Ưu nhược điểm phong cách đàm phán hợp tác

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát chung:
  • 2. Nội dung của biện pháp đàm phán trực tiếp:
  • 3. Ưu điểm của biện pháp đàm phán trực tiếp:
  • 4. Nhược điểm của biện pháp đàm phán trực tiếp:
  • 5. Thực tiễn áp dụng của biện pháp đàm phán trực tiếp:

1. Khái quát chung:

Để giải quyết các tranh chấp quốc tế thì các chủ thể của Luật quốc tế chỉ được áp dụng các biện pháp hòa bình. Biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế đã hình thành từ lâu trong lịch sử quan hệ quốc tế. Biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước Lahaye năm 1899 và 1907. Điều 1 Công ước yêu cầu các bên tranh chấp cố gắng kiềm chế không dùng vũ lực và bảo đảm việc giải quyết hòa bình những tranh chấp bất đồng. Tuy nhiên, Công ước không cấm dùng chiến tranh, dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế. Sau khi Liên hợp quốc được thành lập với mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế đã được chính thức ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc với tư cách là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Điều 2 Hiến chương liên hợp quốc quy định: “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, sao cho không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý”. Nguyên tắc này còn được ghi nhận trong rất nhiều văn kiện quốc tế như: Tuyên bố về các nguyên tắc của Luật quốc tế năm 1970, Định ước Henxinki năm 1975, Tuyên bố Madrit về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 1982, Hiến chương của Tổ chức các nước châu Mỹ,…

Dựa trên các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và thực tiễn quan hệ quốc tế có thể thấy các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm: đàm phán trực tiếp; giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba [môi giới, trung gian, hòa giải, ủy ban điều tra, ủy ban hòa giải]; giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế hoặc điều ước quốc tế khu vực; giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan tài phán quốc tế: Tòa án, Trọng tài Quốc tế, cơ quan tài phán của các tổ chức quốc tế.

Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, tôi lựa chọn biện pháp đàm phán trực tiếp để phân tích một trong những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế.

2. Nội dung của biện pháp đàm phán trực tiếp:

Đàm phán trực tiếp là biện pháp giải quyết tranh chấp dựa trên sự tiếp xúc trực tiếp giữa các chủ thể của Luật quốc tế để trao đổi, thương lượng, bàn bạc nhằm hướng tới việc giải quyết vấn đề mà các bên cùng quan tâm. Theo quy định của Luật quốc tế, đàm phán trực tiếp phải được tiến hành dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Thực tiễn quan hệ quốc tế tồn tại nhiều loại hình đàm phán quốc tế khác nhau như tư vấn, tham vấn, tham khảo ý kiến, trao đổi ý kiến, hội nghị. Do đó, Luật quốc tế không quy định những quy tắc bắt buộc khi tiến hành đàm phán mà sẽ do các quốc gia là các bên tranh chấp chủ động xây dựng hoặc dựa vào sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của quốc gia khác. Mục đích, thành phần, cấp độ tham gia, hình thức, thời gian, địa điểm… đàm phán do chính các bên hữu quan thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, việc tiến hành đàm phán, kết quả đàm phán phải hoàn toàn theo các nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Đàm phán trực tiếp diễn ra ở các cấp khác nhau [giữa những người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ, hoặc những người đại diện có thẩm quyền của các bên thông qua các Hội nghị ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia ở nước ngoài,…] và có thể là đàm phán song phương hoặc đàm phán đa phương. Nếu là đàm phán đa phương, đàm phán thường được tiến hành trong khuôn khổ hội nghị quốc tế. Ví dụ như Hội nghị song phương giữa Ấn Độ và Pakistan về lãnh thổ Casmia; giữa Malaysia và Singapore về đảo có đèn biển. Hội nghị đa phương đàm phán 6 bên về khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên.

Trong các cuộc đàm phán, đàm phán cấp cao thường thỏa thuận các vấn đề cơ bản làm phát sinh tranh chấp giữa các quốc gia hữu quan và có vai trò quyết định. Kết quả đàm phán trực tiếp phụ thuộc rất nhiều vào uy tín, trình độ, kiến thức chuyên môn của từng người thay mặt các quốc gia tham gia đàm phán. Đàm phán tranh chấp quốc tế thường được kết thúc bằng việc các bên tranh chấp sẽ ký kết một trong các loại văn kiện quốc tế như Bản ghi nhớ, Nghị quyết, Hiệp ước, Hiệp định,…

3. Ưu điểm của biện pháp đàm phán trực tiếp:

Đàm phán là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp có từ lâu trong quan hệ quốc tế, là biện pháp cơ bản, hữu hiệu và thông dụng nhất để giải quyết tranh chấp quốc tế. Đàm phán trực tiếp có nhiều ưu điểm so với các biện pháp giải quyết tranh chấp khác. Cụ thể:

Thứ nhất, dễ áp dụng. Đàm phán trực tiếp là biện pháp giải quyết tranh chấp được lựa chọn sử dụng phổ biến nhất bởi tính cơ động, các bên tranh chấp có thể tiến hành đàm phán giải quyết mâu thuẫn bằng cách gặp gỡ trực tiếp, đưa ra quan điểm lập trường của mình để từ đó giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, biện pháp này Luật quốc tế không quy định quy tắc bắt buộc trong vấn đề đàm phán giữa các bên với nhau.

Thứ hai, đàm phán không chỉ giải quyết được tranh chấp giữa các bên mà còn góp phần củng cố mối quan hệ, tình đoàn kết lâu dài giữa các bên trong quá trình đàm phán, thúc đẩy quan hệ giữa các bên có liên quan.

Thứ ba, đàm phán trực tiếp giúp các bên chủ động quyết định thời gian, địa điểm, không bị hạn chế về không gian và thời gian, phương pháp giải quyết tranh chấp, loại bỏ được sự nghi ngờ, sự bất đồng về ý chí của các bên khi không ngồi cùng một bàn đàm phán.

Thứ tư, đàm phán trực tiếp giúp tránh được áp lực từ các thế lực bên ngoài khi các bên tranh chấp lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba. Hạn chế được sự can thiệp vào quá trình đàm phán từ các thế lực bên ngoài.

Như vậy, có thể nói đàm phán là biện pháp linh hoạt và có hiệu quả hơn cả để giải quyết tranh chấp quốc tế. Trong hầu hết các điều ước quốc tế, song phương cũng như đa phương, khi đề cập tới các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, biện pháp đàm phán trực tiếp luôn là lựa chọn hàng đầu. Khoản 1 Điều 22 Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN] quy định:

“Các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực giải quyết một cách hòa bình và kịp thời tất cả các tranh chấp thông qua đối thoại, tham vấn và thương lượng”.

4. Nhược điểm của biện pháp đàm phán trực tiếp:

Mặc dù là biện pháp được ưu tiên áp dụng hàng đầu và có nhiều ưu điểm hơn các biện pháp giải quyết tranh chấp khác nhưng biện pháp đàm phán cũng có một số hạn chế như: Các bên trong khi đàm phán thường mang ý kiên chủ quan, phiến diện, luôn đặt lợi ích của mình lên trên nên không giải quyết triệt để mâu thuẫn thậm chí làm tình hình xấu đi. Hơn nữa, trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp, không có sự tham gia của một bên trung lập, do đó khó có thể dung hòa được lợi ích các bên khi tranh chấp ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp các bên tham gia giải quyết tranh chấp tỏ thái độ không hợp tác ngay từ khi bắt đầu đàm phán, đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi, điều kiện để tiếp tục tiến hành đàm phám dẫn đến việc làm chậm quá trình đàm phán, một số trường hợp không thu được hiệu quả khi tham gia đàm phán trực tiếp. Do đó, trong nhiều trường hợp đàm phán có thể là giai đoạn khởi đầu cho một phương thức giải quyết tranh chấp khác. Ví dụ: khi hai bên tranh chấp giải quyết bằng đàm phán nhưng không thành công và quyết định tiếp tục giải quyết bằng phương thức thông qua bên thứ ba, hoặc đàm phán là hiệu quả của việc áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Ví dụ: khi có tranh chấp xảy ra, các bên tranh chấp chọn phương thức giải quyết thông qua Ủy ban hòa giải, nhưng trong quá trình nghiên cứu tài liệu về các bên tranh chấp Ủy ban hòa giải yêu cầu các bên tranh chấp ngồi lại đàm phán trao đổi quan điểm với nhau trước khi đưa tranh chấp đến bên thứ ba.

5. Thực tiễn áp dụng của biện pháp đàm phán trực tiếp:

Biện pháp đàm phán trực tiếp là một biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế lâu đời, được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất, là cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để các bên tranh chấp trực tiếp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách của mình về vấn đề tranh chấp và cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để giải quyết. Chình vì vậy, mà từ lâu cho đến tận ngày nay, biện pháp đàm phán quốc tế vẫn còn được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trong tình hình hội nhập quốc tế đa phương như hiện nay, việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế thường làm phương hại đến nhiều bên nên việc áp dụng đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp quốc tế còn rất khó khăn để thu được kết quả như các bên mong muốn. Thực tiễn áp dụng đàm phán trực tiếp và giải quyết mâu thuẫn quốc tế, các cuộc đàm phán đa phương ngày càng trở thành một xu hướng chung được nhiều quốc gia trong quan hệ tranh chấp áp dụng. Bởi vì mâu thuẫn giữa hai nước luôn làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, các quốc gia nhỏ, kém phát triển sẽ có nhiều cơ hội hơn khi sử dụng được tiếng nói quốc tế vào các cuộc đàm phán. Điều này cũng tạo ra những thuận lợi và thách thức nhất định đối với các chủ thể của Luật quốc tế. Đàm phán quốc tế luôn là một thách thức đối với các quốc gia.

Từ khi chưa gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ tuyên bố của các Bộ trưởng Bộ ngoại giao các nước ASEAN, Việt Nam khẳng định:

“mọi tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo ngoài Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Đặc biệt, trong vấn đề biển Đông, lập trường của Việt Nam cũng như nhiều nước có chung lợi ích trên biển Đông đều muốn Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán đa phương bởi các hành động của Trung Quốc đang không chỉ tạo ra mâu thuẫn giữa một quốc gia mà là nhiều quốc gia trong khu vực biển Đông. Trong đàm phán đa phương các nước nhỏ như Việt Nam có thể sử dụng được sức mạnh quốc tế để tạo áp lực cho Trung Quốc buộc họ phải thực hiện đúng các quy định quốc tế về biển. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn muốn đàm phán với từng nước một hơn là ngồi vào vòng đàm phán mà chắc chắn sẽ bị dồn vào thế yếu. Như vậy có thể thấy rằng, vấn đề tham gia đàm phán của từng quốc gia có khác nhau, các quốc gia cần phải xác định rõ những lợi ích và thiệt hại mà mình gặp phải để từ đó có nên quyết định tham gia đàm phán song phương hoặc đa phương, cái nào có lợi cho họ nhất thì họ làm. Chứ không phải trong mọi trường hợp có yêu cầu tham gia đàm phán thì quốc gia đều phải đồng ý tham gia. Ngoài ra còn có nhiều cuộc đàm phán đa phương điển hình như: đàm phán giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; các cuộc đàm phán đa phương tại thủ đô Vienna của Áo bàn về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria gồm nhiều nước như Mỹ, Nga, Iran, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar,…

Bên cạnh việc tổ chức đàm phán đa phương, các cuộc đàm phán song phương cũng thường xuyên diễn ra, chủ yếu là giữa các nước trong cùng một khu vực, các nước có mối quan hệ thương mại hoặc các nước lớn với nhau. Điển hình là cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về ván đề vũ khí hạt nhân, lá chắn tên lửa; Đàm phán song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP]; đàm phán giữa Hàn Quốc Và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân,… Các nước tham gia đàm phán đều đại diện cho những quan điểm riêng và có nhiều mâu thuẫn nhau nên để đi đến giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng là việc rất khó khăn.Vì vậy, trên thực tế, có nhiều cuộc đàm phám kéo dài và phải đàm phán nhiều lần mới đưa ra được quyết định cuối cùng để giải quyết tranh chấp giữa các bên có liên quan.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi thư đến email để được giải đáp thắc mắc.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề