Vì sao sữa mẹ ngày càng ít đi

Mẹ có thể gặp nhiều vấn đề khi cho trẻ bú sữa mẹ. Hoặc là trẻ không chịu bú mẹ, vú của mẹ bị nhiễm trùng hay mẹ nghĩ không đủ sữa cho trẻ bú. Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Vậy nên, điều quan trọng là mẹ hãy tìm mọi cách để tạo được lượng sữa nhiều nhất cho trẻ. Hãy cùng bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm chuyên khoa Nhi phân tích về vấn đề này.

Nội dung bài viết

  • 1. Điều gì dẫn đến nguồn sữa mẹ ít?
  • 2. Làm thế nào để khắc phục sữa mẹ bị ít?
  • 3. Massage vú như thế nào là đúng cách?

1. Điều gì dẫn đến nguồn sữa mẹ ít?

Hầu hết nguyên nhân khiến sữa mẹ được tạo ra ít là do mẹ không làm trống bầu vú hiệu quả.Điều này có thể xảy ra nếu:

  • Trẻ không được bú mẹ trong tuần đầu tiên sau khi sinh. Có thể do con bạn bị bệnh và bạn không thể cho trẻ bú hoặc vắt sữa ra ngoài.
  • Các cữ bú không được duy trì thường xuyên hoặc trẻ bú không hết sữa mẹ.
  • Cho trẻ bú sữa công thức dặm thêm với sữa mẹ, điều này khiến trẻ bú ít hơn.
  • Trẻ ngủ hơn 6 giờ trở lên mà không đòi bú sữa.
  • Bạn có vấn đề về sức khỏe sau khi sinh như tăng huyết áp hoặc nhiễm trùng.
  • Bạn đang gặp nhiều căng thẳng khi chăm sóc trẻ hoặc cần ăn kiêng giảm cân.
  • Bạn quay trở lại với công việc. Do đó, có thể làm giảm tần suất bạn cho trẻ bú hay vắt sữa.
  • Bạn bị nhiễm trùng vú, vì thế có thể đau và khó chịu khi cho trẻ bú. Nếu ngưng bú mẹ sẽ càng làm nặng thêm tình trạng này. Hậu quả là ống dẫn sữa bị tắc và sữa không được tiết ra.
  • Bạn đã từng phẫu thuật liên quan đến vú trước đó, đặc biệt là vị trí quanh quầng vú.

Tóm lại, nguồn cung cấp sữa từ vú của bạn càng ít thì càng mất nhiều thời gian để tạo ra nhiều sữa.

Những người có bệnh lí sẽ làm giảm tiết sữa mẹ

>>>Có thể bạn quan tâm: Thực tế vẫn có trường hợp bạn cần phải xa trẻ vì công việc và không thể cho trẻ bú. Hoặc trẻ không thể bú mẹ trực tiếp trong một thời gian sau sinh vì nằm trong phòng cách ly ở bệnh viện. Trong những tình huống này, bạn có thể vắt sữa và lưu trữ an toàn để cho trẻ bú sau đó. Bài viết: Cách chuẩn bị và bảo quản sữa mẹ cho bé? sẽ giúp bạn xử lý tốt những tình trạng này.

2. Làm thế nào để khắc phục sữa mẹ bị ít?

Đa số trường hợp có thể tạo ra nhiều sữa nếu bầu vú được làm trống thường xuyên và hiệu quả bằng cách cho con bú hoặc vắt sữa.Nếu vú của bạn tiết sữa không đủ, bạn có thể thực hiện nhiều cách để kích thích tạo sữa và làm trống bầu vú tốt hơn.

2.1. Cố gắng cho trẻ bú thường xuyên hơn

Nếu trẻ buồn ngủ, hãy thay đổi không gian trong phòng như bật đèn, mở cửa sổ, mở nhạc thư giãn để đánh thức trẻ dậy.Đôi khi, bạn có thể thử đổi bên vú cho trẻ bú sau mỗi 5 phút.

Trong thời gian cho bú, đặt ngón tay cái của bạn ở trên và bốn ngón tay bên dưới bầu vú.Nếu trẻ buồn ngủ hoặc ngừng bú, hãy bóp vú thật chặt nhưng nhẹ nhàng, để vắt một ít sữa vào miệng trẻ.Bạn không cần phải giữ động tác này liên tục.Chỉ cần bóp nhẹ và thả ra, sau đó lặp lại.Điều này có thể giúp con bạn bú được nhiều sữa từ vú của bạn.

2.2. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ vắt sữa

Sử dụng máy hút sữa và massage vú để lấy thêm sữa ra ngoài ngay sau khi cho trẻ bú.Bạn có thể không vắt sữa ban đêm trong 5 giờ. Nhưng hãy đảm bảo đủ 8 lần vắt sữa mỗi ngày.

Ghi lại lượng sữa sau mỗi lần vắt được.Tổng lượng sữa mỗi ngày sẽ giúp bạn thấy lượng sữa tăng lên bao nhiêu.

Sử dụng máy vắt sữa sẽ giúp kích thích tạo sữa và làm trống bầu vú của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng nếu con bạn cần bú thêm sữa.

2.3. Chăm sóc sức khoẻ để cải thiện tình trạng ít sữa mẹ

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể đủ khỏe mạnh để chăm sóc trẻ.Hãy cố gắng tranh thủ thời gian nghỉ ngơi thêm.Nếu gặp bất cứ vấn đề gì khiến bạn căng thẳng và quá chán nản, hãy tìm sự trợ giúp từ bạn bè và gia đình hoặc Bác sĩ nhé.

Nếu bạn có vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp cao hoặc nhiễm trùng, nguồn sữa của bạn có thể tăng lên khi tình trạng này được cải thiện.

Nếu trẻ vẫn không tăng cân dù bạn đã cố gắng cải thiện lượng sữa mẹ, hãy đến gặp Bác sĩ để được tư vấn tìm nguyên nhân, có thể trẻ cần bổ sung thêm sữa công thức.

Ăn uống đấy đủ dinh dưỡng để tăng sữa mẹ

3. Massage vú như thế nào là đúng cách?

3.1. Mát-xa vú để khắc phục tình trạng sữa mẹ bị ít

Mát-xa vú được thực hiện trong thời gian bạn cho con bú để giúp:

  • Làm trống bầu vú và giảm đau.
  • Cải thiện vấn đề ống dẫn sữa bị tắc.
  • Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng vú.
  • Kích hoạt phản xạ tạo sữa xuống núm vú.

Tăng hàm lượng chất béo trong sữa của bạn nếu bạn massage vú ngay trước khi cho trẻ bú.

Bạn có thể thực hiện massage vú ngay cả khi ngực bị đau, trước khi cho bú hoặc trước mỗi lần vắt sữa.

Dưới đây là thứ tự các bước để massage vú đạt hiệu quả tốt nhất:

  1. Chườm khăn ấm lên ngực trong 5 đến 10 phút.Nhiệt độ giúp cải thiện lưu lượng máu đến vú và giúp sữa của bạn xuống.Thư giãn từ từ.Hít thở sâu và suy nghĩ về những điều khiến bạn vui như hình ảnh đáng yêu khi trẻ ngủ.
  2. Với bàn tay đã được vệ sinh sạch sẽ, một tay giữ vú của bạn và xoa bóp bằng tay còn lại.Sử dụng đầu ngón tay, bắt đầu vuốt ở thành ngực về phía núm vú và quầng vú. Di chuyển ngón tay của bạn theo vòng tròn ở mỗi một phần tư của vú.
  3. Sau đó lần lượt di chuyển bàn tay của bạn xung quanh toàn bộ vú.

3.2. Vắt sữa bằng tay

Vào ngày thứ hai đến thứ năm sau khi sinh, sự thay đổi nội tiết tố khiến ngực của bạn bắt đầu tiết nhiều sữa.Điều này có thể gây sưng đau do ngực bị căng cứng.Khác với vấn đề liên quan đến nguyên nhân gây căng tức vú là ống dẫn sữa bị tắc, đó là tình trạng vú tiết quá nhiều sữa.Nếu con bạn không bú tốt, việc vắt một ít sữa ra khỏi vú bằng tay sẽ giúp bạn giảm sự căng tức ở vú và sữa được tiết ra ngoài dễ dàng.Một số mẹ cho biết rằng vắt sữa bằng tay hiệu quả hơn so với sử dụng máy vắt sữa. Bạn có thể thực hiện theo những bước sau đây:

Đặt ngón tay cái ở trên, ngón trỏ và ngón giữa của bạn ở dưới núm vú theo hình chữ C cách núm vú khoảng 2 đến 3 cm. Bắt đầu ở vị trí 6 giờ và 12 giờ theo hình đồng hồ.

Ấn nhẹ vào phía trong. Đừng di chuyển ngón tay của bạn, chỉ cần ấn lặp lại. Điều này sẽ giúp mở ống dẫn sữa của bạn.

Nhẹ nhàng xoa các ngón tay quanh bầu vú. Sau đó, bảo quản sữa của bạn trong túi đựng sạch. Sữa có thể phun ra theo nhiều hướng khác nhau, vậy nên bạn hãy cẩn thận. Nếu bạn hơi nghiêng về phía trước, trọng lực sẽ giúp đưa sữa vào bình chứa dễ hơn.

Lặp lại các động tác này [ấn lại nhiều lần và xoa đều] cho đến khi bạn cảm thấy bầu vú trống hoàn toàn.

Thay đổi qua lại giữa hai vú khi dòng sữa bắt đầu chảy chậm lại. Ban đầu, khi chưa quen với cách vắt sữa bằng tay, quá trình này có thể kéo dài đến 45 phút.Khi bạn lặp lại nhiều hơn, thường chỉ mất khoảng 20 phút cho mỗi lần vắt.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Hiểu được những nguyên nhân khiến lượng sữa giảm cũng như cách làm tăng lượng sữa mẹ nhiều nhất sẽ giúp trẻ được tăng cân và phát triển tối ưu. Mọi vấn đề quan tâm và thắc mắc, bạn hay liên hệ với Bác sĩ để có được sự hỗ trợ tốt nhất nhé.

Bác sĩ : Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Chủ Đề