Vì sao phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân

HIỆN TƯỢNG GIA ĐÌNH ĐƠN THÂN TRONG

XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY

ThS. Nguyễn Thùy Dương

 Gia đình là một thiết chế xã hội lâu đời và bền vững nhưng lại hết sức nhạy cảm với mọi biến đổi xã hội. Sở dĩ như vậy bởi gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, trong gia đình hiện diện đầy đủ các quan hệ xã hội: kinh tế, giáo dục, văn hóa, tổ chức... Ngày nay, trước những biến đổi mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình Việt Nam đang có nhiều thay đổi từ hình thái, vai trò đến cách thức tổ chức đời sống. Trong đó, sự xuất hiện và phổ biến của gia đình đơn thân là một hiện tượng rất cần phải bàn luận.

Thực tế cho thấy, hình thái gia đình luôn biến đổi phù hợp với đặc trưng kinh tế - văn hóa - xã hội qua từng thời kỳ khác nhau. Cuộc sống cộng đồng nguyên thủy tạo nên hình thức gia đình tập thể - quần hôn, tiến dần đến gia đình cùng dòng máu (huyết thống) rồi gia đình punaluna (bạn thân). Bước sang thời kỳ xã hội có giai cấp và nhà nước, gia đình cá thể - một vợ một chồng mới hình thành. Đó là kết quả của sự xuất hiện chế độ sở hữu tư nhân và sự phân hóa giai cấp rõ rệt. Gia đình cá thể tồn tại cho đến ngày nay nhưng dưới các hình thái phong phú và đa dạng. Như vậy, gia đình là sản phẩm của lịch sử, nhưng với tư cách là tế bào của xã hội, gia đình tác động tích cực đến tiến trình phát triển của xã hội.

Gia đình Việt Nam truyền thống khác biệt với gia đình phương Tây, mang nhiều nét Á Đông, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo. Đặc điểm nổi trội nhất là đề cao tính cộng đồng, khiến người phương Tây cho rằng ở gia đình người Việt có một "chủ nghĩa cộng đồng". "Nhà" gắn liền với "tộc họ" - "làng nước". Hình thái gia đình phổ biến gồm vợ chồng - con cái (gia đình hạt nhân) và gia đình bao gồm nhiều người thân ở cùng nhau (gia đình mở rộng theo chiều dọc - nhiều thế hệ, hay theo chiều ngang - nhiều thành viên thế hệ ngang hàng).

Gia đình đơn thân là hình thái gia đình chỉ có một thành viên hoặc chỉ có bố hoặc mẹ và con cái. Nhưng phổ biến hơn cả là những bà mẹ đơn thân hay còn gọi là “single mom”. (Trong phạm vi bài viết này, tác giả chủ yếu hướng tới đối tượng là những bà mẹ nuôi con một mình).  Gia đình đơn thân là một sự biến đổi của hình thái gia đình cá thể. Kiểu gia đình này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, đặc biệt ở các nước phương Tây hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Tại Anh, số gia đình đơn thân chiếm 21% số gia đình ở nước này, trong đó khoảng từ 8 – 11% số gia đình này là bố đơn thân. Ở Mỹ (theo số liệu điều tra năm 2008, số gia đình đơn thân chiếm đến 12%, ở Úc con số lên đến 15,2%. Hàn Quốc có tới 48% số hộ gia đình chỉ có một thành viên hoặc một bố hoặc mẹ và con trong năm 2010 [[1]]. Sự tồn tại phổ biến của gia đình đơn thân tại các quốc gia này do văn hóa đề cao cá nhân và hiện tượng ly hôn hoặc không muốn kết hôn ngày càng nhiều.

Trong xã hội Việt Nam, những gia đình đơn thân cũng đã xuất hiện từ lâu, nhưng đó chỉ là các hiện tượng đơn lẻ, hầu hết do chiến tranh loạn lạc, sự không may trong cuộc sống gia đình do vợ hoặc chồng mất, người còn lại ở vậy nuôi con. Những bà mẹ góa phụ được xã hội chấp nhận, được xem như một gia đình khuyết thành viên. Trường hợp ly hôn hoặc không lấy chồng hay không kết hôn mà có thai là những hiện tượng  lạ lẫm, không phù hợp với chuẩn mực gia đình người Việt, thường bị xã hội lên án.

Tuy nhiên, gần đây số lượng gia đình đơn thân, những người nuôi con theo kiểu "single mom" ngày càng nhiều. Theo kết quả điều tra năm 2006 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới tiến hành, tỷ lệ độc thân chiếm khoảng 2,5% dân số Việt Nam, trong đó chủ yếu là nữ giới với tỷ lệ 87,6% tổng số người độc thân. Như vậy, có thể thấy hình thái gia đình đơn thân bắt đầu trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Thực trạng này đang gây nhiều tranh cãi về những mặt phải, trái, đúng, sai và trở thành một trong những hướng nghiên cứu mới của xã hội học gia đình hiện đại.

Có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng này. Một phần nhỏ do bất trắc trong cuộc sống khiến gia đình đầy đủ trở thành khiếm khuyến, một phần do hệ quả của chiến tranh khiến nhiều bà mẹ một mình nuôi con, nhưng chủ yếu là do sự chi phối của nền kinh tế thị trường cùng với sự du nhập của lối sống hiện đại, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã phá vỡ ở một chừng mực nhất định đặc trưng của gia đình truyền thống Việt Nam. Cái tôi cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết, sự cố kết cộng đồng bị suy giảm và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Trong thời kỳ phong kiến, hôn nhân thường theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, chữ “nghĩa” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ vợ chồng và người phụ nữ bị ràng buộc bởi “tam cương”, “ngũ thường”, “tam tòng – tứ đức”. Chính vì vậy, cộng đồng như một sợi dây vô hình ràng buộc và suy xét mối quan hệ của họ nên những hiện tượng “lộn chồng”, “bỏ chồng” bị xã hội lên án một cách gay gắt. Thế nhưng, hiện nay quan niệm trên đã thay đổi rất nhiều, giới trẻ được quyền tự do yêu đương và kết hôn. Sự tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến cho tính bền vững của gia đình suy giảm nên hiện tượng ly hôn không còn bị xã hội lên án như trước. Thêm vào đó, xã hội hiện đại không còn định kiến và đã ngầm chấp nhận rằng không nhất thiết phải lập gia đình thì mới được sinh con bởi quyền làm mẹ là món quà vô giá mà tọ hóa ban tặng cho người phụ nữ. 

Hơn nữa, phụ nữ hiện đại ngày càng tự chủ được về kinh tế và công việc, không ít phụ nữ chọn giải pháp làm mẹ đơn thân mà không cần nửa kia, họ muốn có con mà không chịu ràng buộc với ai. Điều đáng nói là đa số những "single mom" này đều có thể lập gia đình và hưởng một cuộc sống gia đình trọn vẹn. Theo các  nhà  nghiên cứu xã hội học gia đình, những người phụ nữ này không hẳn thích sống cô đơn với một đứa trẻ mà thường họ là những người phụ nữ đã có sự trải nghiệm nhất định trong cuộc sống. Họ muốn khẳng định bản thân, thích sống tự do, không muốn hệ lụy với đàn ông. Họ sẵn sàng đương đầu với dư luận, định kiến xã hội. Với họ, đó cũng là một cách để khẳng định vai trò tự chủ, bình đẳng của phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Như vậy, sự ra đời và phát triển của gia đình đơn thân phản ánh sự thay đổi sâu sắc và mạnh mẽ trong lòng xã hội Việt Nam. Đồng thời, nó làm cho một số vấn đề của gia đình bị biến đổi, thể hiện cụ thể như sau:

Về kinh tế, hầu hết gia đình đơn thân là gia đình chỉ có mẹ và con mà thiếu vắng người cha. Người mẹ đơn thân phải đảm đương gánh nặng kinh tế gấp ít nhất hai lần so với người mẹ trong gia đình đầy đủ. Hầu hết gia đình đơn thân đều gặp khó khăn về kinh tế, họ góp phần làm gia tăng gánh nặng của xã hội về nghèo đói, thiếu lương thực, mức sống thấp...

Về văn hóa, gia đình vốn là nơi sản sinh và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, với gia đình đơn thân, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp có nguy cơ bị phá vỡ. Một ví dụ điển hình là: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, nhưng với những bà mẹ đơn thân, đặc biệt là bà mẹ đơn thân sinh con gái thì việc tạo lập và duy trì bàn thờ tổ tiên dễ mất đi một cách tự nhiên do truyền thống chỉ người con trai mới lập bàn thờ tổ tiên, thờ cúng cha mẹ. Người Việt Nam vốn trọng huyết thống, mối liên hệ dòng họ, làng xóm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với hình thái gia đình đơn thân những mối liên hệ ấy trở nên lỏng lẻo, thậm chí biến mất khỏi hệ thống dòng họ. 

Về giáo dục, người mẹ bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tinh thần, nuôi dưỡng và duy trì gia đình. Trẻ em sẽ dựa vào mẹ nhiều hơn bởi mối quan hệ mẹ con được thành lập từ khi mang thai cho đến lúc sinh con và khi đứa trẻ lớn khôn. Mối quan hệ mẹ con được thành lập từ khi mang thai cho đến lúc sinh con, và khi đứa trẻ lớn khôn. Trong gia đình, mẹ là người chăm sóc trực tiếp và là sợi dây liên kết bền chặt các thành viên. Tuy nhiên, người cha lại là trụ cột gia đình, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và định hướng phát triển tương lai của con trẻ. Khi không có người đàn ông bên cạnh, bà mẹ đơn thân phải trở thành trụ cột gia đình. Họ phải thực hiện đầy đủ hai bổn phận vừa làm cha, vừa làm mẹ. Do đó, bà mẹ không có đủ thời gian cần thiết để hỗ trợ, chăm sóc, giám sát con cái đầy đủ. Vì vậy, dù cho người mẹ có tài giỏi đến đâu, có mang cho con thật nhiều hạnh phúc vẫn để lại một khoảng trống đối với con trẻ. Chúng dễ bị tổn thương tâm lý và thiếu thốn tình cảm của người cha dẫn tới sự mất cân bằng về tâm sinh lý, đặc biệt đối với bà mẹ đơn thân sinh con trai.

Gia đình đơn thân là một hệ quả của quá trình hội nhập, đổi mới và phát triển kinh tế, về bản chất nó chính là biểu hiện của sự mất thăng bằng trong đời sống gia đình. Đối với người mẹ đơn thân hiện nay dư luận xã hội đã có sự cảm thông nhưng vẫn dè chừng và không ít lời chê bai, đàm tiếu. Một số người gọi họ là những người dũng cảm, người khác nói họ là điên rồ, sai lầm và ích kỷ với con cái.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù trong quá trình phát triển, gia đình truyền thống đã thể hiện được các ưu điểm về sự gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình; về vấn đề bảo lưu các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ và phát huy tốt nề nếp gia phong… nhưng gia đình truyền thống lại chính là một trong những nhân tố tham gia vào quá trình kìm hãm năng lực phát triển của các cá nhân. Xã hội luôn biến động, gia đình cũng vì thế luôn biến động để tìm ra một hình thức gia đình ưu việt nhất. Sự ra đời của mô hình bà mẹ đơn thân chỉ là một phần trong quá trình biến đổi ấy. Xu hướng này chắc chắn sẽ tồn tại, phát triển lan rộng trong thời gian tới nhưng không thể phổ biến trong xã hội, trở thành hình thức tổ chức đời sống thay thế cho gia đình vì nó có quá nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, mô hình này lại là một lựa chọn ưu việt và nó vẫn tồn tại trong xã hội phức tạp. Chính vì thế, xã hội nên có cái nhìn phóng khoáng với xu hướng này và định hướng để nó phát triển theo hướng đúng đắn.

N.T.T.D

Tài liệu tham khảo

[1]. Đỗ Thị Bình, Lê Văn Ngọc, Nguyễn Khiếu Linh (2002), Gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, NXB Khoa học Xã hội.

[2]. Vũ Ngọc Khánh (2007), Văn hóa gia đình Việt Nam - NXB Thanh Niên.

[3]. Nguyễn Khiếu Linh (2001), Gia đình và phụ nữ trong biến đổi văn hóa-xã hội nông thôn, NXB Khoa học Xã hội.

[4]. Lê Thi (2002), Cuộc sống của phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.

[5]. Lê Thi (2004), Gia đình, phụ nữ Việt Nam với dân số, văn hóa và sự phát triển bền vững, NXB Khoa học Xã hội.

[1] http://thethaovanhoa.vn/quoc-te/the-gioi-trong-tuan-hanh-phuc-la-gi-n20120330132106949.htm