Vai trở của môn Văn trong nhà trường

Có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là cái nhìn của xã hội đối với bộ môn này. Thực tế hiện nay đa phần phụ huynh định hướng cho con học Toán, theo học các môn học Tự nhiên để con thi khối, ngành kinh tế, kĩ thuật. Chính vì lí do đó nên học sinh không còn tha thiết học bộ môn Ngữ Văn, chỉ coi môn Ngữ Văn là bộ môn thi Tốt nghiệp. Các em học chống đối với quan niệm không cần phải học bộ môn này nhiều chỉ cần qua điểm liệt để đỗ Tốt nghiệp thôi.

Nguyên nhân thứ hai là yếu tố tâm lí của học sinh với bộ môn này. Các em ngại học môn Ngữ Văn vì cho rằng đây là môn học phải ghi chép, đọc nhiều. Xuất phát từ tư tưởng “lười biếng” đó nên trong giờ học môn văn nhiều em không tập trung chú ý nghe giảng, nói chuyện riêng, trong các giờ kiểm tra chỉ loay hoay tìm cách chép “phao”.

Thứ ba về phía thầy cô, có thể trong các giờ dạy chưa thu hút được sự yêu thích của học sinh. Có thể là do nội dung bài dạy phải rập khuôn theo sách hướng dẫn hoặc thiết kế, việc sử dụng máy chiếu trong dạy học Ngữ Văn sẽ cung cấp đủ cho học sinh kiến thức cơ bản, hình ảnh minh họa sinh động song sẽ ít lời phân tích, bình văn của giáo viên làm cho những giờ học Văn trở nên khô cứng.

Vai trở của môn Văn trong nhà trường
Truyện Kiều - Tập đại thành của dân tộc Việt Nam
 

Trước thực trạng trên, giải pháp nâng cao chất lượng giờ học Văn là vấn đề cần được xem trọng ở các nhà trường. Tôi thiết nghĩ trong quá trình thay sách, Bộ Giáo Dục cần thay thế một số tác phẩm cổ điển không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại khiến các em thấy xa lạ, khó hiểu. Các nhà trường nên tổ chức ngoại khóa, gặp gỡ, giao lưu cùng các tác giả văn học…Các thầy cô cần linh hoạt đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt là các em học sinh cần có nhận thức đúng đắn, yêu thích và đam mê Văn học .

Việc học Văn không chỉ cần thiết với cá nhân người học mà còn có ích đối với toàn xã hội. Học Văn là để bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Môn Văn đem lại giá trị tinh thần cần thiết để con người sống tốt hơn, gần nhau hơn. Vậy nên toàn xã hội cần có sự quan tâm hơn nữa đối với bộ môn này để không còn tình trạng học sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Dù chúng ta có lý tưởng thế nào đi chăng nữa thì chất lượng thực của bộ môn Ngữ văn ở các trường phổ thông hiện nay đã và đang xuống dốc.

Tình trạng nhiều em học sinh học xong cấp trung học phổ thông, thậm chí là đại học vẫn còn lúng túng khi viết một cái đơn xin việc.

Trong giao tiếp hàng ngày, nếu chúng ta để ý sẽ gặp rất nhiều những câu thoại cụt ngủn, thiếu chủ ngữ của nhiều người. Cách ứng xử hàng ngày của một số người dù đã trưởng thành cũng đang thiếu đi tính tế nhị và nhân văn.

Giá như học sinh được chú trọng dạy dỗ từ nhỏ, được kèm cặp tốt để rèn luyện câu chữ, được tiếp cận với nhiều những cuốn sách hay...

Và, học sinh gặp được những thầy cô dạy Văn giỏi về chuyên môn và giàu lòng nhân ái thì chắc chắn nhiều người sẽ đỡ hẫng hụt hơn khi đến tuổi trưởng thành.

Vai trở của môn Văn trong nhà trường
Việc dạy và học môn Văn ở trường phổ thông đang có nhiều bất cập (Ảnh minh họa: giaoduc.net)

Nếu chỉ nhìn môn Văn qua điểm số, qua số liệu tổng kết hàng năm thì chúng ta sẽ thấy chẳng có gì phải băn khoăn cả. Bởi, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh khá môn Văn ở trường nào cũng tương đối cao.

Nhưng, nếu đọc những bài văn của học trò chắc nhiều người sẽ ngỡ ngàng, ngao ngán. Tình trạng học sinh viết sai chính tả, bài văn viết chung chung, viết không có bố cục thì rất nhiều.

Nhiều thầy cô chấm Văn bây giờ quên đi thao tác sửa lỗi chính tả và lỗi diễn đạt của học trò nên những lỗi sai theo hệ thống cứ diễn ra từ năm này sang năm khác.

Chúng tôi không quá đề cao môn học nào nhưng rõ ràng môn Văn trong trường phổ thông  là một trong những môn học có thể bồi dưỡng những giá trị về nhân cách, đạo đức cho con người.

Thế nhưng, bây giờ khi đang ngồi trên ghế nhà trường thì nhiều học sinh lại ngao ngán môn Văn nhất. Bởi, nhiều em cho rằng đó là môn học ghi nhiều, thầy cô giảng nhiều nên nghe rất mệt.

Song, nếu chịu khó học tập thì ngoài kiến thức bài học, môn Ngữ văn trong nhà trường sẽ giúp cho con người chúng ta sau này có nhiều nền tảng vững chắc trong giao tiếp, ứng xử và góp phần hình thành nền tảng đạo đức cho con người.

Người học tốt môn Văn sẽ biết giao tiếp khéo léo để khỏi làm mất lòng người khác. Biết ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh, biết lấy lòng những người khó tính nhất.

Vai trở của môn Văn trong nhà trường
Sự thật là học trò học Văn chỉ để thi, không vì một mục đích nào khác

 Đặc biệt, khi có nhiều lý lẽ, chúng ta sẽ không thua thiệt trong bất cứ tình huống giao tiếp hay tranh luận nào.

Chưa bao giờ, câu chuyện đạo đức của con người được nhắc nhiều như bây giờ bởi rất nhiều những câu chuyện buồn trong ứng xử và hành động hàng ngày với nhau.

Nhiều người có học vị, học hàm, có địa vị trong xã hội nhưng lại dễ dàng sa ngã vì đồng tiền, vì những cám dỗ của vật chất.

Chưa bao giờ việc chạy chức, chạy việc, chạy luân chuyển lại được báo chí phản ánh nhiều như bây giờ. Và, cũng chưa bao giờ những tệ nạn xã hội lại nở rộ như hiện nay.

Ngay cả trong môi trường giáo dục- nơi được xem là trong sáng, là nơi đào tạo con người, uốn nắn về đạo đức, nhân cách thì cũng có những thầy cô lại là người vi phạm, làm xấu đi hình ảnh của mình trước công luận.

Điều khiến cho học sinh bây giờ ngán ngại học Văn có lẽ chính là một bộ phận thầy cô chưa thuyết phục được học trò yêu thích môn học mà mình đang đảm nhận.

Những cảm xúc trong lòng của một số thầy cô dạy Văn “đang nguội lạnh” thì giảng Văn sẽ trở nên khô cứng, máy móc và áp đặt.

Những tiết học nhạt nhẽo thì làm sao văn chương đi vào được lòng học trò?

Hãy đặt vị trí người thầy vào vị trí học trò trong những tiết học thứ 4, thứ 5 của buổi học, khi mà học sinh đã mệt mỏi mà thầy cô lại cứ đều đều giảng bằng một tâm hồn xơ cứng, áp đặt thì thử hỏi làm sao học sinh không…buồn ngủ và chán ngán đây?

Nỗi buồn cho môn Văn bây giờ là một số thầy cô giáo rất cứng nhắc trong việc chấm bài.

Học sinh làm bài mà không trúng với đáp án của mình ra hoặc không trúng với hướng dẫn chấm của cấp trên là không cho điểm hoặc cho điểm rất thấp càng khiến cho học sinh chán nản.

Một số thầy cô chỉ hướng học sinh làm sao có những kỹ năng để làm bài được điểm cao mà chưa hướng tới được giá trị thẩm mỹ, tính giáo dục trong từng tác phẩm văn chương.

Có những thầy cô hướng học sinh đến những bài văn “đồng phục” để kiểm tra, để đi thi có điểm cao. Thậm chí trong các kỳ thi học sinh giỏi cũng có rất nhiều những bài văn đồng phục.

Đó là tình trạng giáo viên vừa dạy, vừa ra đề, vừa chấm thi trong các kỳ thi học sinh giỏi nên có những bài văn đạt giải cao mà na ná như nhau.

Chính từ thói ích kỷ của một số thầy cô đã phá nát lòng ham muốn học văn của nhiều học trò, của nhiều giáo viên trong giảng dạy.

Mỗi kỳ thi học sinh giỏi chỉ lấy một số ít em đạt gải thì đa phần những người cầm cân nảy mực cố tình đưa học sinh của mình vào những giải cao. Dẫn đến sự chán nản cho nhiều giáo viên và học sinh tham gia ôn luyện.

Song hành với những bất cập ở cơ sở là những đổi mới, chỉ đạo trong giảng dạy, học tập hiện nay của cấp trên có nhiều bất cập.

Môn Văn đang được tích hợp quá nhiều thứ trong mỗi bài học một cách gượng ép, khiên cưỡng.

Có lẽ, văn chương trước hết phải là văn chương, phải hướng con người thẩm thấu được cái đẹp, biết rung động trước cái đẹp.

Biết cảm thông, chia sẻ trước những mảnh đời bất hạnh, biết hướng cái ác, cái xấu trở thành cái tốt hơn.

Người dạy Văn giống như một nghệ sĩ luôn sáng tạo và cháy hết mình thì người học mới thích thú, say mê.

Thế nhưng, nhiều thầy cô không dám hoặc không thể sáng tạo bởi vốn từ, vốn kiến thức có hạn.

Học trò thì nhiều em lười đọc, thờ ơ trong giờ học, phụ huynh thì luôn hướng con mình tới những môn học mà sau này có thể thi vào những trường đại học mà sau này ra trường có vị thế, có thu nhập nhiều hơn.

Cùng với những đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học trò khiến cho môn Văn mất dần vị thế.

Rõ ràng xã hội đang phát triển, kinh tế gia đình đang được cải thiện nhưng nhiều giá trị về đạo đức truyền thống đang mai một dần.

Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân nhưng sự sa sút trong dạy và học Văn ở nhà trường đang bộc lộ nhiều hạn chế.

NHẬT DUY

VHSG- Từ nhiều năm nay câu chuyện về việc dạy văn và học văn ở trường phổ thông trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội. Khen thì ít mà than phiền thì nhiều. Dư lận chung cho rằng việc dạy văn đã không đạt được kết quả như mong đợi. Học sinh bị nhồi nhét quá nhiều những kiến thức không cần thiết, không phù hợp với lứa tuổi, trong khi đó năng lực cảm thụ tác phẩm còn thấp, nhất là kỹ năng sử dụng tiếng Việt rất yếu, hầu hết học sinh tốt nghiệp PTTH còn viết sai câu, không có khả năng diễn đạt và viết những văn bản đơn giản và kết quả là môn Văn trở thành gánh nặng, trẻ em không thích học Văn.

Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều biện pháp, nhưng nhìn chung cho đến nay kết quả đạt được vẫn chưa nhiều. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án cải cách Chương trình và SGK các môn học với quy mô lớn. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để đổi mới việc dạy học, trong đó có dạy Văn. Tuy nhiên, để có được một chương trình môn học thật hợp lý và có khả năng mang lại hiệu quả thật sự, trước hết cần xác định rõ mục tiêu của mỗi môn học. Không làm rõ mục tiêu môn học sẽ không thể thiết kế được nội dung chương trình môn học và do đó cũng sẽ không thể biên soạn được SGK và xác định phương pháp giảng dạy. Nói một cách nôm na, không xác định được dạy để làm gì thì cũng sẽ không biết dạy cái gì và dạy như thế nào.

Vậy mục tiêu của môn Văn là gì?

Vai trở của môn Văn trong nhà trường
Minh hÍa: VIIP

Theo chúng tôi, dạy Văn ở trường phổ thông có ba mục tiêu chính:

Thứ nhất, hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ cho học sinh, rèn luyện cho trẻ em kỹ năng đọc hiểu và viết đúng tiếng Việt, khả năng diễn đạt – cả viết và nói – những điều mình muốn thể hiện. Dạy Văn phải bắt đầu bằng dạy Tiếng và dạy Tiếng phải đi từ dạy đọc hiểu những văn bản dễ đến những văn bản khó, từviết đúng đến viết hay, làm sao cho học sinh hết THCS phải đảm bảo không còn viết sai chính tả, sai câu, diễn đạt thiếu mạch lạc, rồi tiến dần lên, thông qua kết hợp với học tác phẩm văn chương, thấy được cái hay cái đẹp của tiếng Việt, biết diễn tả những điều phức tạp hơn trong tình cảm và suy nghĩ của mình, có khả năng giao tiếp, hòa nhập với thế giới xung quanh. Trong dạy Tiếng cần chú ý rèn luyện kỹ năng cả viết và nói, cho học sinh tiếp xúc với nhiều loại văn bản khác nhau, không chỉ tác phẩm văn chương mà bao gồm cả các văn bản lịch sử, xã hội…v..v.. đồng thời tránh nhồi nhét các kiến thức về ngôn ngữ học, dẫn đến tình trạng học sinh không tiếp thu được và chán học.

Thứ hai, bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Nhiều người nhầm tưởng đây là giúp học sinh thấy cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương. Đó không phải là cái chính. Cái chính là hình thành ở trẻ em một kiểu cảm nhận đặc thù về thế giới, một cách nhìn về sự vật và con người thấm nhuần cảm xúc, đầy chất tưởng tượng, bay bổng, huyễn hoặc. Đó không hẳn là cách tư duy hay là một tình cảm mà là một cái gì đó pha trộn cả hai, vừa là kiểu nghĩ, kiểu nhìn, vừa là kiểu rung động – rung động thẩm mỹ. Với mục tiêu đó, dạy Văn chủ yếu không phải là dạy lịch sử văn học, dạy ghi nhớ về tác giả, tác phẩm, dạy về cách cấu tạo và phân tích tác phẩm, mà là khơi dậy những rung động thẩm mỹ, hình thành thói quen về cách tiếp cận với thế giới nghệ thuật không có thực do nhà văn tạo ra, từ đó phát triển ở trẻ em khả năng tưởng tượng, khả năng nhập vai, khả năng sống trong một thế giới khác, một cuộc đời khác, một sự sống khác dù đó là con người hay con vật, cây cỏ. Hình thành năng lực thẩm mỹ là sứ mạng đặc thù của môn Văn, trước hết là của việc dạy văn chương. Dĩ nhiên trong quá trình giảng dạy và tùy từng cấp học – phổ thông hay phân ban, THCS hay THPT – dạy Văn vẫn cung cấp những kiến thức về lịch sử văn học, nhà văn và các thể loại, nhưng cũng giống như việc không được biến dạy tiếng Việt thành dạy ngôn ngữ học tiếng Việt, trong việc dạy Văn cũng không được biến dạy văn chương thành dạy khoa học về văn chương, dạy về nghiên cứu văn học. Đây cũng chính là một nguyên nhân giải thích vì sao môn Văn trong nhà trường hiện nay quá nặng và học sinh không thích học. Dạy Văn trong nhà trường phổ thông chủ yếu là dạy tác phẩm. Tác phẩm, văn bản (text) là nguyên liệu chính để hình thành năng lực thẩm mỹ ở học sinh. Tuy cũng là những loại hình nghệ thuật, nhưng sỡ dĩ văn học được đưa vào giảng dạy ở nhà trường như một môn học chính chứ không phải hội họa hay âm nhạc một phần vì do nó gắn với ngôn ngữ (tiếng Việt), một phần vì nó là loại hình nghệ thuật vừa tiêu biểu vừa phổ biến, gần gũi, có thể đại diện cho kiểu sáng tạo đặc biệt của con người – sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy dạy Văn chủ yếu không phải là trang bị những tri thức về văn mà dùng việc dạy Văn, trước hết là dạy tác phẩm văn chương, như một phương tiện, một cách thức để đạt đến một mục đích lớn hơn là phát triển năng lực thẩm mỹ của học sinh, hình thành ở học sinh một cách cảm, cách nghĩ mang đậm tính sáng tạo, tính cá nhân và thiên về hướng nội. Ở đây văn chỉ là chất liệu, là một trường hợp cụ thể. Nếu hiểu như vậy, từ cách dạy đến cách ra đề thi, kiểm tra sẽ hoàn toàn khác và lúc đó chắc chắn việc dạy Văn sẽ khắc phục được tình trạng nhàm chán khá phổ biến như hiện nay.

Thứ ba, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách cho học sinh. Tác phẩm văn chương là kết quả của sự sáng tạo đặc sắc, chứa đựng các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Văn gắn với chữ, chữ gẵn với nghĩa, tác phẩm văn mang nhiều giá trị, nội dung ý nghĩa khác nhau, vô cùng phong phú. Thông qua việc giảng dạy tác phẩm, người giáo viên có thể khơi dậy ở học sinh tình yêu đối với cái đẹp, lòng nhân ái, khát khao lý tưởng cũng như những hiểu biết về thế giới, về xã hội và nhất là về con người. Không phải tác phẩm nào cũng có đầy đủ những giá trị ấy và cũng không phải giờ dạy Văn nào cũng phải đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy, nhưng mục tiêu chung mà việc dạy Văn cần hướng tới là kích thích ở trẻ tình cảm hướng thiện và tư duy phê phán, giúp trẻ có khả năng tự định hướng và lựa chọn một lối sống tích cực. Lâu nay chúng ta thường nói về giáo dục đạo đức, dạy làm người. Môn Văn là môn có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Dạy Văn không phải là để dạy đạo đức, nhưng dạy Văn cũng không xa lạ với dạy đạo đức, giống như dạy Văn không xa lạ với dạy cái hay cái đẹp, dạy những hiểu biết về cuộc sống. Giáo dục về giá trị không phải là nội dung trực tiếp và đặc thù của môn Văn, nhưng nó là một yêu cầu quan trọng và không thể thiếu của dạy Văn.

Từ ba mục tiêu trên đây cộng với việc xem xét vấn đề từ góc độ tâm lý và sư phạm, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế lại toàn bộ Chương trình và Phương pháp dạy môn Văn ở trường phổ thông. Môn Văn – chúng tôi dùng chữ Văn chứ không phải Ngữ Văn vì đây là tên gọi quen thuộc của môn học này ( chữ Ngữ Văn có thể bị hiểu nhầm là philology như khoa học về ngôn ngữ) – bao gồm hai bộ phận chính là tiếng Việt và Văn học. Kết hợp dạy tiếng Việt và Văn học như thế nào ở từng cấp học, lúc nào tập trung vào tiếng Việt, lúc nào tập trung vào Văn học- đó là những vấn đề cần được tính toán kỹ cho phù hợp với từng lứa tuổi, từng bậc học. Việc xác định và làm đúng mục tiêu trên đây sẽ góp phần tránh được tình trạng hiện nay khi thì biến dạy Văn thành phương tiện giáo dục tư tưởng, giáo dục đạo đức, khi thì đổi sang thiên về cung cấp những tri thức về văn học, thi pháp, còn dạy tiếng thì nặng về giảng giải những kiến thức có tính chất ngôn ngữ học mà coi thường việc rèn luyện kỹ năng nói và viết cho học sinh.

Môn Văn là một trong hai môn chính ở trường phổ thông. Đổi mới dạy Văn có vị trí quan trọng trong đổi mới Chương trình và SGK cũng như đối với  việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường nói chung.

TS. NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Báo Giáo Dục TPHCM