Xây dựng mối quan hệ với báo chí

Trên thực tế, mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp [DN] là mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển. Mối quan hệ này ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới”, do Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] tổ chức chiều ngày 17/7.

Song hành cùng phát triển

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho DN. Đồng thời, DN, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài vô cùng phong phú cho báo chí. Thậm chí, Chủ tịch VCCI còn ví von quan hệ báo chí - DN là cuộc “hôn nhân”, bởi hai chủ thể này đã luôn song hành cùng nhau.

“Báo chí luôn chia sẻ buồn vui cùng DN, là cánh chim báo tin khi DN gặp niềm vui và là nơi chia sẻ cùng DN khi DN gặp nỗi buồn. Khi DN gặp oan sai, DN sẽ tìm đến báo chí để “đánh trống kêu oan. Có những nhà báo được coi là “hiệp sĩ” xả thân bảo vệ DN bị oan sai. Không chỉ bảo vệ DN, báo chí còn luôn hiến kế cùng DN, đồng hành cùng DN trong quá trình thúc đẩy cải cách thể chế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước” – ông Lộc chia sẻ.

Toàn cảnh diễn đàn: Ảnh: Thiện Trần

Dù vậy, theo ông Lộc, không phải lúc nào cuộc “hôn nhân” này cũng “cơm lành, canh ngọt”. Thực tế đã có lúc quan hệ báo chí, DN cũng có những khoảng cách khiến cho thông tin bị sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN. Điều này có thể do một số cơ quan báo chí bị hạn chế về thông tin, hoặc không ngoại trừ do cả những động cơ không trong sáng…

Mặt khác, nhiều DN cũng co cụm lại, không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bộ phận truyền thông hay cơ chế phát ngôn của DN chưa định hình, thống nhất. Nhiều DN còn lúng túng trong tổ chức bộ phận truyền thông, trong kỹ năng quan hệ công chúng và đặc biệt là kỹ năng quan hệ với báo chí…

Chủ động hợp tác

Đồng quan điểm của Chủ tịch VCCI, chia sẻ từ câu chuyện ghi nhận từ DN, ông Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cho biết: “Một DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ với tôi, DN luôn sẵn sàng “chơi” với báo chí nhưng không muốn xuất hiện trên báo chí kể cả tin tốt hay xấu. DN này mỗi năm bỏ ra 1 tỷ đồng cho một tờ báo để ủng hộ người nghèo, nhưng không muốn đưa tên lên mặt báo”. Ví dụ trên cho thấy, trên thực tế, nhiều DN có nhận thức chưa đúng về mối quan hệ của báo chí và DN, hay nhiều DN có tư tưởng né tránh báo chí, sợ bị làm phiền…

Từ thực tế đó, theo ông Miên, để giải quyết những tồn tại trong mối quan hệ báo chí – DN cần từ hai phía. Về phía DN, trước hết người đứng đầu DN phải trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và cung cấp thông tin cho báo chí. Việc từ chối cung cấp thông tin cũng phải có cách, không thể từ chối báo chí mãi được. Thực tế có nhiều báo đã đưa cả phản hồi từ chối của DN lên mặt báo, do đó, kỹ năng giao tiếp của người đứng đầu DN rất quan trọng. Ngoài ra, DN cũng cần có bộ phận truyền thông chuyên nghiệp…

Về phía báo chí, các cơ quan báo chí, người làm báo cần có cái tâm và cái nhìn khách quan khi phản ánh các thông tin liên quan đến DN. “Có những lãnh đạo một số cơ quan báo chí chủ trương “bật đèn xanh” cho phóng viên đi làm kinh tế bằng cách nắm những yếu điểm của DN hoặc tự bản thân một số người xưng danh nhà báo, nhưng hoạt động vì những động cơ không trong sáng nhằm tư lợi cá nhân… Điều này là không thể, phi đạo đức. Nếu cơ quan báo chí, người làm báo không giữ được đạo đức nghề nghiệp thì mối quan hệ này sẽ sứt mẻ” – ông Miên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, cả hai phía [báo chí và DN] cần đồng hành, tôn trọng và phải nhận thức rằng mối quan hệ báo chí – DN là mối quan hệ tương hỗ, “win - win” cùng phát triển. Tất nhiên, đồng hành không có nghĩa là thấy sai phạm của DN mà báo chí làm ngơ, và ngược lại với DN, việc cung cấp thông tin phải chân thực, đầy đủ để phóng viên, nhà báo có sự nhìn nhận đúng hơn vấn đề mà độc giả đang quan tâm…./.

Diệu Thiện

Nhà báo Nguyễn Bé phát biểu tại hội thảo  Ảnh: TL

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam [1925-2016], trong buổi gặp gỡ đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tham dự “Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò và sức mạnh của báo chí trong việc phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó góp phần đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hội nhập với thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh và tầm vóc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với quốc tế.

Ở bất cứ giai đoạn nào, báo chí đều có vai trò quan trọng song hành trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm; phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh

Hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế, nhiều hiệp định thương mại mậu dịch tự do được ký kết, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cầu nối thông tin chính xác, nhanh nhạy giữa các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, để từ đó có được những chính sách thay đổi đúng hướng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Báo chí phải nhận thức được nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp trong “biển” thông tin đa chiều, đó là tính chính xác của thông tin. Cơ quan báo chí phải cố gắng tiếp cận, phản ánh doanh nghiệp cả về nội dung lẫn hình thức thông tin, không vì cạnh tranh thông tin mà lôi kéo độc giả để thương mại hoá tờ báo. Không vì lợi nhuận dẫn đến hậu quả thông tin thiếu trung thực hoặc chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau làm suy giảm lòng tin đối với người đọc nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Bất kể hình thức báo chí truyền thống hay báo chí hiện đại, mục tiêu của báo chí không chỉ là cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Kể cả những chính sách quản lý kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập cũng được báo chí phân tích, mổ xẻ để góp tiếng nói cùng các cơ quan quản lý nhà nước ngày một hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách; tạo môi trường mở giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển.

Mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Nó thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều: Doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp chứ không phải là sự xin - cho. Doanh nghiệp cần đến báo chí để cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giới thiệu dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, tương tác thông tin.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa báo chí và doanh nghiệp là không thể thiếu. Báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở với nhau, tin cậy, tôn trọng nhau cùng một mục tiêu chung là tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng. Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính xác và báo giới cần khách quan và linh hoạt trong việc đưa thông tin chính xác đến với công chúng.

Thời gian qua, bên cạnh mối quan hệ tích cực, thì đâu đó vẫn còn một số bất cập, thậm chí bức xúc, dẫn đến việc thông tin thiếu chính xác trên báo chí gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là: thứ nhất, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cơ chế phát ngôn của từng cơ quan đơn vị vẫn chưa làm tròn sứ mệnh của mình; thứ hai, một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình để phê bình vô căn cứ, thổi phồng quá mức sự việc để làm tiền doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Với trách nhiệm của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi luôn chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức cho những người làm báo. Đặc biệt, Hội đã tạo điều kiện cho hội viên, nhất là những phóng viên nhà báo chuyên viết về mảng kinh tế được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Đã tạo được một số diễn đàn, hội thảo, trao đổi giữa báo chí và doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau đối thoại để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của báo chí và doanh nghiệp.

Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xây dựng cơ chế, chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với những hội viên tài năng, những hội viên có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tăng cường hơn các cuộc thi, giải thưởng báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Video hội thảo "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập hiện nay"

Nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề