Xu hướng phát triển của ngành ô tô

Xu hướng phát triển của ngành ô tô

Ngành Công nghiệp ô tô ra đời chậm so với các nước trong khu vực, để phát triển ngành này trong thời đại công nghiệp 4.0 cần tiếp tục có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô hướng đến ô tô thông minh.

Áp lực đi sau hơn 30 năm
Ngày 25/10/2018, Trong khuôn khổ triển lãm ô tô Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Các nhà nhập khẩu Ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) phối hợp cùng ATFA và Vinalink đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về ngành Công nghiệp ô tô trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1960 trong khi tại Việt Nam đến năm 1991 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới ra đời. Bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đe dọa nền sản xuất trong nước.

Trong xu thế hội nhập khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô. Các chính sách này nhằm đưa Việt Nam trở thành nước có ngành Công nghiệp ô tô phát triển, đảm bảo được khả năng phục vụ nhu cầu của người dân trong nước, tạo sự phát triển của xã hội và tuân thủ theo các quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên có tham gia.

Theo đó, thị trường đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số công ty trong nước Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Huyndai Thành Công, Tập đoàn Vingroup,… và các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới (Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi,…). Tổng jasper alblas boek downloaden năng lực sản xuất – lắp ráp ô tô khoảng 600 ngàn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách.

Một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao như xe tải đến 7 tấn tỷ lệ nội địa hóa đạt 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55% cơ bản đáp ứng mục tiêu để ra vào năm 2020. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ,…

Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất – lắp ráp ô tô.

Đặc biệt, từ năm 2016 sản lượng và tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước so với nhu cầu nội địa/mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg đa số vượt mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành ô tô dự báo vào năm 2020 (riêng xe tải đạt 72%/78%). Từ thực tế đó, Cục Công nghiệp đã và đang nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điểu chỉnh Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cho phù hợp với xu thế mới.

Ông Nguyễn Nam Khang – Bộ phận quản lý sản phẩm – Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, Mercedes-Benz Vietnam luôn có sự nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ về công nghiệp ô tô nói chung và công nghệ trên ô tô nói riêng, dưới sự hỗ trợ của Daimler AG Đức. Sự kết nối trong ngành Công nghiệp ô tô là quá trình áp dụng công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, nghiên cứu và vận hành. Điều này mang lại năng suất lao động tốt hơn, sản xuất chính xác hơn, kỹ thuật nâng cao hơn và sản phẩm tạo ra thông minh hơn, an toàn hơn.

Hướng đến xe ô tô thông minh
Các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, trong xu thế phát triển của ngành công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp ô tô cũng đang từng bước hướng đến phát triển ô tô thông minh. Xu hướng chủ đạo mà các nhà sản xuất ô tô đã và đang nhìn nhận dựa trên sự phát triển của công nghệ với cuộc sống. Sẽ đến lúc nào đó, những chiếc xe hơi sẽ có thể “trò chuyện” với nhau, giao tiếp với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những “người bạn” thân thiết với con người.

Với quan điểm ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển theo bốn xu hướng chính gồm tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ, ông Nguyễn Ngọc
Thành cho rằng, nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ôtô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến cho ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.

“Có thể nói rằng đại đa số sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. Các nhà sản xuất xe hiểu rằng xe hơi không còn là “lãnh địa bất khả xâm phạm” của họ nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ. Rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như Google, Uber, Apple… đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành”, ông Thành chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đàm – Chủ tịch Tập đoàn VAST Group chia sẻ chủ đề “Tương lai công nghệ ô tô trong thời đại công nghiệp 4.0”. Theo ông Đàm, sự kết nối chính là giá trị cốt lõi của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, ngành Công nghiệp ô tô sẽ đi theo ba xu hướng tất yếu gồm: Công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng phù hợp với thời đại mới; công nghệ phần mềm điều khiển thông minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ kết nối và giao tiếp. “Cả ba hướng phát triển đều phục vụ cho một mục đích duy nhất đó là biến một chiếc xe hơi từ phương tiện chuyên chở đơn thuần trở thành một “người bạn” thông minh, xinh đẹp và có khả năng giao tiếp, kết nối với vạn vật xung quanh”, ông Thanh Đàm nói.

Quang Duy