hóa tận gốc rễ, những giá trị mới và cũ rất cần nhiều hơn một bộ lọc tâm linh đúng nơi đúng lúc (ngoài tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh), ít nhất là trên góc độ khoa học xã hội thuần túy.

Tôi không phủ nhận có sự hoài vọng dành cho mô hình dân chủ đa nguyên phương Tây trên con đường tự cường của đất nước này. Tuy vậy mô hình ấy mâu thuẫn đến độ một mất một còn với chế độ chính trị và nền tảng tư duy Nho – Khổng của xã hội Việt Nam hiện nay. Nó đặt tương lai dân tộc trước rủi ro quá lớn, hơn nữa dân chủ đa nguyên vẫn là một mô hình ngoại lai như Nho giáo, tất sẽ dẫn đến những xung đột dai dẳng và để lại di chứng khó lường cho văn minh Việt Nam.

Trách sư5, chê chùa6 như tác giả Lê Thiết Cương vừa rồi, thực ra không mới, lý ngắn, tình nông. Trương Hán Siêu thời Trần cao ngạo đến thế, khinh bạc đến thế, phỉ báng Phật giáo hết lời mà cuối đời lại sùng Phật hơn ai hết. Thời khắc một ngàn năm Thăng Long sắp điểm, “xá lợi” của Phật giáo thế tục Lý – Trần sẽ được tái phát ngộ trong lòng dân tộc Việt Nam hay không, rất nên được suy tư từ những hiện tượng đơn lẻ và có thể chuệch choạc ban đầu.

Trên nền tảng Phật giáo truyền thống của tiền nhân, người Việt sẽ gần gũi hơn với cộng đồng Asean và có cơ hội làm tỏa sáng những giá trị phi Hán rõ ràng của mình. Vậy thì lấy cớ gì chúng ta không thêm một lần, đặt cược sức mạnh mềm Việt Nam vào Phật giáo?

© 2010 Trương Thái Du

© 2010 talawas

Chú thích

1 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/12/081231_china_truongthaidu.shtml

2 Xin xem Đại Việt sử ký toàn thư.

3 http://sachhiem.net/XAHOI/TruongThaiDu.php

4 http://vietnamnet.vn/vanhoa/201003/Nghet-tho-ruoc-xa-loi-Phat-tu-An-Do-ve-Viet-Nam-897072/

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/359278/Che-tac-tuong-Phat-bang-ngoc-lon-nhat-the-gioi.html

http://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=564408

5 http://tuanvietnam.net/2010-03-18-phat-xa-loi-va-nhung-chiec-xe-doi-moi-dat-tien

6 http://tuanvietnam.net/2010-03-25-khi-nhung-ngoi-chua-viet-lai-cang

Để tưởng nhớ lời nguyền của tổ ngoại Phạm Vụ Mẫn, Án sát sứ Sơn Tây, người đã anh dũng bỏ mình trong một trận phục kích của liên quân Pháp – Công giáo bản xứ, cuối thế kỷ 19.

Thế giới blog, truyền hình, báo in, báo mạng Việt Nam cả tuần nay ầm ào về câu nói của ông Ngô Quang Kiệt trong cuộc gặp gỡ với giới chức Hà Nội hôm 21 tháng 9. Trừ báo chí chính thống đi đường một chiều, bất cứ ở đâu để ngỏ khả năng trao đổi đều rất nóng, đôi khi nóng đến mức thô tục. Chẳng hạn trong blog Tắc Kè, gần 1000 comment chia làm hai phe xỉ vả nhau không thương tiếc. Đến độ blog nhà báo Bố Cu Hưng phải chua xót treo blast: “Ơ hay, sao lại vào nhà tớ để cau có và chửi bới loạn xạ chỉ vì tớ nghĩ khác cậu? Tiếc là Nam Cao đã mất!”.

Nguyên văn một đoạn nói vo của ông Ngô Quang Kiệt như sau, tôi không bỏ dấu ngắt câu: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng[1]”.

Derrida, triết gia Giải cấu trúc/ Hủy cấu trúc nổi tiếng đã đề xuất cách đọc/hiểu giải kiến tạo (deconstructive readings). Ông nhận định phát ngôn/văn bản không bao giờ chỉ chứa một nội hàm đơn độc.

Về mặt cá nhân, phát ngôn của ông Ngô Quang Kiệt là thăng hoa của diễn ngôn trong tinh thần chính ông. Về mặt giáo hội công giáo, lời của tổng giám mục giáo phận Hà Nội trong cuộc gặp gỡ với nhà chức trách phải mang tiếng nói của số đông giáo dân, chứa đựng nguyện vọng của giáo hội/giáo phận. Cho nên những ai bênh vực ông đều không sai và những ai nghi ngờ ông vẫn có thể đúng.

Ben Stocking, nhà báo hãng thông tấn Mỹ AP đã dùng từ “vụng về” khi đề cặp đến câu nói nóng hổi kia của ông Kiệt. Nguyên văn "State media called Kiet's patriotism into question when he made a clumsy statement on television[2]”.

Đại sứ của Tổng thống Bush về vấn đề Tự do Tôn giáo, John V. Hanford cũng có ý kiến: “Một trong những vấn đề là tài sản được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp[3]''.

Trên diễn đàn BBC có một ý kiến rất sáng tỏ, trả lời cho phần câu nói của ông Kiệt mà truyền thông nhà nước không dẫn: “Lấy ẩn dụ đi nước ngoài bị nhục nhã tôi thấy không ổn. Việc kiểm tra an ninh chuyến bay hiện rất khó chịu, phải tụt giày, tháo nịt, đứng lên bục giăng thẳng hai tay cho máy rà vào nách vào háng, có nơi còn sờ bằng tay nữa. Vì an ninh chung đành vậy thôi. Còn việc miễn visa thì không dính líu đến đẳng cấp quốc gia. Mỹ có miễn visa cho Nga đâu[4]”. Như vậy ông Kiệt đã đánh đồng đẳng cấp quốc gia, sự văn minh, hùng mạnh với việc thân Âu – Mỹ, là đồng minh chí cốt với Âu – Mỹ chăng? Là tổng giám mục Hà Nội, chắc chắn ông đã đi các nước tây dương là chủ yếu. Không nói thì ai cũng hiểu thủ tục visa, sự soi xét bực mình trên thế giới diễn ra chủ yếu tại các nước Âu – Mỹ. Hướng về đỉnh cao văn minh, giàu có của nhân loại chẳng có gì sai. Song người Việt Nam có lý do để lo lắng ở sự “hướng tới” này.

Tuy vậy chủ điểm chính tôi muốn bàn thảo ở đây là có nên đánh đồng những người có ý kiến phản đối ông Kiệt với truyền thông chính phủ, cuộc cờ chính trị của ông Kiệt sai ở nước nào?

Hiển nhiên truyền thống của Ca tô giáo là can dự chính trị. Truyền thống ấy vẫn còn nhưng Ca tô giáo Việt Nam đang thiếu những con người có bản lĩnh chính trị. Nếu có bản lĩnh chính trị ông Kiệt đã không lỡ miệng. Nếu có bản lĩnh chính trị giáo phận Hà Nội đã không chọn mảnh đất Tòa Khâm Sứ cũ đầy dấu ấn lịch sử và cực kỳ nhạy cảm để “đòi đất”. Nếu họ khởi đi bằng Thái Hà hoặc các khu khác và sau cùng là Tòa Khâm Sứ thì có khi nhà nước đã nhượng bộ ở mức độ nào đó, như đã từng nhượng bộ tại La Vang chẳng hạn.

Cơ hội cho những đối thoại “hòa bình” giữa chính quyền và giáo hội công giáo là không còn ở tương lai gần. Không chỉ vì chiến dịch truyền thông “dữ dội” của nhà nước Việt Nam xung quanh phát ngôn của ông Kiệt. Không chỉ vì những “vận động” lương dân xung quanh Thái Hà tập trung phản đối hành động của nhà thờ. Không chỉ vì tổng giám mục lỡ lời. Không chỉ vì giáo phận Hà Nội chọn sai thời điểm và địa điểm “đòi đất”. Chính quyền Việt Nam vẫn chưa dùng con bài tẩy là giáo hội Phật giáo “quốc doanh” như ai đó từng phòng xa.

Những người phản bác ông Kiệt, khi phải chọn lựa, đã chọn ý hướng hơi thiên về chính quyền. Vì nói cho cùng, với Tòa Khâm Sứ và những lùm xùm xung quanh, giáo phận của ông Kiệt đã đánh thẳng vào nỗi hận lịch sử của lương dân Việt Nam với công giáo và thực dân từ thế kỷ 19.

Ở Tòa Khâm Sứ cũ, kẻ mạnh đã thắng, kẻ bản lĩnh hơn đã thắng. Đó là chân lý, là nhân – quả của đời sống thực. Sẽ có người vặn tôi về công bằng, công lý. Xin viện dẫn những lời ở cuối cuốn sách “Chủ nghiã nhân vị” (do Trung tâm đào tạo Chủ Nghĩa Nhân Vị  Vĩnh Long xuất bản với sự đỡ đầu của Liên đoàn công chức thuộc Phong trào Cách mạng Quốc gia, sách do các linh mục Nguyễn Văn Tất, Thiên và Trần Mục Đích viết, cựu Bộ trưởng Nội vụ (VNCH) Lâm Lễ Trinh đề tựa): “Xã hội chỉ tốt đẹp nếu có những bất bình đẳng. Các nhà bác học mới có thể dậy cho những người ngu dốt. Người giàu mới có thể làm công việc từ thiện.  Nếu như tất cả những bất bình đẳng đó đều không tồn tại, thì tìm ở đâu ra lòng từ thiện, ở đâu ra sự công bằng? Ở đâu ra sự hào hiệp?”

Lẽ thường, một cô gái thất tiết nên cẩn thận khi đề cập đến trinh phẩm trước mặt những người đàn ông nhạy cảm. Vì chỉ trong phép Chúa mới có biểu tượng trắng trong vĩnh hằng! Thật nặng nề và hơi quá đáng nếu nói giáo hội công giáo là kẻ thất tiết với lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng bản thân kém cỏi không giúp tôi tìm được hình ảnh so sánh nào thích hợp hơn.

Trương Thái Du

9.2008
  [1] Theo Vietcatholic.net

[2] http://www.philly.com/philly/wires/ap/news/nation_world/20080922_ap_ hanoichurchmustendvigilsorfacelegalaction.html

[3] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080923_ hanfordpresser.shtml

[4] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080922_ hanoi_warnings.shtml

Các bài cùng đề tài