Tựa như tình yêu review

Sau khi đọc hết Giang Nam Hận của Mai Tử Hoàng Thì Vũ, Hoa Ban dậy lên hứng thú với thể loại dân quốc, quyết định nhảy hố Tựa như từng yêu. Thật ra hai truyện này đều có thể viết review được, nhưng mà mình không có thời gian, chỉ viết 1 cái thôi! Tựa như tình yêu sâu sắc hơn, có cơ sở hơn, cũng dài hơn nên trở thành lựa chọn lý tưởng của Hoa Ban.

Truyện này mình lướt ebook mất tầm 1,5 giờ, đọc khá ẩu nhưng chắc chắn không bỏ sót những nội dung quan trọng và cũng không gây tổn thất cho mạch văn của bài review. Truyện này xét về văn phong thì khá ổn, tâm lý, phân tích, nhận định, ngữ cảnh hay bối cảnh đều không sơ sài, đủ để hình dung cảnh sắc và không gian trong tác phẩm. Điều duy nhất khiến mình không vui là HE. HE một cách gượng ép, chưa thuyết phục và đột ngột. Mình thà để nó SE hay OE còn tốt hơn ép uổng một bố cục đã bế tắc vào con đường Happy ending rất khập khiễng thế này.

Ôi, bạn đọc xin đừng ném đá, mình nói thật, nếu truyện muốn HE thì làm ơn cho xin thêm 5-10 chương để nó có cơ sở hơn, đừng có đùng một cái là kết “ngộ nghĩnh” như thế. Hoặc giả dụ truyện này SE cũng phải thêm phiên ngoại để đọc giả thấy hết nổi đau của chia ly, của sinh tử. Lâu rồi mới có 1 truyện đọc rất hay mà kết rất bức xúc thế này =]]

Tựa như tình yêu là một câu chuyện của đôi trai gái gặp nhau không đúng thời điểm, yêu lầm người, thậm chí không thể phân biệt rõ đâu là yêu và hận….

Triệu Phồn Cẩm và Vũ Dã Thuần Nhất đáng lẽ không nên biết nhau, không nên gặp nhau vào thời gian ấy. Loạn lạc và chiến tranh, hận nước và thù nhà, súng đạn và khói lửa… vì sao không là thời bình? Nếu là bình yên, có phải sẽ hạnh phúc hơn không?

Câu hỏi này không cần thiết trả lời. Bởi vì chiến tranh đã mang anh đến, vì thù nhà và nợ máu kéo anh đi. Giữa họ mãi mãi có một bức tường gọi là Dân Tộc. Cô không thể vượt qua và anh bất lực đứng nhìn

Vì em là người Trung Quốc.

Vì tôi là người Nhật Bản.

Chúng ta không nên yêu nhau, bởi vì chúng ta vốn là kẻ thù.

Từ lúc Triệu Phồn Cẩm chạy trói chết trong con hẻm quanh co, từ lúc tiếng giày đinh dồn dập đuổi theo, họng súng lạnh vây quanh bốn hướng… cô biết, mình không thể thoát, không thể chống trả vận mệnh nghiệt ngã này. Đôi mắt kia là biểu tượng của ma quỷ, nhuộm máu đồng bào và Tổ quốc. Thù này, hận này đã ăn sâu vào xương tủy. Hắn bế cô lên từ trên mặt đất, Phồn Cẩm có lẽ rất hoài nghi, vì sao hắn có hơi ấm, nếu hắn có hơi ấm, sao lại là ác quỷ?

Đôi chân của cô quá bé nhỏ để thoát khỏi binh pháo trùng trùng, sức lực của cô quá yếu kém để giẫy giụa khỏi gọng kiềm đầy hơi thở và nụ hôn. Tất cả những gì cô có thể làm là chấp nhận và chịu đựng. Vì bà nội đang nằm trong tay hắn, vì quyền sinh sát ở trong tay hắn và tự do của cô thuộc về hắn. Hắn là quỷ và cô là nô lệ của quỷ.

Vũ Dã Thuần Nhất – Tổng tư lệnh Quan Đông, người Nhật Bản chính gốc, kẻ thù của dân tộc Trung Hoa. Mỗi lần hắn mặc trên người bộ quân phục rời khỏi nhà, Phồn Cẩm biết sắp có thêm những vong hồn bỏ mạng dưới tay người Nhật. Mỗi bước chân của hắn dẫm lên trăm mạng người, một cái phất tay, một mệnh lệnh cũng đem tới bao đau thương chết chóc.

Và Triệu Phồn Cẩm là người đàn bà núp sau sự bảo vệ của Vũ Dã, sống những tháng ngày bình yên tội lỗi, nhìn dân tộc mình chết dần chết mòn bởi bàn tay vẫn luôn vuốt ve cô. Kinh tởm!

3 năm câm lặng làm con rối.

3 năm nuốt hận thù để sống, nuốt nhục nhã để sinh tồn.

Phồn Cẩm làm sao không nghĩ tới cái chết? Nhưng cô không có quyền được chết, hơn ai hết cô phải sống để bảo vệ bà, sống để chờ đợi một ngày tự do mờ mịt, chỉ cần còn sống thì mới còn hy vọng.

Biệt thư xa hoa không chứa nổi trái tim thành thuần và ái quốc. Sườn xám nhung lụa không che đi sự hao gầy của tấm thân ô uế. Phấn son không lấp nổi nét buồn thương vĩnh hằng trong đôi mắt đen. Nàng giống như con búp bê vô tri vô giác, mặc cho nười ta chơi đùa, mặc cho người ta hành hạ. Xác ở nơi này, hồn ở phương xa…

3 năm ấy, Phồn Cẩm vẫn mỏi mòn chờ đợi một bóng hình – Khương Trần Dục. Anh là người bạn thanh mai trúc mã, là vị hôn phu, cũng là hình tượng bất khuất của người cộng sản yêu nước. Anh vì đồng đội mà bỏ lại người yêu, để cô rơi vào tay giặc. Anh luôn phải đấu tranh giữa công và tư, giữa tình và đại nghĩa. Ngày xưa, Phồn Cẩm yêu Trần Dục cũng bởi hình ảnh người anh hùng cách mạng đầy lý tưởng và nhiệt huyết này. Nhưng bây giờ cô chỉ mong anh là một người thường, có thể xa rời thời cuộc, cùng cô cao chạy xa bay, tìm kiếm chút bình an giữa loạn lạc tan tát.

Nếu anh không mang gánh nặng cứu quốc trên vai, anh sẽ không hy sinh tình yêu hết lần này tới lần khác.

Xưa nay, đàn bà luôn mang cái khổ của vận mệnh, huống chi sống trong thời chiến loạn, thân nữ nhi càng giống như nhánh củi khô lạc giữa dòng, chẳng biết trôi về đâu, chẳng biết vướng vào bờ bụi nào, càng không có sức chống cự trước sóng gió.

Phồn Cẩm luôn khoát lên mình vẻ lạnh lùng và cứng rắn để che đi cái yếu mềm và tuyệt vọng. Cô căm hận Dã Vũ Thuần Nhất, 3 năm qua, cái cô đáp lại luôn là thờ ơ, khinh miệt, chán ghét. Còn hắn thì mắt nhắm mắt mở xem như không thấy, hắn tin vào thời gian, hắn cũng tin vào chính mình. Dã Vũ sẽ giữ cô bên cạnh cả đời, chẳng lẽ một đời người không đủ để tạo thành thói quen, không đủ để gần gũi gắn bó, không đủ để chinh phục một người phụ nữ?

Dã Vũ có niềm tin của anh và Phồn Cẩm có chấp niệm của cô. Giữa họ không bao giờ có thể, cô không bao giờ quên được anh là người Nhật, càng không thể quên những gì anh làm đối với đồng bào mình. Thù mới nợ cũ, trái tim này sao biết yêu thương?

Thật ra Phồn Cẩm vẫn luôn nuôi nấng cái ý nghĩ giết chết Dã Vũ, cô chưa hành động vì chưa có cơ hội và chưa đủ can đảm mà thôi. Một người sức yếu tay mềm, liệu có thể ám sát vị Tư lệnh hùng mạnh của quân đội Nhật hay không? Từ ý nghĩ cho tới hành động, từ do dự cho tới quyết tâm, có lẽ Phồn Cẩm luôn cho rằng mình cần sự may mắn trong giây phút hắn mất cảnh giác. Cô nào có biết mọi suy nghĩ của cô, mọi cử chỉ của cô đều bị đôi mắt kia âm thầm thâu tóm, thấu hiểu và đánh cuộc. Dã Vũ luôn sẵn sàng để bị giết, đặt cược mạnh sống vào 3 năm chân thành yêu thương, hắn chỉ mong cô chần chứ, chỉ cầu cô biết do dự, cho dù không yêu nhưng chẵng lẽ lại nhẫn tâm hạ thủ?

Khi anh đặt cô trên bàn, mê mệt ái ân, đôi mắt không hồn của Phồn Cẩm không nhìn Dã Vũ mà lăm lăm nhìn vào nòng súng treo trên giá. Ánh kim loại sáng nhòa, lạnh lẽo mà diễm lệ lạ thường. Tóc cô chảy dài rơi xuống đất, sườn xám xé rách không che nổi thân thể trắng tuyết đầy vết hôn. Căn phòng lạnh và hơi thở nóng, con búp bê cũ nát chìm vào ảo giác của tình ái và hận thù… Khung cảnh đó đẹp làm sao và cũng đau đớn làm sao, đừng tưởng người đàn ông đang điên cuồng kia không hề hay biết, bởi có yêu nên mới quan tâm, có thương nên mới cam nguyện, có say mê mới đắm chìm…

Anh thích lặng lẽ ngồi bên cạnh cô, giữa họ không gì để nói. Anh thích xoa đôi bàn tay lạnh đến khi nó nhận đủ hơi ấm từ tay anh, Dã Vũ sẽ chầm chậm vẽ theo đường chỉ tay, dùng đôi mắt sâu thẳm làm Phồn Cẩm phải bối rối. Anh là kẻ thù của cô, là kẻ thù của dân tộc nhưng trớ trêu thay cũng là người yêu cô nhất, bảo vệ cô nhất, hy sinh và đánh đổi nhiều nhất.

Nếu Khương Trần Dục không thể vì cô mà buông đại nghĩa thì Dã Vũ Thuần Nhất lại dám bỏ qua những tên trùm cộng sản nguy hiểm nhất để đối lấy một lời hứa của Phồn Cẩm, hắn luôn để chuyện tư vướng bận với chuyện công.

Người ta nói anh hùng khó qua ải mỹ nhân, còn Dã Vũ thì không thiết nghĩ đến phải vượt qua cái ải ấy, anh tình nguyện để nó ngáng chân.

Khương Trần Dục trở lại với lời hứa đem cô rời khỏi địa ngục này nhưng rồi cũng lần nữa vì đồng đội mà bỏ cô ở lại. Bởi anh biết rơi vào tay Dã Vũ, Phồn Cẫm luôn an toàn, Trần Dục đã rất sáng suốt khi đánh cuộc mạng sống của cô vào tình yêu của ngài Tư lệnh.

Lại lần nữa chạy trốn bằng đôi chân bất lực, lại lần nữa tiếng giày đinh dồn dập phía sau… tình cảnh 3 năm về trước bây giờ lập lại. Ngày đó vì có bà nội, cô không dám liều lĩnh. Bây giờ bà mất rồi, cô không có gì phải vướng bận, hoặc là chết, hoặc là tự do. Phồn Cẩm với con dao trên cổ đã ép Dã Vũ đi tới cực hạn. Cô muốn chạy, muốn thoát khỏi anh? Không thể được!

“Em đi một bước, tôi sẽ khiến cho một người thay em trải đường đi!”

Một bước chân của cô đáng giá một mạng người. Rốt cuộc thì anh vẫn thắng, Phồn Cẩm không có nhẫn tâm nhìn anh giết người vô tội. Ai có thể nói cho cô biết vì sao cô lại day vào người đàn ông đáng sợ này, cô có cần chi thứ tình yêu điên dại của hắn? Sẽ không bao giờ thoát khỏi nanh vuốt của ác quỷ, sẽ mãi mãi là con chim yến sống trong lòng son… Giây phút con dao rơi xuống đất, cũng là lúc Phồn Cẩm hoàn toàn tuyệt vọng, cô muốn ngất đi mãi, chết trong giấc mơ để không phải tỉnh lại thêm lần nào nữa…

Thế nhưng ông trời không cho cô toại nguyện. Phồn Cẩm lại nằm trên chiếc giường quen thuộc 3 năm qua, nơi ghi lại biết bao lần yêu thương và oán hận. Một tin tức động trời làm cô choàng tỉnh trong cơn mê: Phồn Cẩm có thai!

Rốt cuộc cô mang thứ nghiệt chủng gì? Một đứa trẻ lai hai dòng máu, cha nó là kẻ thù của mẹ nó. Ở Trung Quốc nó không được đón nhận. Ở Nhật bản có sẽ bị khinh thường. Cô hy vọng gì vào một đứa con như thế?

“Tôi không cần đứa bé này!”

Đó là tất cả những gì cô có thể làm cho sinh linh này. Thà nó không được chào đời vẫn hơn phải đón nhận cái tương lai nghiệt ngã như thế. Trên đời này có lẽ chẳng ai chờ mong nó, nhưng Dã Vũ là ngoại lệ. Anh tin vào tình yêu của người mẹ. Đứa trẻ có thể níu kéo cô, anh không ngần ngại dùng con mình làm vật uy hiếp.

Con thú khi bị người ta dồn đến chân tường thì nó sẽ bất chấp mọi thứ mà bản công. Phồn Cẩm cũng vậy, khi mà thù hận tích tụ theo năm tháng biến thành khối ung thư không thể chữa trị, cô hạ quyết tâm phải giết Dã Vũ.

Khi cô nhẹ nhàng rời khỏi giường, anh vẫn tự lừa dối mình rằng cô sẽ không nỡ.

Khi cô nâng con dao găm trong ánh trăng bàn bạc, anh vẫn hy vọng cô sẽ do dự.

Nhưng mà anh đã thua ván bài sinh mệnh này. Phồn Cẩm đem hết ân oán vào nhát dao đó, Dã Vũ điềm nhiên đón nhận bằng đôi tay mình. Không có kinh hoàng, không có phẫn nộ, không có bi thương. Đôi mắt anh chỉ còn bóng tối trống rỗng, âm u và đậm đặc.

“Vì cái gì?”

Vì cái gì?

Vì cái gì?

Vì anh là người Nhật và em là người Hoa, vì chúng ta là kẻ thù và chính giữa luôn luôn có thù nhà, hận nước!

Cô muốn giết cha của con mình, anh đã ép cô đi tới đường cùng đó. Dã Vũ nuốt hết đau đớn mà hạ một quyết tâm:

“Triệu Phồn Cẩm, ngoan ngoãn sinh con ra, như vậy, tôi sẽ thả cô được tự do!!!!!!!!!”

Lại năm năm nữa trôi qua, thời gian như thoi đưa, chiến trận lúc thắng lúc thua, mãi dằn co trong khói đạn và xương máu. Phồn Cẩm đã tìm thấy tự do sau khi vứt bỏ lại cốt nhục của mình. Cô biết anh sẽ yêu thằng bé, nó là đứa trẻ do cô sinh ra, là con trai của họ và Dã Vũ sẽ yêu con vì điều đó.

Anh mang dòng máu tôn quý nhất của người Nhật, được nuôi dạy để trở thành thứ vũ khí giết người trong tay cha. Anh chỉ có thể cho Nhã Trị sự nghiêm khắc, dạy nó lớn lên thật nhanh, lớn hơn tuổi tác để có thể sống trong thời loạn, dũng cảm và mạnh mẽ như một người đàn ông. Thành quả giáo dục của anh chính là một Dã Vũ Nhã Trị im lặng và khép kín.

Phồn Cẩm nhận ra con trai của mình trong hoàn cảnh thật trớ trêu. Đứa trẻ viết “Triệu Phồn Cẩm” bằng tiếng Trung vào tờ giấy, đây là chữ đầu tiên cha đã dạy, đây là tên của mẹ, Nhã Trị luôn ghi nhớ.

Vì cứu con mà lần nữa Phồn Cẩm rời bỏ tự do, cam nguyện trở về bên Dã Vũ, cái vòng lẩn quẩn của họ không tìm ra điểm kết.

“Cẩm Nhi, em giống như vết thương trên người anh vậy, đó là nơi duy nhất anh vị thương, cũng là một nơi trí mạng!”

Dường như có rất nhiều người nhận ra điều này, trong đó có ông nội của Nhã Trị. Không có gì quá đáng nếu nói rằng Dã Vũ không sợ bất cứ điều gì trên đời này, trừ cha ruột của mình. Người đàn ông đó có thứ sức mạnh đủ giết chết Phồn Cẩm từ sự bảo vệ của anh. Khi cô chấp nhận hiện thực và thừa nhận tình yêu thì anh chọn buông tay. Dã Vũ không cần gì hết, chỉ muốn cô được sống và cái giá phải trả là đánh đổi cuộc đời mình. Phồn Cẩm và Nhã Trị cứ đi thật xa, cố gắng sống sót từ chiến tranh loạn lạc. Vũ Dạ sẽ tiếp tục con đường làm công cụ giết người, bởi vì anh phải áp chế cha mình, dùng lòng trung thành trong tuyệt vọng để bạo vệ cô và con trai.

Lời yêu Phồn Cẩm đã nói, sau 8 năm cô cũng thừa nhận tình yêu oan nghiệt này. Nhưng có lẽ quá muộn, giữa họ không thể có thêm cơ hội nào ở bên nhau nữa.

“Phồn Cẩm…… Anh là người Nhật Bản!!!!!!!”

Dã Vũ rất khôn ngoan khi lấy cái lý do hiển nhiên này mà từ chối bỏ trốn cùng cô. Giữa họ, lằn ranh quốc gia và thân phận mãi mãi là một vết sẹo. Dã Vũ để cô đem theo sự hiểu lầm và rời đi, tìm đến một nơi an toàn nào đó, ít nhất là an toàn hơn ở bên cạnh anh.

Nhìn đoàn tàu mang theo hai người yêu thương nhất ra khỏi thế giới của mình, Dã Vũ đã chết từ giây phút đó, anh chỉ có thể vật vã sống hết cuộc đời nhơ nhuốc này.

Lệ rơi, lần đầu tiên anh hiểu nước mắt lại nhát chúa như thế…

Phồn Cẩm – Dã Vụ, thật ra họ đều là nạn nhân của chiến tranh, của sự tàn bạo, phân biệt chủng tộc và lòng tham vô đáy của con người. Thiên Tân, Thượng Hải, Bắc Kinh… trời đất này liệu còn nơi nào có thể cho họ hạnh phúc? Phồn Cẩm cả đời đấu tranh giữa yêu và hận, giữa bổn phận với dân tộc và tình yêu oan trái. Phồn Cẩm mâu thuẫn là thế nhưng ít nhất cô cũng thẳng thắng với hiện thực. Không như Kim Bích tự biện minh cho sự phản bội và thèm khát hư vinh của mình bằng cái lý do: “Tôi là người Mãn, chưa bao giờ là người Trung Quốc!” Phồn Cẩm không phải vĩ nhân nên cũng có lúc sẽ ích kỷ vì chính mình, cũng có lúc lãng quên hết thực tế để yêu anh. Cô chưa bao giờ quên mình là người Trung Quốc, cũng không hề quên mối thù quốc gia nhưng đồng thời cũng yêu và chấp nhận tình yêu từ một người Nhật. Ai có thể lý giải vì sao nam nữ yêu nhau thì mới có thể lý giải tình yêu của Dã Vũ và Phồn Cẩm.

Hai mẹ con bôn ba trong dòng đạn lạc, sống cùng khói lửa và tương lai mịt mù. Nhã Trị vẫn điềm đạm như vậy, im lặng như thế. Cô chưa bao giờ dám hỏi vì sao thằng bé chịu theo cô, nó cũng chưa bao giờ gọi cô là mẹ. Có người mẹ nào vứt bỏ con trai vừa 1 tháng tuổi để đi tìm tự do của chính mình không?

Phồn Cẩm không đòi hỏi ở con điều gì. Nhã Trị rất ngoan, rất thông minh, rất hiểu đời, nó là điểm sáng duy nhất trong cuộc sống tăm tối này. Vào giây phút hai mẹ con bị truy đuổi, cận kề trong nhục nhã và chết chóc, cô chợt nhận ra mình quá yếu đuối, cô không có đủ sức mạnh để bảo vệ con trai, Nhã Trị cần cha hơn người mẹ nhu nhược này.

Đứa trẻ dù thế nào thì vẫn là đứa trẻ. Nó kinh hoàng và sợ hãi nằm trên đất, mở to đôi mắt tuyệt vọng nhìn “cô” bị đám lính cưỡng bức. Có rất nhiều ý nghĩ vụt qua trong đầu thằng bé, với vài tuổi đầu non dại, nó trãi đời và thấu hiểu sự đáng sợ của chiến tranh.

Nhã Trị run rẩy ném cây súng xuống đất, xác chết phơi mình dưới chân nó, Phồn Cẩm từ ngỡ ngẩn chuyển sang khốn khổ ôm con mà khóc. Nó chưa được 10 tuổi, là con trai bé bổng của cô, tay nó nhuốm máu vì cứu cô.

Nhã Trị làm như vậy tất cả vì Dã Vũ. Năm đó anh đã trao cây súng này cho con mình, xem nó như một người đàn ông, dùng đôi mắt khẩn khiết và yêu thương mà dặn dò: “Hãy bảo vệ mẹ con!” Một câu, còn hơn cả thiên ngôn vạn ngữ.

Anh đã rèn luyện nó một bản lĩnh cứng cỏi, anh thúc ép nó phải trưởng thành và anh đặt một thứ kỳ vọng lạ lùng vào con trai.

Hãy bảo vệ mẹ.

Hãy bảo vệ vợ của cha.

Hãy bảo vệ người cha yêu nhất…

Đúng vậy, từ lâu Nhã Trị đã biết cô là mẹ ruột, nó vẫn luôn âm thầm bảo vệ cô, nó mang tình yêu của cha để trông nom mẹ. Nhưng mà… Dã Vũ đã quên rồi, con trai anh cũng là đứa trẻ, nó nên được yêu thương nhiều hơn, nên có một tuổi thơ tươi đẹp chứ không phải trưởng thành với đôi bàn tay bẩn máu…

Lấy hết dũng khí đi tìm Dã Vũ, cuối cùng cô cũng nhìn thấy mọi khổ đau phía sau người đàn ông sắt đá kia. Anh chỉ để cô nhìn thấy sự tàn nhẫn của mình, nhìn thấy bản chất khát máu và độc đoán, anh để cô oán hận, để cô chán ghét nhưng mãi mãi cất giấu những sự đánh đổi mà Phồn Cẩm không thể ngờ. Là cuộc đời, là hy vọng, là ý chí sinh tồn… mọi thứ đều bỏ rơi anh, cũng từ giây phút cô đem con trai của họ rời đi.

Nếu đến khi chết cũng không thể gặp lại, vậy thì sớm nên chết đi, chấm dứt địa ngục trần gian này, không cần bận tâm quốc gia hay dân tộc.

Tất cả mọi thứ, níu kéo hay buông tay, hy sinh hay đánh đổi, đấu tranh hay khuất phục…

Hai con người lẽ ra không nên gặp nhau, càng không nên yêu nhau

Bởi vì giữa họ, thứ không nên có nhất chính là TÌNH YÊU!

***Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa

P/S: Có nhiều bạn nói rằng Hoa Ban “review hay hơn truyện”, nhiều lúc đọc truyện lại cảm thấy hụt hẫng. Mình xin biện minh rằng: Một câu truyện dài vài trăm hoặc hàng nghìn trang bị tóm tắt và cô động thành vài chục dòng. Làm sao đem so sánh cái review với cả bộ truyện hả bạn? Sữa đậu nành bị pha loãng không bao giờ ngon bằng sữa nguyên chất >_<  Vì thế mình luôn cố gắng khen chê đúng chỗ, đôi khi lối diễn đạt làm nổi bật nên ý tưởng mà cả bộ truyện không tạo nên sức bật. Các bạn nên nhớ Hoa Ban viết review, không phải preview. Bài viết thực chất dành cho người đã đọc truyện, không phải người tìm truyện đọc ^_^ Vì vậy hy vọng mọi người thông cảm và bỏ qua nếu mình lừa các bạn sập phải cái hố to đùng rồi bị hụt hẫng không bò dậy được!!?? Vậy nha, iu độc giả rất nhiều, ngày tốt lành!!!

Online

Bài liên quan: REVIEW TỔNG HỢP

Chủ Đề