VNVC có tiêm thuốc tránh thai không

Hướng dẫn của Bộ Y Tế về tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai

20/08/2021

VNVC có tiêm thuốc tránh thai không

Khoảng 10% thai phụ mắc COVID-19 sẽ diễn tiến nặng rơi vào nguy kịch, tiêm phòng là nhu cầu bức thiết đặt ra để bảo vệ sinh mạng của cả mẹ và bé.

Những băn khoăn, lo lắng của mẹ bầu và đang nuôi con nhỏ đã được giải đáp chi tiết bởi các chuyên gia Sản phụ khoa, y tế dự phòng.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh sẵn sàng đồng hành cùng thai phụ mang thai an toàn, sinh nở và nuôi con khỏe mạnh, hỗ trợ bệnh nhân giữa mùa dịch.

CHÍCH VẮC XIN COVID-19 CHO PHỤ NỮ MANG THAI

  • Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở phụ nữ mang thai có cao hơn các đối tượng khác không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Dù có thai hay không, nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ có thai và người bình thường là tương đương nhau. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của phụ nữ mang thai rất nặng so với người bình thường. Nếu phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, thì dù không có triệu chứng cũng gây sốt, mệt mỏi… Thai nhi có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm, mẹ thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao… thậm chí có thể đe dọa tính mạng, tốn kém chi phí điều trị. Bệnh chuyển biến ở những phụ nữ có thai bệnh sẽ nặng hơn nhiều so với phụ nữ không mang thai. Nếu nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2, mẹ có thể diễn biến bệnh nặng nề hơn rất nhiều. Do vậy, chúng tôi khuyến khích phụ nữ đang có thai, chuẩn bị mang thai phải phòng chống Covid-19 bằng cách chích ngừa, tuần thủ 5K để bảo vệ mình và thai nhi.

  • Thưa bác sĩ, tiêm vắc xin Covid-19 có nguy cơ gây vô sinh hay không ạ?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Việc tiêm vắc xin Covid-19 không liên quan đến vấn đề vô sinh, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến buồng trứng, hormone sinh dục, không làm suy giảm khả năng sinh sản ở cả nam lẫn nữ. Việc tiêm vắc xin vào cơ thể nhằm kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại dịch bệnh thôi hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến các vấn đề khác. Ngoài Covid-19, còn rất nhiều loại vắc xin khác nên tiêm chủng đầy đủ trước khi lập gia đình như: sởi quai bi rubella, HPV, cúm mùa… vắc xin không những bảo vệ bản thân người được tiêm, bảo vệ người xung quanh mà còn đặc biệt bảo vệ thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ và những tháng đầu đời.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chúng ta nên có quan niệm rằng vắc xin Covid-19 cũng tương tự như những loại vắc xin khác. Phụ nữ trước khi mang thai thường được khuyến cáo tiêm một số loại vắc xin như: cúm mùa, sởi quai bị rubella, thủy đậu… để bảo vệ mẹ và bé trong thuốc thai kỳ. Đối với vắc xin Covid-19 cũng vậy, giúp bảo vệ cơ thể thai phụ tránh khỏi biến chứng khôn lường có thể xảy ra nếu không may nhiễm bệnh. Đặc biệt, hoàn toàn yên tâm rằng vắc xin Covid-19 sẽ không làm ảnh hưởng đến trục hạ đồi tuyến yên buồng trứng, khả năng sinh sản, cho nên không cần lo lắng việc bị vô sinh khi tiêm vắc xin Covid-19.

  • Vì sao chúng ta lại chọn mốc 13 tuần, tại sao lại có sự phân biệt tuổi thai khi tiêm vắc xin Covid-19?

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Việc chia thai kỳ phụ nữ thành 3 giai đoạn do giai đoạn đầu rất có thể gây ra các dị dạng thai, vì vậy chuyên gia thường khuyến tiêm vắc xin sau giai đoạn này. Trước đây khi việc tiêm vắc xin mới bắt đầu triển khai, Bộ Y tế khuyến nghị không tiêm cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sau thời gian kiểm nghiệm thì giờ người ta hướng dẫn phụ nữ mang thai có thể tiêm.

Nếu các anh, chị tới khám, biết mình có thai bao nhiêu tuần thì chuyên gia sẽ thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, giúp đảm bảo an toàn.

  • Vắc xin Covid-19 có nhiều công nghệ sản xuất, công nghệ nào được chỉ định tiêm cho phụ nữ mang thai?

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Hiện nay, các loại vắc xin phòng bệnh Covid-19 bao gồm: Vắc xin AstraZeneca được sản xuất theo công nghệ véc tơ; hai loại vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna được phát triển theo công nghệ nuôi cấy tế bào vero bất hoạt. Những loại vắc xin này đều có thể tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ cho con bú.

  • Em bé sinh ra từ mẹ đã chích vắc xin ngừa Covid-19 có ảnh hưởng gì đến bộ gen hay không? 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM

Bàn về gene cần nói sâu, 2 loại vắc xin vector và mRNA là vắc xin tiền kháng nguyên, tức sử dụng cấu trúc di truyền tạo kháng nguyên, chính cơ thể tạo kháng thể khi chích vắc xin. Vector virus chỉ vào cơ thể và tự tiêu. Thông thường virus tấn công vào cơ thể sẽ nhân lên còn vector virus này tự tiêu đi, chỉ có việc phóng ADN nên không nhân lên được. mRNA cũng như vậy, dẫn cấu trúc sản xuất protein gai, không tạo ra mRNA.

Xét về lý thuyết, tất cả vấn đề có thể xảy ra nên FDA khuyến cáo chích tùy theo mức độ dịch. Chích ngừa rất quan trọng, hiện nay, không ai ép buộc, chỉ khuyến khích. Nếu bạn không chích cũng không sao nhưng nếu bệnh thì không còn cơ hội thay đổi.

  • Tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú ở đâu? Làm cách nào có thể đăng ký vào danh sách được tiêm vắc xin?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thêm:

Hiện nay, việc tiêm vắc xin Covid-19 vẫn theo sự chỉ định của Bộ Y tế, tức là tiêm miễn phí toàn dân chứ chưa đưa vào tiêm chủng dịch vụ. 

Không riêng vắc xin Covid-19 mà đối với tất cả các vắc xin khác như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván; sởi; cúm mùa…, khi thực hiện tiêm chủng ở bất cứ đơn vị nào, những người bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế cũng sẽ được đào tạo bài bản, chuyên sâu về vấn đề khám sàng lọc, xử lý phản vệ sau tiêm nếu có. Hiện tại trên toàn quốc, đặc biệt là TP.HCM đang có rất nhiều đội tiêm lưu động, họ đã được trang bị rất kỹ về kỹ năng và một số trang thiết bị y tế sơ cứu ban đầu nếu có trường hợp sốc phản vệ xảy ra, mặc dù tỷ lệ này là rất nhỏ. Tuy nhiên, theo Quy định mới nhất của Bộ Y tế trong giai đoạn này, nhóm đối tượng phụ nữ đang mang sẽ được khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19 tại bệnh viện có cấp cứu Sản khoa, điều này là rất tốt cho thai phụ có thể an tâm chủng ngừa vắc xin, đảm bảo tính an toàn cao.

Từ ngày 14/8/201, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cũng đã mở đăng ký chích vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và đăng ký theo dõi thai kỳ tại BVĐK Tâm Anh. Khách hàng quan tâm có thể liên hệ:

  • BVĐK Tâm Anh Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên
  • BVĐK Tâm Anh TP.HCM: 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình.

Hoặc có thể đăng ký dễ dàng ở form này: https://tamanhhospital.vn/dang-ky-tiem-covid/

  • Em có lịch tiêm vắc xin Covid-19 loại Moderna, nhưng không biết có thai hay không vì chưa đến ngày để test. Em là nhân viên y tế có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các ngành nghề khác. Vậy em có nên tiêm vắc xin hay không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng I, TP.HCM

Theo tôi nếu ai nhận được tin nhắn chích ngừa Covid-19 thì nên hạnh phúc vì càng có nhiều người được chích ngừa thì dịch càng mau đi xuống. Vì vậy mình nên nhanh chích, nếu trễ thì không biết lần sau có cơ hội hay không.

  • Chích vắc xin Covid-19 được 1 tuần rồi mới phát hiện mình có thai thì có ảnh hưởng gì đến bé sau này không? 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng I, TP.HCM

Chào bạn! Cho đến nay, trong đa số trường hợp, những vắc xin chỉ mang tính kháng nguyên, không phải vắc xin sống giảm độc lực được cho phép tiêm ở phụ nữ mang thai. Đối với vắc xin sống giảm độc lực ngay cả khi chích và phát hiện có thai, các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên có bất cứ can thiệp nào đến thai nhi, mà chỉ tiếp tục theo dõi. 

Thực tế, rất hiếm có loại vắc xin nào thử nghiệm trên đối tượng phụ nữ mang thai. Theo tôi được biết, hiện nay có một loại vắc xin đang được tiến hành với đối tượng phụ nữ mang thai, đó là vắc xin virus hợp bào. Vì theo nghiên cứu, tiêm vắc xin virus hợp bào cho đối tượng phụ nữ mang thai có khả năng bảo vệ được đứa trẻ sinh ra trong vòng 6 tháng đầu. Đó là nghiên cứu duy nhất được tiến hành với đối tượng phụ nữ mang thai cho đến thời điểm hiện tại. 

Tuy nhiên, trong quá trình tiêm vắc xin, có những tình huống bất ngờ phát sinh như trường hợp bạn hỏi. Qua đó, các nhà nghiên cứu thấy được việc tiêm vắc xin không ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Nên trong tình huống này, bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Thậm chí, việc tiêm vắc xin cho thai phụ không chỉ tạo được miễn dịch cho chính bản thân người mẹ, mà còn có khả năng tạo được miễn dịch cho thai nhi vì kháng thể được truyền qua nhau thai. Thứ hai, bạn tiêm mũi vắc xin đầu tiên khi đang mang thai, vậy mũi tiêm tiếp theo của bạn sẽ rơi vào tuần thứ 12, 13 của thai kỳ. Lúc đó, bạn có thể an tâm tiêm thêm một mũi vắc xin nữa mà không phải đắn đo. Về lâu về dài, tôi nghĩ đối tượng được tiêm vắc xin Covid-19 sẽ được mở rộng hơn, không chỉ dành cho thai phụ 13 tuần. Điều này cũng giống như việc ban đầu, chúng ta rất quan ngại khi tiêm vắc xin cho phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ mang thai. Sau đó, do tình hình dịch bệnh, chúng ta mở rộng đối tượng hơn để tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên, không bàn đến việc tiêm chủng cho phụ nữ cho con bú nữa. 

Tôi hy vọng, sau này khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta sẽ không phải bàn đến việc có tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai dưới 12 tuần nữa. Nếu tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát, rất có khả năng đối tượng tiêm ngừa vắc xin sẽ tiếp tục được mở rộng ra. Dù vậy, bạn vẫn cứ yên tâm vì vắc xin sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.

  • Vợ em tiêm mũi 1 vắc xin Pfizer được 10 ngày thì phát hiện có bầu được 4 tuần. Vợ chồng em có nên giữ lại thai nhi hay không? Và nếu giữ lại thì cần theo dõi gì hay không ạ?

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Bạn hoàn toàn yên tâm. Mặc dù hiện tại chưa có dữ liệu nghiên cứu, nhưng thông qua ý kiến của các chuyên gia thì đây không phải là vắc xin sống giảm độc lực, không ảnh hưởng đến gen hình thành tế bào ở thai nhi. Do không có dữ liệu nên người ta không khuyến cáo, chứ không phải là chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai. Và bạn cũng biết, các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, họ cũng tiêm vắc xin Pfizer hay Moderna cho phụ nữ mang thai ở bất cứ giai đoạn nào, thành ra bạn yên tâm.

Về việc theo dõi thai kỳ, bạn cứ làm theo những hướng dẫn của bên sản phụ khoa, khám định kỳ để theo dõi chứ không có chỉ định hủy thai gì hết.

  • Thưa bác sĩ, 3 tháng trước, ngày 6/5 em có tiêm mũi 1 Astrazeneca, sau đó 2 tháng em thử que 2 vạch nên em không tiêm mũi 2. Hiện tại em mang thai 10 tuần, nếu đủ 13 tuần em sẽ tiêm lại 2 mũi hay chỉ tiêm 1 mũi thứ 2 ạ. Em cảm ơn các bác sĩ.

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Đối với trường hợp trên đã từng tiêm mũi 1 AstraZeneca cách đây 3 tháng thì giai đoạn hiện tại đang mai thai từ tuần thứ 13 chỉ cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin cùng loại nữa là được. Đối với loại vắc xin này, khoảng cách giữa hai mũi tiêm từ 4-12 tuần, nhưng đứng về mặt nguyên tắc của vắc xin, không thể tiêm sớm hơn 4 tuần nhưng nếu tiêm sau 12 tuần cũng không sao cả, mũi 1 vẫn được tính và chỉ cần tiêm thêm 1 mũi nữa là hoàn thành phác đồ.

  • Nên chích ngừa vắc xin Covid-19 trước hay vắc xin phòng uốn ván trước thưa bác sĩ?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Trong thai kỳ, chắc chắn phụ nữ cần phải chích ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam đó là chích ngừa uốn ván. Đối với người có thai lần đầu tiên, nên thực hiện chích 2 mũi vắc xin. Đối với người có thai lần thứ 2, tùy theo thời gian từ lúc chích ngừa lần đầu tiên tới thời điểm hiện tại để quyết định nên chích lại 2 mũi hay 1 mũi vắc xin. Nếu như bạn đã có chích ngừa 2 mũi vắc xin uốn ván trong 5 năm trở lại đây thì thai kỳ lần nào bạn chỉ cần chích thêm 1 mũi. Mũi vắc xin uốn ván được khuyến cáo tiêm trễ nhất trước ngày dự sinh 1 tháng, do vậy nếu xét thứ tự ưu tiên, thai kỳ của bạn đang ở 24 tuần thì chúng ta cần ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 trước, sau đó tới tháng cuối cùng có thể chích 1 mũi vắc xin uốn ván được.

Hiện nay, chúng ta thấy rằng, có rất nhiều loại vắc xin uốn ván an toàn và hiệu quả, đã được các tổ chức y tế, Hiệp hội trên thế giới khuyến cáo nên chích cho phụ nữ đang mang thai như vắc xin Tdap, giúp truyền kháng thể vừa phòng uốn ván và cả cho gà cho em bé sơ sinh để trẻ có thể hưởng được các kháng thể trong 6 tháng đầu đời.

Nếu phải chọn lựa giữa 2 loại vắc xin, thì chúng ta sẽ lựa chọn vắc xin Covid-19 vì dịch diễn biến phức tạp. Do vậy, nếu địa phương mời bạn đi chích ngừa thì bạn nên đi chích trước, còn uốn ván chích chậm lại sau đó. 

  • Thưa bác sĩ, nếu tôi tiêm vắc xin uốn ván được 5 ngày thì có thể tiêm vắc xin Covid-19 ngay được không? Nếu được thì nên tiêm loại vắc xin nào tốt nhất?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng như là Hiệp hội Y học bào thai, phụ nữ mang thai có thể tiêm nhiều loại vắc xin tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, chưa có một hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này, hiện nay có vắc xin Moderna quy định khoảng cách giữa các loại vắc xin khác là 2 tuần và trong bảng khai báo sàng lọc trước tiêm đang có một câu hỏi: “Gần đây bạn có tiêm vắc xin gì hay không?”, có lẽ việc đánh giá dị ứng, phản vệ của một loại vắc xin cũng có thời gian nhất định. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất nên tiêm vắc xin Covid-19 cách các loại vắc xin khác là 2 tuần.

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Cần có một khoảng thời gian đầu để đánh giá các tác dụng phụ cũng như đáp ứng miễn dịch của loại vắc xin đó. Không chỉ vắc xin Covid-19, mà tất cả các vắc xin khác cũng vậy đều khuyến cáo nên có khoảng cách 14 ngày sau khi tiêm một loại vắc xin. Tuy nhiên, theo Quy định mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành không quy định rõ vấn đề khoảng cách này nữa, đối với trường hợp vừa tiêm vắc xin uốn ván được 5 ngày vẫn có thể tiêm được vắc xin Covid-19 trong tình hình dịch đang căng thẳng. Việc tiêm sát ngày cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả, an toàn của các loại vắc xin, vì chỉ hai loại vắc xin sống mới phải giữ đúng khoảng cách 28 ngày. 

  • Em đang ở tuần thai 36 thì em có nên đi tiêm không hay chờ sinh em bé xong rồi thì đi tiêm vắc xin Covid-19 ạ? 

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Xuyên suốt cuộc trò chuyện hôm nay thì chúng ta đã biết được là cần nhanh chóng tạo ra kháng thể để chống lại Sars-Cov 2 và đặc biệt là hiện nay đã có nhiều báo cáo tử vong trên toàn thế giới. Vì vậy đừng chần chừ, ngay cả khi chúng ta 38 tuần thai cũng có thể chích ngừa, và ngay sau sinh nếu được gọi đi chích thì xin các chị em đã sinh hoặc mổ lấy thai vẫn chích để nhanh chóng tạo kháng thể bảo vệ cho mình và em bé. 

Xem thêm: TÂM ANH TP.HCM TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN COVID-19 CHO MẸ BẦU

TIÊM VẮC XIN CHO PHỤ NỮ CÓ THAI KỲ ĐẶC BIỆT

  • Em đang mang thai được 10 tuần, lúc thai 8 tuần em đi khám thì bác sĩ nói thai bị bóc tách 25%, nếu đến giai đoạn 13 tuần thai đã ổn định thì em có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Đối với trường hợp thai được 10 tuần bị bóc tách 25%, nếu như khi thai được 13 tuần sức khỏe thai kỳ ổn định thì vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 bình thường, không nên quá lo lắng về vấn đề việc tiêm ngừa gây ảnh hưởng đến thai di hay dọa sảy thai, bóc tách tái diễn. Nên nắm bắt cơ hội được tiêm ngừa để có thể bảo vệ sức khỏe tốt nhất trong mùa dịch.

  • Em đang mang thai được tuần thứ 13, cách đây hai tuần em bị xuất huyết túi thai nay đã ổn định, vậy em có tiêm vắc xin Covid-19 được không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Trường hợp thai nhi bị xuất huyết túi thai, dọa sảy thai nhưng đã được điều trị ổn định từ tuần thứ 13 thì vẫn có thể được tiêm vắc xin Covid-19. Tôi khuyến cáo, nếu được nên tiêm để bảo vệ sức khỏe. Việc dọa sảy xảy ra là yếu tố sản khoa từ trước, chúng ta không nên quá lo lắng về vấn đề chích ngừa có thể gây ra sảy thai bởi vì hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều này.

  • Thưa bác sĩ, vợ em đang mang thai đôi thì khi tiêm có nguy cơ gì khác so với các mẹ mang thai đơn không? Nếu có thì cần lưu ý những gì ạ? Cảm ơn các bác sĩ.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Đối với việc tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19, giữa thai đơn và thai đôi nhìn chung không có điểm gì khác biệt nhau, cho nên vẫn khuyến khích thai phụ tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, về mặt sản khoa, các biến chứng của thai đôi sẽ khác với thai đơn: nguy cơ sinh non, sảy thai to… chứ không phải vì tiêm vắc xin Covid-19 có thể gây ra các biến chứng đó. Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, thai phụ khám sức khỏe thai nhi định kỳ để được thăm khám, sàng lọc một số các yếu tố nguy cơ, các bác sĩ cũng sẽ tư vấn rõ ràng các yếu tố đa thai cho người mẹ. Hiện tại tất cả các dữ liệu trên thế giới về sản khoa không cho thấy có sự khác biệt giữa thai đơn và đa thai trong vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19.

  • Thưa bác sĩ, em đang mang thai 33 tuần thai IVF, vậy em có tiêm vắc xin Covid-19 được không, khi tiêm có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Đối với trường hợp thai đã 33 tuần, khi tiêm vắc xin Covid-19 sẽ không còn những lo lắng về tác động đến gen, biến đổi, hình thái học của thai kỳ, cho nên vẫn nên đi tiêm vắc xin sớm để bảo vệ cơ thể. Sau khi tiêm thường sẽ có một vài phản ứng phụ như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ… sẽ tự hết sau vài ngày, các chị em mang thai IVF cứ an tâm theo dõi sức khỏe sau tiêm bình thường như những chị em mang thai tự nhiên khác.

  • Em bị dị ứng thai kỳ, ngứa và nổi mề đay vào những tháng cuối, hiện em đang mang thai bé thứ hai được 13 tuần thì có tiêm vắc xin Covid-19 được không? 

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Hiện nay, theo Quy định mới về hướng dẫn khám sàng lọc tiêm vắc xin Covid-19 tại nước ta chỉ hoãn tiêm với các trường hợp dị ứng nặng độ 2, 3. Trường hợp của bạn bị ngứa, nổi mề đay không phải phản ứng phản vệ độ 3 nên vẫn tiêm vắc xin Covid-19 bình thường, nhưng khi đi tiêm cần khai báo đầy đủ các tiền sử dị ứng trước đây cho bác sĩ khám sàng lọc được biết, để các bác sĩ có thể đánh giá đầy đủ thể trạng sức khỏe có đạt chuẩn chỉ định tiêm hay không. Chú ý sau tiêm nên ở lại theo dõi sức khỏe 30 phút theo quy định xem có phản ứng nào xảy ra hay không, về nhà tiếp tục theo dõi thêm nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường thì nên đến các điểm y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

  • Em mang thai 33 tuần, bị tan máu bẩm sinh beta thalassemia, không dùng thuốc kháng đông. Vậy nên tiêm vắc xin Covid-19 được không, cần lưu ý gì?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Cảm ơn câu hỏi của bạn, như chúng ta biết beta thalassemia là bệnh tan máu bẩm sinh, đơn gen, thể ẩn. Hiện nay, bạn đang mang thai, mắc một loại bệnh tan máu bẩm sinh, nếu không có biểu hiện gì khác lạ và không điều trị gì thì hoàn toàn có thể tiêm vắc xin Covid-19.

  • Phụ nữ mang thai bị hen suyễn, bệnh tim, tiểu đường… có tiêm vắc xin Covid-19 được không và cần lưu ý gì không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Tôi gặp nhiều câu hỏi này. Hiện phiếu sàng lọc có những câu hỏi, nếu không mắc các bệnh cấp tính (trở nặng) và bệnh mạn tính đã ổn định… thì có thể chích ngừa. Ví dụ, thai kỳ đái tháo đường thì có thể tiêm. Bệnh lý tim mạch trừ khi thở máy, nhiễm khuẩn thì mới cân nhắc, còn lại vẫn có thể tiêm. Nói chung cho các trường hợp: tiền sản giật, cao huyết áp… khi kiểm soát tốt và không cấp tính thì vẫn nên tiêm khi có cơ hội.

  • Thai phụ tháng cuối bị nhiễm độc thai nghén, theo dõi ổn định thì liệu có tiêm vắc xin Covid-19 được không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Nhiễm độc thai nghén là một từ được dùng khá là kinh điển, hiện nay sản khoa dùng là tăng huyết áp trong thai kỳ. Và nếu tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ được điều trị ổn thì đây có thể là tình trạng tiền sản giật không dấu hiệu nặng hoặc cao huyết áp đơn thuần. Thành ra bạn vẫn có thể chích ngừa Covid-19 được. Chúng ta nên đi chích ngay khi có lời mời từ địa phương hoặc khi chúng ta có cơ hội.

  • Em đang mang thai 26 tuần có mang gen đông máu thrombophilin đang tiêm lovenox 40mg mỗi ngày thì có tiêm được vắc xin ngừa Covid-19 hay không? Em cũng vừa tiêm mũi uốn ván mũi 1 vào ngày 12/7 ạ.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Đối với việc bạn có gen tăng đông máu và sử dụng lovenox thì bệnh này có liên quan đến việc sử dụng các thuốc chống đông để dự phòng huyết khối. Đây là một trong những yếu tố trong khai báo trước khi sàng lọc mà chúng ta cần khai báo. Trường hợp này chúng ta cần có sự tham vấn của một số chuyên gia như bác sĩ tim mạch cho toa thuốc để dự phòng huyết khối. Nếu đồng thời chích Covid và sử dụng thuốc kháng đông, nếu chúng ta cân bằng được lợi ích thì vẫn có thể chích vắc xin Covid-19 được. Tôi nghĩ bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ tim mạch đang điều trị cho bạn về việc sử dụng lovenox. Nếu bạn vẫn sử dụng lovenox hiệu quả, không gây ra những huyết khối trong tĩnh mạch thì bạn vẫn có thể chích vắc xin ngừa Covid-19 được. Gánh nặng nếu chúng ta bị nhiễm Covid-19 sẽ làm tăng tình trạng đông máu, thành ra chúng ta phải có kháng thể để bảo vệ cho mình.

  • Vợ em hiện mang thai 21 tuần, vợ em bị hở van 2 lá 3/4. Việc tiêm vắc xin có ảnh hưởng gì hay không?

Vợ anh mang thai 21 tuần và bị hở van 2 lá 3/4, nếu không ở trong giai đoạn cấp tính, tức là không có biểu hiện suy tim thì vẫn nên chích ngừa Covid-19. Nếu bà xã anh có lời mời từ địa phương hay cơ hội tiêm ngừa nào thì đừng bỏ lỡ mà nên chích ngừa ngay. 

  • Em đang dùng thuốc tránh thai hằng ngày, khi đi chích ngừa về thì có nên tiếp tục uống thuốc không?

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Thuốc tránh thai có estrogen, có thể gây huyết khối. Chúng ta nhận biết được dấu hiệu như: nhức đầu dai dẳng, nhìn đôi, mờ mắt… vắc xin nào cũng có thể gây ra hội chứng này. Việc chích ngừa và uống ngừa thai thì các bạn vẫn cứ tiếp tục. Nhưng chúng ta phải nhận biết sớm dấu hiệu của tác dụng phụ, dấu hiệu để nhận biết phản vệ.

Với vắc xin Covid-19 thì cần theo dõi trong 28 ngày. Chúng tôi đã có những hướng dẫn, phác đồ để điều trị. Vắc xin là an toàn nhưng vẫn có thể có những rủi ro, chúng ta cần trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe.

Hiện nay các đội tiêm của VNVC đến các điểm tiêm đều hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết, những tác dụng tại chỗ, dấu hiệu phát hiện phản ứng phản vệ. Chúng tôi có thông tin phát cho từng khách hàng và để khách hàng có thể nhận biết và đi đến bệnh viện một cách kịp thời.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Rất nhiều chị em thắc mắc về vấn đề này, chúng ta biết thuốc ngừa thai hiện tại có hàm lượng estrogen, và càng ngày hàm lượng này càng được giảm nhưng vẫn đảm bảo tác dụng. Có một nhược điểm là estrogen là có thể gây huyết khối. Tuy nhiên khi làm nghiên cứu trên những trường hợp có uống thuốc ngừa thai lâu dài thì tỷ lệ này rất là thấp, thấp hơn phụ nữ đang mang thai vì mang thai có tình trạng tăng đông. Chị em đang uống thuốc ngừa thai cũng không nên bỏ ngang vì hiện nay có ghi nhận những trường hợp đó nhưng rất là hiếm. Chích ngừa Covid-19 chúng ta vẫn chích, nhưng không được bỏ uống thuốc ngừa thai. 

Và như bác sĩ Chính nói, hiện nay chúng ta đang giãn cách xã hội, nếu có những lo lắng chích ngừa xong bỏ thuốc ngừa thai thì chắc ngành sản phụ khoa sau đợt giãn cách này sẽ rất vất vả trong chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ bởi không có kế hoạch hóa gia đình. 

  • Em đang mang thai 17 tuần, tháng thứ bảy em xét nghiệm dương tính Covid-19. Hiện đã hoàn thành điều trị và cách ly, em có thể tiêm vắc xin Covid-19 không? 

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Theo như hướng dẫn của bộ Y tế cũng như những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, những người đã mắc bệnh Covid-19 thì sau 6 tháng mới tiêm. Sau khi nhiễm bệnh thì ít nhiều bạn đã có kháng thể. Vì vậy sau 6 tháng hãy tiêm vắc xin Covid-19.

  • Nếu mẹ bầu từng bị F0 đã điều trị tại nhà, hiện đã âm tính thì có cần chích vắc xin nữa không ạ?

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Như tôi đã chia sẻ, hiện nay Bộ Y tế đã quy định những người biết mình mắc Covid-19 thì sau 6 tháng đã có thể tiêm được vắc xin Covid-19. Thành ra bạn an tâm 6 tháng sau bạn có thể đi tiêm vắc xin Covid-19 được. Hiện nay bạn vẫn đang có kháng thể bảo vệ khỏi Covid-19, thành ra bạn vẫn có thể chờ đợi.

Xem thêm: MẸ BẦU CẦN LƯU Ý GÌ KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19?

TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO PHỤ NỮ ĐANG NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

  • Tôi đang nuôi con bằng sữa mẹ, nếu tiêm vắc xin, liệu sau này có di chứng gì để lại cho bé hay không vì hiện tại vắc xin Covid-19 chưa được nghiên cứu cụ thể ở bé đang bú sữa mẹ? 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM

Thứ nhất, phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ khác hoàn toàn với phụ nữ đang mang thai, vì bú sữa mẹ người ta không thấy mARN thông tin truyền qua sữa mẹ. Khi vắc xin được đưa vào cơ thể sẽ vào cấu trúc di truyền để tạo ra protein gai, từ protein gai mới tạo ra được kháng thể và kháng thể mới đi qua được sữa mẹ. Ngay cả protein cũng không chắc chắn có thể truyền qua được qua đường sữa mẹ. Cho nên bạn không nên lo lắng. Tiêm chủng là một cơ hội, có thể lần trước bạn không được chích ngừa vì chưa có hướng dẫn rõ ràng, bây giờ bạn có cơ hội để chích ngừa phòng bệnh kịp thời.

  • Em sinh mổ ở Bệnh viện Tâm Anh, đến nay được 1,5 tháng, có chích được vắc xin Covid-19 hay không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Trong hai tuần vừa qua, đơn vị liên tục trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Như chúng ta biết, ngày hôm qua, Bộ Y Tế ban hành hướng dẫn tạm thời về việc chích ngừa vắc xin cho phụ nữ có thai. Trong đó, có nội dung phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu không chống chỉ định trong việc chích ngừa. Ở nhóm cho con bú, chúng ta an toàn khi chích ngừa vắc xin Covid-19. Phụ nữ cho con bú nên đi chích ngừa vắc xin và khi đi tiêm về không nên ngừng cho con bú vì 6 tháng đầu trẻ nên bú sữa để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

  • Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ có bắt buộc phải cai sữa cho bé không ạ?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Trường hợp phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ không phải chống chỉ định mà là tạm thời hoãn tiêm trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, ngày 10.8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó quy định phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc xin Covid-19 bình thường, cho nên bạn có thể an tâm là sau tiêm vẫn có thể cho con bú sữa mẹ, không có vấn đề gì phải lo lắng.

  • Con em 9 tháng mới tiêm vắc xin viêm não cách đây 3 ngày, ngày mai em có lịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, vậy em thể cho con bú sau tiêm không? Vì em được biết 2 mũi vắc xin phải cách nhau 2 tuần ạ

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Tôi thấy là bạn đã theo dõi sát sao thông tin của Bộ Y tế nên bạn biết rất rõ vắc xin Covid-19 cách những vắc xin khác 14 ngày. Tuy nhiên, hôm trước khác, hôm nay khác. Với hướng dẫn của Bộ Y tế hiện bạn cứ yên tâm đi tiêm, không lo ngại gì, không phải chờ đợi 14 ngày như trước đây nữa.

  • Gia đình tôi có bé nhỏ 2 tuổi. Nếu mẹ bé đang cho con bú bằng sữa mẹ thì liệu tiêm vắc xin Covid-19 có tăng kháng thể cho bé không? 

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Khi mẹ được tiêm ngừa thì ít nhiều kháng thể sinh ra trong cơ thể mẹ sẽ có ở sữa mẹ và em bé sẽ được hưởng thụ. Tiếp nữa là tiêm ngừa sẽ giúp mẹ khỏe mạnh, có một phương pháp được gọi là phương pháp “kén tằm” có nghĩa là trong trường hợp em bé chưa đủ tuổi để có thể tiêm ngừa thì những người phụ huynh xung quanh bé nên tiêm phòng. Ví dụ như ho gà, nếu người thân bé có tiêm vắc xin ho gà thì có thể bảo vệ được em bé, như vậy, em bé cũng sẽ khỏe mạnh.

Một lưu ý là với vắc xin Covid-19, dù có tiêm ngừa đầy đủ và bảo vệ chính bản thân nhưng nếu bạn đi ra ngoài thì vẫn có khả năng bị lây nhiễm bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Vì vậy, dù tiêm ngừa bạn vẫn phải thực hiện 5K, vệ sinh khử khuẩn.

  • Tôi bị K giáp đã phẫu thuật từ năm 2018 đến giờ, tình hình sức khỏe ổn định, vẫn duy trì uống thuốc hàng ngày. Hiện tôi đang cho con bú, cháu đã hơn 1 tuổi vậy có tiêm được vắc xin Covid-19 không ạ?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Tình trạng K giáp hiện nay đã ổn, tôi đoán rằng chắc lần phẫu thuật trước chị đã cắt trọn tuyến giáp, thành ra hiện tại chị vẫn đang sử dụng thuốc nội tiết để thay thế, hỗ trợ cho việc không có hormone tuyến giáp. Và chị cũng đang cho con bú, có nghĩa là chị vẫn đang là một người hết sức bình thường ở hiện tại. Vì vậy, không có lý do gì khiến chị không chích ngừa Covid-19 được. Thành ra rất mong chị đi chích ngừa liền ngay khi có lời mời của địa phương hoặc có cơ hội.

  • Tôi hiện cho con bú, bé được 12 tháng 14 ngày, vậy tôi có chích ngừa vắc xin Covid -19 được không? Hiện bé đang bị ít hồng cầu hơn so với mức chuẩn, hồng cầu ở mức 71,7 ạ.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Hiện nay, việc bạn đang cho con bú vẫn hoàn toàn có thể tiêm được vắc xin ngừa Covid. Như tôi đã chia sẻ, đây cũng chính là cơ hội để chúng ta bảo vệ bản thân. Do đó, tôi nghĩ bạn nên tiêm ngừa nếu được địa phương mời.

  • Vợ cháu đang cho con bú ở tháng thứ 9, có tiền sử dị ứng với dòng Biseptol và đang mắc chứng bệnh Still ở người lớn (viêm cột sốt dính khớp) thì có chích được vắc xin ngừa Covid-19 không ạ? Nhờ bác sĩ tư vấn ạ.

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Hiện tại, theo quy định của Bộ Y tế, nếu chúng ta bị dị ứng phản vệ độ 3, hoặc phản vệ độ 2 đối với các thành phần có trong vắc xin, hoặc phản vệ đối với lần tiêm trước đó thì mới thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19. Đối với trường hợp đang cho con bú, có tiền sử dị ứng với một dòng kháng sinh nào đó thì hoàn toàn có thể tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Nếu cơ hội nên đi tiêm phòng sớm để có kháng thể chống lại dịch bệnh.

  • Tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú ở đâu? Có thể đăng ký tiêm tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC hoặc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được không? Làm cách nào có thể đăng ký vào danh sách được tiêm vắc xin?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Hiện nay, việc tiêm vắc xin Covid-19 vẫn theo sự chỉ định của Bộ Y tế trên toàn quốc, tức là tiêm miễn phí toàn dân chứ chưa đưa vào tiêm chủng dịch vụ. Tuy nhiên, theo như quy định mới nhất của Bộ Y tế đối với phụ nữ mang thai trên 13 tuần sẽ được chỉ định tiêm chủng tại các bệnh viện có khoa sản để có thể chuẩn bị tốt các vấn đề cấp cứu sản khoa như Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh chẳng hạn. Còn đối với các nhóm đối tượng khác như người lớn trên 65 tuổi có bệnh nền ổn định, phụ nữ đang cho con bú, người trên 18 tuổi… đều có thể được triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tại VNVC.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thêm:

Không riêng vắc xin Covid-19 mà đối với tất cả các vắc xin khác như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm mùa…, khi thực hiện tiêm chủng ở bất cứ đơn vị nào, những người bác sĩ, điều dưỡng cũng sẽ được đào tạo bài bản, chuyên sâu về vấn đề khám sàng lọc, xử lý phản vệ sau tiêm nếu có. Hiện tại trên toàn quốc, đặc biệt là TP.HCM đang có rất nhiều đội tiêm lưu động, họ đã được trang bị rất kỹ về kỹ năng và một số trang thiết bị y tế sơ cứu ban đầu nếu có trường hợp sốc phản vệ xảy ra, mặc dù tỷ lệ này là rất nhỏ. Tuy nhiên theo Quy định mới nhất của Bộ Y tế trong giai đoạn này, nhóm đối tượng phụ nữ đang mang sẽ được khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19 tại bệnh viện có cấp cứu sản khoa, điều này là rất tốt cho thai phụ có thể an tâm chủng ngừa vắc xin, đảm bảo tính an toàn cao.

  • Có phải phụ nữ mang thai chỉ có thể tiêm vắc xin Covid-19 tại bệnh viện có điều kiện cấp cứu sản khoa, những nơi khác thì phụ nữ mang thai không được tiêm phải không?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Đây là câu hỏi của rất nhiều người, và trong 24 giờ qua chúng tôi đã trả giải đáp rất nhiều lần. Chúng ta biết rằng, hiện nay tất cả đội tiêm trên toàn TP.HCM đều có trang bị cấp cứu sốc phản vệ, dị ứng. Người tiêm khám sàng lọc kỹ và có kỹ năng sơ cứu, cấp cứu khi có phản ứng xảy ra. Với hướng dẫn, phụ nữ mang thai sau khi nghe tư vấn và đồng thuận nên đến bệnh viện có khoa sản. Tuy nhiên, nếu các cơ sở có kỹ năng, có thiết bị cấp cứu thì vẫn có thể chích, dù đó là trung tâm y tế, đội tiêm, bệnh viện đa khoa không có khoa sản… Vì vậy, chúng ta yên tâm đến chích những điểm chích mà không phải là cơ sở sản khoa.

  • Trong các loại vắc xin Covid-19 đang lưu hành tại Việt Nam như Moderna, Pfizer, AstraZeneca… thì phụ nữ mang thai nên tiêm loại nào?

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chúng ta không nên so sánh. Tất cả các loại vắc xin bạn nêu ra đều tiêm được cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hiệu quả vắc xin là phòng tránh nguy cơ mắc bệnh nặng, giảm bệnh nặng phải thở máy, giảm tử vong… thì các loại vắc xin đó đều như nhau. Đừng chờ đợi hay lựa chọn và đừng nghĩ loại vắc xin nào tốt hơn, tất cả các vắc xin đó đều có tác dụng bảo vệ chống lại Covid-19 và hãy tiêm khi có cơ hội vì đây là các vắc xin được sử dụng trên thế giới.

Nhiều người có tư tưởng là AstraZeneca có tác dụng phụ nhưng những loại khác cũng có tác dụng phụ ở các nước khác. Những người đã tiêm cũng than phiền về tác dụng phụ tại chỗ của các loại vắc xin này. Nên bạn hãy yên tâm.

Xem thêm: Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh